29/3/2015
"Dồn điền đổi thửa" ở Miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long: Con đường gian khổ phải vượt qua để cơ giới hóa và hiện đại hóa nông nghiệp
Phan Hiếu Hiền
Cán bộ giảng dạy / nghiên cứu (đã nghỉ hưu),
Khoa Cơ khí Công nghệ / Trung tâm Năng lượng- Máy nông nghiệp,
Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Email: phhien@hcm.vnn.vn
Đặt vấn đề
Về nguyên tắc cơ giới hóa nông nghiệp, thửa ruộng càng lớn càng thuận tiện cho máy móc hoạt động; cỡ máy càng lớn theo độ lớn rộng của cánh đồng. Ngược lại, lô thửa nhỏ thì máy móc cũng nhỏ theo. Thửa đất vài chục m2 của người già hưu trí cũng có các máy xới phục vụ cho thú vui trồng trọt của họ. Nhưng để sản xuất nông sản hàng hóa, qui mô không được quá nhỏ. Càng nhỏ, chi phí sản xuất mỗi đơn vị sản phẩm (ví dụ tấn hạt lúa, bắp, hay mía...) càng cao. Ví dụ chi phí sản xuất của miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) với kích thước thửa ruộng, có thể so sánh được về quan hệ giữa hai yếu tố này. Tương tự cũng như so sánh chi phí sản xuất giữa ĐBSCL với thửa ruộng và Mỹ với kích thước lớn hơn nhiều. Theo thống kê #a, năm 1997 mỗi hộ trồng lúa ở Duyên hải Nam Trung Bộ có trung bình 5200 m2 trên 8 thửa ruộng không liền kế nhau (trung bình mỗi thửa 650 m2). Chúng tôi ước lượng qua phỏng vấn, năm 2013, do tăng dân số và tách hộ, mỗi hộ thực tế chỉ canh tác 1300- 3000 m2, cũng trên các mảnh ruộng nhỏ như xưa. ĐBSCL thì khá hơn, năm 1997 mỗi hộ trồng lúa có trung bình 12 000 m2 trên 3 thửa ruộng. Nhưng năm 2013, xu hướng "chia đôi diện tích, vẫn mảnh ruộng nhỏ" cũng tương tự như ở miền Trung. Nông dân chỉ than thở "Làm lúa càng ngày càng ít lời, thậm chí thua lỗ; không sống được với cây lúa"; có nhiều nguyên nhân, nhưng sản xuất nhỏ manh mún cũng góp phần không nhỏ.
Vậy tạm đặt mục tiêu khiêm tốn, mà vẫn khá hơn 15 năm trước một ít, đó là:
Miền Trung: thửa ruộng phải tối thiểu cỡ 0,5 ha và mỗi hộ canh tác liền kề.
ĐBSCL: thửa ruộng phải tối thiểu cỡ 1,0 ha và mỗi hộ canh tác liền kề
Mục tiêu này nhắm cơ giới hóa tốt, giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất lúa. Mục tiêu này động chạm đến vấn đề "dồn điền đổi thửa" một vấn đề nan giải "xương xẩu" nhất của nông nghiệp Việt Nam. Nhưng cần phải đối mặt với vấn đề này ngay bây giờ, không thể lơ là; nếu không, 15 năm sau, sản xuất lúa của chúng ta sẽ đi xuống; và nông nghiệp sẽ không còn gì đáng kể.
Phân tích các điều kiện thuận lợi / khó khăn
Khó khăn lớn nhất là suy nghĩ "tư hữu" của nông dân. Tuy trên giấy tờ là "quyền sử dụng đất" nhưng thực tế nông dân nào cũng nghĩ đến "sở hữu" trên mảnh ruộng mình đã làm lâu nay, theo ý ông ta phì nhiêu hơn mảnh bên cạnh của người khác. Không ai chịu dồn điền đổi thửa vì chưa thấy lợi ích gì cả, chỉ thấy nguy cơ bị thua thiệt.
