Đầu năm 2020, dịch suy hô hấp cấp tính do virus Corona (còn gọi là Covid-19), đã khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng nhiều nơi. Con số tử vong đã lên tới 3,010 người (tính đến ngày 02/03/2020). Một số thành phố tại trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đi lại. Thành phố Vũ Hán trên 11 triệu dân, bị phong tỏa, cách ly để phòng chống lây nhiễm. Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, tiếp tục gia tăng các ca nhiễm, đang gây lo ngại cho nhiều nước trên thế giới. Chủng virus mới này theo Tổ chức Y Tế Thế Giới- WHO, hiện chưa có thuốc vaccine đặc trị, chỉ phòng ngừa lây nhiễm bằng cách khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang, bảo hộ toàn thân, tránh đi lại nơi đông người. Chưa bao giờ cơn sốt mua khẩu trang lại nghiêm trọng như hiện nay.
Hình ảnh minh họa: Mô tả virus Corona và người dân đeo khẩu trang phòng dịch
Việt Nam là nước láng giềng sát Trung Quốc, được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm rất cao nên từ tháng 02/2020, Việt Nam đã tạm đóng cửa một số cửa khẩu biên giới, hạn chế lưu thông hàng hóa xuất nhập cảng qua lại Trung Quốc, chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Là nước có mối quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc, nên thị trường đã bị ảnh hưởng tức thời, nhất là nhiều mặt hàng nông- thủy sản, ngành du lich, dịch vụ vận tải.
Ảnh minh họa: Đường phố Vũ Hán vắng lặng
Bài viết này xin đề cập về dịch virus Corona liên quan đến tình hình sản xuất và tiêu thụ cá Tra hiện nay.
Thị trường Trung Quốc tiềm tàng nhiều bất ổn
Những năm gần đây, Trung Quốc-Hong Kong đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất sản phẩm cá Tra Việt Nam, chiếm 35% tổng sản lượng xuất khẩu. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá Tra sang thị trường này đạt gần 630 triệu USD (Nguồn: vasep.com.vn). Có thời điểm giá cá Tra nguyên liệu tại ĐBSCL đạt đỉnh cao kỷ lục: 33.000-34.000 đồng/kg. Nhiều người đã thu lãi lớn và ồ ạt mở rộng diện tích, gia tăng sản lượng nuôi. Theo Hiệp Hội Cá Tra Việt Nam, sản lượng nuôi cá Tra năm 2019 đạt trên 1.5 triệu tấn. Nhiều doanh nghiệp đã tập trung xuất vào thị trường đông dân nhất thế giới này do tiêu chuẩn vệ sinh tương đối dễ dàng so với thị trường EU, Hoa Kỳ, giao thông gần và không bị rào cảng thương mại. Tính đến đầu năm 2020, Trung Quốc đã cho phép 705 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được phép nhập hàng vào Trung Quốc
Từ giữa năm 2019, ngành cá Tra bộc lộ những tín hiệu bất ổn khi Hoa Kỳ bắt đầu áp thuế 25-30% lên một số hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Ngoài ra Trung Quốc cũng đã ban hành qui định mới về tên gọi cá Tra, rà soát lại danh sách các doanh nghiệp thủy sản được phép nhập. Từ tháng 7/2019 Giá cá Tra đã đột nhiên bị sụt giảm mạnh 40%, đang từ 33.000- 34.000 đồng/kg, lao dốc xuống chỉ còn 20.000-21.000 đồng/kg (vào thời điểm cuối năm 2019). Không chỉ người dân mà các doanh nghiệp bị lao đao do giá sụt quá nhanh, xuống dưới giá thành sản xuất (giá vốn là 22.000-24.000 đồng/kg). Dịch Corona bùng phát tại Trung Quốc lại rơi vào thời điểm nhạy cảm thị trường đang bị ảnh hưởng gían tiếp từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung, đã làm tình hình sản xuất cá Tra càng khó chồng khó. Người dân bị lỗ nặng, doanh nghiệp thủy sản đình đốn khi thị trường lớn nhất này hầu như bị ngưng trệ. Nhiều nhà máy chế biến phải ngừng sản xuất, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, mỗi tuần làm việc 2-3 ngày. Trong khi các kho hàng không còn chổ để chứa. Công nhân vào nhà máy phải qua kiểm tra sức khỏe, bảo hộ lao động nghiêm ngặc, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong nhà máy là rất cao, do tập trung khá đông người và luôn làm việc trong môi trường lạnh, ẩm ướt. Nhiều nhà máy lớn có số lượng công nhân lên đến hàng ngàn người, rất khó để kiểm soát vệ sinh cá nhân.
