13/8/2015
TÔI PHẠM TỘI SÁT SANH
TRỢ TỬ THÚ Y
Nguyễn Thượng Chánh, Dvm
|
Theo đà phát triển của khoa học, rất nhiều kỹ thuật chẩn đoán và phương pháp trị liệu tân kỳ mà trước đây chỉ dành riêng cho y khoa, ngày nay được thấy đem sử dụng nhan nhản bên thú y.
Tuy nhiên cũng có một vấn đề rất gây cấn, tuy bị chống đối và đã kích dữ dội khắp mọi nơi, bị lên án kịch liệt và hầu như bị ngăn cấm tại hầu hết các quốc gia Tây phương nhưng lại được cho phép áp dụng rất dễ dàng bên phía thú y, đó là việc TRỢ TỬ(Euthanasia, put to sleep).
***
Ngày nay tại các quốc gia Âu Mỹ, chó và mèo được xem như những thành viên trong gia đình và tình cảm mà con người dành cho chúng đôi khi cũng không kém gì tình cảm họ dành cho con cháu trong nhà.
Một mai vì một lý do gì đó, chẳng hạn như con vật bị thương tật đau đớn hoặc mắc phải một chứng bệnh nan y khó chữa trị được hoặc chi phí chữa trị quá tốn kém nhưng không chắc gì có được kết quả mong muốn. Trong trường hợp này người chủ phải can đảm, gạt lệ, đắn đo giữa tình cảm và túi tiền để nghĩ đến giải pháp trợ tử hầu có thể giải phóng con thú bất hạnh sớm thoát khỏi các khổ đau cơ cực một cách vĩnh viễn.
Đây là một quyết định rất khó xử chớ không đơn giản chút nào hết!
Đối với một số người, nhất là các cụ lớn tuổi, đơn côi, thường sống với con chó hoặc con mèo thì sự ra đi của của con vật chí thân sẽ gây nơi họ ra một cái shock mãnh liệt, khiến cho họ buồn khổ vô ngần chẳng khác gì lúc phải thọ tang một người thân trong gia đình.
Trợ tử thú y là gì?
Trợ tử thú y là phương pháp trợ tử ở thú, giúp cho con vật chết một cách êm ái nhẹ nhàng trong tình yêu thương của người chủ và cũng nhằm mục đích để giúp nó khỏi kéo dài lê thê sự đau đớn về thể xác do một chứng bệnh nan y hay một tai nạn nào đó gây nên.
Nếu trường hợp trợ tử ở người, thì mục đích là để giúp bệnh nhân bảo toàn được…phẩm giá và nhân cách của họ (sic).
Tại các quốc gia Tây phương, vấn đề trợ tử phải do thú y sĩ thực hiện. Thường là tiêm thuốc mê hoặc thuốc ngủ với liều lượng cao.
Bôm thuốc vào tĩnh mạch chó
Hình như danh từ trợ tử thường hay bị lạm dụng bên thú y. Đó là việc trợ tử cả trăm ngàn heo bò dê cừu bằng đủ mọi cách để chận đứng sự lan truyền của bệnh long móng lở mồm (FMD) ở Anh quốc năm 2002 cũng như việc trợ tử hằng triệu gà vịt ở Canada bằng carbon dioxide (C02) để ngăn chặn dịch cúm gia cầm tại Fraser Valley, British Columbia, Canada vào năm 2004 vừa qua.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người chỉ trích rằng phương pháp trợ tử của cơ quan CFIA Canada thật sự ra không đạt được kết quả mong muốn 100% một cách nhanh chóng như cơ quan nầy đã từng tuyên bố. Bởi lý do vừa kể, sự đau đớn của một số gia cầm bị kéo dài ra một cách vô ích.
Kinh nghiệm bản thân
Trợ tử lúc đi dạy học
Lúc còn dạy học tại Viện đại học Cần thơ khoảng 73-74, mỗi năm để chuẩn bị mẫu vật thực tập cho môn cơ thể học, tác giả thường nhờ các em sinh viên đi lùng mua chó và bán lại cho Đại học. Trung bình đâu lối chục con cho mỗi niên khóa.
Tại trường, các chó đều bị tiêm một mũi thuốc vào mạch, có khi vào tim. Khi con vật chết rồi thì chúng được tiêm rất nhiều formol vào khắp cơ thể để giữ xác khỏi bị thối rữa. Đây có thể nói trợ tử vì khoa học.
Ngoài ra, trợ tử là vì…bị đổi đời nữa.
Vào khoảng lối 5-3 ngày trước ngày miền Nam sập tiệm, tác giả cũng có thực hiện 2 vụ trợ tử theo yêu cầu của khách hàng tại phòng mạch thú y thuộc Đại học Cầnthơ.
