Bài 1: Tổ Chức Quản Lý Nông Nghiệp
Khi con người bắt đầu có chút ít nhận thức sự ổn định để tồn tại và phát triển cũng là lúc nền Nông nghiệp sơ khai bắt đầu trong nền văn hóa Hòa Bình cách nay khoảng 10.000 năm. Trước đó, con người chỉ biết di chuyển từ nơi này đến chỗ khác và sống lây lất để kiếm ăn giống như loài thú, nhưng khôn ngoan hơn! Đến khi họ biết sống thành bầy, nhóm, các Bộ lạc trồng lúa xuất hiện trên đất Việt cổ và Đông Nam Á độ 5.000-6.000 năm, họ vẫn còn thay đổi nơi cư trú với đời sống du canh, nhưng mức độ ít hơn. Khi mực nước biển rút đi, người Việt cổ lần xuống sinh sống và hoạt động nông nghiệp tại các vùng đồi thấp, đất cao, đồng bằng, hay ven sông, biển, đầm nước. Từ đó, nền Nông nghiệp lúa nước bắt đầu xuất hiện cách nay khoảng 4.000 năm và phát triển mạnh trong nền văn hóa Đông Sơn độ 3.000 năm. Sự khám phá hàng loạt trống đồng Đông Sơn từ Thanh Hóa đến đồng bằng sông Hồng, với các hoa văn trồng lúa, chăn nuôi, nai hươu, chim cò, vượt biển, giả gạo, bồ lúa, thạp đồng… minh chứng sự hiện diện nền nông nghiệp tiến bộ cách nay ít nhứt 2.700 năm.
1. Quản lý nông nghiệp qua các Triều đại quân chủ
Từ đó, các triều đại quân chủ quan tâm nhiều đến các ngành nghề nông nghiệp qua một số chánh sách để thu thuế, làm đầy kho lương thực, tăng thu nhập quan viên, đồng thời cung cấp việc làm cho người dân. Lúc ban đầu, họ chỉ biết khai thác, lợi dụng nông dân, chưa biết tổ chức giúp đỡ họ để phát triển sản xuất. Chỉ có Lễ Tịch điền được các nhà vua từ thời Cổ Đại ra lệnh tổ chức hàng năm để cầu an, mưa thuận gió hòa; trong khi nông dân làng xã tổ chức lễ Hạ điền, lễ Thượng điền, lễ Mừng thóc mới, Tạ ơn trời đất… (1)
Thời Lê Hoàn (980-1005), theo truyền thuyết nhà vua đến cày ruộng ở núi Đọi và núi Bàn Hải (Hà Nam) làm xới bật lên hủ vàng và hủ bạc, nên gọi “ruộng vàng và ruộng bạc”, nhằm khuyến khích người dân tăng gia sản xuất. Ông còn ra lệnh thúc đẩy dân chúng cày cấy, sử dụng giống lúa của ruộng Tịch Điền.
Nhà Lý (1010-1225) thi hành chính sách “ngụ binh ư nông” còn gọi chế độ quân điền cho lính về quê làm vườn để vừa ít tổn phí nuôi quân vừa tăng gia sản xuất. Nhà nước cho xây đê đập để trị thủy, tiến hành đo đạc, lập sổ điền bạ để đóng thuế.
Nhà Trần (1226-1400) đẩy mạnh chánh sách khẩn hoang, ra lệnh cho vương hầu, tôn tử chiêu mộ các phần tử lưu tán đi khẩn hoang để tăng diện tích canh tác. Nhà nước lập ra chức vụ Chánh và phó đồn điền sứ, cũng như chức Hà đê chánh và phó sứ để bảo vệ đê đập sông Hồng. Ngoài ra, nhà Trần còn dùng chánh sách “cảo điền hoành”, nghĩa là lấy tù nhân trông nom việc cày cấy ruộng công của nhà nước.