Ảnh minh họa: Nhà máy chế biến cá Tra
Trước đó, nhiều người đã cảnh báo khi nhận thấy xuất khẩu cá Tra ngày càng tập trung quá nhiều vào một thị trường. Có nhà máy chỉ sản xuất để bán qua Trung Quốc. Nhiều thương nhân Trung Quốc đã tìm đến tận các ao nuôi ở vùng ĐBSCL để mua cá nguyên liệu tại gốc. Họ trực tiếp thuê nhà máy gia công chế biến và muốn giành quyền chi phối thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc. Khi dịch Corona xảy ra, họ cũng gặp không ít khó khăn do bị hạn chế đi lại. Nhiều đơn đặt hàng bị hủy. Do lệnh phong tỏa, nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm như: Fast Food, Take Away, Mc. Donald, KFC, Taco Bell… tại các thành phố lớn Trung Quốc cũng đã cắt giảm hoạt động đến 30% để phòng dich. Nhiều doanh nghiệp phải hạ giá để giải phóng hàng tồn kho. Giá cá giống giảm 50%, cá Tra nguyên liệu tiếp tục xuống chỉ còn 17.000-18.000 đồng/kg. Giá bán sản phẩm fillet đông lạnh cũng giảm 40-50% so năm trước. Từ 2.8-3.4 USD/kg, nay xuống chỉ còn 1.4-1.7 USD/kg và rất khó tiêu thụ.
Giải cứu cá Tra?
Một số mặt hàng nông sản, trái cây như thanh long, dưa hấu, mít, kể cả tôm hùm… cũng bị ảnh hưởng dịch virus Corona do lệnh tạm ngừng xuất nhập khẩu, gần đây đã được giải cứu phần nào nhờ vào thị trường tiêu thụ trong nước. Nhưng đối với cá Tra thì rất khó để tiêu thụ nội địa hàng trăm ngàn tấn do đa số người dân chưa có thói quen sử dụng sản phẩm fillet đông lạnh. Giải pháp được các Hiệp hội ngành nghề nhắc đến là cần tiếp tục tìm kiếm thị trường mới, nhưng khó khả thi vì nhiều thị trường truyền thống như EU, Trung Đông, Nam Mỹ, Úc, Đông Nam Á cũng đang bị ảnh hưởng dịch virus Corana, có sức tiêu thụ yếu, bị chiến tranh, khủng hoảng và gần như đã bảo hòa mặt hàng cá Tra. Thị trường Mỹ, mặc dù có 13 công ty đã được cơ quan Food Safety and Instection Service (FSIS-USDA) của Hoa Kỳ công nhận đạt điều kiện tương đương vệ sinh an toàn thực phẩm từ năm 2018, nhưng cũng chỉ một vài công ty có mức thuế chống bán phá giá thấp mới bán vào được mà thôi. Chưa kể gần đây, một số nước như: Ấn Độ, Banglades, Indonesia, Philippines, Thailand… cũng đã gia tăng sản lượng nuôi cá Tra để cạnh tranh với Việt Nam. Những nước này đều được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường.
Vậy, đâu là giải pháp thiết thực nhất để giúp cá Tra vượt qua khó khăn trong giai đoạn này?
