|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
31 ngày P 182-183 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
26/3/2015
Phần 182-183
Kính thưa quí Thầy và các bạn,
Trong phần này vừa gửi tôi có một chi tiết ghi sai về địa danh nơi Đức Phật Đắc đạo, không phải là Kushinagar, mà là Buddhagaya, Bồ đề Đạo Tràng, khoảng cách từ đó đến Tamu(Miến Điện) là 1521km. Xin đính chánh và thành thật xin lỗi.
P.Minh.
2014-12-19 20:05 GMT+07:00 Mongphuoc Minh <mpminh@gmail.com>:
B.24.1. Chùa Mahamuni.
Sau khi ăn xong điểm tâm tại khách sạn, chúng tôi lên xe đi thăm chùa Mahamuni. Mandalay sáng sớm vẫn như đang ngủ vì người Miến chỉ bắt đầu giờ làm việc lúc 09 giờ, nên lúc này đường sá còn thông thoáng. Các địa điểm viếng thăm chính hôm nay thể hiện trên bản đồ lộ trình bên dưới.
(1) Khách sạn Universal King đi chùa Mahamuni, 6,5km qua đường số 82.
(2) Chùa Mahamuni theo đường 82 trở lại ăn trưa tại nhà hàng Thái Ko’s Kitchen.
(3) Ko Kitchen đi thăm Hoàng Cung.
(4) Hoàng cung đi chùa Su Taung Pyai trên đồi Mandalay.
Bài thể dục buổi sáng của ông chủ và người giúp việc.
Xe bus đưa chúng tôi đến chùa Mahamuni theo đường 84, cách khách sạn chừng 6km về phía Nam.
Chùa được xây dựng năm 1784, mang tên Mahamuni bởi vì là nơi tượng Phật cùng tên an vị.
Miến Điện giáp với Ấn Độ ở phía Tây. Từ quê hương Đức Phật hoặc nơi Ngài đắc đạo(Kushinagar) tới biên giới Miến Điện(Tamu) chỉ khoảng 1566km, gần hơn từ Sài Gòn đến Hà Nội(1713), cho nên tôi không ngạc nhiên khi biết rằng đã 3 lần Đức Phật cùng đoàn Tăng lữ đến vùng đất này để hoằng hóa chúng sinh. Một trong 3 lần đó, theo truyền thuyết, vào năm 554 trước Tây lịch, Đức Phật cùng Ngài Ananda, đã dẫn 500 đệ tử đến thành Dhanyawady thuộc vùng Arakan, Miến Điện để thuyết pháp. Vua Sanda Thuriya xin phép được đúc tượng Đức Phật để tôn thờ, Đức Phật đã đồng ý và ngồi thiền suốt 7 ngày dưới cội bồ đề, trong lúc các chuyên gia và nghệ nhân thực hiện việc tạo mẫu. Có lẽ tượng do vua đặt làm nên đặc biệt có sử dụng các mủ miện và hoàng bào để trang trí. Đó là 1 trong 5 tượng Phật được tạo ra khi Phật còn tại thế, bằng đồng cao 4m và nặng đến 6,5 tấn, sau nhiều lần di dời, cuối cùng được đưa về an vị tại chùa Mahamuni này. Ngôi chùa không lớn và có tháp stupa vĩ đại như nhiều chùa nổi tiếng khác, nhưng lại là 1 trong 3 ngôi chùa linh thiêng nhất Miến Điện, mà nhiều Phật tử tâm nguyện phải đến viếng ít nhất 1 lần trong đời, ấy bởi vì chính nơi đây thờ tượng Phật Mahamuni.
Sau lưng Anh AyunPa L. là tượng Hoàng tử Sihasura, người đã mang tượng Mahamuni về từ Arakan.
Tượng Phật Mahamuni (ảnh từ Internet)
Sau hàng ngàn năm, lớp vàng dát lên tượng Phật dầy đến 15cm!
Chùa có 4 hành lang từ 4 hướng, dẫn vào tòa Chánh điện ở trung tâm, nơi thờ tượng Phật Mahamuni, được dát vàng từ hàng ngàn năm qua, nên lớp vàng dày đến 15 cm. Chỉ có nam giới mới được vào sát tượng Phật để dát vàng, 1 hàng rào ngăn cách nhằm xác định giới hạn mà nữ giới được phép đến. Muốn dát vàng, các tín nữ phải nhờ các nam giới phục vụ đứng gần đó.
2 trong số 4 hành lang dẫn đến Chánh điện.
Nét lộng lẫy bên trong 1 hành lang dẫn đến Chánh điện.