Khó khăn thứ hai là ý chí của nhà quản lý. Ngoài các chủ trương ở cấp cao, chưa thấy nhiều động thái cụ thể ở cấp dưới. Cải thiện cơ sở hạ tầng để xây dựng nông thôn mới nghĩa là thủy lợi, là "điện đường trường trạm", ít nơi có biện pháp để thửa ruộng lớn hơn. Mỗi địa phương đều có bản đồ sử dụng đất của mỗi hộ, nhưng nếu hỏi thêm có bao nhiêu hộ canh tác "da beo" và khoảng đường trung bình giữa các thửa ruộng không liền kế này, có nơi nào trả lời được ngay? Hình như chúng ta tập trung vào năng suất và sản lượng lúa, và tự coi là "tạm ổn" vì hơn trung bình của thế giới và đang xuất khẩu gạo; hãy tập trung vào phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch... từ đó giải quyết vấn đề nông nghiệp. Không sai, nhưng làm được không, khi "tam nông" quá nghèo? Nhiều người nói "cải đổi gì thì mỗi hộ vẫn vài ba sào lúa, làm sao tăng lợi tức được!". Vì vấn đề quá nan giải, ta cố tránh và tìm giải pháp ở nơi khác ?
Khó khăn thứ ba là nhận thức về các lợi ích qua thực tế của việc dồn điền đổi thửa. Có nhiều mô hình khuyến nông nông dân được tăng lợi nhuận nhờ giống mới, nhờ phân bón, nhờ máy gặt đập liên hợp..., nhưng chưa thấy mô hình tổng hợp và thuyết phục về lợi nhuận nông dân từ dồn điền đổi thửa. Có thể do vấn đề vượt quá tầm của một ngành khuyến nông, mà phải là của cả hệ thống chính trị bao gồm chính quyền các cấp, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, khoa học-công nghệ, công thương nghiệp...
Thuận lợi thì không nhiều, gồm ba mục:
Có giải pháp san laser. Ở ĐBSCL, giải pháp đem lại lợi nhuận 5,4 triệu đồng/ ha/ vụ cho các hộ có 1- 4 ha lúa và san thành các thửa 1- 2 ha (xem bài cùng kỷ yếu này). Ở Tây Nguyên có 2 nơi mà chủ ruộng gom các mảnh ruộng trung bình 1000 m2 thành thửa 0,5 ha. Lợi nhuận tăng thêm khá khác nhau, một nơi 15,0 tr.đ/ha, một nơi chỉ 3,2 tr.đ/ha. Nhưng nói chung ở đâu cũng chỉ có tăng. Lưu ý các mảnh ruộng này cùng một chủ, không tranh chấp với ai cả
Có chương trình "Cánh đồng mẫu lớn". Diện tích lớn với cùng một giống gieo trồng đồng loạt, cùng một phương thức canh tác, thu hoạch đồng loạt. Những cái lớn này là thuận lợi thúc đẩy cái chưa lớn, tức là lô thửa còn nhỏ.
Có một số thí điểm mở rộng thửa ruộng đến 1- 2 ha, dù vẫn thuộc về nhiều chủ nông dân, như ở Phú Yên và Hà Tĩnh. Nông dân đã thỏa thuận phân chia ranh giới ruộng của họ bằng các cọc gỗ cắm và giăng dây, dù việc gieo trồng, canh tác và thu hoạch đều do mỗi hộ tự làm, chỉ theo lịch thống nhất.
Cả 3 thuận lợi trên đều chiếm diện tích khiêm tốn so với hàng triệu hecta với các khó khăn. Ví von, thuận lợi chỉ là các đốm sáng nhỏ nhoi trong đêm tối khó khăn. Nhưng thuận lợi hay khó khăn đều là của ta và do ta, không có nước ngoài nào ảnh hưởng cả.
Giải pháp đề xuất
Minh họa sau ở miền Trung, nhưng với ĐBSCL cũng tương tự, chỉ khác nhau về tỷ lệ diện tích, ví dụ 0,5 ha so với 1 ha.