Trước tình hình thị trường lớn như Trung Quốc đang gần như bị bế tắt, ngưng trệ do dịch Corona và còn bị tác động bởi cuộc thương chiến Mỹ-Trung chưa biết kéo dài đến bao giờ. Các thị trường nhập khẩu khác được nhắm đến như Nga, Nam Phi cũng không mấy khả quan. Thị trường Phi Châu còn xa vời do nghèo nàn, rủi ro thanh toán cao. Vì vậy cá Tra rất khó để tìm được thị trường mới trong thời điểm này cho dù giá chào bán khá thấp. Đây thật sự là bài toán khó cho doanh nghiệp thủy sản, người nuôi và các nhà quản lý ở Việt Nam.
Sàn phẩm cá Tra
Thăng trầm cá Tra
Trong suốt 30 năm qua, ngành cá Tra đã trãi qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Mỗi lần xảy ra khủng hoảng thừa, hoặc thiếu, thì người ta cũng dễ nhận ra nguyên nhân do mất cân đối cung cầu. Nhưng sau mỗi giai đoạn như vậy, là có sự sắp xết lại trật tự mới và tạo ra một hướng đi mới cho ngành cá Tra. Xin điểm lại từng giai đoạn 5 năm sẽ thấy:
- 1990-1995: Việt Nam mở cửa kinh tế, cá Basa được một số khách hàng nước ngoài đầu tiên từ Úc, Hong Kong biết đến do có thịt trắng, chất lượng ngon và bắt đầu được xuất khẩu. Một số nhà máy đông lạnh thủy sản tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ chuyển sang sản xuất, chế biến fillet cá Basa để đáp ứng nhu cầu thi trường sơ khai này.
- 1995-2000: sau khi Mỹ bỏ cấm vận kinh tế. Năm 1996, thị trường Mỹ đầy triển vọng bắt đầu được mở và có nhu cầu lớn. Nguồn cá Basa nuôi trong những chiếc bè nhỏ hẹp tại Châu Đốc đã không đủ cung cấp cho các nhà máy. Con giống cá Basa thiên nhiên ngày càng khan hiếm, năng suất nuôi thấp, giá thành cao nên nguồn “cung” bị mất cân đối. Doanh nghiệp và người dân cần phải tìm nguồn cá khác để bổ xung.
Ảnh minh họa: Làng bè nuôi cá Basa
- 2000-2005: cá Tra bắt đầu thay thế cá Basa để xuất khẩu, nhờ giảm được 20-30% chi phí sản xuất do nguồn giống sinh sản nhân tạo, cá được nuôi trong ao diện tích lớn, có năng suất cao, 200-300 tấn/Ha, chất lượng thịt trắng, giá thành hạ và được thị trường chấp nhận. Giai đoạn này, nghề nuôi cá Tra phát triển khá nhanh đã đáp ứng nguồn cung cấp nguyên liệu cá Basa đang bị thiếu hụt. Sau mấy năm phát triển và tập trung vào thị trường Hoa Kỳ, đến năm 2003, một số doanh nghiệp đi tiên phong đã gặp phải rào cảng thương mại đầu tiên do Hiệp hội cá nheo Mỹ (Catfish Farmers Association-CFA) khởi kiện và fillet cá Tra Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá –CBPG-(anti-dumping tax) từ 0% lên 25-50%. Giá cá Tra lại bị rớt thê thảm do thị trường Mỹ tạm thời bị đóng cửa. Nguồn “cung” dư thừa. Doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng sang các thị trường mới như EU, Á Châu. Thị trường nội địa cũng được chú ý với các sản phẩm chế biến đa dạng cung cấp cho hệ thống siêu thị trong nước. Mặc dù gặp khó tại thị trường Mỹ, nhưng nhờ nhiều thị trường mới được mở, nhất là EU, đã thay thế và nổi lên đứng hàng đầu, chiếm 40-50% lượng xuất khẩu. Ngành cá Tra dần hồi phục và phát triển theo hướng sản xuất công nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế để đáp ứng yêu cầu khách hàng và thị trường. Kinh nghiệm thương trường và luật thương mại quốc tế cũng được các doanh nghiệp hiểu rõ hơn. Cũng trong giai đoạn này, sự chuyển đổi nhiều công ty thủy sản từ nhà nước quản lý sang cổ phần hóa. Doanh nghiệp tư nhân cũng nhảy vào tham gia sản xuất, xuất khẩu cá Tra.
