20/9/2015
HO
Y học thường thức – Bác sĩ Trần Văn Diên
Ho là chấn động vật lý phát ra âm thanh từ cửa miệng. Gần đây tôi có nhận được một email của cựu học sinh trung học Đức Thành tỉnh Sa Đéc nhờ tôi giải thích về một triệu chứng ho mà bạn ấy đang gặp phải. Tôi vội trả lời tổng quát theo căn bản sinh lý và bệnh học có liên quan mật thiết đến biến dinh dưỡng và môi trường sinh sống với số tuổi tương tác với hiện tượng… Ho.
Ho là phản ứng vật lý nhằm tống các chất bài tiết hoặc dị vật ra ngoài. Ho nhiều làm cho người bệnh mất ngủ, mất sự yên tĩnh của người sống cùng. Ho kéo dài làm người bệnh lo lắng, nghĩ rằng mình mắc một bệnh gì khó chữa, nên thường đến bác sĩ để khám bệnh.
Động tác ho có thể do phản xạ hoặc theo ý muốn. Khi ho, các cơ hô hấp phải huy động tối đa, làm cho áp lực trong lồng ngực và đường hô hấp ở mức tăng cao nhất. Độ tăng áp lực giữa khí đạo và không khí ngoài trời với việc đóng mở của thanh quản, khiến tốc độ không khí được tống ra ngoài nhanh gần bằng tốc độ của âm thanh, đủ lực để đưa các dị vật ra ngoài. Ho có thể có đờm, ho khan, ho từng cơn, hoặc ho húng hắng, ho ong ỏng.
Về nguyên nhân: Ho thường do những bệnh của đường hô hấp, nhưng cũng có khi ho do bệnh ở ngoài đường hô hấp, đó là các bệnh sau:
1- Ho do sưng họng cấp tính: Ho có đờm hoặc ho khan, sốt cao, có khi không sốt. Nuốt vướng, có cảm giác rát trong cuống họng. Họng đỏ, có hiện mục nhỏ hoặc có mủ. Lưỡi gà trong họng có thể sưng.
2- Sưng thanh quản: Ho khan. Nói khàn hoặc mất tiếng. Bệnh bạch hầu thanh quản gây nên tiếng ho ong ỏng. Thể trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Có màng trắng ở cổ họng, gây khó thở, nhiều khi cần phải thông mở khí quản giúp cho không khí vào đến phổi cho đủ số lượng cần thiết.
3- Sưng khí quản, phế quản cấp tính: Sốt cao, giai đoạn đầu ho khan, giai đoạn sau có đờm. Đờm đặc hoặc loãng, màu trắng hoặc vàng. Điều trị nhằm dung kháng sinh diệt vi trùng càng sớm càng tốt sẽ mau khỏi.
4- Sưng phế quản mãn tính: Thường gặp ở người hút thuốc lá (75%). Khi ho khạc ra nhất nhiều đờm, trong vòng nhiều tháng đến hai năm liền. Bệnh hay tái phát do những đợt bội nhiễm hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây sưng như không khí lạnh, độ ẩm cao, hít phải hơi độc.
5- Giãn phế quản: Ho nhiều về buổi sáng, có rất nhiều đờm. Để đờm vào cốc, thấy lắng thành 3 lớp: dưới là mủ, giữa là chất nhày, lớp trên cùng là bọt lẫn dung dịch sền sệt. Giãn phế quản có khi ho ra máu. Hay tái phát do đợt bội nhiễm trong không khí.
6- Hen suyễn phế quản: Nguyên do là màng nhầy của đường hô hấp gia tăng nhiều làm ngẹt thở. Nhớ lời trong bài hát Phố Buồn của nhạc sĩ Phạm Duy có câu “… nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen…”. Người bệnh không sốt. Khó thở từng cơn lúc ban đêm, trong lúc khó thở thấy tiếng rít lòm bỏm lò khò. Sau cơn bệnh nhân ho và khạc ra nhiều đờm trắng, loãng. Hay tái phát nhiều lần do ô nhiễm, khi đó thì đờm có màu vàng hơi lợt không phải do nhiểm trùng. Cần chích thuốc gốc corticosteroids ngay hay hít thuốc vào cuống họng tránh nghẹt thở. Nghẹt thở là tình trạng cần được cấp cứu 24/24.
7- Ho gà: Thường xảy ra ở trẻ em, sốt và ho từng cơn, cuối cơn ho có tiếng rít như tiếng rít của gà gáy. Ho nhiều có thể vỡ phế nang, gây tràn khí màng phổi. Bệnh do siêu vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra; một chứng ho tương tự nhưng nhẹ hơn do Bordetella parapertussis. Từ thời thế kỷ 12 đã có những y sĩ ghi lại chi tiết mô tả chứng bệnh ho gà, đến năm 1578 Guillaume de Baillou liệt kê về căn bệnh rõ ràng hơn. Vi khuẩn B. pertussis được Jules Bordet và Octave Gengou tìm ra năm 1906 và sau đó họ bào chế được thuốc chủng ngừa cho hệnh ho gà. Nếu không chích ngừa thì lúc mắc bệnh có khi khỏi có khi không khỏi vì đây là siêu vi khuẩn nên thuốc kháng sinh không thể trị được khi mắc bệnh mà nhờ sự kháng cự của chính cơ thể bệnh nhân, khi đó uống thuốc hay chích thuồc chỉ là trợ lực mà thôi, còn nhớ mãi câu nói của người xưa: “đói ăn rau đau uống thuốc”. Toàn bộ genome của B. pertussis (gồm 4.086.186 cặp base) mới được xác định hồi năm 2002.
