14/12/2019
CÁ LINH VÀ MÙA NƯỚC “NỔI”
KS Nguyễn Phước Bửu Huy
|
Cá Linh – Đặc điểm sinh học
Cá Linh là một loài cá “trắng”, thuộc họ cá Chép, có kích thước nhỏ, chỉ bằng ngón tay. Cá Linh, có nhiều loài, nhưng hai loài chiếm ưu thế là Linh thùy, hay Linh rìa (tên khoa học là Cirrhinus lobatus) và Linh ống (C. jullieni Sauvage 1878). Tiếng Khmer gọi là “trêy rial”, hay “trêy lênh” (phát âm tựa như chữ “linh”). Cá Linh có nhiều vảy, xương cứng, thịt mềm. Là loài ăn nổi, thức ăn chủ yếu là rong tảo, phiêu sinh, mùn bã hữu cơ. Cá thích sống ở lưu vực nước chảy, sinh sản nhanh, có tỷ lệ sống khá cao, 70-80%, cá cái đẻ khoản 70.000-220.000 trứng (*). Khác với một số loài cá cùng cở như: cá Lòng tong, cá Thiểu, cá Cơm…thường bầy nhỏ, phân tán, cá Linh sống tập trung thành đàn số lượng lớn và có thể nhân đôi quần thể trong vòng 3-4 năm.
Cá Linh
Môi trường thiên nhiên
Khoản tháng 6 hằng năm, nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, tràn vào Biển hồ Tonlé Sap-Cambodia, và chảy xuôi về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Người dân có câu: “tháng bảy nước nhảy lên bờ”, cũng là mùa cá Linh sinh sản. Trứng cá thuộc dạng bán trôi nổi, khi mới đẻ, trứng nổi, sau đó chìm dần xuống. Trứng trôi theo dòng nước bạc, tràn vào các kinh, rạch, ngập các cánh đồng, nơi có nhiều phù sa tích tụ, mùn bã hữu cơ, là nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Vùng Biển hồ là nơi sinh sống thích hợp và có trữ lượng cá nhiều nhất.
Đầu mùa mưa, cá Linh non (còn gọi là Linh sữa) xuất hiện, cở cá nhỏ chỉ bằng đầu đũa, đến cuối mùa mưa, nước bắt đầu rút xuống. Lúc này cá đã lớn trở thành Linh già, rất nhạy cảm với thay đổi thời tiết. Có người nói rằng lúc cá đang “chạy”, nếu bất chợt trời chuyển mưa, có tiếng sấm sét, dân hay gọi là “trời gầm”, thì cá sẽ đổi hướng, lặng biến mất. Khi nhiệt độ ấm lên, cỏ rạ phân hủy làm thối nước, lượng oxy giảm, đàn cá theo dòng chảy, tìm đường trở ra sông, đến nơi có môi trường thích hợp hơn và di cư ngược lại lên phía thượng nguồn.
Mùa nước “nổi”
Mùa nước “nổi” là một hiện tượng lũ lụt tự nhiên, đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mekong, gồm từ khu vực Biển hồ, sông Bassac đến ĐBSCL. Nước dâng lên từ từ, không tuôn chảy mạnh như thiên tai, lũ quét. Đồng ruộng vừa gặt hái xong, dần ngập chìm trong nước bạc phù sa, mực nước lên cao hay thấp tùy theo lũ về nhiều hay ít, trung bình 1.5-2 m ở vùng đầu nguồn. Người nông dân tạm gát lại việc đồng án để giăng lưới, đánh bắt cá. Thời gian ngập nước kéo dài 3-4 tháng, từ tháng 7 âm lịch cho đến tháng 10 âm lịch, cung cấp một lượng lớn phù sa màu mở cho thổ nhưỡng và là môi trường thiên nhiên khá thuận lợi cho các loài thủy sản sinh sống toàn vùng ĐBSCL. Chỉ tính riêng diện tích ruộng ngập nước vào mùa lũ của vùng trũng tứ giác Long Xuyên, An Giang và Đồng Tháp, là khoản 300.000 ha (70% diện tích lúa). Thì sẽ có khối lượng nước lên đến 4.5-5 tỷ mét khối tích tụ trong mùa nước “nổi” ở khu vực này.