Ảnh minh họa: Cá Tra (trên) và cá Basa (dưới)
- 2005-2010: là giai đoạn ngành cá Tra phát triển mạnh do thị trường tài chính trong nước hình thành. Một số công ty đã được Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) xem xét, giảm mức thuế CBPG nên tiếp tục được xuất vào Mỹ. Thị trường EU tiếp tục tăng. Một loạt nhà máy công suất lớn ra đời, thu hút hàng ngàn công nhân, trải rộng khắp các tỉnh vùng ĐBSCL. Các vùng nuôi qui mô lớn, sử dụng thức ăn viên công nghiệp cũng được hình thành. Diện tích nuôi cá Tra ở ĐBSCL không ngừng tăng lên 4.000-5.000 Ha. Sản lượng cá Tra do người dân nuôi chiếm trên 80%, doanh nghiệp chỉ chiếm 20%. Giá cá hoàn toàn phụ thuộc vào người nuôi. Lợi nhuận nuôi lên tới 15-20%. Nhờ có giá thấp nên sản phẩm fillet cá Tra có sức cạnh tranh cao so với các sản phẩm cùng loại khác như cá Rô Phi (Tilapia), cá Minh Thái (Polack). Năm 2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Thị trường chứng khoán mở cửa. Nguồn vốn vay đầu tư trung và dài hạn dễ dàng từ các ngân hàng thương mại, đã tạo động lực, hổ trợ tích cực cho ngành cá Tra đẩy nhanh phát triển. Thị trường cá Tra mở rộng đến Trung Đông, Trung Mỹ, Nam Mỹ. Nhiều người tự hào cá Tra đã có mặt trên 130 nước khắp thế giới. Sản lượng nuôi lên đến 1.2-1.3 triệu tấn mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.7-2 tỷ USD. Giai đoạn này được xem là giai đoạn phát triển nóng nhất ngành cá Tra, có thế ví như quả bong bóng đang được bơm căng đến đỉnh điểm. Nguy cơ đổ vỡ tín dụng ở mức báo động, sự suy thoái sẽ không tránh khỏi nếu doanh nghiệp thiếu nền tảng tài chính lành mạnh. Nhiều công ty hoạt động chỉ dựa vào phần lớn vốn vay ngân hàng (80-90%). Chi phí tài chính cao, lãi suất phải trả lớn, trong lúc vốn chủ sở hữu quá ít (chỉ có 10-20%).
Ảnh minh họa: Nuôi cá Tra
- 2010-2015: sự cạnh tranh khốc liệt ngày càng diễn ra giữa các doanh nghiệp thủy sản. Sự thôn tính lẫn nhau qua việc mua bán cổ phần, sáp nhập, giải thể. Tranh giành khách hàng và thị trường xuất khẩu diễn ra gay gắt. Tính tự phát, tự chủ của mỗi doanh nghiệp, luôn được đề cao, muốn mình là “vua một cõi”, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau rất yếu. Doanh nghiệp đã tự phá giá ngày càng thấp để cạnh tranh, tiêu diệt lẫn nhau. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh không còn. Ngân hàng bắt đầu thắt chặt tín dụng, rút vốn đầu tư. Tỷ suất lợi nhuận ngành cá Tra bị giảm dần, từ trên 10% doanh thu, xuống chỉ còn 2-3% thậm chí dưới 1% và bị thua lỗ. Nhiều công ty không chịu đựng nổi cuộc chơi và bị vỡ nợ do khó khăn tài chính, chi phí hoạt động cao, qui mô lại quá lớn, không có thị trường tiêu thụ ổn định đã dần rút lui và biến mất khỏi thương trường. Giá cá bị ép xuống thấp, người nuôi bị chiếm dụng vốn, không còn lợi nhuận. Đây được xem là giai đoạn khủng hoảng niềm tin. Nhiều người nuôi nhỏ, vốn ít cũng đã rút lui, nhường chổ cho những “ông” lớn.