Nhà Hồ (1400-1407) đưa ra chánh sách hạn danh điền để hạn chế ảnh hưởng của công thần nhà Trần. Nhà Hồ còn thực hiện chánh sách cải cách ruộng đất đầu tiên khi đặt ra điều lệ tái phân phối đất đai từ Đại vương, công chúa cho đến thứ dân, đồng thời tập trung ruộng đất vào tay nhà nước.
Nhà Hậu Lê (1428-1527) thi hành chánh sách “trọng nông”. Nhà nước cho thành lập chế độ “quân điền” ở các xã để đôn đốc khôi phục lại các ruộng bỏ hoang để tăng gia thuế thu nhập nhà nước. Ngoài ra còn lập thêm chức quan Khuyến nông ở cấp tỉnh và huyện để đôn đốc sản xuất nông nghiệp.
Nhà Trịnh-Nguyễn (1533-1785): Nhà Mạc dùng chế độ “lộc điền”, đem ruộng công, ruộng chùa cấp cho binh lính hầu thu phục sự ủng hộ của phe quân nhân. Ở Đàng Ngoài không có chương trình mới khuyến khích nông dân sản xuất do sự tranh quyền giữa họ Trịnh và nhà Lê, nhưng ấn định thuế điền thổ rất chặt chẻ; trong khi Đàng Trong, chúa Hiền lập Ty Khuyến Nông để thúc đẩy công cuộc khẩn hoang và phân hạng ruộng đất để trồng trọt và đánh thuế.
Nhà Tây Sơn (1786-1802): Vua Quang Trung ban bố Chiếu Khuyến Nông đề ra những biện pháp tích cực và thực tế để tăng gia sản xuất nông nghiệp và nhân khẩu. Sau 4 năm (1793), “mùa màng trở lại phong đăng năm phần mười trong nước trở lại cảnh thái bình”.
Nhà Nguyễn (1802-1884) đặc biệt chú trọng đến lễ Tịch Điền nên lập ra Sở Tịch Điền để phụ trách hội lễ này. Nhà Nguyễn rất quan tâm đến công cuộc khai hoang và tiếp tục chánh sách dinh điền để di dân lập ấp, có công lớn trong công tác khẩn hoang Đồng bằng sông Cửu Long, qua sự phối hợp hữu hiệu giữa chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa.
Tóm lại, trong suốt thời kỳ Bắc thuộc (179 tr CN - 938) đến thời kỳ Độc lập (939 - 1884), Nhà nước không có tổ chức quản lý và giáo dục hữu hiệu để hỗ trợ hướng dẫn nông dân tăng gia sản xuất nông nghiệp, mà chỉ bóc lột sức lao động của họ để có lợi cho chế độ, bè nhóm và bản thân. Mãi đến cuối thời vua Tự Đức (1829-1883), ngày 14-10-1871, ông Nguyễn Trường Tộ làm bản điều trần về việc nông chính:“Chấn hưng nông nghiệp: đặt nông quan (lấy các cử nhân, tú tài cho chuyên học tập về nông chánh) và các sở chuyên môn để cải lương cách làm ruộng, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang; kinh lý việc dẫn thủy nhập điền” (Dương Quảng Hàm, 1941). Tiếc thay vua Tự Đức không có ý chí quả quyết của nhà lãnh đạo tài ba, triều đình có nhiều quan lại với đầu óc thủ cựu hơn nghinh tân, nên tất cả các bản điều trần của ông Nguyễn Trường Tộ và những nhà cải cách khác không được thi hành! Đất nước phải chờ đến thời Pháp Thuộc, các kỹ thuật khoa học tân tiến mới được du nhập và áp dụng; nhờ đó, nền nông nghiệp bắt đầu lột xác tiến bộ mau lẹ.
