CẦU MỸ LỢI
VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
GÒ CÔNG-TIỀN GIANG
TS. Trần Văn Đạt
|
1. MỞ ĐẦU
Cầu Mỹ Lợi vừa khánh thành vào cuối tháng 8-2015 là một tin vui cho dân Gò Công, tỉnh Tiền Giang và vùng phụ cận, vì thời gian lưu thông giữa các nơi này đến Thành phố ngắn hơn, không bị ùn tắt, chờ đợi lâu tại bến phà Mỹ Lợi. Ngoài ra, cầu Mỹ Lợi với Quốc lộ 50 đang được nâng cấp và mở rộng còn mang đến Gò Công niềm hy vọng lớn, kích thích thu hút đầu tư từ bên ngoài mạnh mẽ hơn, góp phần phát triển nền kinh tế và xã hội trong những tháng năm sắp tới.
Hiện nay, Gò Công và Tiền Giang còn bị ảnh hưởng khá trầm trọng của nền kinh tế cả nước chưa ổn định, nhứt là kể từ cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế thế giới bắt đầu từ 2008 xảy ra tại nước Mỹ, sau đó lan rộng hoành hành trên thế giới. Đến khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn phục hồi thì ngành chứng khoán và bất động sản Trung Quốc bị chao đảo đi xuống; hiện tượng này có thể kéo cả thế giới, nhứt là những nước lệ thuộc kinh tế nhiều vào họ như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp không nhỏ, nếu không có những giải pháp thích ứng, khôn ngoan và kịp thời!
Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2020”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ngày 28-8-15, Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết nền kinh tế Việt Nam trong gần 30 năm qua duy trì tốc độ tăng trưởng khá tốt, tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 1990-2014 đạt 6,9%/năm, nhưng đang tăng chậm lại; Tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam 2014 đạt 186,2 tỷ USD (gấp 29 lần năm 1990) nhưng vẫn còn quá ít so với các nước trong khu vực. Theo tính toán, GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của Việt Nam, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1,8 lần, Singapore gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần (1).
Mức thu nhập bình quân của Việt Nam hiện nay mới 2.200 USD/người/năm, đang bị thụt lùi so với Hàn Quốc 30-35 năm, Malaysia 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm. Đó là chưa kể đến số nợ công trên mỗi đầu người VN đến nay trên 1.000 USD hay 23 triệu đồng, số nợ này mỗi ngày to lớn hơn. Hiện nay VN vẫn còn nằm trong nhóm tụt hậu của khu vực như Cao Miên, Lào và Miến Điện và các nước này có khuynh hướng vượt qua VN trong tương lai gần, nếu không có những cải cách đột phá về kinh tế và xã hội.
Gần đây một chuyên gia kinh tế VN đề cập đến nhận xét của chuyên gia Ngân hàng Thế giới (NHTG hay WB) về sự phát triển ở VN (2): “Một số chuyên gia WB còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển, nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA (Official Development Assistance: hỗ trợ phát triển chính thức) nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!” Tại sao thế? Dường như có một lực cản vô hình làm cho VN không phát triển được, nên bị tụt hậu trong lãnh vực giáo dục, kinh tế, y tế, xã hội…
2. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TIỀN GIANG VÀ GÒ CÔNG
Nếu so với cách đây 40 năm, thực tế hiện nay cho thấy đã có sự phát triển kinh tế khá mạnh tại tỉnh Tiền Giang và Gò Công theo xu hướng chung cả nước, với hệ thống đường xá, cầu cống, trường học, trạm y tế, nhà gạch... được xây dựng mới khắp nơi; các khu cụm công nghiệp mọc lên tại các thành phố, thị xã, thị trấn. Hình ảnh nông thôn và đời sống của dân chúng đã có sự thay đổi lớn hơn so với trước thời kỳ Đổi Mới v.v...
Nhìn xuống tận một xã nhỏ cách Thị xã Gò Công 11 km về phía Đông-Bắc; đó là Xã Tân Phước nằm ở góc sông Soài Rạp và Vàm Cỏ, được bao quanh ở phía Tây, Nam và Đông bởi 3 xã Tân Trung, Tân Tây và Gia Thuận, nay có bộ mặt đã thay đổi hẳn so với ngày xưa. Từ những thôn xóm với đồng ruộng xanh tươi trải dài đến bìa rừng Sác năm nào, bây giờ đã xuất hiện nhiều mồ mã, nhà cửa mọc đan xen khắp nơi. Tiếng động cơ xe Honda vang khắp làng xóm ngày lẫn đêm. Nhiều ngôi nhà gạch lớn xuất hiện từ các gia đình có người làm Cán bộ, bà con Việt kiều, hoặc có chồng Đài Loan. Nhìn chung mặt nổi của tảng băng, toàn xã trông có vẻ sung túc và phát triển nhiều lắm, phản ánh qua phổ biến sâu rộng tiện nghi xã hội hiện đại: điện thoại, đèn điện, lộ giới, cầu cống, trường học, trạm y tế, đường liên ấp được trải nhựa hoặc đút bê tông; nhưng phía dưới tảng băng còn nhiều gia đình không khá giả lắm. Bài viết này không đề cập đến chất lượng cuộc sống do thiếu tài liệu chính xác.