Ngành cá Tra đã có sự sắp xếp lại trật tư mới. Tổng diện tích nuôi vẫn đạt trên 5.000 Ha. Sản lượng lên đến 1.3-1.4 triệu tấn/năm. Trong đó 80% do doanh nghiệp nuôi thay vì người dân (chỉ còn 20%). Các vùng nuôi của doanh nghiệp có qui mô lớn, vừa có cả trại nhân giống, nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy chế biến, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, truy suất nguồn gốc như ASC, Global GAP, BAP. Sự dịch chuyển từ người nuôi sang doanh nghiệp là tích cực, đã khép kín chuỗi sản xuất, gắn kết vùng nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ. Điều này đã đáp ứng yêu cầu ngày càng khắc khe về chất lượng của các nước nhập khẩu. Thị trường cá Tra đã được mở rộng khắp các châu lục. Riêng thị trường Trung Quốc là còn khá mới.
- 2015-2020: quả bóng tài chính bắt đầu xẹp xuống, giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp thủy sản không còn hấp dẫn nữa. Ngân hàng không còn xem ngành thủy sản là “hot” để rót vốn đầu tư, trái lại bị cho là ngành có độ rủi ro cao và họ đã hạn chế cấp tín dụng, cho vay xây dựng nhà máy mới. Nhiều công ty bị thoái vốn đầu tư. Năm 2013-2015, thị trường Mỹ có sự biến động lớn, rất nhiều công ty bị áp thuế CBPG quá cao (50-100%), buộc phải rời bỏ thị trường này. Nguồn “cầu” bị mất cân đối. Ngành cá Tra lại bị khủng hoảng và đã có sự sắp xếp lại đáng kể. Chỉ cho phép doanh nghiệp nào có nguồn tài chính lành mạnh, có vùng nguyệu liệu riêng, quản lý sản xuất tốt, có thuế CBPG thấp, thị trường tiêu thụ ổn định mới thật sự tồn tại. Không ít công ty lớn, từng được xem là đầu đàn đã bị khó khăn, giảm hoạt động, chuyển sang làm gia công, thậm chí phá sản. Từ năm 2017, thị trường Trung Quốc được mở rộng và phát triển nhanh. Nhờ nhu cầu tăng vọt, đã cứu nhiều nhà máy thoát khỏi nguy cơ đóng cửa do thiếu thị trường tiêu thụ. Doanh nghiệp như tìm được con đường mới để tồn tại. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã mọc lên đế đáp ứng yêu cầu cấp thời của thị trường này. Do số lượng cá nuôi giảm trước đó, nguồn “cung” bị thiếu hụt, nên năm 2018-2019, giá cá tăng liên tục, đạt mức cao kỷ lục: 34.000 đồng/kg. Cơn sốt nuôi cá Tra lại được dịp bùng phát. Nhờ lợi thế độc tôn nên một số ít doanh nghiệp có mức thuế CBPG thấp, có cơ hội kéo giá bán fillet cá Tra (Swai) tại thị trường Mỹ tăng lên khá cao, đến 45-50% (4.8-5,5 USD/kg). Thị trường Trung Quốc cũng phải cạnh tranh, tăng giá theo. Vấn đề nảy sinh khi giá tăng quá cao, cũng đồng thời báo hiệu nguy cơ khách hàng sẽ tìm loại cá khác thay thế. Không ít khách hàng Mỹ đã giảm nhập cá Tra (Swai), chuyển sang mua cá khác khi họ không còn tìm thấy lợi nhuận từ kinh doanh cá Tra nữa. Số lượng cá Tra nhập vào Mỹ năm 2019 đã có chiều hướng giảm rõ rệt. Đến giữa năm 2019, do ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ bị áp thuế 25-30%, đồng Nhân Dân Tệ bị mất giá mạnh. Một hiện tượng lạ là khách hàng Trung Quốc đã đột ngột giảm nhu cầu tiêu thụ cá Tra, làm giá cá liên tục bị rớt xuống 25,000 đồng/kg, rồi còn 21,000 đồng/kg. Nguồn cá dư thừa, người nuôi lại một phen bị điêu đứng.