Từ 1 hành lang nhìn vào Chánh điện, nơi tượng Phật an vị nằm ở cuối hành lang, 1 rào chắn giới hạn khu vực dành cho tín nữ.
Theo truyền thống, hàng ngày lúc 4 giờ sáng, chùa tổ chức lễ rửa mặt Phật do 1 cáo tăng thực hiện, kéo dài khoảng 1 giờ. Chúng tôi không chứng kiến được nghi lễ này. Sau đây là vài hình ảnh tôi tìm được trên internet.
Vị cao tăng dùng nước hương hoa để rửa mặt Phật…
…rồi dùng quạt để phẩy cho khô. (Ảnh từ internet)
Nhìn các hình ảnh trên, các bạn thấy bức tượng Đại Phật Mahamuni thật là to lớn bên trong chánh điện. Và thật ngộ nghĩnh, tôi bắt gặp 1 chú bé thật dễ thương đang bò dưới gạch, trong sân chùa, chú bé thì ...nhỏ xíu!
Dường như có mấy vị khách Thái Lan đến viếng chùa, đi trên chiếc xe gắn 4 sao(Đại Tướng), tôi mon men đến xin chụp chung một tấm ảnh với anh trung sĩ lái xe, anh ta vui vẻ OK.
09h30, chúng tôi rời chùa Mahamuni để qua làng nghề chạm khắc đá cẩm thạch, nằm cách đó không xa.Đây là 1 xóm tập trung các cơ sở điêu khắc đá cẩm thạch, thật chẳng khác mấy với làng điêu khắc đá Non Nước ở Đà Nẳng, tiếng máy cắt vang lên như xé, cùng bụi đá mịt mù quanh người thợ và nước giải nhiệt chảy lênh láng ra đường…Tượng cẩm thạch trắng đủ kích cở, hầu hết là tượng Phật cùng một số linh vật trong Phật giáo, không thấy các loại tượng mỹ thuật đa dạng như ở Việt Nam. Đặc biệt, đá cẩm thạch nơi đây tốt hơn đá hoa Non Nước rất nhiều, trong và bóng chứ không đục.
Sư Th. đi Miến Điện lần này là mang trọng trách thỉnh tượng Phật cẩm thạch về chùa đang xây dựng ở Bãi Giá, Sóc Trăng. Hôm qua, khi ghé 1 cửa hàng bán đá quí lúc sắp vào Mandalay, Sư đã được chủ cúng dường một viên ngọc ruby, họ sẽ nhận nhiệm vụ đính viên ngọc lên trán Đức Phật(cao khoảng 2m), thế mới thấy người Miến thật mộ đạo và quí Sư, dù Sư từ Việt Nam sang! Hôm nay các Sư đến đây để hoàn tất hợp đồng với 1 cơ sở điêu khắc được chọn.
Các lộng gắn trên đỉnh stupa bằng đồng.
Nơi đây, ngoài nghề điêu khắc đá, người ta còn sản xuất các vật phẩm Phật giáo bằng đồng như các tán lộng gắn trên đỉnh stupa.
He he…một bà “Miến” đến từ …Việt Nam.
Sau khi hoàn tất việc hợp đồng, mọi người đến ăn trưa tại nhà hàng Thái Ko’s Kitchen nằm tại góc đường Inwa và 80, quay mặt về phía Hoàng cung, bên kia hào nước bảo vệ.
Xin mời vào.
He he, trái ớt tóe lửa nói lên tính chất “cay” của đồ ăn Thái; nhưng thật sự chưa biết có cay bằng thức ăn Việt Nam không? Cay nhiều hay ít còn do yêu cầu của khách hàng, nếu muốn cứ xin thêm ớt! Riêng hôm nay, món ăn Thái thật ngon, nhưng chẳng cay gì cho lắm!
Cơm trưa xong, chúng tôi đi ngay qua thăm Hoàng cung. Chỉ cần chạy theo đường 80, cặp hào nước rồi tiếp tục rẻ phải tại góc đường số 12, đến đường Mandalay-Myikyinar Hwy, rẻ phải băng qua một cầu dẫn thì vào đến cổng Hoàng thành. Tại đây có 1 chốt kiểm soát của lực lượng quân đội bảo vệ.
Bên kia hào nước là là bức tường thành Hoàng cung(màu nâu).
Trên đường 80, phía phải hào nước là Hoàng cung, phía trái hào nước là đường 12.
Trên cầu dẫn ngang qua hào nước bao quanh Hoàng cung. Phía xa là tường thành với vọng lâu.
