5/3/2015
170-171
Một ngàn năm, qua đi… rồi trở lại,
Hay ngàn năm, ta chợt đến… hôm nay,
Dấu rêu xanh ngày đó, chẳng đổi thay?
Mây vẫn trắng giữa trời kia rực nắng.
Chút bụi đỏ chợt rơi hờ trên tóc,
Dường như từ gió thoảng, thuở ngàn xưa?
Ta đến đây… như chưa đến bao giờ
Vì một chút đền thiêng còn che khuất.
Mọi người vui vẻ một chút bằng các hình ảnh sau đây.
Rồi giã từ đền Sulamani.
Ảnh chụp trước khi rời đền Sulamani.
Điểm viếng tiếp theo của ngày hôm nay là chùa Bu Paya, xây dựng vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên.
B.21.7.Chùa Bu Paya và hoàng hôn trên giòng Ayeyarwaddy.
Không biết vô tình hay do chương trình đã được lập trước, điểm thăm viếng cuối cùng trong ngày lại là chùa Bu Paya, nằm bên bờ Ayeyarwaddy, nhờ đó chúng tôi được dịp lênh đênh trên con sông dài nhất Miến Điện và êm đềm chứng kiến 1 hoàng hôn rơi nhẹ nhàng giữa không gian bao la, thơ mộng và thật yên bình!
Nhưng trước hết, xin mời các bạn đến với chùa Bu Paya với ngôi stupa thật đặc biệt, hoàn toàn khác với tất cả những stupa mà tôi từng chứng kiến trong cuộc hành trình qua đất Miến này, tôi tạm gọi là stupa củ hành!
Trong ánh nắng chiều tàn, ngôi stupa vàng rực, chói lọi bên giòng Ayeyarwaddy mênh mông nước.
Đây là ngôi chùa cổ nhất tại khu vực cố đô Bagan, xây vào thời vua Pyusawhti(166-243 AD); nhưng rất tiếc trận động đất năm 1975 đã phá hủy hoàn toàn và các mảnh vở đã chìm xuống giòng sông Irrawaddy(1 tên khác của Ayeyawaddy).
Chùa đã được phục dựng lại vào các năm 1976-1978, bằng bê tông cốt thép, với ngôi stupa được dát vàng rực rỡ như chúng tôi thấy hôm nay. Chúng tôi vào thăm viếng và cúng lạy tí chút rồi nhanh chóng xuống bến thuyền theo bậc cấp xây bên cạnh chùa, để lên thuyền.
Chùa Bu Paya cổ, trước khi bị động đất phá hủy (ảnh tư liệu, chụp năm 1868)
Ngày nay, với du khách nước ngoài, giá trị “cổ” của chùa Bu Paya(Bu có nghĩa là củ, Paya là chùa, trong tiếng Miến), không còn quan trọng nữa, ngoại trừ hình dáng đặc biệt dạng củ của ngôi stupa, còn cái bề thế đẹp đẻ thì thua xa các đền tháp khác của Miến Điện. Nhưng bù lại, chùa nằm trên 1 vị thế rất đẹp của giòng Ayeyarwaddy, để từ đó mọi người có thể ngắm nhìn cảnh mặt trời chìm khuất khi hoàn hôn xuống, dĩ nhiên với 1 góc khác hơn là từ các đỉnh tháp nào đó rải rác trong khu vực cố đô Bagan, cũng thật tuyệt vời!
Bến thuyền du lịch bên cạnh chùa Bu Paya.
Và càng tuyệt vời hơn khi mọi người ngồi trên con thuyền du lịch, ngược lên thượng nguồn giòng Ayeyarwaddy rồi thả bềnh bồng theo con nước, để ngắm nhìn vài cảnh đời thường đặc sắc bên bờ tả ngạn của con sông lớn nhất Myanmar này, vừa thưởng thức cái êm đềm trên sóng nước, vừa dỏi mắt tò mò với cảnh lạ của giòng sông! Và cuối cùng, một khoảnh khắc chỉ một lần trong ngày nắng ráo, từ từ đến với mọi cặp mắt đang chờ đợi : cảnh mặt trời lặn xuống nơi chân trời mờ mờ bóng núi xa!