2. Tổ chức quản lý nông nghiệp thời Pháp Thuộc (1884-1954)
Những cố gắng tăng gia sản xuất nông nghiệp của thực dân, đặc biệt lúa gạo tại Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc chủ yếu nhằm phục vụ quyền lợi người Pháp và các cộng sự viên của họ, trong lúc đa số quần chúng nông thôn vẫn phải làm việc vất vả nghèo khó. Ở Miền Nam, người Pháp khuyến khích công tác khẩn hoang với các biện pháp hỗ trợ nhà nước đô hộ, như cho vay lãi suất nhẹ, miễn thuế, cấp quyền sở hữu ruộng đất sớm; nhằm tăng gia sản xuất lúa gạo để xuất khẩu. Chương trình này đã đạt được thành quả lớn, diện tích và sản lượng lúa tăng gia đáng kể; nhưng phần lớn đất đai khai khẩn rơi vào tay giới quyền lực và giàu có. Ở Miền Bắc, dân cư đông đảo nhưng đất đai hạn hẹp nên những nỗ lực phát triển vùng này của Pháp chỉ nhằm tránh nạn đói tương lai. Do đó, xã hội bấy giờ xuất hiện những tầng lớp giai cấp rõ rệt như: đại phú nông, trung nông, tiểu nông, và tá điền nghèo khó bị bóc lột.
Ngay buổi đầu, bên cạnh các tham vọng tiêu cực của chánh sách đô hộ, người Pháp đưa ý niệm khoa học và kỹ thuật vào ứng dụng trong các sinh hoạt hàng ngày của đất nước. Riêng nông nghiệp, họ thành lập ngành khảo cứu để cải tiến hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung ngành lúa gạo nói riêng, và giới thiệu lần đầu tiên các kỹ thuật tân tiến như phân hóa học, thuốc sát trùng sát khuẩn, thuốc diệt cỏ, giống cải thiện, nông cơ, nông cụ, phương pháp phân tích khoa học... vào xã hội Việt Nam để tăng gia sản xuất và nâng cao năng suất lúa và hoa màu còn quá thấp. Trong gần một thế kỷ xâm lược, năng suất lúa tăng nhanh gần gấp đôi so với thời gian 9 thế kỷ Độc Lập trước đó (0,5 lên 1,2 t/ha), từ 1,2 t/ha lúc Pháp tấn công thành Gia Định năm 1859 tăng lên gần 2 t/ha vào cuối thập niên 1950 (1). Đến năm 2015, năng suất bình quân cả nước đạt đến 5,7 t/ha.
Hệ thống quản lý nông nghiệp ở Việt Nam trong thời Pháp Thuộc được thực hiện tùy theo bộ máy cai trị được Pháp thiết lập. Các cơ quan đầu tiên được thực hiện ở Nam Kỳ, sau đó dần dần áp dụng cho toàn Đông Dương, gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên và Lào. Cơ quan quản lý ngành được thiết lập chung cho Đông Dương và cũng có cơ quan quản lý riêng cho từng Kỳ, khu vực; trong khi vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống quản lý làng xã và tầng lớp cường hào, địa chủ để cai trị. Những tài nguyên được Pháp chú ý trước hết là lúa gạo và gỗ rừng, tiếp theo cây cao su, cây công nghiệp như cà phê, trà, cây có dầu, dâu tằm…
Hệ thống cai trị của Pháp (2) gồm có Toàn Quyền thay mặt chính phủ Pháp cai trị Đông Dương về mọi mặt. Dưới Toàn Quyền là Thống Đốc Nam Kỳ, Thống Đốc Bắc Kỳ, Khâm Sứ Trung Kỳ, Lào, Cao Miên. Cơ quan quyền lực tối cao là Hội đồng tối cao Đông Dương, mà Chủ Tịch là Toàn Quyền và các ủy viên đều là người Pháp, chỉ có hai người VN đại diện cho bản xứ. Trong số ủy viên Hội đồng có Giám đốc các công sở, viên quan đứng đầu 5 xứ, Chủ sự các Phòng Thương Mãi và Canh Nông.