Cánh đồng ngập nước, nơi cá Linh sinh sống
Nguồn lợi cá Linh
Khi nói đến mùa nước “nổi”, người ta nghĩ ngay đến mùa khai thác cá Linh. An Giang và Đồng Tháp là hai tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, có sản lượng cá Linh nhiều nhất. Những năm 1970, sản lượng cá Linh ước tính lên đến hàng trăm ngàn tấn. Do tình hình chiến sự xảy ra trong giai đoạn lịch sử này, vùng Biển hồ có nhiều người gốc Việt sinh sống, làm nghề cá, thường bị người Miên phân biệt đối xử, có khi bị giết hại (“cáp duồng”). Biên giới Việt-Miên còn bất ổn, người dân phải xa lánh, không có điều kiện khai thác. Phía thượng nguồn Vân Nam-Trung Quốc, môi trường còn nguyên sơ. Địch hại trong thiên nhiên không đáng kể, nên nguồn cá Linh sinh sôi, phát triển mạnh (tình trạng “hiếm khai”- rare fishing).
Sau năm 1978, khi tình hình biên giới hai nước tạm yên ổn, người dân trở về bắt đầu giăng đáy, đánh bắt cá ngày càng nhiều. Cá Linh có sản lượng khai thác lớn, nên giá rất rẻ so với những loài cá khác. Thường dùng để làm mắm, nước mắm, phơi khô, làm mồi nuôi cá Lóc bông, hay làm phân bón.
Khi về thực tập tại Tân Châu vào mùa lũ 1978, đi đâu tôi cũng thấy loài cá này. Người ta nói cá Linh là cá “trời cho”. Quả đúng là như vậy, lúc tắm sông, tôi từng thấy từng đàn cá bơi ven bờ, dùng chài quăng vài lưới là bắt được mấy ký lô. Trên sông, xuồng ghe đổ đầy cá, tấp nập chở đi tiêu thụ. Trong chợ thì bày bán những thau cá Linh tươi rói. Cá Linh dễ chết, mau ương, không bảo quản được lâu. Những món ăn dân dã như cá Linh kho, nấu canh chua với bông súng, bông điên điển, thường dành cho người nghèo. Ở vùng nông thôn miền Tây, nhà nào cũng có những khạp “da bò” ủ nước mắm cá Linh. Tại Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự, có nhiều bè nuôi cá Lóc bông dùng cá Linh tươi, sống, làm mồi cho cá ăn. Những khu vực phía hạ lưu như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, U Minh cũng đánh bắt được nhiều cá Linh.
Đặt đáy khai thác cá Linh mùa lũ
Người dân khai thác cá Linh bằng nhiều loại ngư cụ. Trên sông thì dùng đáy, ven bờ dùng vó càng. Mùa nước giựt, dùng lưới giựt, vó gạt. Đến mùa khô, bao lưới, dỡ chà, đặt dớn, lờ, lợp ven sông. Việc dùng mắt lưới nhỏ để bắt cá Linh cũng đồng thời bắt sạch những loài cá khác.
Khoản 10 năm trở lại đây, nguồn cá Linh đã giảm sút rõ rệt, ngư dân vùng biên giới nay phải sang các tỉnh Tà Keo, Kandal, lên tận Kampong Chnang, vào Biển hồ để đấu thầu đánh bắt cá. Vì vậy, lượng cá trôi về đến ĐBSCL ngày càng ít dần.
Đặt “dớn” Đổ lưới
Vó càng
Ký ức mùa cá Linh
Thời gian năm 1980-1983, khi mới ra trường, tôi làm việc ở Đội bè của Công ty Thủy sản An Giang. Ban đầu chỉ có một chiếc bè gổ, diện tích 5 x 15m, sâu 5m. Sau đó, đóng thêm 4 chiếc nữa, chuyên nuôi cá Lóc bông. Mỗi bè có thể nuôi được 20-30 tấn cá. Nuôi trong vòng 6-7 tháng, cá đạt trung bình 1kg là thu hoạch, bán nội địa. Sáng sớm, tôi thường theo ghe đến những đáy cá để nhận cá Linh tươi về cho cá ăn. Cá Bông là loài cá dữ, phàm ăn, chỉ trong vòng 20-30 phút, một bè cá Bông cở lớn có thể “xơi” hết 500 kg đến một tấn cá Linh. Cá ăn càng mạnh, người nuôi càng mừng vì cá sẽ mau lớn.
