12/11/2015
Phần 3
CHIẾN DỊCH CHỐNG CÀO CÀO.
Cào cào di chuyển Máy bay USAID xịt cào cào
Vì việc làm phải lặn lội khắp nơi nên tui được xem là thổ địa vùng Senegal basin. Một hôm tui phải sững sờ vì thấy số lượng cào cào gia tăng một cách kỳ lạ. Chỉ trong thời gian ngắn, tự nhiên xuất hiện hằng triệu triệu con, bám đầy cây cỏ ruộng đồng.
Chúng còn nhỏ chưa biết bay, nhưng có nhiều nơi đã bắt đầu di chuyển. Con bò con nhảy, thật lạ lùng, chúng di chuyển cùng một hướng. Dân làng đào các rảnh quanh ruộng vườn để cào cào rớt xuống khi di chuyển. Dưới đáy rảnh, chúng đeo nhau thành khối, lúc nhúc như vòi. Nhiều vườn rau, vườn bắp không còn thấy lá nữa, chỉ còn trơ cọng, phủ đầy bởi cào cào, bò chồng lên nhau.
USAID được thông báo. Tui được đề cử hướng dẫn một phái đoàn đi tham sát, có cả ông và bà Đại Sứ Mỹ tại Senegal tham gia. Bất cứ nơi nào tui đưa đến, phái đoàn đều sững sờ khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng cào cào đang phát triển.
Hai hôm sau, chiến dịch xịt thuốc diệt cào cào được phát động. Tui trở thành nhân vật quan trọng, vì tui là người duy nhất biết rành địa hình vùng nầy. Nhà tui được dùng làm tổng hành dinh của chiến dịch chống Cào Cào.
Xưa nay tui chỉ biết đào kinh tưới ruộng, nay được sử dụng như một Hướng Dẫn Viên cho một Chuyên Gia cào cào châu chấu bay từ Mỹ qua. Hai chúng tui thi hành phi vụ thu thập dữ kiện (Data collection) bằng máy bay trực thăng của tòa Đại Sứ Mỹ, đếm mật độ cào cào đang tập trung và thành lập bản đồ để xịt thuốc. Chiến dịch được thi hành khẩn cấp, vì thuốc phải được xịt trong khi cào cào vẫn còn ở trên mặt đất. Một khi chúng mọc đủ cánh và bắt đầu bay đi, xịt thuốc không còn hiệu quả nữa.
Hai chiếc máy bay, loại lớn, bay suốt ngày đêm từ Mỹ đến Dakar với đầy đủ thuốc sát trùng.
Chỉ trong vòng 6 ngày, chiến dịch đã được hoàn thành mỹ mãn. Phải khâm phục hiệu năng cách làm việc của người Mỹ khi cần giãi quyết vấn đề khẩn cấp.
TUI NÓI TIẾNG TÂY
Lúc nhận cái job offer điều kiện tiên quyết là phải lưu loát tiếng Pháp, vì ở Sénégal Pháp văn là ngôn ngữ chính thức. Tui dư biết trình độ tiếng Pháp của tui giỏi như thế nào. Các sư Giáo sư dạy tui còn chưa bao giờ nói tiếng Pháp, nói chi đến tui cho mệt! Lúc học ở trường NLS có Giáo Sư người Pháp dạy, tui nghe được chết liền.
Tui hồi hộp trông chờ giờ phút được gọi để phỏng vấn bằng tiếng Pháp, nhưng may thay, trông mãi vẫn không thấy ai đá động đến vấn đề nầy. Tui tự nhủ: “vậy càng tốt, dại gì vạch áo cho người xem lưng (có thẹo!)”. Khi họ khám phá ra là mình dốt tiếng Tây và phải cuốn gói đi về, ít ra tôi cũng thỏa mãn được giấc mộng giang hồ. Tui thấy yên tâm, quyết chí ra đi tìm đường cứu … Phi Châu!