Berger Allemand hình minh họa
Vụ thứ nhất, một con chó Berger allemand to lớn mạnh khỏe, chủ là một người Mỹ, giám đốc phòng thông tin Hoa Kỳ Cầnthơ. Anh cũng là phu quân của chị S, giáo sư bên đại học khoa học. Con vật được một nhân viên chở đến phòng mạch thú y nhờ Bs giải phóng, vì ông chủ phải về xứ gấp mà không thể mang nó theo cùng. Ông ta không muốn con chó thân yêu của mình phải sống khổ cực với người khác cũng như ông sợ con vật có thể trở thành món nhậu tại một quán nào đó nằm trên lộ 19 Cần thơ chăng?
Vụ thứ nhì, cũng một con chó Berger allemand của một sĩ quan cấp tá chỉ huy trưởng một đơn vị chuyên ngành đối diện Trung Tâm Nhập Ngũ số 4, Cầnthơ.
Sáng ngày 28/4/75, anh Trung úy tùy viên cho ông Tá chở trên xe jeep một con chó berger khá to đến phòng mạch thú y nằm ngay trong khu đại học, cạnh bên đài phát thanh Cần Thơ trên đường đi Sóc Trăng.
Anh Trung úy nói là ông Tá muốn nhờ Bs cho nó một mũi giải phóng. Người gõ đã hiểu tại sao rồi. Thế là cho 2 hũ thuốc mê Nesdonal (thiopental sodium) vào mạch, kim vừa rút ra thì con chó cũng thở hắc ra một cái rồi êm ru bà rù luôn. Xác nó được anh trung úy đem đi….
Ngày hôm sau, tình cờ mình gặp lại anh Trung úy ngay tại bến Ninh Kiều. Anh ta có vẻ buồn xo, mặt xuống sắc thấy rõ và anh cho biết: anh Chánh ơi, ổng vọt mất rồi!
Người gõ chỉ còn biết đứng đó thở dài,ngẩn ngơ mà thôi… Người ta sao mà sướng thiệt! Tương lai mình rồi sẽ ra sao đây?
Nín thở qua sông. Mãi đến năm 1980 người gõ và vợ con mới thoát đi được từ ngõ Sông Ông Đốc Cà Mau…
Trợ tử lúc đi học lại tại Canada.
Vào những năm 81-85 lúc phải đi học lại tại Đại Học Montréal trong giờ clinique, tác giả cũng thường chứng kiến và tiếp tay với mấy ông thầy để trợ tử chó của khách hàng mang đến trường đại học thú y tại St Hyacinthe, Québec. Thuốc sử dụng thường là T61 hoặc Euthanyl.
Tốn bao nhiêu?
Tại Canada hiện nay giá tiền trợ tử một con chó cũng phải từ 100$ trở lên tùy theo trọng lượng của con vật.
Hồi tưởng lại chuyện xưa sao thấy hồi đó mình…ác quá vậy cà. Phạm tội sát sanh rồi !
Tác giả tự hỏi không biết hiện giờ bên nhà có áp dụng trợ tử thú y hay không hay người ta chỉ nghĩ là vật dưỡng nhân mà thôi nên số phận của chó mèo thường được chấm dứt trong nồi, cho khỏi phí của Trời và cũng đồng thời tiện bề sổ sách cho mọi người.
Phần người chủ: có thương thì phải có khổ
Những kỷ niệm êm đềm và những tình cảm kết tụ sau bao năm sống với nhau không dễ gì một sớm một chiều mà quên đi được.
Chúng ta muốn con vật thân yêu không bị đau đớn và sống mãi với ta, nhưng chúng ta không muốn chứng kiến cảnh mù lòa của nó, không muốn nghe nó rên rỉ, không muốn nhìn thấy nỗi bất công mà nó phải gánh chịu, v.v...
Chúng ta hy vọng có thể hoạch định được giây phút mà chúng ta sẽ mất nó đi một cách vĩnh viễn. Càng níu kéo dài sự sống của nó, chúng ta càng kéo dài sự đau đớn thể xác và làm chậm lại sự ra đi của nó.
Tuy biết vậy, nhưng trong thực tế rất khó cho chúng ta quyết định một cách dứt khoác được đến lúc nào cuộc sống của nó phải dừng lại.
Để giúp chúng ta có thể phán xét một cách sáng tỏ, chúng ta nên căn cứ vào một số dữ kiện sau đây:
*- Dự đoán diễn tiến bệnh trạng hay pronostic của nó ra sao? Có hy vọng cải thiện không? Và đến mức độ nào? Trị liệu có kèm theo đau đớn không? Có ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của nó không?
*- Trong thời gian bao lâu chúng ta mới thấy được sự cải thiện và con vật có thể trở về nhà (trường hợp con vật đang nằm bệnh viện).
*- Chúng ta tự hỏi xem chúng ta có đủ phương tiện và thời giờ để săn sóc nó tại nhà hay không?
