LÚA GẠO QUA VĂN HÓA DÂN GIAN: CA DAO, TỤC NGỮ, VÀ DÂN CA
NguyỄn Văn Ngưu, PhD
|
PHẦN IV: KINH NGHIỆM VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA THỜI TIẾT
Cây lúa cần có khí hậu và thời tiết thuận lợi để tăng trưởng và sản xuất. Do đó, nông dân bỏ nhiều thời gian và tâm huyết để hiểu biết những ảnh hưởng của khí hậu trên sự phát triển và năng suất của cây lúa. Những ca dao dưới đây nói về các kinh nghiệm của nông dân và các khía cạnh của ảnh hưởng của thời tiết trong công việc sản xuất lúa. Người nông dân trồng lúa luôn cầu mong có được mưa thuận gió hòa, họ nhìn trời, nhìn đất và cầu mong. Những trang dưới đây ghi lại các ca dao, tục ngữ và dân ca về kinh nghiệm của nông dân về ảnh hưởng của thời tiết trên sản xuất lúa gạo.
Người ta đi cấy lấy công
Riêng tôi đi cấy, còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
Trông sao chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng, mới yên tấm lòng
Những công việc như cày, bừa cần nhiều nước để làm. Cây lúa cũng cần nhiều nước để tăng trưởng và sản xuất. Ngày xưa khi chưa có nhiều tưới tiêu, nông dân chờ mưa để trồng lúa.
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Cho đầy bát cơm
Để gieo cấy thành công, đúng thời vụ và bội thu người dân phải quan sát tỉ mỉ các hiện tượng tự nhiên trong một quá trình nhất định, ghi nhớ các kỹ thuật canh tác để rút thành cẩm nang kinh nghiệm sản xuất cho bao thế hệ.
Trăng mờ tốt lúa nỏ, trăng tỏ tốt lúa sâu
Nắng tốt dưa mưa tốt lúa
Nắng tháng 6 được lúa
Nắng tháng 9 mất mùa (Người Thái)
Tháng Tám mưa trai tháng hai mưa thóc
Mồng tám tháng tám không mưa
Mẹ con bỏ cả cày bừa mà nhổ lúa đi
Mồng 9 tháng 9 có mưa
Cha con đi sớm về trưa mặc lòng
Mồng 9 tháng 9 không mưa
Cha con bán cả cày bừa mà ăn
Mồng chín tháng chín có mưa
Mẹ con đi sớm về trưa mặc lòng
Mồng chín tháng chín không mưa
Mẹ con bán cả cày bừa mà ăn (Thua Thien Huế)
Sáng sủa được tằm tối tăm được lúa
Tháng mười có sấm, cấy trên nấm cũng có ăn
Năm trước được cau, năm sau được lúa
Trời nồm tốt mạ, trời giá tốt rau
Tỏ trăng mười bốn được tằm
Tỏ trăng hôm rằm thì được lúa gieo
Trăng mờ tốt lúa nỏ, trăng tỏ tốt lúa sâu (Người Tày)
Sai quả dâu gia được mùa lúa ruộng
Sai quả cha được mùa lúa nương (Người Mường)
Nông dân quan sát các thay đổi trong bầu trời để dự đoán thời tiết như mưa nắng
Tháng ba u ám thì nắng
Tháng tám u ám thì mưa (Người Tày)
Trời vẫy beo thì nắng
Trời vẩy cá thì mưa (Người Tày)
Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa
Mây xanh thì nắng mây trắng thì mưa
Mây kéo xuống biển thì nắng chang chang
Mây kéo lên ngàn thì mưa như trút
Mống đông vồng tây chẳng mưa dây cũng bão giật
Mống dài trời lụt mống cụt trời mưa
Vồng rạp mưa rào, vồng cao gió táp
Ráng vàng thì nắng ráng trắng thì mưa
Ráng mỡ gà thì gió ráng mỡ chó thì mưa
Rồng đen lấy nước thì nắng Rồng trắng lấy nước thì mưa
Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa
Bà rú Lông đi ông rú Trà (rú = núi)
Ngả nghiêng cây cối, cửa nhà vẹo xiêu (Nghệ An)
Bao giờ Đại Huệ mang tơi,
Rú Đụn đội nón thì trời mới mưa (Nghệ An)
Đời ông cho chí đời cha,
Mây kéo rú Xước mưa ba bốn ngày (Nghệ An)
Sổ cầu Bùng lấy thùng đựng nác/nước (Nghệ An)
Chớp ngã Cồn Tiên, mưa liền một trộ
Sấm Đầu mâu không cầu cũng đến (Quảng Trị)
Chiều chiều mây phủ Sơn Trà
Sóng xô cửa Đại trời đà chuyển mưa (Quảng Nam)
Nông dân cũng quan sát những phản ứng của các con thú vật như Chuồn Chuồn, Ếch, Gà, Chim Én, Ong, Cò để dự đoán thời tiết.