Riêng khu chợ Tân Phước, Ấp 7 trông sầm uất và đông đảo hơn xưa rất nhiều, mặc dù có nhiều chợ nhỏ bùng phát tại mỗi thôn xóm trong xã, nhứt là ấp Rạch Già trước kia không có chợ. Tại khu chợ này, đã xuất hiện đầy đủ các dịch vụ của một thị trấn nhỏ tân thời mà cách nay 40 năm chưa thấy, như có một trường Tiểu học khang trang, 2-3 điểm Cà phê Internet, 2 tiệm làm tóc phụ nữ, 2 phòng Bác Sĩ tư, 2 nơi cho thuê bao xe ô tô, 2 tiệm chụp ảnh, nhiều tiệm cơm, hủ tiếu và phở, tiệm Thuốc tây, thuốc Bắc, chạp phô…, với nhà cửa còn lụp xụp, chen chút thiếu tổ chức của một thị trấn đẳng cấp. Còn có thêm các dịch vụ linh động như mua bán phân bón, gạo, gas… được đưa tới tận nhà và chấp nhận thiếu chịu cho đến mùa gặt lúa mới. Đó là những sự kiện mà trước kia không hề có tại một xã nghèo ở vùng xa, mà người dân các làng khác gọi xã Tân Phước là “Ổ” trong thời loạn lạc!
Tuy nhiên, nhìn tổng thể khi so sánh với một số nước láng giềng top ASEAN-6 (Singapore, Brunei, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines) như nói trên, VN còn kém thua nhiều diện; cho nên, mọi người cần phải cố gắng nhiều hơn để bắt kịp tiến bộ của khu vực.
Về tỉnh Tiền Giang, theo báo cáo tình hình kinh tế tỉnh trong 2014 (3), GDP theo giá thực tế cấp vùng (GRDP) đạt 68.021 tỷ đồng, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 39,6 triệu đồng/người/năm, tăng 5,5 triệu đồng so với năm 2013 (năm 2013 đạt 34,1 triệu đồng). Tình trạng sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,3%, công nghiệp và xây dựng tăng 16,2% và dịch vụ tăng 9,6%.
Hiện nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong khi giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 39% (kế hoạch 39,2%), khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 31,3% (kế hoạch 32,2%), khu vực dịch vụ chiếm 29,7% (kế hoạh 28,6%); năm 2013 tỷ trọng các khu vực này lần lượt là 41,3%, 29,4% và 29,3%. Bình diện quốc gia, trong 2013 nông nghiệp chỉ chiếm 20,8%, trong khi Tiền Giang đến 39%, gần gấp đôi; nghĩa là khâu công nghiệp hóa của tỉnh còn yếu kém so với bình quân cả nước (4).
Tỉnh Tiền Giang cũng tham gia vào xuất khẩu một số loại hàng hóa, nhưng còn giới hạn với kim ngạch 2014 đạt đến 1.480 triệu USD. Các mặt hàng chính gồm có: thủy sản (cá tra filet) với 323 triệu USD, rau quả 7,5 triệu USD, gạo với 102,3 triệu USD, dệt may với 313,6 triệu USD, chủ yếu là làm gia công, phần lớn nguồn nguyên, phụ liệu còn phụ thuộc nhập khẩu. Trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 829,5 triệu USD. Hàng hóa nhập khẩu gồm có ngành công nghiệp chế biến đạt 821,7 triệu USD, trong đó nguyên phụ liệu thức ăn gia súc đạt 165 triệu USD, vải may mặc đạt 147,9 triệu USD và phụ liệu giày dép đạt 137,5 triệu USD.
