27/8/2015
THẾ GIỚI CHẤM DỨT PHÁ RỪNG VÀO NĂM 2030
Trần-Đăng Hồng, PhD
|
Rừng rất cần thiết cho nhân loại. Hơn 1,6 tỉ người sống nhờ rừng. Rừng cũng là nơi chứa 80% tài nguyên sinh học, và là nơi tồn trữ quan trọng Carbon. Hiện tại, khoảng 13 triệu ha rừng biến mất hàng năm, khoảng 50% diện tích phá rừng này là biến thành đồn điền trồng đậu nành, dừa dầu, chăn nuôi bò, kỹ nghệ giấy. Phá rừng còn do làm xa lộ, phát triển thành phố, khai thác mỏ, lấy gổ làm nhiên liệu, v.v.
Để bảo vệ môi trường khí hậu, ngăn chận nhiệt độ gia tăng toàn cầu, 36 quốc gia trong đó có Việt Nam, 19 vùng lãnh thổ, 52 đại công ty liên quốc gia trên thế giới, 15 cư dân sắc tộc sống trong rừng, 53 cơ quan phi chánh phủ (NGO) đã hội họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc New York và đồng ra quyết định.
Thế giới sẽ chấm dứt việc phá rừng vào năm 2030. Đó là lời tuyên thệ của tất cả chánh phủ, công ty đa quốc gia và phong trào bảo vệ rừng trong buổi họp khoáng đại tại trụ sở Liên Hiệp Quốc New York về biến đổi khí hậu toàn cầu . Cụ thể hơn, từ nay cho tới 2020, thế giới phải giảm một nửa vận tốc phá rừng, đồng thời phải trồng lại rừng trên đất suy thoái.
Nếu kế hoạch hoàn thành, thế giới sẽ tiết kiệm được từ 4,5 tỉ đến 8,8 tỉ tấn carbon sa thải vào khí quyển/ năm, tương đương với việc xe cộ toàn thế giới không còn chạy ngoài đường.
Các chính phủ Anh, Đức, Norway tuyên bố sẽ khởi động ít nhất 20 chương trình với khoảng trên 700 triệu Anh Kim để giúp đỡ tài chánh đền bù cho các quốc gia giảm việc phá rừng.
Các đại công ty như Kellogg’s, Mark Spencer, Barclays, Nestle, dừa dầu Cargill, Asia Pulp & Paper và các tử thiện như RSPB, WWF, IUCN đã ký vào thỏa hiệp này.
Việc chấm dứt phá rừng là một phần quan trọng trong các biện pháp ngăn chận nhiệt độ toàn thế giới gia tăng thêm 2°C. Chính việc phá đốt rừng để lấy đất trồng cây hoa màu hay công nghiệp chiếm 8% khí CO2 sa thải vào khí quyển. Bảo vệ rừng chính là yếu tố hữu hiệu và quan trọng nhất trong việc bão vệ môi trường khí hậu thế giới. Hiện nay các đại công ty liên quốc gia đang cam kết là sẽ chấm dứt đốt phá rừng để biến thành đồn điền dừa dầu (oil palm), đậu nành, kỹ nghệ bột giấy, đồng cỏ chăn nuôi bò, v.v. Đồng thời, cũng tìm giải pháp nâng đỡ giúp các cư dân sống nhờ rừng nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo qua các kỷ thuật nông lâm phối hợp.
Ngoài ra, chương trình giúp tái tạo trồng rừng 150 triệu ha trên đất thoái hóa từ nay đến 2020, và thêm khoảng 200 triệu ha vào 2030. Như vậy, tái tạo rừng thêm trên diện tích 350 triệu ha, tức gấp 11 lần diện tích Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bảo vệ rừng thiên nhiên, tất cả các quốc gia cũng như các đại công ty liên quốc gia từng phá rừng trước đây nay đã ký kết và tuyên thệ chấm dứt phá rừng và ủng hộ tài chánh để tái tạo lại rừng.
75 quốc gia đã cam kết thực thi việc giảm thiểu phá rừng, và hoàn toàn chấm dứt vào năm 2030. Các quốc gia phá rừng nhiều nhất là Indonesia, Brazil, Congo, Colombia, Mexico, v.v. đã có những kế hoạch giảm thiểu phá rừng, và đã có những kết quả đáng kể trong những năm qua.
Kể từ 2010, các chánh phủ quốc gia phát triển đã tài trợ hơn 5 tỉ $UScho hơn 50 quốc gia đang phát triển trong việc quản trị rừng và trồng lại lại, chưa kể những viện trợ riêng rẽ như Norway tài trợ cho rừng Amazon va Indonesia trên 1 tỉ $US.
Reading, 9/2015