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
Bay cao thì nắng, bay vừa thì im (Thua Thien Huế)
Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão
Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước
Chớp đông nhay nháy gà gáy thì mưa
Én bay thấp mưa ngập cầu ao
Én bay cao mưa rào lại tạnh
Ong vàng làm thấp, bão sấp bão ngửa
Cò ăn ruộng sâu thì nắng
Cò ăn ruộng cạn thì mưa (Quảng Trị)
Từ Thừa Thiên ra phía Bắc nhiệt độ thường xuống thấp hơn 21 trong các tháng giêng tháng hai âm lịch. Trong giai đoạn sinh dục và trổ bông, nhiệt độ thấp hơn 21 có ảnh hưởng xấu trên việc thụ phấn của bông lúa, dẩn đến việc cho ra hạt lúa lép. Những ca dao dưới đây nói về kinh nghiệm của nông dân khi lúa trổ bông trong tháng giêng tháng hai âm lịch.
Đói thì ăn khoai
Chớ thấy lúa trổ tháng Hai mà mừng
Đói lòng ăn môn ăn khoai
Chớ thấy lúa lỗ giêng hai mà mừng (Thua Thien Huế)
Đói thì ăn môn ăn khoai
Đừng thấy ló lỗ giêng hai mà mừng (Quảng Trị)
Ngày xưa nông dân thường cấy lúa mùa trong thời gian có sao Tua Rua
Tua rua một tháng mười ngày
Cấy trốc luống cày cũng được lúa xôi
Đom đóm bay ra trồng cà tra đỗ
Tua rua bằng mặt cất bát cơm chăm
Tua rua bằng mặt cất bát cơm chăm
Tua rua đi nằm, cơm chăm đã cạn
Sao rua đứng trốc, lúa lốc được ăn
Tua rua đi bắc mạ mùa
Tua rua thì mặc tua rua
Mạ già ruộng ngấu, không thua bạn điền
Đom đóm bay ra, trồng cà tra đỗ,
Tua rua bằng một, cất bát cơm chăm.
MỘT VÀI TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bánh Trái Ngày Tết http://www.cadaotucngu.com/phorum/topic.asp?TOPIC_ID=854
2. http://e-cadao.com/Cadaochude/cadaobanh.htm
3. http://poem.tkaraoke.com/14115/Dac_San_Que_Em.html
4. Nguyễn Văn Ngưu 2001 The Vietnamese Rice Farmer. Pp 97-129 in VIETNAMOLOGICA, Montreal, Quebec, Canada
5. Nguyễn Văn Ngưu 2007 Nghành Sản Xuất Lúa Việt Nam - Nhìn Qua Lịch Sử, Văn Hóa Và Kỹ Thuật. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp. TP Hồ Chí Minh. 232 pp
6. Tìm Ca Dao Theo Các Tỉnh http://e-cadao.com/cadaocactinh.asp
7. Trần Văn Đạt 2003 Tiến Trình PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LÚA GẠO TẠI VIỆT NAM Từ Thời Nguyên Thủy Đến Hiện Đại. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp. TP Hồ Chí Minh. 315 pp
8. Văn Hóa Nông Nghiệp Qua Ca Dao Tục Ngữ. VĂN HÓA VIỆT. http://e-cadao.com/tieuluan/vanhoa/vanhoanongnghiep.htm
9. Vũ Ngọc Phan 1999 Tục Ngữ, Ca Dao, Dân Ca Việt Nam. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội. Hà Nội. 832 pp