Bè nuôi cá tại Châu Đốc
Các lô, bãi do công ty quản lý, ngư dân đấu thầu khai thác, ăn chia theo tỷ lệ và giao lại sản phẩm. Những giang đáy đặt khắp khu vực, từ thị xã Châu Đốc, vàm kinh Vĩnh Tế, lên Vĩnh Ngươn, dọc mấy xã biên giới Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Chùa Cô, ngã ba Dung Thăng, Bắc Đai, qua búng Bình Thiên, vòng về Vĩnh Trường, Vĩnh Hậu. Một giang đáy có thể thu được mấy chục tấn mỗi ngày. Cá Linh nhiều vô kể, nhất là vào “con nước rằm” (mùng 10 đến giữa tháng) và “con nước 30” (25 đến cuối tháng). Có khi đàn cá “chạy” quá lớn, ngư dân phải cắt bỏ “đục”, nếu không sẽ bị cuốn trôi cả đáy. Mùa nước giựt, các đáy cá đóng dọc theo những con kinh: Vĩnh Tế, Trà Sư, kinh Xáng, Vịnh Tre, kinh Tám Ngàn. Đón đàn cá từ trong đồng thoát ra sông. Nước trong, do lắng phù sa, có thể nhìn thấy rõ đàn cá Linh lấp lánh, chui vào miệng đáy, mành lưới từ từ phình to, đầy cá, dân đáy liên tục kéo “đục” lên, đổ cá vào các ghe chứa, đậu xếp hàng chờ sẳn. Chiếc “đục” làm bằng tre, đường kính 0.5m, dài 1.5 m, đan dày, chắc chắn như cái rọ heo, gắn cuối lưới đáy. Ghe “đục” là loại ghe hai bên hông có đóng lưới để nước lưu thông ra vào. Khoang ghe có thể làm chìm xuống, phần mũi và đuôi ghe có hộc kín nước, làm phao giúp ghe nổi. Đây là phương tiện phổ biến dùng để vận chuyển các loại cá sống đi khắp nơi trong vùng,
Kéo đáy cá Linh
Cá Linh được đong bằng thùng giạ (30 kg/giạ, như đong lúa). Cá tươi, sống, không để lâu mà phải đưa đi tiêu thụ ngay, hoặc ướp muối tại chổ, ủ chượp, bán cho các nhà thùng làm nước mắm. Nước mắm cá Linh thường làm từ cá Linh già, có nhiều dầu, thời gian ủ chượp ngắn, chỉ 3-4 tháng, không giống như cách làm nước mắm nhỉ với cá cơm, phải ủ chượp từ 8 tháng đến một năm. Chượp cá Linh sau đó được đem nấu, thịt cá tan ra, dùng vải mùng lọc lại lấy nước trong. Nước mắm cá Linh có độ đạm thấp, khoảng 15-20 độ N, màu sắc đục, để lâu ngày đễ bị hôi dầu. Dầu cá Linh dùng để ăn, đốt đèn. Xác cá dùng nuôi heo, hoặc làm phân bón.
Một buổi sáng, theo ghe lên mấy giang đáy lấy cá mồi. Hôm đó chưa đến con nước nên cá không nhiều. Chúng tôi ghé vào giang đáy của anh Hai Sung, một ngư dân làm nghề đáy ở xã Vĩnh Hội Đông. Căn nhà sàn choi loi, dựng trên mấy cọc tràm bên mé sông, giữa vùng ngập nước. Sáu anh em tôi gồm: Ngô Phước Hậu, Nguyễn Văn Ngày, Nguyễn Văn Vân, Bùi Tôn Sơn, anh Quang, công nhân và tôi. Ngồi uống trà, trò chuyên về tình hình mùa cá, trong lúc chị vợ dọn món cá Linh kho và một nồi canh chua nấu với bông súng, điên điển, mời chúng tôi cùng lai rai, dùng cơm với gia đình. Anh Hai Sung có thân hình cao lớn, tuổi độ 40, nước da rám nắng, tóc búi củ hành (theo đạo Hòa Hảo), hàm râu quai nón, mặc bộ bà ba đen, trông khá dữ dằn.