Tuy nhiên, từ 2008 do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, nền kinh tế của VN và đặc biệt các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển chậm lại đáng kể, làm nhiều nơi có kế hoạch phát triển không thể thực hiện như đã quy hoạch. Tại đất Gò, nhiều dự án lớn đã bị hủy bỏ và một số công trình thi hành chậm trễ. Cụ thể hơn hết, sự chậm trễ thực hiện hoặc bị bỏ từng phần trong quy hoạch khu Công nghiệp Liên hợp Gò Công nằm ven sông Soài Rạp, Vàm Cỏ, từ xã Kiểng Phước, Gia Thuận, Tân Phước đến Bình Đông và Bình Xuân (Gò Công Đông). Khu Công nghiệp Liên hợp này gồm có khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Gia Thuận) với nhiều dự án cảng biển, đóng tàu, chế biến các sản phẩm dầu khí, các nhà máy, khu đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch…, trên diện tích độ 5.000 ha. Đến nay chỉ có Dự án Nhà máy ống thép Dầu khí của Khu Công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp được triển khai trên diện tích 22,9 ha tại Vàm Láng, qua Công ty Cổ Phần Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam (PV-PIPE) chuyên chế tạo ống thép phục vụ cho ngành dầu khí. Nhà máy này đã xây dựng xong và đi vào hoạt động sản xuất từ đầu 2012. Còn dự án cảng biển, đóng tàu của tập đoàn Vinashin ven sông Soài Rạp bị hủy bỏ. Hiện thời, một khu rừng lá phòng hộ trên bờ sông Soài Rạp đã bị phá hủy và lấp đầy đất cát tại xã Tân Phước-Gia Thuận dành cho khu công nghiệp, nhưng bị bỏ hoang! (12).
Ngoài ra, Gò Công còn có một số dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho giai đoạn 2011-2015, khu đô thị mới Bình Đông, khu công nghiệp Bình Đông chưa được khai triển như quy hoạch. Khu du lịch sinh thái Bình An, Tân Thành đã hoạt động nhưng vắng khách.
Những sự kiện chậm triển nêu trên một phần do áp lực của nền kinh tế suy thoái trên thế giới và trong nước lúc ban đầu, nhưng chủ yếu do tình trạng hạ tầng cơ sở địa phương còn quá yếu kém nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhứt là từ tuyến giao thông trên QL 50 chưa hiệu quả và Bến phà Mỹ Lợi ùn tắc làm nản lòng các nhà đầu tư không ít.
Cầu Mỹ Lợi được hoàn thành tuy trễ hơn kế hoạch 3 năm, nhưng sẽ tạo cơ hội tốt cho kinh tế đất Gò vượt khó tiến lên khi có những cố gắng và quan tâm đúng mức của giới hữu trách liên hệ. Cầu được khai thông kỹ thuật ngày 29 tháng 8, 2015 và được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 1.438 tỉ đồng. Cầu có chiều dài tổng cộng hơn 2,6km qua sông Vàm Cỏ (phần cầu dài hơn 1,4km). Bề ngang cầu rộng 12m với 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ (5) (Hình 1). So với dự án cầu Mỹ Lợi quy hoạch trước thời kỳ suy thoái kinh tế, cầu sẽ được đầu tư với tổng số vốn lớn hơn: 1.654,7 tỉ đồng và thiết kế của cầu rộng 16m, có 4 làn xe cơ giới, chịu được động đất cấp 6. Phần cầu chính có 5 nhịp vòm thép (150m/nhịp) (Hình 2) (http://tuoitre.vn, 3-3-2009).
Hình 1: Cầu Mỹ Lợi khai thông 29-8-15 Hình 2: Phối cảnh cầu Mỹ Lợi ban đầu (2009)
Nay cầu Mỹ Lợi đã khai thông, rút ngắn thời gian giao thông giữa các địa phương và Thành phố, kết nối với QL 50 đã được nâng cấp (nhưng chưa mở rộng xong như quy hoạch cho giai đoạn 2, đặc biệt trong địa bàn tỉnh Long An) sẽ góp phần kích thích phát triển kinh tế của các vùng lân cận, đặc biệt vùng Gò Công và tỉnh Tiền Giang, cũng như hoàn thành mạng lưới giao thông của hai tỉnh Long An và Tiền Giang. Hơn hết, sự kiện này sẽ thu hút sự quan tâm của giới bất động sản và nhà đầu tư đến khai thác trong thời gian sắp tới.
3. 3 MŨI NHỌN PHÁT TRIỂN CHỦ LỰC CỦA GÒ CÔNG (cũng như Tiền Giang)
Hướng về tương lai trung hạn, 3 lãnh vực trụ cột sau đây có thể giúp tạo cơ sở thúc đẩy Gò Công phát triển mạnh hơn: (1) Nâng cấp công nghệ thông tin, (2) Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và (3) Nâng cao chất lượng ngành nông nghiệp, mà vùng đất này có tiềm năng lớn với ưu đãi địa lý. Khi ba lãnh vực đó đạt tiến bộ lớn sẽ là sức bật cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch quan trọng khác và chỉ có cải tiến ba lãnh vực này mới có thể đưa mức độ phát triển đất Gò và Tiền Giang lên một tầng cao hơn.