Ở Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ có bộ máy cai trị riêng. Ở Nam Kỳ có Phòng Canh Nông thành lập 1897 để quản lý nông nghiệp. Ở Trung Kỳ có đại diên của Phòng Thương mại và Canh nông Đông Dương, ở Bắc Kỳ có hai Phòng Thương mại và Canh Nông ở hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Về sau Pháp cải tổ thành lập các Tổng nha, Sở cho toàn Đông Dương và Nha ở các xứ cùng với các ngành ở cấp tỉnh. Năm 1900, thành lập Tổng nha Nông nghiệp và Thương mại Đông Dương, năm 1901 đổi thành Tổng nha Nông nghiệp, Rừng và Thương mại, và Sở Tổng Thanh tra nông, lâm, mục.
Ở cấp Kỳ, quản lý nông nghiệp thuộc Sở: Sở Canh nông, Sở Thú y (gồm cả chăn nuôi), Sở Thủy lâm. Ở cấp tỉnh có Ty Canh nông, Ty Thú y, Ty Thủy lâm trực thuộc Công sứ; Các nhân viên của Ty, Trung tâm trực thuộc trung ương. Hệ thống quản lý này còn được tiếp tục ở Miền Nam Việt Nam cho đến 1975 với chút ít thay đổi.
Về thủy lợi, Pháp thành lập các Ty Nông giang quản lý từ hệ thống hoặc công trình thủy nông ở từng vùng, cũng có khi là các Khu Thủy nông. Đứng đầu ngành công chính Đông Dương là Tổng Thanh tra Công chính. Ở mỗi Kỳ có Tổng nha công chính riêng. Ở Bắc Kỳ có 5 sở (Sở trị thủy, hộ đê, nghiên cứu và bảo dưỡng). Tổng nha Công chính Trung Kỳ có 4 sở (2 sở cầu đường và 2 sở thủy nông). Ở Nam Kỳ không có Tổng nha Công chính Nam Kỳ, nhưng có Tổng nha Thủy nông và Giao thông phụ trách nghiên cứu và xây dựng thủy nông và giao thông trên sông ở Nam Kỳ và Cao Miên.
3. Tổ chức quản lý nông nghiệp từ 1954- 2015
Thời kỳ 1954-1975:
Miền Nam thừa kế di sản tổ chức ngành nông nghiệp của thời Pháp Thuộc với một ít thay đổi theo nhu cầu hoạt động. Sự quản lý nông nghiệp được thực thi từ Bộ Canh Nông qua các Nha, Sở và Ty - Trung tâm địa phương. Các Nha gồm có Nha Canh Nông, Nha Thủy Lâm, Nha Thú Y, Nha Thủy Nông, Nha Khuyến Nông, Nha Khảo Cứu và Sưu tầm nông lâm súc, Nha Ngư Nghiệp, Nha Nông Cơ, và Hợp Tác Xã & Hiệp Hội Nông Dân. Riêng ngành Khảo cứu đã được phát triển rất sớm trong thời Pháp thuộc từ 1866. Năm 1968, Viện Khảo cứu nông nghiệp được thành lập từ sáp nhập 3 cơ quan: Nha Khảo Cứu và Sưu tầm nông lâm súc, Thảo cầm viên và Thư viện.