Nhưng tính anh lại rất hiền, hiếu khách. Gia đình nghèo, chỉ có hai vợ chồng với một đứa con trai 6 tuồi. Chị vợ kể có lần trong nhà hết tiền, anh ta sẳn sàn cưa cái cột nhà bằng cây tre, nơi anh có khoét một cái lổ nhỏ, nhét tiền bỏ ống, để lấy tiền ra mua rượu đãi khách. Ngồi trên sàn nhà, bên dưới nước lênh láng, chúng tôi lấy dây câu, móc hột cơm vào, thả xuống sàn để câu cá. Cá Linh, cá Lòng tong bu lại cắn câu, thế là cứ kéo lên bỏ vào cái “cù lao” đang sôi, ăn rất thú vị.
Ảnh minh họa: Nhà sàn vùng lũ
Nhâm nhi rượu đế suốt mấy tiếng đồng hồ, đến trưa, cả bọn chúng tôi say mèm, ra ghe trở về.
Chiếc ghe nhỏ chở đến 6 người, đi loạng choạng, chòng chành, ghe vừa nổ máy chạy ra giữa sông thì có người nhảy lên mui làm ghe mất thăng bằng, nghiêng về một bên và rồi bị lật úp. Cả bọn ngã nhào xuống dòng nước chảy xiết. Tôi may mắn chụp được tấm nắp ván, thả trôi theo dòng nước, bơi từ từ vào bờ. Mấy anh em khác đang chơi vơi giữa dòng sông, may thay, có một chiếc ghe ngư dân gần đó, thấy vậy, liền chạy đến tiếp cứu. Khi vớt được lên ghe, ai nấy xám mặt, run rẩy, mệt nhoài, anh Vân, hai tay quờ quạng, miệng la ú ớ, không còn biết “trời trăng” gì nữa. Vài người ôm lại la lên: “coi chừng nó điên, coi chừng rơi xuống sông”. Nếu không có chiếc ghe kia đến cứu kịp thời, chắc chắn sẽ có anh em bị đuối nước. Chiều tối hôm đó, chúng tôi phải thuê mấy ghe khác đến để trục vớt chiếc ghe bị chìm. Nhờ gắn máy dầu “đuôi tôm” bên ngoài, nên khi lật úp, chiếc máy rơi ra, chìm xuống đáy sông như cái mỏ neo, giữ chiếc ghe lại, nếu không sẽ bị nước cuốn trôi mất. Đây là một kỷ niệm suýt chết, đáng nhớ nhất trong đời làm nghề “hạ bạc” của tôi khi vào mùa cá Linh.
Còn đâu mùa “nước nổi”
Qua những năm 1985, khi về làm công tác quản lý nguồn lợi thủy sản, tôi đã nhận thấy sự sụt giảm nhanh nguồn cá Linh thiên nhiên. Số lượng bè nuôi cá Bông trong khu vực giảm dần do không đủ nguồn cá mồi tươi cung cấp, giá ngày càng tăng. Đến năm 1990 thì gần như chấm dứt việc nuôi cá này. Người dân chuyển sang nuôi cá Basa, vì thức ăn thiên về thực vật.
Hiện trạng môi trường dòng sông Mekong càng ngày càng thay đổi. Do phía thượng nguồn xây hàng loạt hồ, đập thủy điện. Tổng số 134 dự án thủy điện sẽ được xây dựng, trong đó 29 đập đã triển khai trên dòng chính và phụ của sông Mekong (Trung Quốc 18 đập, Lào 11 đập). Cambodia cũng đã xây xong 7 đập, lớn nhất ở vùng hạ sông Sesan. Nguồn nước bị chặn lại ước tính hơn 40 tỉ mét khối (******), điều này đã làm nước lũ không còn về hạ lưu vùng ĐBSCL. Theo dự báo của Ủy Hội Sông Mekong (MRC), khi các đập hoàn thành đến 2025 (**), tổn thất nguồn lợi thủy sản sẽ rất lớn, lên đến cả triệu tấn so với năm 2000. Nhiều hệ sinh thái sẽ bị biến mất vĩnh viễn, không thể phục hồi. Ngoài ra, việc đắp đê ngăn lũ, làm lúa vụ 3; xả thải chất độc hại ra môi trường, dùng nhiều kiểu đánh bắt cá mắt lưới nhỏ, cũng góp phần làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản.
