|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
31 ngày P 186-187 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2/4/2015
Phần 186-187
Từ đồi Mandalay, xe đưa chúng tôi về hướng Tây Nam Mandalay, tới vùng đất kinh đô cũ Amarapura, cách 20km (cách trung tâm Mandalay 10km), nơi có hồ Taung Tha Man với chiếc cầu gỗ teak mang tên U Bein.
Bây giờ khoảng 15 giờ chiều, tôi thấy có nhiều du khách Tây phương đang từng đoàn đạp xe hướng về phía vùng Amarapura, có lẽ họ chuẩn bị cho một buổi chiều đón hoàng hôn thú vị trên chiếc cầu U Bein nổi tiếng. Người ta nói, đó là một trong những điểm đẹp nhất trên thế giới vào lúc mặt trời chìm dần xuống chân ngày! Vì thế, nếu đã tới Mandalay thì không thể bỏ qua cầu U Bein.
Cầu được xây dựng vào năm 1849, lúc Vua Mindon cho dời kinh đô từ Amarapura về Mandalay. Phần gỗ teak “phế liệu” dư ra từ việc tháo dở các cung điện để đưa qua địa điểm mới, được tận dụng để làm nên cây cầu này và được lấy tên của vị thị trưởng là U Bein, ngay khi hoàn thành vào năm 1851.
Xe đưa chúng tôi tới điểm dừng ven hồ, cũng là bến đậu các xuồng du lịch đặc trưng với kiễu dáng khá ngộ nghĩnh, màu sắc thật tươi vui. Khi chúng tôi đến thì 1 1 chiếc vừa cặp bến, dường như xuồng cũng vận chuyển những ai lười đi bộ qua bờ bên kia? Phía xa kia là chiếc cầu cây đen đúa, thoạt nhìn thấy thật giản đơn.
Trong phần này có vài ảnh tương đối giống nhau, nhưng tôi không muốn bỏ( dù đã bỏ rất nhiều), nên post lên cho các bạn coi chơi.
Kiễu dáng ngộ nghính và màu sắc sặc sở.
Trước tiên, anh bạn Zaw Minn dẫn mọi người thăm 1 ngôi chùa cổ, đó là chùa Taung Min Gyi Pagoda, nằm trên bờ Tây của hồ Taung Tha Man, ngay đầu cầu U Bein. Trên đường chúng tôi thấy nhiều ni cô và sadi nhỏ, có lẽ họ vừa đi chơi trên cầu về, mọi người trông rất vui vẻ!
Nhưng vui và rất dễ thương là hình ảnh mấy chú chó con “giành ăn” dưới bụng mẹ! (Cũng xin nói thêm, ở Miến Điện người ta nuôi chó khá nhiều, có nhà chó đẻ bao nhiêu nuôi bấy nhiêu và chó ở Miến Điện thì vô tư đi nhởn nhơ, chẳng hề biết tới danh từ "cẩu tặc")
Thiệt đúng là …đồ con nít!
Chùa Taung Min Gyi được xây vào khoảng năm 1900, có tượng Phật lớn được tìm thấy vào năm 1786. Cạnh chùa còn có một tháp đôi cổ, chúng tôi theo đường dẫn có mái che vào viếng chùa trước khi trở ra thăm cầu U Bein.
Chùa Taung Min Gyi(1900) và “The old twin Pagodas” bên cạnh.
Đường dẫn vào chùa Taung Min Gyi không thấy bán hàng rong và quà lưu niệm, có lẽ vì họ tập trung mua bán tại đầu cầu U Bein, ngay trước cổng chùa. Tôi thấy có món cua chiên khá hấp dẫn, chắc chắn đây là cua nước ngọt, nhưng lớn hơn loại cua đồng của ta.
Chúng tôi có 60 phút đi thăm cầu U Bein.