Giả sử 3 nông dân A, B, C có các thửa ruộng như Hình 1. Mỗi thửa có diện tích 1000- 2000 m2. Gộp chung 3 thửa thì sẽ có lô ruộng xấp xỉ 0,5 ha như Lô (I) và Lô (II). Trong mỗi thửa do canh tác lâu đời, nên mặt ruộng rất bằng phẳng, dễ kiểm soát nước và cỏ dại. Nhưng do địa hình, giữa một thửa và thửa kế cận, hoặc cách một thửa, chênh lệch độ cao mặt ruộng có thể đến 10 – 25 cm; nên cần có các bờ ruộng chia thửa, không những của 2 chủ khác nhau (A và B Lô I), mà của cùng một chủ (A-A Lô I).
Việc dồn điền đổi thửa dự kiến kéo dài 4- 5 năm, gồm các bước sau:
Bước 1: Thuyết phục nông dân phá bờ ruộng, nhưng vẫn canh tác trên đất của họ. Cả hệ thống chính trị vào cuộc: Sở Tài nguyên-môi trường tập huấn và giải thich rõ rằng không ai mất một m2 đất nào cả; Sở Nông nghiệp-PTNT và Trung tâm Khuyến nông tập huấn về các lợi ích của san phẳng bằng laser, của thửa ruộng lớn trong cánh đồng lớn; Sở Công Thương và các Công ty bảo đảm các điều kiện thương mại hàng hóa qui mô; UNND Tỉnh, Huyện, Xã công bố chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp thông qua biện pháp cánh đồng thực sự lớn... Tóm tắt, để nông dân yên tâm rằng họ sẽ không thiệt thòi gì cả, chỉ có lợi cho họ. Qui mô khởi đầu cỡ 30- 100 ha.
Dĩ nhiên không phải đất nào cũng san được. Ruộng phải khô mới san laser được; nghĩa là sau khi thu hoạch cần thời gian ải đất. Ví dụ nhiều nơi ở Bình Định và Phú Yên có thời gian "đất nghỉ" khoảng 10 tuần giữa hai vụ.
Bước 2: Cắm cột mốc định ranh giới giữa các chủ ruộng. Cột xi-măng hay cột gỗ là tùy mức độ tin cậy giữa họ với nhau. Tiến hành san phẳng ruộng điều khiển bằng laser, gộp các thửa nhỏ thành lô lớn khoảng 0,5- 1 ha (miền Trung), hoặc 1- 4 ha (ĐBSCL); các điểm trong mỗi lô chênh lệch không quá 3 cm. Sau đó căng dây, hoặc nếu cần đắp lại các bờ ruộng "nhỏ xíu" tượng trưng cho ranh giới cũ.
Chi phí san (diesel, công lái) trong các thí điểm này hoàn toàn từ kinh phí nhà nước, các công ty, hoặc của các tổ chức hợp tác quốc tế. Máy san do Nhà nước đầu tư cho cơ quan dịch vụ nhà nước, hoặc tốt nhất là đầu tư cho chủ máy có khả năng, với tỷ lệ hỗ trợ 5 máy đầu tiên 70%. Nông dân chủ ruộng không bỏ ra đồng nào.
Bước 3: Thực hiện chương trình "Cánh đồng mẫu lớn" như hiện nay: gieo sạ đồng loạt cùng một giống, cùng công thức bón phân và chăm sóc, thu hoạch đồng loạt. Nhưng thửa ruộng của ai, người đó tự làm miễn theo đúng lịch thời vụ. Thậm chí thu hoạch cũng riêng, lấy cây sào rẽ lúa từ bở ruộng tạm về phía mình để máy gặt đập liên hợp làm việc trên đất mình. Ở bước này, máy chưa phát huy hiệu quả hoạt động trên lô đất lớn.