(1) Nâng cấp công nghệ thông tin (CNTT) là một công nghệ mũi nhọn của Thế kỷ 21, có tiềm năng rất lớn, có thể nói là vô tận, không những giúp nhân loại giải quyết lượng thông tin khổng lồ một cách nhanh chóng mà còn giúp mọi ngành nghề khác hoạt động hữu hiệu và chính xác, tạo nhiều việc làm mới mỗi ngày, góp phần vào phát triển xã hội và đưa nền văn minh nhân loại lên tầm cao hơn với thời gian. Do đó, chỉ nhìn vào mức độ phát triển CNTT tại một địa điểm, một công ty hay một huyện, một tỉnh, một quốc gia, người ta có thể suy đoán nơi đó đang tiến bộ đến mức nào.
Cho nên, sự phát triển, ứng dụng và sáng kiến của CNTT không thể là quá muộn hay sớm cho bất cứ ai ở vào bất cứ thời điểm nào. VN, Tiền Giang hay Gò Công có thể lựa chọn CNTT là điểm nhấn của sự phát triển tương lai gần, nếu cấp lãnh đạo có sự hiểu biết thấu đáo, sách lược khôn ngoan, chánh sách hỗ trợ đúng mức và quản lý hữu hiệu. Theo Wiki.org (4), CNTT hay IT (Information Technology) là một nhánh ngành kỹ thuật sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền tải và thu thập thông tin. Các hoạt động chính của CNTT “bao gồm quá trình tiếp thu, xử lý, lưu trữ và phổ biến hóa âm thanh, phim ảnh, văn bản và thông tin số bởi các vi điện tử dựa trên sự kết hợp giữa máy tính và truyền thông”.
Trên thế giới, phát triển CNTT tăng gia một cách chóng mặt, chẳng hạn năng suất ứng dụng máy điện toán vào tính toán thông tin trên thế giới bình quân mỗi đầu người tăng gấp đôi trong vòng 14 tháng; năng suất bình quân đầu người về mục đích sử dụng máy tính đã tăng gấp đôi mỗi 18 tháng trong suốt 2 thập kỷ qua (4)… Ngành CNTT rất đa dạng, được ứng dụng trong mọi khía cạnh đời sống con người. Đối tượng phục vụ CNTT từ 1 người muốn có 1 máy vi tính, một xí nghiệp muốn có một trang mạng đến một chính phủ muốn có một chính phủ điện tử hay cả thị trường rộng lớn trên thế giới. Từ Gò Công và Tiền Giang, bạn có thể làm việc hoặc đáp ứng đòi hỏi của cơ quan, địa phương, các Thành phố trong nước và các công ty nhỏ hoặc công ty đa quốc gia trên thế giới… Các nước Philippines, Pakistan, Ấn Độ, Singapore… đang làm việc gia công các hoạt động có liên hệ với CNTT cho các nước Mỹ, Âu Châu... từ quốc gia họ.
Vì thế, tiềm năng phát triển CNTT rất to lớn, luôn luôn còn đó, đang chờ sự tham gia của Gò Công, Tiền Giang và Việt Nam với cộng đồng thế giới; nhưng dường như VN vẫn còn đi chậm chạp trong lãnh vực này, ngay cả trong các cơ quan hành chánh địa phương và trung ương vẫn còn quản lý các thông tin và hoạt động hàng ngày bằng tay trên bàn giấy! Để thay đổi và vực dậy ngành CNTT tại VN, các thủ trưởng phải bị bắt buộc theo khóa huấn luyện, làm việc trực tiếp với máy vi tính, mà không có người cấp dưới làm thay thế như hiện nay. Đặc biệt công tác đào tạo nhân sự phải được quan tâm triệt để. Có như thế, cấp lãnh đạo mới hiểu được sự nhiệm mầu, chức năng hữu hiệu, chính xác và lợi ích của máy vi tính và CNTT. Nghĩa là cần có cái đầu lãnh đạo hiểu biết và sử dụng trực tiếp máy vi tính để vi tính hóa các công việc hành chính hàng ngày của chính họ và những người thuộc cấp. Khi nào VN thực hiện được như vậy mới thực sự có chính phủ điện tử!
Tỉnh Tiền Giang cũng có kế hoạch tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đầu tư ứng dụng CNTT theo hướng tập trung hiện đại, tận dụng mọi nguồn lực địa phương, đảm bảo tiết kiệm ngân sách nhà nước, đào tạo và nhận chuyển giao công nghệ từ các dự án CNTT nhằm nâng cao trình độ chuyên môn,... Chủ yếu Tỉnh hướng về nâng cấp và cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin (xây dựng mạng, kết nối chuyên dùng, mở rộng Cổng thông tin và triển khai dịch vụ công trực tuyến) và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong điều hành quản lý cơ quan nhà nước, dữ liệu chuyên ngành…. (3); nhưng vẫn còn giậm chân tại chỗ trong thực tế!