Ảnh minh họa: Thu hoạch cá Tra
Dịch virus Corona đang sảy ra tại Trung Quốc làm tình hình thị trường này càng thêm khó khăn khi các cửa khẩu bị tạm thời đóng cửa. Nhiều nhà máy chỉ bán cho khách hàng Trung Quốc nay phải ngừng sản xuất. Một số nhà máy cố gằng duy trì hoạt động cầm chừng nhờ còn những thị trường khác. Giá cá nguyên liệu tiếp tục xuống chỉ còn 17.000-18.000 đồng/kg. Nhiều vùng nuôi “treo ao”, ngừng thả nuôi sau khi thu hoạch. Doanh nghiệp chỉ còn hy vọng vào cơ hội phục hồi thị trường sau dịch virus Corona.
Con đường nào để vượt khó?
Thị trường cá Tra đang bị ngưng trệ, báo hiệu một lần nữa sẽ có sự tái cơ cấu, sắp xếp lại. Như đã thấy qua bao thăng trầm nêu trên. Nguồn cá nuôi chắc chắn sẽ giảm sau khi người dân, doanh nghiệp bị thua lỗ trầm trọng. Họ sẽ nhận ra việc cần phải làm để cơ cấu lại qui mô sản xuất, tính toán lại chi phí hoạt động, đáp ứng nhu cầu thị trường. Diện tích nuôi, sản lượng cá có thể giàm 20-30% hoặc thấp hơn. Thiển ý người viết mong tìm con đường để ngành cá Tra có thể vượt qua khó khăn, không phải sau trận dịch virus Corona này mà có thể còn những trận “dịch” khác:
- Đối với người nuôi: họ sẽ không còn là đối tượng được ưu tiên hổ trợ để tiếp tục đi trên con đường đầy rủi ro, chông gai này. Tương lai giá cá có thể tăng do thiếu hụt nguồn cung cấp nhất thời, nhưng người nuôi cũng nên thận trọng, không nên hoặc chấm dứt nuôi tự phát mà sẽ trở thành “vệ tinh” nuôi cá gia công cho doanh nghiệp. Giá thành nuôi đang dân trở thành là giá đầu vào của sản phẩm chế biến. Không còn lợi nhuận từ công đoạn nuôi cá nữa. Do vậy, người nuôi sẽ khó kiếm siêu lợi nhuận nhờ nuôi cá Tra. Hiệu quả của doanh nghiệp là thước đo cho sự tồn tại bền vững của chuỗi giá trị.