Ayeyarwaddy còn có 1 tên khác, Irrawaddy, là giòng sông dài nhất nước, 2170km, chảy từ Bắc xuống Nam, có lưu vực khoảng 413.000km2, hoàn toàn nằm trong nội địa Myanmar.
Giòng sông đã chia dọc đất nước Myanmar thành 2 nửa, các nhánh tỏa ra tạo nên đồng bằng châu thổ Irrawaddy, trước khi đổ ra biển Adaman của Ấn Độ Dương. Đây là thủy lộ quan trọng, dù có nhiều ghềnh thác nhưng tàu thuyền vẫn có thể lưu thông đến tận Myitkyina, cách biển đến 1600km về phía thượng lưu, vượt qua khỏi kinh đô Mandalay một thời lừng lẫy! Dòng sông là thủy lộ quan trọng để vận chuyển khách và hàng hóa trên 1 tuyến đường dài hàng ngàn km, góp phần không nhỏ trong hoạt động kinh tế của đất nước Myanmar.
Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp bên cạnh khách sạn nằm dựa bờ sông Ayeyarwaddy.
Sản phẩm gốm nằm chờ tàu vận chuyển đi các nơi.
Đặc biệt đây lại là quê hương của loài cá heo nước ngọt mà tôi đã từng nhắc đến trong thiên hồi ức “Daehan 120cc và cuộc rong chơi ngàn dặm của 2 kẻ thích lang thang”: cá heo irrawaddy(Orcaelia brevirostris) trên sông Mekong vùng hạ Lào-bắc Cambudia, gồm các tỉnh Champasak(Lào), Stueng Treng, Kratie(Cam.), tại các nơi này, du khách thường mong muốn được chứng kiến cảnh cá heo nô giỡn trên sông.
Hiện tại, nếu nhiều thời gian, du khách có thể chọn 1 tour du lịch theo giòng Ayeyarwaddy bằng những con thuyền lớn, tiện nghi, hiện đại, chạy dọc theo giòng sông lên đến Mandalay hoặc ngược lại, để khám phá Myanmar theo 1 phương cách khác, vừa êm đềm, vừa thú vị với những ngày bềnh bồng xuyên qua các làng quê, các đền tháp và các kinh đô xưa cũ.
Thuyền du lịch dành cho các chặng đường thủy dài trên sông Ayeyarwaddy.
Thuyền du lịch dành cho du khách thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn trên sông Ayeyawaddy, gần chùa Bu Paya.
Vài du khách nước ngoài thuê riêng 1 chiếc thuyền để lênh đênh trên sóng nước chờ đón cảnh mặt trời “khuất núi”.
B.22. Ngày thứ 22, 07-11-2013.
Điểm đến của ngày hôm nay sẽ là 1 cố đô khác của Miến Điện, Mandalay, cách Bagan gần 300km về phía Đông Bắc. Tuy nhiên, Sư H. sẽ cho đoàn dừng lại một điểm dọc đường, thành phố Monywa, thuộc vùng hành chánh Sagaing, cách Mandalay khoảng 130km về phía Tây, dĩ nhiên là để cho mọi người được thăm vài địa điểm nổi bậc tại nơi này.
B.22.1. Bagan-Monywa : 150km.
Trên bản đồ, có 2 địa danh đáng chú ý: Pakokku và Pakhan Gyi.
Lộ trình khá xa, lại phải tính toán sao cho nơi dừng chân phải rơi vào thời điểm thích hợp cho các Sư ăn bửa trưa trước 12g. Cho nên chúng tôi khởi hành rất sớm, khách sạn phải cung cấp cho mỗi người 1 khẩu phần ăn sáng để tự điểm tâm trên xe.
Xin chào Bagan, chào những đền tháp ngàn năm cũ!
05h30’ khởi hành đi Mandalay.
06h xe tạm dừng để nạp nhiên liệu.