Sự kiện cầu Mỹ Lợi vừa hoàn tất trên sông Vàm Cỏ, mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp vào khu vực CNTT của đất Gò, nhưng cũng tạo ra yếu tố tâm lý cần thiết, vùng đất Gò rất gần gũi với Thành Phố và các khu công nghiệp khác của Long An, Thành Phố, Đồng Nai và Bình Dương; từ đó hoạt đông CNTT sẽ khởi sắc hơn và bắc nối nhịp cầu với các nơi khác trong bầu không khí hứng khởi của những người tham gia, chuyên gia có suy nghĩ nhiều hơn đến tầm quan trọng của ngành này.
(2) Thúc đẩy phát triển kinh tế biển: Dĩ nhiên, khi sự phát triển công nghiệp bùng phát tại nơi nào sẽ giúp nền kinh tế và xã hội địa phương đó thay đổi, mang diện mạo tích cực đến đời sống của người dân, do tạo công việc làm, các dịch vụ mới phát sinh và sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng cao tham gia thị trường xuất khẩu. Trong thời gian qua, Gò Công và ngay cả Tiền Giang không có nhiều may mắn để các nhà đầu tư đến tham gia các khu công nghiệp như đã thấy ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai… Tuy nhiên, Gò Công có được ưu đãi địa lý thiên nhiên với 21 km bờ biển và có các sông lớn như sông Tiền, Soài Rạp, Vàm Cỏ chưa được con người khai thác phát triển hết tiềm năng. Hơn hết, vùng đất ven sông Soài Rạp hướng Nam và bờ Biển Đông có vị trí nằm trong vành đai phát triển công nghiệp của các tỉnh phía Nam và chịu ảnh hưởng của các khu công nghiệp lân cận như: Khu công nghiệp Bến Lức, khu công nghiệp Long An, khu công nghiệp Tân Hương và khu đô thị cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp), nên rất thuận lợi cho phát triển nền kinh tế biển, đặc biệt ngành Dầu khí, cảng biển và đánh bắt hải thủy sản.
Ngoài ra, Gò Công Đông, theo quy hoạch dài hạn, sẽ có một khu bến cảng chuyên dùng trên sông Soài Rạp góp phần không nhỏ cho hướng phát triển kinh tế biển tương lai. Thật vậy, trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ ngày 24-6-2014, Nhóm cảng biển ĐBSCL (Nhóm 6) gồm có Cảng biển Tiền Giang là cảng tổng hợp địa phương (Loại II), với các khu bến (7):
- Khu bến Gò Công trên sông Soài Rạp là khu bến cảng chuyên dùng, có bến tổng hợp cho tàu trọng tải từ 20.000 đến 50.000 tấn và 70.000 tấn giảm tải vào, rời cảng qua cửa Soài Rạp;
- Bến cảng Mỹ Tho trên sông Tiền cho tàu trọng tải từ 1.000 đến 5.000 tấn.
Do đó, tỉnh Tiền Giang và các huyện GC nên tích cực thúc đẩy thực hiện cảng biển quy hoạch này sớm trở thành hiện thực để lôi cuốn các công nghiệp, dịch vụ liên hệ vực dậy nền kinh tế trì trệ hiện nay của tỉnh và huyện. Có thể tỉnh huyện nên mời gọi Công ty Đông Hải (hoặc một Công ty tương ứng của ĐBSCL) tham gia vào hoạt động phát triển kinh tế biển của mình vì đó là doanh nghiệp quốc phòng an ninh lớn được QK7 (QK này có chung sông Soài Rạp của Tiền Giang) giao 3 nhiệm vụ chiến lược: phát triển kinh tế biển, biên giới và sản xuất hàng nội địa (8). Họ có nhiều vốn, thế lực mạnh có thể giúp Tiền Giang và Gò Công triển khai các khu bến cảng dễ dàng để kích thích phát triển hướng về biển Đông.
Hy vọng khu bến cảng chuyên dùng Soài Rạp sẽ sớm được xây dựng đồng bộ với Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp đã hình thành để thúc đẩy kinh tế hướng biển phát triển mạnh mẽ hơn.
Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp (8) đã được quy hoạch trên 285 ha trên địa bàn Gia Thuận-Vàm Láng (Gò Công Đông), từng được kỳ vọng sẽ là địa điểm lý tưởng thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoại quốc. Khu công nghiệp này đã được tỉnh Tiền Giang chấp thuận vào 4/2007 do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển công nghiệp tàu thủy phía Nam (thuộc Vinashin) làm chủ đầu tư, tập trung xây dựng nhà máy đóng tàu, khu cảng biển cho tàu Lash, khu công nghiệp phụ trợ ngành đóng tàu. Nhưng sau 3 năm không có tiến bộ phát triển, vào tháng 11/2010, Chính phủ đã quyết định chuyển đổi công năng thành KCN phục vụ ngành dầu khí, gồm có Nhà máy chế tạo ống thép dầu khí (PV Pipe); Nhà máy chế tạo bình bồn dầu khí; Nhà máy sản xuất kết cấu kim loại dầu khí; Nhà máy sản xuất que hàn dầu khí; Khu cảng dịch vụ tổng hợp… Đầu năm 2011, UBND tỉnh Tiền Giang đã cấp phép thành lập KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp do Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm chủ đầu tư. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, KCN này cũng chỉ mới tiếp nhận một dự án đầu tư nhà máy sản xuất ống thép hàn thẳng đang hoạt động từ đầu năm 2013.
Do sự đình trệ hoạt động công nghiệp, tháng 2/2014, Chính phủ chuyển giao nguyên trạng dự án KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp cho Tiền Giang để tỉnh cố gắng mời gọi đầu tư khai thác, tập trung phát triển đồng bộ với cầu Mỹ Lợi và tuyến đường tỉnh 871B đang đầu tư góp phần phát triển vùng công nghiệp phía Đông của tỉnh.
Hình 3: Khu Công nghiệp dịch vụ dầu khi Soài Rạp, Vàm Láng, Gò Công Đông
Để tạo thuận tiện cho phát triển KCN trên, ngày 19-1-2015, Thị xã Gò Công bắt đầu khởi công xây dựng đường tỉnh 871B đi xuyên qua xã Tân Trung, Tân Phước và Gia Thuận, bắt đầu từ QL 50 đến giáp tuyến đê biển ven sông Soài Rạp, Gia Thuận. Quy mô thiết kế: nền đường rộng 17m, chiều rộng mặt đường 12m, chiều rộng lề đường mỗi bên 2,5m, tráng nhựa, tải trọng 12 tấn/trục, xây dựng 03 cầu và cống qua đường, với tổng mức đầu tư 272 tỷ đồng. Con đường này khi hoàn thành sẽ phục vụ vận tải hàng hoá và container từ Khu công nghiệp Gò Công ra QL.50 đi Thành phố, các tỉnh, thành và ngược lại, đồng thời tạo môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế về lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, góp phần phát triển hướng Biển Đông (9).
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP vừa hoàn tất đàm phán vào tháng 10-2015 và chờ Quốc hội 12 nước phê chuẩn, sẽ có ảnh hưởng gì đến Gò Công và Tiền Giang? Tỉnh và Huyện có thể chia phần hưởng lợi từ Hiệp định này trong một số ngành nghề nếu có chuẩn bị, đón đầu và nắm bắt kịp thời. Theo nghiên cứu của Eurasia Group (10), với TPP kim ngạch xuất khẩu dệt may, giày dép của Việt Nam có thể tăng 50% trong 10 năm tới. Ngành thủy sản cũng được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu với tôm, mực và cá ngừ, từ mức 6,4-7,2% hiện nay. Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ từ sợi là một thách thức cho ngành công nghiệp dệt may. Cũng vậy đối với gạo xuất khẩu đến 11 nước hội viên, VN không phải cạnh tranh khốc liệt với Thái lan và Ấn Độ như hiện nay, vì hai nước này không là hội viên của Hiệp định.
Ngoài ra, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối 2015, với thị trường hơn 600 triệu dân và sức mua lớn, có thể mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho tất cả doanh nghiệp ngành nghề Việt Nam. Rõ ràng thị trường nội địa 92 triệu dân phải đối đầu với cạnh tranh lớn khi làn sóng các thương hiệu ngoại tràn vào (6).
(3) Tăng cao năng suất và chất lượng nông nghiệp: Nông nghiệp là một nghề truyền thống lâu đời, quy mô sản xuất quá nhỏ, nên năng suất lao động của ngành của mỗi đầu người vẫn còn thấp so với một số nước tiến bộ trong vùng, không kể lực cạnh tranh còn quá yếu kém. Do đó, cần cho phép tích tụ đất, hình thành các nông trại quy mô để áp dụng công nghệ cải tiến, tăng năng suất lao động, đặc biệt đối với cây ăn trái nhiệt đới. Một cách tổng thể năng suất lao động của các ngành nghề ở VN vẫn còn đi sau một số nước láng giềng, đó là lý do chính làm đất nước tụt hậu.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (11): từ năm 2000 trở đi, tăng trưởng năng suất lao động trong các ngành chính đều giảm, trong 4 ngành thậm chí mức tăng trưởng âm là khai mỏ, dịch vụ công ích, xây dựng và tài chính. Một đặc điểm chung là hầu hết các ngành này bị chi phối bởi khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực công. Do đó, họ khuyến cáo, để mức thu nhập bình quân đầu người tiệm cận tới 15.000 USD/người/năm vào năm 2035, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ nhanh chóng, điểm mấu chốt trong vòng 20 năm tới của Việt Nam là phải bảo đảm năng suất lao động tốt. Nghĩa là mức sản xuất trên mổi đầu người lao động phải tăng lên để đưa đất nước lên tầng công nghiệp hóa. Người ta dự đoán trong 5 năm tới, Malaysia sẽ trở thành nước công nghiệp và GDP mỗi đầu người sẽ đạt tới 15.000 USD mỗi năm.