8- Ho do dị vật đường hô hấp: Ho sặc sụa, mặt tím tái, có tiếng thở rít, người ngột ngạt như sắp chết. Khi dị vật xuống sâu và ổn định thì đỡ ho, đỡ khó thở. Dị vật gây sưng nhiễm thì ho có đờm hoặc có máu, ho dai dẳng, sốt cao, đau ngực. Dị vật là sự hiện diện của phấn hoa (pollen)… trong không khí, đây không phải là sự ô nhiểm mà những phân tử pollen làm dị ứng với một vài người, tiếng Anh viết là allergy (dị ứng gây khó chịu nhất là hệ hô hấp khiến ho sùng sục từng cơn). Thuốc trị là antihistamine (thương mãi có nhiều tên gọi), lúc này trong cơ thể có nhiều histamine gây dị ứng, nên bắt buộc phải dùng thuốc có chất antihistamine (anti là chống lại), hay vào phòng kín tránh bớt luân lưu của không khí, vặn máy lạnh lên sẽ thấy bớt ngay, khỏe liền.
9- Sưng phổi: Sốt cao, rét run, đau ngực, ho có đờm màu rỉ sắt vì vi trùng bám vào làm đau rát cuống họng. Bạch huyết cầu trong máu tăng cao để chống vi trùng. Chụp X quang phổi xem rõ nét hình ảnh sưng phổi trắng đục. Dùng thuốc trụ sinh để diệt trùng.
10- Lao phổi: Sốt hâm hấp về chiều, người gầy, sụt cân, chán ăn. Ho dai dẳng, ra đờm đặc, có khi lẫn máu hoặc ho ra máu tươi. Tìm thấy vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis trong đờm. Có khi vi trùng hiện diện trong cơ thể nhưng không phát triển đợi đến khi lớn tuổi cơ thể suy yếu thì vi trùng này mới tấn công. Nên có phương pháp “thử bì” xem trong người có vi trùng bệnh lao hay không trong khi cơ thể đang lúc khỏe mạnh.
11- Ung thư phổi: Sốt cao, đau ngực. Ho khan hoặc có đờm. Khi ổ ung thư vỡ thông vào phế quản thì ho ra đờm có màu đục, mùi hơi tanh. Vì tế bào phổi phát triển nhiều bất thứ tự làm cơ thể sụt cân nhanh. Xét nghiệm máu gia tăng chất “C-active Protein”. Hiện nay chưa có cách trị. Nam nghệ sĩ Vũ Huyến trong ban nhạc hài hước AVT và ca sĩ Thái Hằng vợ của nhạc sĩ Phạm Duy mắc phải bệnh này, cả hai ra đi cùng số tuổi là 72. Nam ca sĩ Sĩ Phú cũng mắc bệnh ung thư phổi ra đi ở tuổi 58.
12- Bệnh phổi do bụi bặm: Gặp ở người tiếp xúc với bụi bặm ở công trường, hầm mỏ, làm đường, công nhân nhà máy dệt, may, xi-măng... Bệnh nhân ho kéo dài, ra đờm màu đen, đục. Những đợt bội nhiễm thì ho tăng hơn. Bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến toàn thân.
13- Bệnh màng phổi: Sưng màng phổi có dịch lan truyền, ho do màng phổi bị kích thích, ho khi thay đổi tư thế…
14- Ho do các nguyên nhân tim mạch: Tăng áp lực động mạch phổi, phổi bị ứ huyết, gặp trong các bệnh hẹp van tim hai lá, tâm phế mạn, suy tim, sưng màng ngoài tim khô hoặc có dịch.
15- Sưng gan: Gan nằm dưới cơ hoành cách mô phía bên phải, khi bệnh gan, làm sưng gan, gây phản ứng với phổi kích thích màng phổi gây ho liên đới nhau.
16- Những nguyên nhân khác Triệu chứng trào ngược của bệnh dạ dày, rối loạn tinh thần và một số bệnh trong cơ thể có liên đới mật thiết với đường hô hấp cũng gây ho. Ngoài ra ho còn do bệnh cảm cúm, bệnh sởi, bạch cầu, thương hàn, bệnh uốn ván… và các bệnh thuộc phạm vi tai mũi họng. Ho còn gặp trong trường hợp nhiễm không khí nóng hoặc lạnh, hay hít phải các hơi độc, hóa chất, khói thuốc lá gây kích thích niêm mạc đường hô hấp…
Cách điều trị bệnh Ho: Chủ yếu là thông đường hô hấp. Thuốc ho tác dụng trung tâm hô hấp như: dextromethorphan, mocphin, codein… và các thuốc làm tan đờm, lỏng đờm là tecpin. Các thuốc này còn có tác dụng phụ khác trong cơ thể nên thận trọng. Thuốc codein không dùng cho người táo bón và nên cẩn thận với người bị suyển. Phải dùng thuốc nào cho đúng liều tuân theo lời căn dặn của bác sĩ, khi dùng đúng loại thuốc kháng sinh, thuốc bổ... Corticosteroids dùng kịp thời đúng lúc khẩn cấp! An toàn!
X quang (hình dưới): Ung thư phổi bên trái (phía trái tim)
Hình X quang (hìnhtrên) của bệnh lao phổi, chấm đen đều như rắc tiêu
Bác sĩ Trần Văn Diên ngày 17/09/2015