*- Con vật đau đớn đến mức độ nào (trong thực tế rất khó xét đoán).
*- Nó có ăn uống được không?
*- Có thở khó không?
*- Nó có biểu lộ sự vui mừng khi gần gũi với con người và với các con vật khác hay không?
*- Nó có thể tự di chuyển một mình được không hay chỉ nằm lì một chỗ?
Bạn đã quyết định được rồi chớ?
Nếu bạn đã thỏa thuận với thú y sĩ về việc trợ tử con vật thân yêu thì sau đây là những điều cần thiết:
+ Để cho việc trợ tử được kín đáo, nên lấy hẹn với phòng mạch thú y vào cuối giờ làm việc buổi sáng hoặc buổi chiều.
+ Nên thanh toán tiền trước để bạn có thể ra về một cách thoải mái sau khi xong việc.
+ Bạn cần phải ký một mẫu đơn cho phép trợ tử, đồng thời bạn phải cho biết ý định là sẽ đem xác về hay giao xác luôn cho phòng mạch lo liệu hỏa thiêu.
+ Bạn nên ở bên cạnh con vật đến phút cuối của nó.
Thú y sĩ thực hiện trợ tử
Thông thường có hai cách:
1) Tiêm vào tĩnh mạch chân một loại thuốc gây mê barbiturique như Thiopental (Nesdonal), Pentobarbital sodium (Euthanyl) hoặc T61.
2) Tiêm vào xoang bụng: tác dụng chậm hơn tiêm vào tĩnh mạch.
Trong bất cứ trường hợp nào, thú y sĩ cũng phải nghe tim đến khi nó hoàn toàn ngưng đập. Đôi khi cơ vòng hậu môn hoặc cơ bọng đái giãn ra lúc con vật vừa mới chết kéo theo sự thải phân và nước tiểu ra ngoài. Các tiết vật khác cũng có thể tiết ra từ các lỗ thiên nhiên. Sau đó, theo thủ tục thì thú y sĩ chia buồn cùng chủ nhân.
Chủ nhân cần phải suy nghĩ thật kỹ
- 60% cần phải có một thời gian để suy nghĩ kỹ và quyết định.
- 71% hỏi ý kiến của thú y sĩ để có thể quyết định.
- 52% người chủ muốn chứng kiến việc trợ tử.
- 75% cần biết rõ diễn tiến của việc trợ tử.
- 90% muốn con vật của họ không đau đớn lúc trợ tử.
- 75% muốn con vật thân yêu được vuốt ve và ân cần.
- 80% cần phải bàn về vụ trợ tử nầy liên tiếp trong nhiều ngày sau khi con vật đã chết.
Những thái độ của người chủ
1) Chối từ: họ không nghĩ rằng con thú yêu mến phải bị trợ tử.
2) Giận dữ: họ có thể chửi bới thú y sĩ và nhân viên phòng mạch.
3) Bàn cãi: chủ nhân tỏ ra nghi ngờ. Họ có mặc cảm tội lỗi cùng ý nghĩ chính họ là
thủ phạm với lý do là tại sao họ không chịu đem con vật đi khám bệnh sớm hơn.
4) Chán chường: người chủ có thể cảm thấy chán nản, khóc lóc không kềm chế
được, cảm giác sự trống vắng vô cùng, hối tiếc hành động trợ tử và họ có thể rơi vào trạng thái trầm cảm.
5) Chấp nhận: họ có thể bàn luận về con vật của họ vừa mới mất đi một cách vui vẻ và sẵn sàng đi mua một con khác về thay thế.
Mồ yên mả đẹp- Presidio Pet Cemetery San Francisco
Làm sao nói với các cháu nhỏ?
1) Tìm cách trả lời một cách êm thắm và rõ rệt. Tránh nói những câu úp mở, khó hiểu như: Milou đã ra đi trong giấc ngủ... Câu nầy có thể gây ấn tượng xấu và làm các cháu rất sợ hãi lúc đi ngủ.
2) Hãy nhấn mạnh cho cháu biết là con vật chết không phải là do lỗi của cháu.
Từ 2 đến 5 tuổi đứa bé dễ dàng tạo một dây ấn tượng giữa nguyên nhân và hậu quả. Thí dụ như em có thể nghĩ rằng con vật chết vì em không được ngoan cho lắm, v.v...
Kết luận
Con thú đã mang đến cho ta và gia đình ta biết bao là niềm vui và hạnh phúc từ nhiều năm qua.
Khi chấp nhận giải pháp trợ tử cho nó, chúng ta nghĩ rằng mình đã làm một điều đúng theo lương tâm và lý trí.
Nỗi buồn của sự mất mát sẽ theo ta và dày vò ta trong một thời gian rồi chắc chắn cũng lần hồi phai mờ đi theo năm tháng để nhường chỗ cho những kỷ niệm êm đềm khác trong ký ức./.