Cầu dài 1.200m, có tổng cộng 1086 cây cột, cắm sâu khoảng 2,5m xuống lòng hồ Taung Tha Man, vươn lên đở lấy phần đà và ván sàn mà không dùng bất cứ cây đinh nào. Thế nhưng đã 163 năm phơi mình trong sương gió, giữa nắng cháy, mưa dầm miền nhiệt đới, cầu vẫn đứng vững để nối lấy 2 bờ cho người dân qua lại và nối những niềm vui cho du khách đến từ khắp năm châu!
Giữa cái mênh mông của hồ Taungthaman xanh thăm thẳm, chiếc cầu cây cũ kỹ chẳng có vẻ kiêu kỳ hay hoành tráng như những chiếc khác thời hiện đại, chỉ là một cầu cây giản dị, đen đúa băng ngang mặt nước biên biếc màu thiên thanh. Ấy thế mà U Bein lại làm nên kỳ tích bởi 2 kỹ lục mà nó nên danh: cầu bằng gỗ teak dài nhất và lâu đời nhất thế giới.
Thật ra, có nhiều thứ trên đời này nổi tiếng nhờ sự giản đơn, ví dụ các ruộng bậc thang ở Việt Nam, Trung Quốc, Philippine…chỉ là do người dân địa phương sống trên triền núi, phải khai thác phần đất nhỏ nhoi có được hoàn toàn bằng thủ công, mà tạo nên những hình ảnh ngoạn mục, hoặc những chiếc xích lô ở Việt nam, tuktuk ở Thái Lan, xe bò, xe ngựa Miến Điện…đã trở nên có giá trị đặc biệt đối với du khách, nhất là lúc mà thế giới đang hướng tới xu thế bảo vệ môi trường trong đời sống và sản xuất…Về phương diện mỹ thuật, những hình ảnh giản đơn, nếu biết khai thác, đôi khi lại cho những tác phẩm đẹp và giá trị. Cầu U Bein là trường hợp điển hình, chính những hàng cột đen đúa nối tiếp nhau vượt suốt mặt hồ đã tạo nên nét đẹp chân chất, để các nghệ sĩ tạo hình vẽ nên những bức họa, những nghệ nhân thổi hồn lên các tranh thêu và biết bao góc nhìn mỹ thuật thể hiện trên tác phẩm của nhà nhiếp ảnh!
U Bein thật bình dị, bình dị bởi chiếc cầu gỗ cũ kỹ và bình dị bởi cuộc sống đời thường quanh nó. Người ta đến với U Bein chính vì để được chứng kiến bằng mắt thường 2 kỹ lục đã kể, đồng thời lại được thưởng thức cái không khí yên bình giản đơn qua hình ảnh chiếc cầu, qua cuộc mưu sinh còn “chất phác” .
Họ đến để “thưởng thức”, thưởng thức cảnh quan và thưởng thức việc khám phá những cái đẹp của cảnh quan, đó là một kiếm-tìm-không-kết-thúc của những ai có tâm hồn nghệ sĩ, mà hình như ai cũng có cả, chỉ là nhiều hay ít, bởi lẽ cái đẹp thay đổi theo góc nhìn, thay đổi theo thời gian…mà góc nhìn là vô số, thời gian là vô hạn! Và cái đẹp cũng còn thay đổi theo chủ thể tiếp nhận. Cho nên, chiếc cầu đã trở thành “tác phẩm”, của chính nó và của rất nhiều người! Tạo cho mình một kỹ niệm khó phai với những phương tiện tiên tiến và phổ biến hiện nay: máy ảnh số, đó là hình ảnh tôi thấy được trên cầu U Bein chiều này.
Ayunpa với máy ảnh trên tay, đang tìm hình kỹ niệm!
Không chỉ các du khách là những người thích thú chụp ảnh, mà còn có các sadi cũng hào hứng với chiếc máy ảnh số trên tay.
Vết tích tận dụng “cột nhà” của cung điện cố đô Amarapura là các lỗ “mộng” còn lại trên trụ cầu U Bein.