Cho nên, dù sự đóng góp của nông nghiệp vào GDP cả nước sẽ giảm dần, nhưng mức độ sản xuất và năng suất nông nghiệp phải luôn cải thiện tăng cao. Những lãnh vực quan trọng sau đây cần cải tiến, làm tốt hơn để phát triển kinh tế địa phương:
(1) Ngành trồng lúa phải đẩy mạnh sản xuất gạo chất lượng cao, có thương hiệu cho xuất khẩu, nếu muốn cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ. Hiện nay, Tiền Giang chưa có được những giống lúa thơm có năng suất khá cao có thể chấp nhận được (tương đương với giống lúa IR50404).
(2) Cây ăn trái và rau hoa cần sản xuất quy mô lớn (cây ăn trái), nâng cao cả lượng và phẩm, cần có chu trình vận hành kín từ sản xuất đến tồn trữ, biến chế và tiêu thụ, đặc biệt chú trọng đến khâu hậu thu hoạch và biến chế nông sản. Thái Lan đã tiến bộ khá xa trong nhiều lãnh vực nông nghiệp so với các nước láng giềng khác.
(3) Về thủy hải sản, cần nỗ lực hơn nữa qua cấp tín dụng và hỗ trợ để khuyến khích khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, xây dựng các tổ đội sản xuất trên biển, trang bị các thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc, máy khai thác để hoạt động trên các vùng biển xa bờ an toàn và khai thác có hiệu quả.
Ngoài ra, cần có kế hoạch khai thác chu đáo và cung cấp cố vấn kỹ thật chuyên nghiệp cho ngành nuôi bắt thủy sản để giúp nông dân tham gia sản xuất không bị thua lỗ quá đáng.
(4) Cần tăng gia sản xuất thức ăn gia súc để tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu, với nguyên liệu từ nông phẩm bắp, đậu và sản phẩm dư thừa của hải sản (cá suốt…).
(5) Nắm bắt vững, chính xác và đúng lúc các thông tin nông nghiệp địa phương, nội địa và thế giới.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp, đặc biệt tăng năng suất lao động mỗi đầu người của Tiền Giang - Gò Công và cả nước cần một chánh sách hỗ trợ nông nghiệp quốc gia thích ứng để đảm bảo mức thu nhập cao cho nông dân, vì mọi nước trên thế giới đều có chánh sách hỗ trợ này. Các nước càng phát triển càng có chương trình hỗ trợ to lớn! Ngoài ra, cần tư nhân hóa ngành xuất khẩu trong nước, vì nhà nước làm thương mại không bao giờ mang về lợi nhuận cao, trong thực tế nhiều doanh nghiệp nhà nước còn làm đất nước mang thêm nợ khủng, chẳng hạn trường hợp Vinashin, Vinalines, Công ty dầu khí, Công ty điện, than, mõ… Đó là nguồn gốc làm VN tụt hậu! Từ năm 1999, Ngân hàng Thế giới nhận xét, nếu ngành xuất nhập khẩu nông nghiệp được tư nhân hóa có thể giúp nông dân tăng lợi tức thu nhập đến 30%.
Nếu không có chánh sách hỗ trợ nhà nước thỏa đáng cho nông nghiệp, đa số nông dân sẽ còn phải sống ở mức ngưỡng nghèo!
4. Kết luận
Trong 40 năm qua, đời sống xã hội và nền kinh tế VN đã tiến bộ khá nhiều, chủ yếu do chủ trương Đổi Mới 1986. Chương trình “Điện-đường-trường-trạm” đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn từ Bắc đến Nam. Tuy nhiên, mức tiến bộ cả nước không đồng đều, tạo nên khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn xa, sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn thêm. Nhận xét chung cho thấy VN đã đạt nhiều tiến bộ về đô thị hóa, công nghiệp hóa, xây dựng nhà cửa, hạ tầng cơ sở, nhưng chất lượng và chiều sâu của phát triển bền vững còn là vấn đề cần quan tâm. Sự tiến bộ của VN vẫn còn ở mức độ chậm chạp nên bị tụt hậu so với một số quốc gia láng giềng sau 30 năm phát triển. Khoảng hơn thập niên vừa qua, nền kinh tế VN còn “không chịu phát triển” do hầu hết các công ty quốc doanh dẫn đầu kinh tế trong nước làm ăn thua lỗ, gây tổn thất, phung phí ngân sách quốc gia và gây nợ công khổng lồ. Các tỉnh thành VN, gồm cả Tiền Giang và Gò Công cũng không ngoại lệ!. Thành phố, thị xã và thị trấn đua nhau lớn mạnh, phát triển rất ấn tượng. Nông thôn có diện mạo mới với xây cất, nhà cửa mọc lên như nấm, nhưng vẫn còn một thành phần ở vùng xa vùng sâu, hoặc không có thân nhân làm Cán bộ, người nước ngoài giúp đỡ nên còn sống mức nghèo.