Đến phi trường Dakar, tui được ông xếp ra đón ở phi trường. Tui xổ ngay mấy câu chào hỏi tủ đã học thuộc lòng, mặc kệ ông ta muốn nói gì thì nói, tui nói phần của tui. Nhưng ông ta có vẻ hiểu và tương đắc lắm. Ông bắt tay tui, lúc lắc lia lịa, miệng không ngớt chào hỏi ”ça va, ça va”. Ông ta rất dễ thương. Chúng tui trở thành bạn ngay lần đầu gặp gỡ. Nhưng đến khi ngồi trong xe và bàn tới chuyện project, tui mới thấy mình đang “lội”. Câu tủ đã hết rồi, rặng mải vẫn không ra câu mới! Khổ quá, biết phải làm sao? Tui bắt đầu trổ tài pha trộn lung tung! Ông xếp thấy vậy, cười, vỗ vai nói:
-Ok, let’s use English? My English is better than your French!!!
Vừa quê lại vừa mừng, tui “merci” lia lịa!!!!
Hú vía! Tui lại thoát được thêm một ải nữa. Ngày xưa tui đã quen “lội” tiếng Mỹ lúc sang Mỹ du học, bây giờ “lội” thêm tiếng Tây khi sang Phi Châu, cũng chẳng nhầm nhò gì! Lội hoài cũng phải biết bơi!
Rồi thời gian trôi qua, bây giờ tui “nổ” tiếng Pháp như bắp rang, gặp ai tui cũng bắt tay lia lịa, miệng thì bô bô “ça va, ça vas bien”, “merci, merci bien, merci beaucoup”…Nói tiếng Pháp giống như mấy ông xếp Mỹ, và bằng chừng ấy tiếng Pháp là đã khá lắm rồi!!!
Nhưng có lẻ tiếng Pháp của tui có màu hơi đậm, vì tui học tiếng Pháp ở trường “học đại” Bakel, Sénégal.
Sau nầy tui mới biết tại sao tui không bị phỏng vấn bằng tiếng Pháp. Thì ra các quan chức phe ta (phe Mỹ) ai cũng dốt tiếng Pháp, cỡ như tui, nên đều né tránh.
Tuy không bằng ai nhưng tiếng Pháp của tui cũng có được nhiều người khen là: “Nói tiếng Tây như Mỹ, nói tiếng Mỹ như Tây”!!!
GIÃ TỪ BAKEL (1989).
Tui chia tay cùng các người đẹp Bakel Ông Prefet (tỉnh trưởng) (mặc BouBou)
Ngày nào tui hí hửng đi Phi Châu chẳng qua vì muốn thỏa mộng giang hồ. Ý định đi chơi, nhưng khi làm việc với nông dân nghèo đói, tui bắt đầu làm thật. Ít ra mình đã thực hiện một việc làm có ý nghĩa.
Sau 1975, dân Việt Nam ăn “bo bo” than trời như bọng, trong khi dân Sénégal hàng bao thế kỷ không có đủ bobo mà ăn. Họ ăn millet, hột cỏ cho chim ăn, cho no bụng. Gạo là thứ xa xí, con người ít khi được ăn gạo.
Project của tui đã mang về vài trăm tấn lúa hằng năm cho 24 làng, chưa kể các ngũ cốc khác và hàng tấn các loại rau tươi. Mọi người đều có gạo mà ăn. Tám năm lặn lội ngược xuôi, được trả công đầy đủ với cái pay check của USAID, và cái bụng no của nông dân. Coi như huề, không ai nợ ai. Nhưng có ai biết là tui mánh hơn nhiều? Tui đã tự trả cho mình rất hậu, cái gọi là “sự tự mãn” (self satisfaction), hay nôm na gọi là “tự sướng”, đáng giá nghìn vàng!
Trong 3 năm cuối cùng (1986-1989) chỉ có một mình tui ở lại Bakel lo cho Prtoject. Sống một mình quá lâu, lại xa gia đình nhớ 2 đứa con trai kháu khỉnh, đứa bé mới vừa sinh, tui bị trầm cảm nặng, chỉ muốn được về Mỹ nhưng không ai cho phép vì Project đang cần tôi. Sau cùng, không còn chịu đựng nỗi, tui tìm gặp ông Marabout xin ngài giúp đỡ. Marabout là vị lãnh đạo tôn giáo trong làng, có nhiều quyền lực và được mọi người kính trọng. Người muslim dùng 2 bộ luật khác nhau để xử người có tội: luật dân sự (civil law) và luật Hồi giáo (Islamic law). Để giãi quyết những vụ tranh tụng trong làng, ông trưởng làng dùng luật dân sự, ông Marabout dùng luật Hồi giáo.