Thật ra, với sự phổ biến của smartphone, máy tính bảng, máy compact nhỏ gọn…việc chụp ảnh trở nên dễ dàng hơn khi trước, mọi người đều có thể trở thành thợ chụp ảnh, chụp cho người, chụp cảnh đẹp và chụp cho chính mình.
Và đây là 2 phát selfie trên cầu U Bein.
Ngày nay, máy ảnh số và các thiết bị có thể ghi hình trở nên phổ biến, tưởng rằng nghề chụp ảnh dạo sẽ không còn đất sống, nhưng thực tế dịch vụ này vẫn là phương tiện kiếm cơm của một số người. Tôi đã gặp một thợ ảnh người Miến như thế, chụp anh 1 phát với nụ cười hiền hòa, cũng là 1 trong những ảnh đời thường mà tôi chớp được vào buổi chiều đẹp đẻ và thú vị này.
Các bạn thân mến, nếu không có những lằn khô nứt nẻ trên cột nống cầu thì chắc chắn U Bein chẳng thể mang được cái hồn “trăm năm sương gió”! Và nếu đây là chiếc cầu dây văng hiện đại, với cáp treo đan nghiêng “mỹ thuật” dưới nắng ngày, rực rỡ đèn màu nhấp nháy giữa trời đêm, thì chắc…chẳng ai tìm đến!
U Bein cũ kỹ với những băng ghế nghĩ chân dành cho những người dân qua lại, cho các du khách ngồi đợi khoảnh khắc bất ngờ với máy ảnh trên tay và chung quanh, những hoạt cảnh đời thường dung dị, đang chầm chậm diễn ra bất kể những bước chân khách lạ đang từng lúc bước nhẹ qua cầu…
Một gia đình người Miến đang ngồi nghĩ chân trên băng ghế giữa cầu U Bein.
Mò cá, một cách bắt cá giản đơn mà lúc còn thơ tôi từng thực hiện: lấy chân ấn mạnh xuống sình làm thành những lỗ nhỏ, sau 1 lúc quay trở lại mò bắt những chú cá “nhát gan” lẫn trốn vào đó, ngày nay cá đâu còn nhiều để ta bắt kiễu này!
Suốt bao đời nay, người dân sống ở đoạn giữa 2 bờ hồ đã nhờ chiếc cầu này để qua lại, đở 1 đoạn đường vòng rất xa hoặc tiết kiệm đước chút tiền đò…
Cầu U Bein cũng là nơi nhiều người thả câu kiếm sống, không giống như kiễu tiêu khiển của những người lắm tiền với cần câu “máy” hiện đại…
Chiếc cầu cổ, từ lâu thực sự là nguồn thu nhập không nhỏ của ngành du lịch Myanmar, đồng thời cũng là nơi cung cấp phương tiện mưu sinh cho những người chèo xuồng chở khách dạo chơi...Trong khi đó một đàn vịt “chạy đồng” đang được chăn dắt, giống y hệt miền sông nước quê nhà, nhưng nơi đây, dự trử thiên nhiên còn phong phú, tôm tép nhỏ dưới hồ đủ để “vịt hảng” Miến không cần đến những cánh đồng giống như Việt Nam.
Thô mộc những nứt nẻ trên thân cột nống cầu cũng chính là những chi tiết mà người chụp ảnh khai thác.
Thật sự, U Bein không chỉ đơn thuần là một chiếc cầu, mà đối với nhiều người nó đúng là một tác phẩm! Cầu dài trên 1 km, có vài điểm đụt mưa nắng khi cần, một đoạn cong ở giữa nhằm hạn chế bớt sức mạnh của giòng nước chảy qua vào những khi triều cường, mưa bão, nhiều chuyên gia ngày nay tỏ ra khâm phục những người thiết kế khi xưa, dù vào thời điểm đó, họ vẫn đo cầu bằng những bước chân! Đoạn cong cũng là một đặc trưng của tác phẩm.
Cầu có “đoạn cong chịu lực” ở giữa, một chi tiết kỹ thuật đồng thời cũng là 1 đặc trưng của U Bein.