Bước 4: Lặp lại bước 3 trên với 4- 6 lần, nghĩa là ít nhất 2 năm. Với ruộng bằng phẳng và sự hỗ trợ của khuyến nông qua các biện pháp "1 Phải 5 Giảm" và các tiến bộ khoa học khác, thu nhập của nông dân phải tăng lên. Theo kinh nghiệm đã thu được ở ĐBSCL, mức tăng cỡ 5 triệu đồng/ ha /vụ (hay 2,5 triêu đ/ 0,5 ha, hay 500 000 đ /1000 m2). Nông dân phải thấy được tiền vào túi họ, và lặp lại nhiều vụ.
Bước 5: Thuyết phục để nông dân thương thảo đổi thửa. Ở Hính 1, nông dân A và B sẽ đổi thửa lẫn nhau ở Lô I và Lô II. Một chút chênh lệch diện tích sẽ do Địa chính đo đạc và trọng tài. Nông dân vì cái lợi không phải coi sóc nhiều địa điểm, bớt đi lại giữa các thửa, và đã biết trong các năm qua, "đất nào cũng lợi như nhau" có lẽ cũng đồng ý, cùng với sự khuyến khích của chính quyền. Bấy giờ, các lô thửa sẽ lớn hơn, để máy móc hoạt động hiệu quả.
Bước 6: (Vào khoảng năm thứ 3 hoặc 4). Lặp lại với qui mô mới 100- 200 ha. Do nông dân chung quanh mô hình đầu tiên đã tham quan và thấy lợi ích của mô hình này, bấy giờ nhà nước chỉ hỗ trợ 70% chi phí san, và càng giảm dần với các mô hình sau đó.
Bước 7: Cuối cùng, nông dân đã có nhu cầu san. Nhà nước chỉ hỗ trợ để phát triển các chủ dịch vụ. Mức hỗ trợ từ máy thứ 5 đến máy thứ 100 giảm dần từ 60% giá trị máy xuống dần đến 20%. Sau đó không hỗ trợ nữa. (Khá nhỏ so với Ấn Độ).
Cuối cùng, sự nghiệp "dồn điền đổi thửa" là việc kinh doanh nông nghiệp của toàn dân.
Lợi nhuận từ trồng lúa của một hộ nông dân 4 khẩu ở miền Trung với 2000 m2 ruộng, hiện nay khoảng 8 triệu đồng/năm, hay 670 000 đ/tháng (kể cả "lấy công làm lời"), quá thấp so với lương 3 triệu đồng/ tháng của một công nhân không chuyên. Nếu nhờ dồn điền đổi thửa mà tăng được 2 triệu đồng /năm, thì tỷ lệ tăng được 25% là đáng kể; tính theo số thực 130 000 đ/tháng tuy nhỏ, nhưng cũng đỡ cho một người con đang học Đại học hay Trung cấp, trên đường trở thành người kỹ thuật hơn, hữu dụng hơn trong các lĩnh vực chuyên môn.
Lý luận tương tự ở Đồng bằng Sông Cửu Long, với tỷ lệ qui mô và các con số gấp khoảng 3 lần miền Trung.
Thay lời kết
Nếu năm 2015 bắt đầu gieo "hạt dồn điền đổi thửa" thì trái ngọt đầu múa (lợi nhuận cho nông dân, và nông dân chịu đổi thửa) cũng phải đến 2018 mới hái được. Và đến 2025 trang tại "nông nghiệp cơ giới hóa hiện đại hóa" mới đầy kết quả.
Còn nếu bây giờ chưa động tĩnh gì, thì 10 năm sau sẽ là quá trễ với hàng chục triệu mảnh ruộng manh mún hơn hiện nay do chia đất cho con cháu. Công nghiệp cũng không còn bệ phóng để phát triển. Trách nhiệm với thế hệ sau nằm trong tất cả và mỗi người chúng ta hôm nay.
#a Nguyễn Trọng Uyên. 2013.
Hiện trạng đồng ruộng ở một số Tỉnh phía Nam . Kỷ yếu Hội thảo "San phẳng đồng ruọng ứng dụng kỹ thuật điều khiển laser" do Dự án Sau thu hoạch lúa gạo ADB–IRRI–VN tổ chức tại TP Tân An, 15-16 / 3 / 2013.