Từ năm 2014, An Giang đã cấm khai thác cá Linh non, từ 01 tháng 6 đến hết tháng 8. Qui định cở cá không dưới 55mm. Mắt lưới (2a) từ 18mm trở lên. Điều qui định này làm quá chậm. Cách thực hiện cũng thiếu cương quyết. Chưa phối hợp với nhiều địa phương trong vùng, nơi này cấm, nhưng nơi khác vẫn cho phép. Việc khai thác trái qui định vẫn xảy ra. Như dùng “dớn”, có mắt lưới như tấm vải mùng, giăng hàng trăm mét, khắp cánh đồng, chặn bắt nhiều loài cá còn rất nhỏ.
Nước ngập đồng với đăng, “dớn” bắt cá Linh
Anh Tăng Văn Bé, một ngư dân ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú cho biết: cách đây trên 10 năm, mỗi ngày thu được vài chục tấn cá Linh là bình thường. Nay chỉ vài chục đến vài trăm ký mà thôi, “đáy kéo được rác nhiều hơn cá”, anh than thở. Theo ghi nhận của Chi Cục Bảo vê nguồn lợi thủy sản An Giang, sản lượng cá tự nhiên giảm trung bình mổi năm 3.000 tấn. Trong đó, cá Linh chiếm 60-70% tổng số lượng cá khai thác trong mùa nước nổi. Theo tôi, số lượng cá có thể bị giảm gấp nhiều lần hơn con số trên. Sự cạn kiệt nhanh nguồn lợi cá Linh mà nhiều người dân nơi dây đã thấy rất rõ. Chưa có con số chính xác, ước tính số lượng cá Linh khai thác vùng đầu nguồn cách 20 năm trước có thể gấp trăm lần so hiện nay. Theo số liệu của Tổng cục thống kê và MRC, năm 1996, sản lượng cá nước ngọt của hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp khai thác được là trên 102.000 tấn, đến 2008 còn 56.000 tấn, giảm 43%. (**). Nếu mỗi năm tiếp tục giảm 3.000 tấn, thì đến năm nay, lượng cá thiên nhiên chỉ còn khoản 23-25.000 tấn, trong đó cá Linh còn 12-14.000 tấn và như vậy, trong vòng 4-5 năm nữa sẽ là không còn nguồn lợi cá này (nếu chỉ tính giá trung bình 2 USD/kg, thì sau 30 năm, ước tính trị giá nguồn lợi bị mất vào khoản 4.5 tỷ USD).
Chính quyền địa phương An Giang, Đồng Tháp đang lập một số khu bảo tồn thiên nhiên ở búng Binh Thiên (An Phú), rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), rừng tràm Binh Minh (Tri Tôn), Tràm Chim (Tam Nông) để lưu giữ phần nào đàn cá thiên nhiên.
Một số hộ dân cũng đã thử nghiệm nuôi cá Linh trong ao, như ông Trần Văn Nhãn, ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Nhưng chỉ nuôi nhỏ lẻ, sau 3-4 tháng, thu được vài tấn cá, không phổ biến thành đại trà như những loài cá kinh tế khác (Tra, Basa, Rô Phi, Lóc, He, Mè Vinh, …).
Búng Bình Thiên (An Giang)
Những năm gần đây, nước lũ về muộn, mực nước rất thấp. “Nếu không còn mùa nước nổi, đồng nghĩa cũng không còn mùa cá Linh”, như nhiều người dân đã nói một cách luyến tiếc.
Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo tình trạng này từ nhiều năm trước. Theo thông tin mới nhất của MRC (***), mùa lũ năm nay (7/2019), mực nước ở thượng nguồn sông Mekong xuống thấp kỷ lục trong 57 năm qua. Quan trắc từ thủy vực vùng Biển hồ-Tonle Sap, Prey Veng đến Kandal, từng có diện tích ngập nước vào mùa lũ là 80,000 km2, thì nay chỉ còn đo được 8,000 km2, giảm đến 90%, so 20 năm trước (****). Trong tương lai không xa, khi nước lũ không còn về thì người dân nơi đây sẽ phài chấp nhận thực trạng không phải “sống chung với lũ” nữa, mà là “sống chung với hạn”. Nước mặn sẽ càng xâm nhập sâu, ảnh hưởng khắc nghiệt hơn đến nông nghiệp, sản lượng lương thực và cuộc sống 21 triệu dân trong khu vực ĐBSCL.
Trở thành “đặc sản”
Tuy chất lượng thịt cá thấp hơn so với nhiều loại cá khác như cá Bông lau, cá Basa, cá Tra cá Lóc, cá Rô, cá He.., nhưng giờ đây, cá Linh đã trở thành một “đặc sản”, không chỉ ở vùng An Giang, Đồng Tháp, mà còn ở những thành phố lớn, với giá khá cao, Giá bán cá Linh từ 60.000-150.000 đ/kg (3-7 USD/kg), cá Linh non xương mềm, thịt béo, có lúc lên đến 250.000-300.000đ/kg (10-15 USD/kg), cao hơn gấp nhiều lần so với những loài cá nêu trên. Thực ra, cá Linh không phải là một loài cá ngon, cao cấp hay quí hiếm, nhưng tại sao lại có giá cao ngất ngưỡng như vậy? Vì cá có tên là “Linh” chăng? Lý giải điều này, theo tôi, nguyên nhân cá Linh lên ngôi vị “đặc sản” là do loài cá này được đánh bắt thiên nhiên, không có quanh năm, mà vào những thời điểm nhất định, mỗi năm chỉ có một lần, tập trung vào mùa mước nổi. Cá Linh là món ăn dân dã, đã gắn bó bao đời với người dân nơi đây. Nay số lượng khai thác ngày càng ít, trong lúc nhu cầu lại tăng. Nguồn cá Linh non trong mùa lũ không đủ đáp ứng. Khi hết mùa, chỉ bắt được một số lượng nhỏ cá Linh già ở những bãi chà, cất vó, đặt lợp ven sông. Nhiều du khách khi đến miền Tây, nghe giới thiệu về món “đặc sản” cá Linh, cũng muốn thưởng thức cho biết. Có người ăn cá Linh để nhớ lại hương vị mùa nước “nổi”. Từ trước đến nay, chưa có doanh nghiệp nào chế biến đông lạnh để tồn trữ, xuất khẩu con cá này vì không có thị trường, nguồn cung cấp không ổn định. Người dân chỉ thích ăn cá tươi. Một số trại giống đã cho ra đời cá Linh bằng kích thích sinh sản nhân tạo để nuôi. Ngoài ra, có người còn lấy cá Trôi, cá Duồng nhỏ làm giả cá Linh bán cho thực khách. Hiện nay, mặt hàng nước mắm cá Linh đóng chai, cá Linh chưng mắm, kho mía đóng hộp, được quảng cáo như là một sản phẩm mới của miền Tây. Cho nên, giờ đây cá Linh đã trở thành món “đặc sản” là vậy.
Một số sản phẩm từ cá Linh
Canh chua cá Linh với bông điên điển Mắm cá Linh
Cá Linh đóng hộp
Làm nước mắm cá Linh truyền thống Nước mắm cá Linh đóng chai
Có còn “trời cho” ?