Cơ sở Bộ Canh Nông thời Việt Nam Cộng Hòa nằm góc đường Phan Thanh Giản (nay Điện Biên Phủ) và Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn, thay đổi nhiều tên tùy theo thời cuộc (Hình 1). Trong thời Đệ nhứt Cộng Hòa, Bộ có tên: Bộ Canh Nông, Bộ Cải Tiến Nông thôn; trong Đệ Nhị Cộng Hòa có tên Bộ Canh Nông, Bộ Cải Cách Điền Địa, rồi trở lại Canh Nông, Bộ Cải cách Điền Địa và Phát Triển Nông Ngư Nghiệp, Bộ Cải Cách Canh Nông và Ngư Nghiệp. Năm 1967, Bộ Cải Cách Điền Địa và Canh Nông gồm có Tổng Nha Nông Nghiệp, Tổng Nha Điền Địa. Dưới Tổng Nha là các Nha có Sở và các Ty, Trung tâm khảo cứu địa phương. Năm 1973, sau khi chương trình Cải cách ruộng đất chấm dứt, Bộ đổi tên Bộ Cải cách Canh nông và Ngư nghiệp. Ngoài ra, ngày 8-12-1973, Chính phủ thành lập Tổng cục thực phẩm quốc gia thay thế Tổng cục tiếp liệu (General supply Agency) trực thuộc Bộ Thương Mại và Kỹ Nghệ đặc trách thu mua, tồn trữ và phân phối gạo và thực phẩm khác ở Miền Nam Việt Nam - B.S. Trần Quang Minh đứng đầu cơ quan này.
Các vị Tổng Trưởng đứng đầu quản lý ngành nông nghiệp tại Miền Nam Việt Nam từ 1954-1975 lần lượt như sau (Liên lạc cá nhân với quý Ông Thái Công Tụng, Phạm Thanh Khâm và Lê Văn Ngọc ngày 1-5-2016 và theo tài liệu của Nguyễn Hữu Chung trong báo Kinh Doanh tháng 8/1999):
Hình 1: Bộ Canh Nông, Sài Gòn
1. Phan Khắc Sửu, Bộ Trưởng Canh Nông (CP Bảo Đại bổ nhiệm từ 1949, không bao lâu Ông từ chức; CP Ngô Đình Diệm cũng bổ nhiệm Ông từ 1954, không bao lâu Ông từ chức).
2. Nguyễn Công Viên, Bộ Trưởng Canh Nông (CP Ngô Đình Diệm bổ nhiệm từ 29/10/1955).
Kế đó, Trần Lê Quang, Bộ Trưởng Cải Tiến Nông Thôn.
3. Lê Văn Đồng, Tổng Trưởng Canh Nông (1960-62).
4. Trần Lê Quang, Bộ Trưởng Cải Tiến Nông Thôn (CP Nguyễn Ngọc Thơ tiếp tục bổ nhiệm Ông từ 4/11/1963).
5. Nguyễn Công Hầu, Bộ Trưởng Cải Tiến Nông Thôn (CP Nguyễn Khánh bổ nhiệm từ ngày 8/2/1964).
6. Ngô Ngọc Đối, Bộ Trưởng Cải Tiến Nông Thôn (CP Trần Văn Hương bổ nhiệm từ ngày 4/11/1964).
7. Nguyễn Ngọc Tố, Bộ Trưởng Canh Nông (CP Phan Huy Quát bổ nhiệm từ ngày 16/2/1965).
8. Lâm Văn Trí, Ủy viên Canh Nông (CP Nguyễn Cao Kỳ bổ nhiệm từ ngày 19/6/1965).
9. Tôn Thất Trình, Tổng Trưởng Cải Cách Điền Địa và Canh Nông (CP Nguyễn Văn Lộc bổ nhiệm từ ngày 9/11/1967).
10. Trương Thái Tôn, Tổng Trưởng Cải Cách Điền Địa và Canh Nông (CP Trần Văn Hương bổ nhiệm từ ngày 25/5/1968).
11. Cao Văn Thân, Tổng Trưởng Cải cách Điền Địa và Phát Triển Nông Ngư Nghiệp (CP Trần Thiện Khiêm bổ nhiệm từ ngày 1/9/1969).
12. Tôn Thất Trình, Tổng Trưởng Cải cách Canh nông và Ngư nghiệp (1973-74).
13. Nguyễn Văn Hảo, Phó Thủ tướng đặc trách phát triển kinh tế kiêm chức vụ Bộ Trưởng Bộ Canh nông và Kỹ nghệ (CP Nguyễn Bá Cẩn bổ nhiệm từ ngày 14/4/1975) (Thứ Trưởng Đoàn Minh Quan).