Nếu đây là chiếc cầu dây văng hiện đại, với cáp treo đan nghiêng “mỹ thuật” dưới nắng ngày, rực rỡ đèn màu nhấp nháy giữa trời đêm, thì chắc chẳng ai tìm đến!
Nếu U Bein không có những thanh gỗ teak cứng chắc bắc ngang, làm thành một mặt cầu thô mộc, đón đưa những bước chân qua lại biết bao ngày, nếu cầu gỗ teak không có những hàng cột nứt nẻ dấu thời gian, mang đậm cái hồn “trăm năm sương gió”, thì làm sao rung động được những tâm hồn nghệ sĩ, tạo sức hút mãnh liệt cho nhiều du khách đến với Myanmar?
Sáng sớm hoặc chiều tà, trưa nắng cháy hoặc ngày mưa mù, sương mỏng, cầu U Bein luôn có những khoảnh khắc để người nghệ sĩ nắm bắt, làm khách du lịch đắm mình trong cảm giác mê say!
Thiệt sự mà nói, các điểm đã thăm viếng vừa qua tại cố đô cuối cùng của Hoàng triều Miến Điện, chỉ là để mở mang kiến thức, khám phá những công trình lịch sử một thời, những tháp chùa lộng lẫy vốn đã có quá nhiều trên đất nước Myanmar, để ngạc nhiên, thích thú.
Nhưng với tôi, đến Mandalay còn là mong muốn tới chiếc cầu cây tuổi đời hơn thế kỷ, bởi những hình ảnh mà tôi đã từng được xem trước, nên thơ trong lụa mỏng sương mai hay ảo huyền khi chiều rơi, ác lặn! Để trên bước du hành, thêm một lần “thờ thẫn”… chút niềm riêng!
Ảnh mượn trên Internet.( http://thegioidulichnhat.com/tin-tuc...anmar-307.html)
Vì chuyến thăm này không kéo dài đến lúc mặt trời lặn, nên chúng tôi nhanh chóng và đành tạm thời tìm những hình ảnh đẹp của cầu U Ben có được chiều nay. Và như những gì tôi đã viết, dù bây giờ không có điều kiện ánh sáng thích hợp để chụp ảnh cầu U Bein, lãng mạn sương khói bình minh hay huyền ảo hoang sơ lúc chiều tà, nhưng tôi cũng tạm hài lòng với những gì mình đạt được, khi…tự đắm mình vào quan cảnh trước mặt, để những rung động tuyệt vời vẫn lặng lẽ đến trong tôi!
1 góc nhìn mặt hồ Taung Tha Man từ cầu U Bein thật tuyệt vời với tôi, vào lúc 16h ngày 09-11-2013.
1 cận cảnh lãng mạn như bình minh sương khói.
Cầu U Bein hơn 100 năm đưa đón khách qua, chắc chắn chỉ tạm bợ giữa giòng đời xuôi ngược, như mỗi người thoắt đến, rồi đi; đến từ đâu và đi tới đâu, ta sao biết được? Chỉ chiều nay vui cùng gió giỡn cùng mây, ngắm cầu soi bóng nước, cười vui với khách lạ, nhìn bước chân ai thoáng nhẹ lướt “qua cầu”!
Khách du lịch hay là dân, mượn tạm cầu qua bến ấy?
Nhẹ bước chân ...mượn cầu, quá bộ.
Tất cả những hình ảnh ghi được, với tôi thật thú vị, tiếc rằng vẫn còn như thiếu thốn, nên....
....
....
… tôi tự thưởng cho mình một “tác phẩm của riêng ta”. Ảnh này nhờ anh thợ ảnh "chộp" giùm, khi may mắn tìm mượn được 1 vélo solex, thiệt là thích hợp với cầu gỗ U Bein. Tin hay không, tùy các bạn...
Còn tôi, cuộc rong chơi tại cầu U Bein đến đây là quá đủ.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1049800 visitors (3139146 hits) |