6/8/2015
Bệnh đau gan C
Y học thường thức – Bác sĩ Trần Văn Diên
|
Bệnh viêm gan C có từ ngàn xưa. Đến năm 1970, những nhà nghiên cứu sinh học và sinh lý bệnh học bắt đầu ghi nhận là có một loại siêu vi khuẩn không phải là siêu vi khuẩn A gây “Bệnh gan siêu vi A” và cũng không phải siêu vi khuẩn B gây “Bệnh gan siêu vi B” nên gọi là “không phải A không phải B = NonA NonB”. Vào Năm 1989, người ta nhận diện được siêu vi khuẩn này nên liền đặt tên là siêu vi khuẩn C gây ra “Bệnh đau gan C”. Tiếng Anh viết là Hepatitis C Virus (HCV), xâm nhập thẳng vào cơ thể bằng đường máu; rồi tấn công tế bào gan, tiếp tục sinh sôi nảy nở làm gan sưng to lên, đồng thời giết các tế bào gan.
Có đến 80% những người bị nhiễm HCV có khả năng trở thành bệnh kinh niên, 6 tháng sau khi bị nhiễm, bệnh vẫn không hết. Ða số những người bị HCV kinh niên không thấy có triệu chứng nào, có cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, trong số 10-25% người có HCV kinh niên, bệnh sẽ âm thầm tiến triển trong khoảng 10-40 năm, và có thể làm hư gan trầm trọng, xơ gan (cirrhosis) là triệu chứng biến tế bào gan thành mô liên kết nên phận sự của gan không còn nữa, hoặc ung thư gan (cancer) là tế bào gan phát triển dư thừa làm xáo trộn biến dưỡng của cơ thể.
Hiện nay bệnh viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu đưa đến việc thay ghép gan tại Hoa Kỳ. Nghệ sĩ cải lương Dũng Thanh Lâm đã bị HCV được thay gan, 6 tháng sau bị phản ứng ra đi tuổi 62 tại California năm 2004. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là ca sĩ Hoài Bắc cũng bị HCV đã ra đi tuổi 62, năm 1991 tại California.
Cho đến nay chưa có thuốc chích ngừa hoặc thuốc để chữa lành hẳn bệnh HCV. Tuy nhiên nhiều phương pháp trị liệu được áp dụng có thể tiêu diệt và/hoặc làm chậm lại hay chận đứng sự phát triển của HCV cho một số người. Thống kê của văn phòng WHO (World Health Organization) tại Liên Hiệp Quốc ở New York Hoa Kỳ cho biết rằng hằng năm có 150-200 triệu người trên thế giới bị bệnh HCV, có 350.000 phải vĩnh viễn ra đi mỗi năm vì siêu vi khuẩn viêm gan C. Siêu vi viêm gan C lưu hành trong máu, HCV lây truyền chủ yếu qua đường máu.
Những đường lây nhiễm siêu vi C chủ yếu:
1- Người nhận máu hoặc chế phẩm máu nhiễm siêu vi khuẩn gan C: Mặc dù cách lựa chọn người cho máu đang được áp dụng, Viêm gan siêu vi C vẫn có thể lọt lưới và truyền sang người nhận.
2- Dùng chung kim tiêm nhiễm HCV: Sử dụng chung kim tiêm ở những người nghiện ma túy làm gia tăng đáng kể lây nhiễm bệnh viêm gan C.
3- Nhân viên Y tế: Bất kỳ nhân viên y tế nào (bác sĩ, nha sĩ, y tá, y công…) cũng có thể bị nhiễm viêm gan siêu vi khuẩn C do tiếp xúc bệnh phẩm chứa siêu vi khuẩn trong quá trình làm việc.
4- Ðường tình dục: Có nguy cơ lây nhiễm siêu vi khuẩn gan C qua quan hệ tình dục nhưng hiếm hơn bệnh viêm gan B.
5- Mẹ truyền sang con: Người ta ghi nhận có sự lây truyền từ mẹ sang con, nhưng tỉ lệ rất thấp.
6- Nguyên nhân khác: xâm mình, xỏ lỗ tai với vật dụng không tẩy trùng tốt có thể lây truyền siêu vi khuẩn gan C.
7- Không rõ đường lây nhiễm: chiếm 30-40% trường hợp.
Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt. Một số khác có biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm màu. Chẩn đoán bệnh dựa vào xét nghiệm máu. Khoảng 85% trường hợp nhiễm Viêm gan siêu vi khuẩn C sẽ chuyển thành bệnh viêm gan mãn tính, nghĩa là không đào thải hết siêu vi khuẩn C sau 6 tháng. Ðặc điểm nổi bật của bệnh viên gan C mãn tính là sự tiến triển rất thầm lặng 10-30 năm, vì thế người bệnh thường không được chẩn đoán và điều trị kịp lúc kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh chỉ được phát hiện khi đã có biến chứng nghiêm trọng: xơ gan với biểu hiện báng bụng (bụng có nước), giãn mạch máu đường tiêu hóa làm vỡ gây chảy máu ồ ạt và tử vong. Một biến chứng nữa là ung thư tế bào gan. Khi đã bị xơ gan thì khó hồi phục, cho dù tình trạng viêm có thuyên giảm. Vì vậy, bác sĩ chuyên khoa về gan khuyên nên điều trị sớm nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển sang giai đoạn xơ gan.
