17/9/2015
Chất béo trong máu
Y học thường thức – Bác Sĩ Trần Văn Diên
Chất béo “Lipid” có 3 loại: 1-Triglyceride: (R1/R2/R3: C, H, O, N); 2-Cholesterol: (Triglyceride là nồng cốt trong phân tử cholesterol); 3-Lipoprotein: “R1/R2/R3: có gốc NH2 ‘amine’, nên được gọi là Lipoprotein”. Choleterol tỉ trọng cao (HDL=High Density Lipid) rất tốt cho cơ thể; cholesterol tỉ trọng thấp (LDL=Low Density Lipid) không tốt cho cơ thể. Chất béo từ thức ăn. Sau khi ăn, một số năng lượng thực phẩm tiêu thụ ngay, còn số chưa dùng biến thành tế bào mỡ lưu trử trong cơ thể, khi cần thì mỡ biến thành năng lượng để nuôi dưỡng cơ thể bảo tồn sự sống. Không đúng khi nói rằng:“Máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ”; máu lúc nào cũng có mỡ, tế bào gan không phải là tế bào mỡ. Khi lipid quá nhiều trong máu sẽ gây biến chứng nguy hại như: nghẽn động mạch, rồi làm bễ động mạch não gây đột quỵ rất nguy kịch.
Những điều cần biết về lipid
- Mọi người đều có Lipid trong cơ thể dù ăn chay hay ăn mặn.
- Nếu ăn nhiều calories hơn sức tiêu thụ của cơ thể một cách thường xuyên thì mức lipid có thể gia tăng rất cao.
- Nếu như bị bệnh tiểu đường, thì có thể có nguy cơ với mức lipid hiện diện trong máu ở mức độ cao.
- Những người có mức lipid cao thường có nguy cơ khác như cao LDL Cholesterol (mỡ xấu) và thấp lượng HDL Cholesterol (mỡ tốt cần thiết cho cơ thể).
Triglycerides và Cholesterol có liên quan như thế nào?
Cholesterol cấu tạo nên cấu trúc tế bào, kích thích tố… Cả hai hiện diện trong cơ thể, rất cần thiết. Nhưng rất nguy hại khi ở mức độ cao. Một điểm hơi khác biệt là người có triglycerides cao chưa hẳn có nồng độ Cholesterol cao, trái lại khi Cholesterol cao thì thường có nồng độ Triglycerides cao.
Mức độ Cholesterol và Triglycerides trong cơ thể
1. Tổng số Cholesterol (mg/dl):
a- Nếu ít hơn 200: bình thường
b- 200-239: cao
c- Từ 240 trở lên: quá cao
2. LDL Cholesterol (mg/dl):
a- Nếu ít hơn 100: bình thường
b- 100-129: hơi cao
c- 130-159: tương đối cao
d- 160-199: cao
e- Từ 200 trở lên được xem là quá cao
3. HDL Cholesterol (mg/dl):
a- Nam giới nếu ít hơn 40: thấp
b- Nữ giới nếu ít hơn 50: thấp
c- Từ 60 trở lên: tốt
4. Triglycerides (mg/dl):
a- Ít hơn 150: bình thường
b- 150-199: cao
c- 200-499: quá cao
Công thức để tính tổng số Cholesterol và LDL
*Tổng số Cholesterol = HDL+ LDL+ (Triglycerides x 0.20)
*LDL = Tổng số Cholesterol - HDL - (Triglycerides x 0.20)
Khi nồng độ LDL cao sẽ làm gia tăng những mảng bám vào thành động mạch, gây tắc nghẽn dẫn đến đau tim, đột quỵ. HDL làm cho cholesterol không bám vào mạch máu nên là chất mỡ tốt.
Khi Triglicerides cao tác hại đến cơ thể như thế nào?
Triglycerides tốt với nồng độ phải ít hơn 150 mg/dl. Từ 500mg/dl là quá cao cần điều trị ngay để tránh những bệnh khác trong tương lai. Triglycerides cao không gây ra triệu chứng có thể nhìn thấy ở bên ngoài cơ thể, tuy nhiên có một số trường hợp thấy được lớp mỡ đùng dưới da (xanthomas). Có trường hợp những người có mức Triglycerides rất cao có thể phát triển sưng tuyến tụy tạng khiến nặng bụng, buồn nôn, chán ăn, ói mửa và sốt.