Ông Marabout bảo tui bị ếm rất nặng, chỉ có thầy giỏi mới giãi được mà thôi. Ông giúp với giá một con gà luộc và 10 cái trứng gà để ông làm phép. Tui đồng ý. Ông cho tui một cái “gri gri” để đeo vào cổ, và một lá bùa xếp vuông bằng ngón chân cái. Tui phải chôn lá bùa nầy trên núi dưới một tảng đá.
Bùa Grigri
Tui làm y chang…và có hiệu quả thật! Cuối năm ấy tui được cho về Mỹ!!!. Tin hay không tùy bạn.
Mừng quá, tui tặng một con bò để sở làm lễ tiễn biệt. Có con bò đãi tiệc, mọi người ăn uống phủ phê, vui như hội. Đại diện 24 làng và ông Tỉnh Trưởng (Prefet) đều có mặt trong buổi lễ tiễn đưa nầy.
Nhưng than ôi, có ngờ đâu tui gặp phải ông Marabout lếu láo. Ông đâu có nói là cái “gri gri” có ngày hết hạn! Đúng 2 năm, cái ”gri gri” mãn hạn thật. Tui lại khăn gói trở lại Sénégal, nhưng lần nầy tui được thưởng cho đi câu cá có lương ở Casamance và Vacation ở Jamaica, cái nhiệm sở cuối cùng của tôi.
TUI TRỞ LẠI SENEGAL (1991-1992) LÃNH LƯƠNG ĐI CÂU CÁ
My family in Ziguinchor-Casamance
Dr. Velupillai đưa tui gặp Ngài Chancellor. Tui dùng cơm trưa với ông, và còn nhớ ông gọi cho tui món Gumbo, món ăn truyền thống ở Louisiana.
Làng đánh cá ở Casamance
Lúc giã từ, tui có hứa với ông là sẽ không phụ lòng ông. Tui hí hửng nhận job mới với lòng tự tin là mình sẽ thành công, qua những kinh nghiệm gặt hái được ở Bakel Project. Project nầy sẽ mở cửa cho vào International Program của LSU.
Lần nầy trở lại Sénégal, tui sẽ làm việc ở miền Nam, vùng Casamance, nơi lý tưởng mà tui thường mơ ước lúc còn làm việc tại Bakel. Tui có cảm tưởng như vừa được trở về làm việc tại Việt nam.
Casamance với các bải cát và hàng dừa tuyệt đẹp
Khác hẳn Bakel, khí hậu Casamance giống như ở Việt Nam, ẩm quanh năm, cây cỏ xanh tươi, mưa nhiều (155 cm), nằm sát bể, nhiều sông ngòi và mangrove nước mặn.
Nông dân trồng lúa, làm rẩy, chăn nuôi. Các vùng nước mặn (mangrove) mọc đầy các loại cây rể cao như rừng Cà Mau. Casamance có những bãi biển cát trắng với các hàng dừa xanh tuyệt đẹp. Nơi đây là thiên đàng để nghỉ hè cho du khách Âu Châu và của những ai mê câu cá. Trong đó có tui.
Thiên đàng những người thích câu cá
Tui là người Việt Nam duy nhất làm việc cho USAID/Sénégal ở thời điểm nầy. Project của tui là thiết lập dự án và xây các đập chắn nước mặn, để bảo vệ các ruộng lúa trong mùa khô và dùng nước mưa để cải thiện đất bị nhiễm mặn.
Tui làm việc dưới một hệ thống hành chánh và điều hành kỹ thuật của chánh phủ Sénégal. Một khi đã là công chức, mọi người dậm chân tại chỗ lãnh lương. Tui cũng vậy!
Ngày ngày đến sở làm nhưng tui không biết phải làm gì. Mọi người trong sở đều như vậy. Xếp lớn thì mút mùa ở Dakar. Mỗi lần thấy ngài xuất hiện là có họp. Trong buổi họp, mọi người rần rộ dành nhau phát biểu ý kiến, và khi ra khỏi phòng họp là xem như công việc đã làm xong. Lần sau họp tiếp để bàn lại chuyện cũ. Cứ thế mà chúng trông bận rộn lắm. Họp một năm rồi vẫn còn bàn cãi, chưa có cái đập nào được xây.