- Đối với doanh nghiệp: không nên quá kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc sẽ sớm được phục hồi sau khi dập được dịch virus Corona. Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Các nhà máy chế biến cần sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường. Không nên tập trung chỉ một mặt hàng cá Tra, mà cần linh hoạt, kết hợp sản xuất các mặt hàng như nông sản-thực phẩm khác có nguồn nguyên liệu sẳn có, dồi dào trong khu vực. Cần thiết sẽ đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh lớn, chọn lựa giống cây trồng tốt, áp dụng công nghệ chế biến hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, như đã từng làm với cá Tra để ồn định nguồn cung cấp lâu dài. Một số mặt hàng nông sản có thị trường nội địa và xuất khẩu khá tốt như: ớt, nấm rơm, đậu nành xanh, bắp non, khoai ngọt, hành, hẹ, bắp cải… Nhiều mặt hàng trái cây nhiệt đới như: xoài, mít, khóm, ổi, bơ, long nhãn, bưởi, thanh long, chôm chôm, chuối, đu đủ… có thể chế biến tươi, dạng sấy, đông lạnh, hay đóng hộp các loại nước ép trái cây, rau- củ- quả…Tiềm năng nông sản vùng ĐBSCL còn rất lớn, ngoài những nhà máy gạo, các nhà máy chế biến cao cấp nông sản ít được chú ý đầu tư, trong lúc lại dư thừa công suất nhà máy đông lạnh thủy sản. Cần cơ cấu lại năng lực chế biến phù hợp với sản phẩm và nhu cầu thị trường.
Fillet cá Tra
- Vấn đề thị trường: dịch bệnh, chiến tranh thương mại giữa các nước rồi cũng sẽ chấm dứt. Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn, đầy tiềm năng cho nhiều sản phẩm của Việt Nam. Cá Tra là mặt hàng đã quen thuộc trên bàn ăn của thực khách quốc tế. Các thị trường Mỹ, Âu Châu vẫn có nhu cầu lớn cá thịt trắng (white meat). Các doanh nghiệp cần phải vượt qua rào cảng thương mại, kỹ thuật cho dù khắc nghiệt nhất để tiếp tục thâm nhập thị trường. Nhất là thị trường Mỹ, cá Tra với tên gọi “Swai” đã được bày bán rất phổ biến ở các siêu thị lớn cũng như đưa vào thực đơn nhà hàng. Cần tiếp tục đề nghị FSIS cập nhật thêm danh sách nhiều doanh nghiệp thủy sản đủ điều kiện tương đương và yêu cầu DOC xem xét lại thuế CBPG với mức hợp lý. Cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu chiến tranh thương mại Mỹ -Trung còn tiếp tục kéo dài. Việt Nam vừa đạt được Hiệp định thương mại tự do với Liên Minh Âu Châu (EVFTA) thì cũng cần sớm được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường (economic market), làm nền tảng cho các hiệp định tự do thương mại với khối Bắc Mỹ sau này. Đồng thời, cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác đang phát triển nuôi cá Tra. CFA sẽ không còn lý do để kiện Việt Nam bán phá giá fillet cá Tra nữa. Cánh cửa thị trường Mỹ sẽ được mở rộng trở lại.
Ảnh minh họa: Swai fillet
Lời Kết
Người viết tin rằng sau mỗi giai đoạn khó khăn, ngành cá Tra sẽ phát triển theo chiều hướng mới. Doanh nghiệp nào biết nắm bắt thời cơ, linh hoạt, đa dạng sản phẩm, có tiềm lực mạnh sẽ tồn tại. Ngành chế biến thực phẩm luôn là nhu cầu cần thiết và đa dạng của con người. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, không có biện pháp giải cứu nào hiệu quả nhất cho ngành sản xuất cá Tra mà nên chấp nhận sự đau đớn, đắng cay để sắp xếp lại một trật tự mới theo qui luật cung cầu. Trận dịch virus Corona này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành cá Tra, có thể đây là một bước lùi cần thiết để chờ cơ hội phục hồi khi điều kiện thuận lợi. Dịch virus Corona có thể làm một số doanh nghiệp này mất đi, nhưng sẽ có doanh nghiệp khác xuất hiện, hình thành, vươn lên theo vòng xoáy của phát triển. Vậy, hãy để thị trường tự điều tiết và đó là biện pháp thích hợp nhất cho chuỗi giá trị sản xuất cá Tra. Mọi giải cứu nếu có chỉ là tạm thời, không phải là biện pháp lâu dài cho sự phát triển bền vững./.
Nguyễn Phước Bửu Huy
March 02nd , 2020