Nguyên nhân gây ra Triglycerides cao
Bệnh nhân có nồng độ Triglycerides cao, thì cần kiểm tra và tìm hiểu xem bệnh nhân có những bệnh liên quan khác như tiểu đường, Cholesterol cao, huyết áp cao, quá mập, suy tuyến giáp trạng (Hypothyroidism), bệnh thận, và hội chứng chuyển hóa (Metabolic Syndrome) khác hay không để điều trị thích ứng, vì đây cũng là những nguyên nhân làm tăng triglycerides ở mức độ rất cao. Những loại thuốc làm gia tăng Triglycerides: Tamoxifen, gốc Steroids (Corticoide), Beta-blockers, thuốc dùng giúp đi tiểu (Diuretics), thuốc ngừa thai (Estrogen)…
Ăn uống có liên quan đến mức Triglycerides cao
- Thường xuyên ăn nhiều calories hơn sự cần thiết của cơ thể.
- Ăn hoặc uống nhiều chất ngọt (đường).
- Uống rượu nhiều hay ghiền rượu kinh niên.
- Vài trường hợp, Triglycerides cao có thể là do yếu tố di truyền.
Phương pháp điều trị
Có 2 cách là: Dùng thuốc và Thay đổi cách ăn uống.
I-Thuốc:
Thông thường trước khi ghi toa thuốc cho bệnh nhân, bác sĩ thường tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây ra của căn bệnh:
- Tiểu sử bệnh lý cho cặn kẽ.
- Đang uống những loại thuốc nào.
- Yếu tố di truyền trong gia đình.
- Sức nặng của cơ thể tính theo chiều cao.
- Cách thức ăn uống mỗi ngày.
Trên thị trường ngày nay có rất nhiều loại thuốc tuy nhiên vì thuốc có thể gây nhiều phản ứng phụ (side effect) không tốt đối với cơ thể nhất là hại đến gan, nên bác sĩ thường đề nghị bệnh nhân nên thử máu lại sau 3 tháng để xem kết quả như thế nào sau khi dùng thuốc. Nhất là ảnh hưởng của thuốc đối với gan để thay đổi thuốc cho thích hợp. Cũng chính vì lý do này nên đôi khi bác sĩ cần phải cân nhắc lợi hại trước khi cho bệnh nhân dùng thuốc. Nếu trong trường hợp bệnh nhân có nhiều nguy cơ đến động mạch vành (Coronary Artery Disease), thì bác sĩ có thể tìm cách làm hạ thấp mức LDL và nâng cao mức HDL trước khi cho bệnh nhân uống thêm thuốc để giảm chất Triglycerides trong máu. Ngoài ra bác sĩ sẽ điều chỉnh ngay hoặc tạm ngưng cho bệnh nhân uống nếu như những loại thuốc này có tác động làm gia tăng Triglycerides trong máu.
II-Thay đổi lối sống:
Nói tóm lại, Triglycerides là một dạng chất mỡ cung cấp năng lượng cho cơ thể khi cần đến. Nếu như ở mức độ thấp ít hơn 150 mg/dl thì được xem là tốt nhưng nếu ở mức độ quá cao sẽ ảnh hưởng nguy hại đến sức khoẻ.
Nếu như thử nghiệm với kết quả cao trên 500 mg/dl thì cũng không nên quá lo sợ, bởi vì mức Triglycerides có thể giảm khá nhanh trong một thời gian ngắn nếu như biết điều trị đúng cách.
Nên dùng thuốc để giúp hạ thấp mức Triglycerides trước tiên nếu như có mức độ quá cao, nếu không nó có thể ảnh hưởng đến gan, lá lách và cả hệ thống tim mạch.
Những phương pháp sau nếu áp dụng thường xuyên cũng có thể giúp hạ thấp mức Triglycerides trong cơ thể
- Điều quan trọng nhất là cử hẳn rượu và bia.
- Bớt ăn đồ ngọt.
- Nên kiêng ăn thịt heo, thịt có màu đỏ thay thế bằng thịt gà.
- Nên ăn cá thay cho thịt.
- Nên ăn thêm rau cải cũng như trái cây (Dùng trái cây nên vừa phải vì đường của trái cây là đường đôi Fructose khi vào gan sẽ biến thành chất béo Triglycerides).
- Thay gạo trắng bằng gạo lức, áp dụng phương pháp Osawa (ăn gạo lức với muối mè) trong một thời gian.
- Tránh ăn thức ăn nhiều mỡ và ăn ít cơm hơn thường lệ.
- Ăn uống chừng mực và áp dụng phương pháp 2-3-1. Sáng ăn tương đối, trưa ăn nhiều, và ăn ít lại vào buổi tối.
- Nên vận động nhẹ như tập thể dục, dưỡng sinh khí công, đi bộ nhanh… ít nhất là 30 phút mỗi ngày.
- Có thể tập thêm thể dục tay chân từ 30-60 phút vào mỗi tối trước khi ngủ để giúp cơ thể tiêu bớt năng lượng (calory) thặng dư sau khi ăn… Và cuối cùng là quyết tâm với sự trì chí.
Bác sĩ Trần Văn Diên ngày 13/09/2015