Bãi biển ở Gambia Nơi lý tưởng nghỉ ngơi- Vacation
Sau một thời gian làm việc tui nhận thấy project không thích hợp với sở trường của mình. Tui quyết định không nhận mình là dân Soninké để trở lại thuần túy là một “Chuyên Gia” ngoại quốc, làm việc theo lối Senegalese, có nghĩa là dậm chân tại chỗ cho đến ngày contract mãn hạn.
Sénégal có nhiều tài nguyên phong phú chưa được khai thác đúng mức, nhất là nguồn hải sản. Dân Senegalese không biết ăn cá nhỏ, như cá lòng tong, cá bống, cá rô. Loại nầy dùng để nuôi chim.
Nhà tui ở tại Ziguinchor, là thành phố du lịch nổi tiếng, nên đầy đủ các món ăn chơi. Khí hậu tốt, khách sạn sang, nhà hàng Tây thứ thiệt, nhưng tui không màn, chỉ thích đi câu.
Nông dân làm ruộng trồng lúa. Nhà quê giống như ở VN?
Biển Ziguinchor không những đẹp lại có nhiều cá. Đi câu trên bãi (Surf fishing), bắt cá “Thon” 2-3 kg, nhưng tui thích đi câu sông hơn vì không phải lái xe đi xa. Câu sông có thể câu từ bờ sông, hoặc câu trên thuyền. Ném mồi giữa sông, ngồi tà tà hút thuốc, thỉnh thoảng kéo vào con cá “Capitaine” vài kí lô là thường. Thỉnh thoảng bắt được cá lớn cả chục kí lô. Kéo cá đã tay luôn!
Ruộng lúa như ở Việt nam Mangrove như ở VN.
GIÃ TỪ PHI CHÂU, GIÃ TỪ NGHIỆP “CHUYÊN GIA” (1992)
Có hai loại Chuyên Gia, Chuyên Gia “blue collar” và Chuyên Gia “wet back”. Tui thử cả hai. Làm “blue collar” thì tui rất tệ, nhưng “wet back” là nghề của tui.
Đến bây bây giờ tui vẫn chưa định nghĩa được “Chuyên Gia” là cái “nghề” hay cái “nghiệp” mà sao nó có quá nhiều vui buồn, vinh nhục.
Ngày xưa tui từ giã Bakel, như một anh hùng. Ngày nay tui từ giã Casamance như người bại trận, âm thầm ra đi, không người đưa tiễn, vui buồn lẫn lộn. Vui vì được trở về đoàn tụ với gia đình, buồn vì đã để lại phía sau một khoản dài của đời mình, và một trách nhiệm chưa hoàn tất.
Thôi thì cũng đã trả xong rồi cái nghiệp “Chuyên Gia”, tui âm thầm giã từ “quê hương da đen” để trở về “quê hương da trắng”. Biết đâu một ngày nào đó, tui lại giã từ “quê hương da trắng” để trở về với “quê hương da vàng”.
Số mạng đưa đẩy tui lặn lội đến tận Phi Châu. Nhiều khi tui nghĩ, nếu tui không có thời gian làm việc ở Phi Châu, cuộc đời của tui chắc nhàm chán và vô vị lắm.
Nay tuổi đã về chiều, tui vẫn thích xem các chương trình National Geographic trên TV. Thỉnh thoảng gặp những chương trình Safari bên Phi Châu. Nhìn những cảnh quen thuộc ngày nào, tui nhớ lại bao kỷ niệm xa xưa. Tui tự hỏi: có phải thật sự là ngày xưa, tui đã từng lặn lội nơi đây?
Tất cả chỉ là một giấc mơ!!!
Garden Grove 10/29/2015
Văn Ni /Nguyễn
Tác giả mong nhận được phản hồi của các đọc giả, nhất là của các bạn đồng nghiệp, các Sư Huynh, các Sư Phụ đã từng lặng lội ở Phi Châu với cái nghiệp “Chuyên Gia”. nivannguyen@gmail.com
-HẾT-