Xin nhắc lại, Hoàng Cung Mandalay được vua Mindon bắt đầu xây dựng vào tháng 6 năm 1857, sau khi thiên đô từ Amarapura về Mandalay. Đó cũng là sau khi xảy ra cuộc chiến Anh-Miến lần thứ 2 vào năm 1852, ngân sách thiếu hụt không khả năng xây dựng mới, nên nhà vua đã cho dời các cung điện cũ từ cố đô Amarapura về phục hồi lại và chỉ mất 2 năm thì hoàn thành(1859).
Hoàng Cung được bao kín 4 mặt bởi 1 hào nước rộng 64m, sâu 4,6m và dài 2.032m mỗi cạnh. Có tổng cộng 5 chiếc cầu bắc ngang hào nước.
Kế tiếp là một tường thành có các lỗ châu mai cùng 1 hệ thống vọng lâu được bố trí với khoảng cách 169m. Trên mỗi cạnh tường thành có 3 cửa, tổng cộng là 12 cửa.
Trạm kiểm soát do lực lượng quân sự đảm trách, cầu dẫn qua hào nước, thẳng tới trước là đường Mandalay-Myikyinar Hwy.
Ngày nay, Myanmar không còn chế độ quân chủ, nhưng chính phủ vẫn duy trì lực lượng bảo vệ Hoàng Cung là quân đội, điều đó có lẽ chỉ có tính cách biễu tượng? Dẫu sao, khi nhìn những vọng lâu rải rác dọc theo bức tường thành vững chắc màu cau khô, tôi vẫn thấy đâu đó vẻ oai phong của một vương triều thuở nào còn hùng mạnh. Những lỗ châu mai nhìn ra con hào rộng phía trước, các vọng lâu nhô cao như những đôi mắt cảnh giới, luôn toát lên vẻ gì đó rất uy nghiêm, ngầm cho mọi người biết đây là chốn bất khả xâm nhập.
Ngày nay, tuy nơi này là một địa điểm du lịch, rộng mở cho mọi khách tới thăm, việc dùng quân đội để canh giữ như muốn lưu lại cái “hồn” của vương triều xưa cũ, theo tôi đó là một cách làm rất hay. Nó gợi cho ta chút quan ngại khi vừa tiếp cận, nhưng lúc mọi chuyện đều giản đơn như các nơi thăm viếng khác, thì ta thấy thật thú vị.
Nhất là khi vừa vượt qua khỏi tường thành, những khẩu pháo xưa bố trí 2 bên cửa Hoàng cung khiến cho du khách trở nên nghiêm cẩn hơn khi sắp sửa bước vào chốn triều đình, dù nay không còn quốc vương nào tại vị.
Anh bạn Zaw Minn chụp hình kỹ niệm trước Hoàng Cung.
Mandalay là cố đô của vương triều cuối cùng Miến Điện, do vua Mindon thành lập. Hoàng cung Mandalay cũng là Hoàng thành cuối cùng được xây dựng trên kinh đô cũ đó, vào lúc mà đất nước đang bị thực dân Anh rình rập xâm chiếm. Và sau 26 năm tồn tại, với 2 vua trị vì, Mindon và Thibaw, Mandalay trở thành cố đô vào ngày 28-11-1885, khi người Anh chính thức thống trị Myanmar sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Anh-Miến lần thứ 3, Vua Thibaw và Hoàng hậu Suphayalat bị buộc sống lưu vong.
Thời thế chiến, Hoàng cung lại bị quân Nhật chiếm đóng, thảm họa xãy ra khi hầu như toàn bộ công trình tiêu biểu của nền quân chủ cận đại, mang đậm bản sắc truyền thống Miến Điện này bị thiêu rụi vào tháng 3 năm 1945.
1989, chính quyên Myanmar đã cho khôi phục lại Hoàng cung đúng theo nguyên mẫu, bằng vật liệu, kỹ thuật kết hợp truyền thống và hiện đại: dùng tấm lợp cho hầu hết các mái nhà, bê tông được sử dụng phổ biến thay cho gỗ teak…
Hoàng cung, tên theo tiếng Miến là Mya Nan San Kyaw, khi xưa là nơi ở của Vua và gia đình, đồng thời cũng là nơi Vua điều hành việc cai trị đất nước. Ngày nay, sau khi được khôi phục, Hoàng cung Mandalay trở thành địa điểm tiêu tiểu của Mandalay để du khách viếng thăm, là một kiệt tác kiến trúc và mỹ thuật đáng tự hào của người Miến.
Xin mời đi thăm kiệt tác này.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1062449 visitors (3176354 hits) |