Xét nghiệm máu cho gan người khỏe mạnh kết quả như sau:
ALT: 7-55 units per liter (U/L) (đơn vị trong 1 lít)
AST: 8-48 U/L
ALP: 45-115 U/L
Albumin: 3.5-5.0 grams per deciliter (gram/dL)
Total protein: 6.3-7.9 g/dL (gram/dL)
Bilirubin: 0.1-1.0 mg/dL (milligram/dL)
GGT: 9-48 U/L
LD: 122-222 U/L
PT: 9.5-13.8 seconds (giây)
ALT: Alanine aminotransferase
AST: Aspartate aminotransferase
ALP: Alkaline phosphatase
Albumin: Một loại thuộc về chất đạm có cấu trúc cầu vòng
Protein: Chất đạm một cách tổng quát trong máu
Bilirubin: Là chất tiết ra từ mật trong gan rồi chạy vào máu
GGT: Gamma-glutamyl transpeptidase
LD: Lactate dehydrogenase
PT: Prothrombin time (thời gian máu ngưng chảy khi đứt da)
Men gan tăng chứng tỏ tế bào gan đang bị phá hủy. Kháng thể chống siêu vi khuẩn C dương tính trong hầu hết các trường hợp. Chức năng của gan bị rối loạn tùy mức độ và thời gian bị bệnh. Sau khi xác nhận đang có quá trình viêm gan, nên làm thêm các xét nghiệm:
- Xét nghiệm đánh giá chức năng gan.
- Siêu âm gan: Xem cấu trúc của gan và các bộ phận xung quanh, tìm dấu hiệu xơ gan, và biểu hiện bất thường khác.
- Sinh thiết gan: Chuyên gia quan sát tế bào gan dưới kính hiển vi, xác định mức độ viêm nhiễm, chẩn đoán giai đoạn bệnh, đánh giá hiệu quả cách điều trị chính xác.
- Xét nghiệm HCV RNA: Phát hiện trực tiếp siêu vi trong máu, đồng thời định danh dưới nhóm để lựa chọn phác đồ hợp lý. Xét nghiệm này còn được sử dụng để tiên lượng đáp ứng tốt với cách điều trị nhanh chóng kịp thời hiệu quả.
Cách ăn uống: Không nên uống rượu và bia, xơ gan dễ xảy ra hơn ở người viêm gan ghiền rượu. Bệnh nhân viêm gan C có thể duy trì chế độ ăn uống lành mạnh bình thường. Khi đã có xơ gan, bác sĩ khuyên nên ăn ít muối.
Lối sống: Siêu vi viêm gan C lây truyền qua đường máu. Nếu bị đứt tay, hãy lau sạch máu bằng dung dịch sát trùng. Mặc dù nguy cơ lây nhiễm thấp, nên áp dụng phương pháp bảo vệ trong lúc gối chăn.
Bệnh viêm gan C mãn tính cần được điều trị càng sớm càng tốt nhằm:
1- Giảm thiểu hoặc loại trừ hoàn toàn tình trạng viêm gan, do đó ngăn ngừa diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan.
2- Ðào thải hoặc giảm bớt lượng siêu vi khuẩn C trong cơ thể, đặc biệt là ở gan.
Điều trị: Hiện nay chưa có cách trị bảo đảm 100%, biện pháp cơ bản điều trị viêm gan C là “Interferon alpha”. Đây là chất tự nhiên của cơ thể, được sản xuất bởi các tế bào đề kháng khi bị nhiễm siêu vi khuẩn viêm gan C. Dùng điều trị bệnh viêm gan C thì “interferon alpha” đáp ứng tự nhiên cho cơ thể.
“Interferon alpha (RoferonI-A)” được đóng sẵn trong bơm tiêm nhỏ, tiêm vào bắp thịt. Sau những lần tiêm đầu tiên, hầu hết bệnh nhân có cảm giác sốt nhẹ, mệt mỏi giống như cúm trong vài giờ. “Interferon alpha” khởi động đáp ứng của cơ thể chống lại siêu vi khuẩn C, tương tự như đối với siêu vi khuẩn cúm. Những triệu chứng này giảm dần sau vài tuần. Ðể hạn chế tác dụng phụ này, nên tiêm thuốc vào buổi tối và uống Paracetamol nửa tiếng trước khi tiêm. Trong thời gian điều trị, nên làm xét nghiệm máu để đánh giá đáp ứng. Khi kết thúc đợt điều trị, cần tiếp tục theo dõi 6 tháng tiếp theo, bởi vì một số bệnh nhân có thể tái phát sau khi ngưng điều trị. Hiện nay, một số kháng sinh chống siêu vi khuẩn cho kết quả khỏi bệnh cao hơn, ví dụ kết hợp “Interferon alpha” với “Ribavirin” nhưng chưa đạt 100%.
Bác sĩ Trần Văn Diên, Texas USA ngày 04/08/2015
Học sinh ban Công Thôn 1970-1973 NLS Cần Thơ