Trước đây, người dân thường nói cá Linh là “cá trời cho” (Godsend), và đúng là trời đã hào phóng, ban cho người dân vùng ĐBSCL quá nhiều cách đây 30-40 năm về trước. Nhưng chúng ta chỉ biết đánh bắt, khai thác mà không biết bảo vệ, gìn giữ ngay từ buổi đầu, để đến ngày hôm nay, nguồn cá trở nên hiếm hoi. Phải chăng do biến đổi khí hậu? Trời đã không còn cho chúng ta nữa? Cần nhìn nhận một thực tế khách quan, khi dân số ngày càng tăng, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, thì việc tận thu nguồn lợi thiên nhiên là một điều tất yếu. Nhất là những nước nghèo. Không chỉ xảy ra đối với con cá Linh mà còn với nhiều đối tượng khác. Không chỉ riêng ờ ĐBSCL, mà nhiều nơi trên thế giới cũng đang đối mặt tình trạng suy giảm nguồn lợi thiên nhiên như: cá Hồi (Bắc Mỹ), cá Tầm (Nga)... Nhiều loài cá biển như: cá Mú, cá Bơn, cá Tuyết, cá Thu, cá Ngừ…và các loài cá nhỏ như cá Mòi, cá Trích, cá Nục, cá Cơm v.v. cũng đang bị khai thác quá mức (lạm thác-Over fishing), phục vụ nhu cầu con người.
Đối với cá Linh, việc sụt giảm sản lượng là điều không thể tránh khỏi, nhưng tốc độ giảm sút quá nhanh làm nhiều người tiếc nuối một thời vàng son. Hầu như chưa có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn đà sụt giảm, dẫn đến nguy cơ sớm cạn kiệt. Các nhà khoa học cũng không chú ý nhiều về con cá này. Chưa có tài liệu nghiên cứu nào đánh giá một cách đầy đủ về nguồn lợi và tình trạng giảm sút cá Linh thiên nhiên. Có lẽ vì nó quá nhỏ, không phải là loài cá kinh tế, chỉ là món để “ăn chơi”, tiêu thụ nội địa. Quỹ động vật hoang dã và quí hiếm (WWF) cũng không xếp cá Linh vào danh mục cần phải bảo tồn. Mặc dù hiện nay có giá bán cao, nhưng không được nuôi phổ biến và không được ưu ái, xuất khẩu như con cá Tra, cá Basa. Cá Linh chỉ dựa chủ yếu vào khai thác tự nhiên.
Lời kết
Làm thế nào để khôi phục lại đàn cá Linh như xưa? Hay có cách nào ngăn chặn đà suy giảm nguồn lợi thủy sản? Vấn đề này xin dành cho các nhà khoa học, nhà quản lý của 4 nước khu vực hạ lưu sông Mekong, các tổ chức quốc tế, cùng với người dân trong vùng. Qui định bảo vệ nguồn lợi đã có, các khu bảo tồn đã lập, nhưng cần phải có nhiều giải pháp tích cực, quyết liệt hơn để điều phối, sử dụng tài nguyên nước và nguồn lợi thiên nhiên có hiệu quả. Điều vô cùng quan trọng là các đập thủy điện vùng đầu nguồn sông Mekong đua nhau xây dựng, đã chặn hơn 40 tỉ m3 nước, mùa lũ không còn về hạ lưu, cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu, sẽ làm ĐBSCL khô hạn, thì nguồn cá cũng sẽ cạn kiệt, an ninh lương thực bị ảnh hưởng và chuyện về mùa cá Linh cách đây vài chục năm trước, có lẽ chỉ còn là câu chuyện “cổ tích”, kể lại cho con cháu nghe./.
Nguyễn Phước Bửu Huy
Garden Grove, Sep. 15, 2019
Tham khảo:
1. Nguyễn Văn Kiểm, Võ Thị Trường An. Nghiên cứu biện pháp sản xuất giống cá Linh ống (Cirrhinus jullieni)-ĐHCT 2008 (*).
2. http:pubs.iclam.net/resource_center/WF_2736.pdf (**).
3. https://www.mrcmekong.org/news-and-events-/news/mekong-water-levels-reach-low-record/(July,2019)
(***).
4. Tonle Sap Biosphere Reserve- Wikipedia. (****).
5. Thủy điện ở lưu vực sông Mekong.Wikipedia 2019 (*****).
6. https://tuoitre.vn/nuoc-song-mekong-o-thai-xuong-muc-thap-nhat-trong-tram-nam-qua-2019.
7. 8 đập Trung Quốc chặn 40 tỉ m3 nước sông Mekong khiến mực nước xuống thấp kỷ lục- tuoitre online 22/7/2019 (******).