Theo bản đồ lộ trình, chúng tôi sẽ vượt qua cầu Pakokku, bắc ngang sông Ayeyarwady, đó cũng là cửa ngỏ phía Nam của Thị trấn cùng tên, Pakokku. Cây cầu thật ấn tượng bởi chiều dài của nó vì phải băng ngang 1 giòng sông quá rộng. Có lẽ vì đoạn này sông Ayeyarwady cạn và không phải là thủy lộ quan trọng giống như hạ lưu sông Mekong trên lãnh thổ Việt Nam, nên cầu không cần cao và không cần đoạn đường dẫn dài ngoằng như Cần thơ, Mỹ Thuận…
Đây là cây cầu dùng chung cho tàu hỏa và đường bộ, dài nhất nước Myanmar. Phần dành cho dường bộ dài khoảng 4km, gần bằng đoạn sông mà nó băng qua, phần dành cho đường sắt dài khoảng 6km, khánh thành vào cuối năm 2011. Cầu Pakokku là 1 phần trong dự án đường cao tốc xuyên Á, nối liền Thái Lan và Ấn Độ, qua Myanmar.
Cầu Pakokku, bắc ngang sông Ayeyarwady.(Ảnh tư liệu từ internet).
Đường sắt nằm trên cầu phía tay phải xe bus(nên không thấy).
Phần cầu dành cho đường sắt(màu sáng trên cao) tiếp tục nối dài vào địa phận thị trấn Pakokku.
Đường sắt(góc trên, trái) và đường bộ(góc dưới, phải), nơi vào thị trấn Pakokku.
Như tôi đã nói, việc tổ chức các đơn vị hành chính của Myanmar không giống như các nước khác, nhất là khác với Việt Nam ta, nên rất là “lộn xộn”. Tôi tạm cố gắng giải thích theo sự hiểu biết hạn hẹp của mình trong trường hợp cụ thể của thị trấn Pakokku như sau:
Magway là 1 vùng hành chánh(Region) nằm giữa các bang và vùng hành chánh Sagaing, Mandalay, Bagan, Rakhine và Chin. Nó có 5 quận Magway, Minbu, Thayet Găng và Pakokku.
Pakokku là 1 thị trấn thuộc quận Pakokku, nằm trên bờ Tây sông Ayeyarwady, cách cố đô Bagan khoảng 30km, có nền kinh tế khá phát triển nhờ các sản phẩm nông nghiệp như gạo, mè, đậu phộng, thuốc lá …dù đất đai khô hạn. Chúng ta có thể tháy điều này qua hình ảnh sông Ayeyarwady nơi cầu Pakokku vượt qua hoặc con sông cạn trong nội ô thị trấn Pakokku.
Cũng giống như nhiều thành phố khác, Pakokku hiện ra trước mắt chúng tôi là 1 phố thị yên ả, hiền hòa; bây giờ lại rất sớm nên có vẻ như còn ngây ngủ.
Một góc Pakokku trong sáng sớm.
Sông cạn trong nội ô Pakokku.
Về phương diện văn hóa, Pakokku cũng là 1 trung tâm Phật giáo đáng chú ý bởi sự hiện diện của trên 80 tu viện cổ, trong đó có chùa Thihoshin do vua Alaungsithu xây dựng từ thế kỷ 12.
Tháng 9 năm 2007, Pakokku diễn ra cuộc biễu tình lớn của các nhà Sư, chính quyền quân sự đã ra tay đàn áp rất tàn nhẫn, khiến dấy lên 1 phong trào phản kháng lan rộng khắp nước mà người ta gọi là “cuộc cách mạng cà sa”, từ đó mở đầu cho những diễn biến làm đổi thay nhanh chóng chế độ quân phiệt, độc tài, thoát Trung, mở cửa …tạo nên một thay đổi thần kỳ cho sự phát triển của Miến Điện hôm nay.
Xe tiếp tục đi ra vùng ngoại ô Pakokku, đưa chúng tôi ngang qua những miền quê yên bình với các hình ảnh chất phác, nghèo khó của 1 đất nước vừa thoát ra khỏi sự cô lập với thế giới bên ngoài. Một số những hình ảnh này trông thật rất gần gũi bởi dường như tôi vẫn còn bắt gặp đâu đó trên đất nước mình!
Đó là con đường nhỏ chạy ngang qua những vùng quê hẻo lánh, với quán hàng đơn sơ, tạm bợ đầu xóm, hoặc các chợ làng họp vội bên khoảng đất trống đầu thôn. Các em học trò chơn chất với dép kẹp, trên tay xách kèm một “gà mèn” cơm trưa, vì phải ở trường suốt tử 9 giờ sáng đến chiều.
Mỗi em có một “gà mèn” cơm trưa.