Các Cụm công nghiệp quy hoạch của GC không được thực hiện như ý muốn, do lúc đầu bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng về sau chủ yếu do hạ tầng cơ sở yếu kém không thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điển hình, quy hoạch Cụm Công nghiệp Liên hợp Gò Công đã thất bại không thể phát triển, vì QL50 hoàn thành không kịp thời, Phà Mỹ Lợi luôn bị ùn tắt, thiếu tuyến đường dẫn đến các Cụm công nghiệp đã lên kế hoạch. Cho nên, nhiều công trình dang dở và ngưng hoạt động sau một thời gian rầm rộ khai hoang đất rừng, san lấp mặt bằng.
Gần đây, cầu Mỹ Lợi, công trình trọng điểm của quốc gia được đưa vào khai thác, rút ngắn lộ trình đường bộ giữa Gò Công và Thành phố, làm luồng giao thông dễ dàng, góp phần kích thích các nhà đầu tư, đặc biệt ngành bất động sản quan tâm nhiều hơn đến vùng đất Gò. Cần một thời gian nữa khi Gò Công hội đủ các yếu tố thuận lợi, nhứt là các cơ sở hạ tầng dẫn đến các khu công nghiệp hoàn tất sẽ là động lực thúc đẩy các hoạt động công nghiệp tích cực hơn ở phía Đông của Tiền Giang. Trong khi đó, 3 mũi nhọn để kích thích phát triển lớn mạnh hơn, gồm tăng tiến khai thác sâu rộng ngành công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế biển và cải thiện năng suất cùng chất lượng nông nghiệp để tạo cơ sở cho đất Gò và Tiền Giang trổi dậy, bắt kịp với các tỉnh thành lân cận và đóng góp giúp VN hòa nhập tiến bộ thế giới.
Trần Văn Đạt, Ph. D.
Tài liệu tham khảo:
1. Thu Huyền. 2015. Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015 2035. Hội thảo về Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015 2035 tại Hà Nội, ngày 28-8-15.
(http://khucongnghiep.com.vn/tinhoatdong/tabid/63/articleType/
ArticleView/ articleId/1432/Default.aspx).
(http://www.tintuchangngayonline.com/2015/09/kami-viet-nam-
70-nam-van-lac-uong-va-au.html).
3. Tỉnh Tiền Giang. 2014. Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2014 (
http://www.tiengiang.gov.vn/vPortal/4/625/1231/74719/So-lieu-
thong-ke/Tinh-hinh-kinh-te--- xa-hoi-tinh-Tien-Giang-nam-2014.aspx).
4. Tổng cục Thống kê (http://www.gso.gov.vn).
5. Đăng Khải. 2015. Khánh thành cầu Mỹ Lợi nối Tiền Giang và Long An.
(
http://cafef.vn/tin-tuc-du-an/khanh-thanh-cau-my-loi-noi-tien-giang-va-
long-an-20150829105416842.chn).
6. Wikipedia.org.
7. Thư viện Pháp luật. 2014. Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ (ngày 24-6-2014) (http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Quyet-dinh-
1037-QD-TTg-2014-phat-trien-cang-bien-Viet-Nam-den-2020-dinh-
huong-den-2030-236912.aspxM.L. 2014).
9. M. L. 2014. Chuyển giao KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp về tỉnh Tiền Giang. Thời báo Ngân Hàng (
10. Nguyễn Thanh Phong. 2015. Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường tỉnh 871B
(http://txgocong.tiengiang.gov.vn/Gocong/55/864/1627/84782/Du-an--hang-
muc-dau-tu--dau-thau--mua-sam-cong/ Le-khoi-cong-Du-an-dau-tu-xay-
dung-cong--trinh-Duong-tinh-871B.aspx).
12. Trần Văn Đạt, Trần Nghĩa Đời và Lê Thiện Tùng. 2014. Gò Công những dấu ấn nổi bậc – Quyển 2. NXB 5 Star Printing, California, trang 243-272.