Miền Bắc với thể chế mới sau khi đất nước bị phân chia hai Miền Bắc - Nam năm 1954, ngành nông nghiệp được tổ chức lại cho phù hợp với chế độ nên có nhiều cơ quan nông nghiệp mới được thiết lập và hầu hết các cơ quan cũ được thay đổi tên (2):
1955: Thành lập Bộ Nông Lâm, Viện Khảo cứu nông lâm, Bộ Thủy lợi, Tổng công ty Lương thực.
1957: Viện Khảo cứu nông lâm trở thành Viện Khảo cứu trồng trọt và Viện Khảo cứu chăn nuôi.
1960: Bộ Nông Lâm được phân chia thành 4 tổ chức: Bộ Nông Nghiệp, Bộ Nông Trường, Tổng Cục Lâm Nghiệp và Tổng Cục Thủy Sản.
1961: Thành lập Bộ Nông Trường, Bộ Thủy lợi và Điện lực, năm 1962 trở thành Bộ Thủy Lợi.
1963: Thành lập Trường Đại Học Nông Nghiệp và Viện Khoa Học Nông Nghiệp thuộc Bộ Nông Nghiệp.
1967: Thành lập Trường Đại Học Nông Nghiệp II (từ Trung học Kỹ thuật trung ương) và Trường Đại Học Nông Nghiệp trở thành Trường Đại Học Nông Nghiệp I.
1969: Thành lập Bộ Lương Thực và Thực Phẩm do hợp nhứt Tổng cục Lương thực và ngành Công nghiệp biến chế thực phẩm từ Bộ Công nghiệp nhẹ.
Thời kỳ 1976-2015 (2):
1976: Thành lập Bộ Nông Nghiệp, Bộ Nông Trường, Bộ Lâm Nghiệp, Bộ Hải Sản, giữ nguyên Bộ Thủy Lợi, Bộ Lương Thực và Thực Phẩm.
1976: Ủy ban nông nghiệp tỉnh, thành phố đổi thành Ty, Sở nông nghiệp tỉnh, thành phố.
1978: Thành lập Ủy ban sông Mê Kông của Việt Nam, Trường Cao Đẳng Lâm Nghiệp Miền Nam (Đồng Nai) thuộc Bộ Lâm Nghiệp.
1980: Thành lập Trường Cao Đẳng Nông-Lâm Nghiệp Huế.
1981: Thành lập Bộ Lương Thực và Bộ Công Nghiệp Thực Phẩm.
1983: Thành lập Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản I, II và III (2004) trực thuộc Bộ Thủy Sản.
1985: Thành lập Trường Đại học Nông-Lâm thành phố HCM, do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp quản lý.
1987: Thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm.
Thành lập Tổng Công ty Lương thực trung ương.
1988: Thành lập Viên Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trực thuộc Bộ Lâm Nghiệp.
1993, 1996 và 2000: Thành lập Cục Khuyến nông, Cục Khuyến lâm, Trung tâm Khuyến ngư trung ương.
1995: Thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do hợp nhứt 3 Bộ: Nông Nghiệp, Lâm Nghiệp và Thủy Lợi.
Thành lập Tổng Công ty lương thực miền Nam và Tổng Công ty lương thực miền Bắc.
2005: Thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
2007: Bộ Thủy sản sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trần Văn Đạt. 2010. Lịch sử trồng lúa Việt Nam. NXB 5 stars Printing Company, 489 trang.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 2015. 70 năm nông nghiệp Việt Nam. NXB Lao động, 607 trang.
- Dương Quãng Hàm. 1941. Việc canh tân, Nguyễn Trường Tộ và chương trình cải cách của ông. Việt Nam Văn Học Yếu Sử. Institute de l’Asie Sud-Est, XIV: 346-354.