31/12/2015
TIÊN ĐOÁN KHÍ HẬU năm 2016
TS Trần Đăng Hồng
|
Hình 1. Lũ lụt ở Paraguay trong dịp Giáng sinh 2015 do tác động El Niño
Kể từ đầu thế kỷ 21, thời tiết bất thường (bão tố, lũ lụt, sóng nhiệt hay bão tuyết, v.v) càng lúc càng xảy ra nhiều hơn và khoảng cách thời gian giữa các năm khí hậu bất thường này rút ngắn lại. Chẳng hạn, thời tiết bất thường gây nhiều thiệt hại đã xảy ra năm 2005, 2009, 2010, 2013, 2014 và 2015 (4). Chúng ta hảy xem lại các biến cố thời tiết này, tìm lý do và để tiên đoán cho năm tới.
Khí hậu thế giới năm 2012. Trên phạm vi toàn cầu, khí hậu năm 2012 được các nhà khoa học đánh giá là thái quá (extreme), với các hiện tượng mưa lụt, hạn hán, bão tố, nóng lạnh đều vượt qua các số trung bình của những năm bình thường. Năm 2012 được xem là năm nóng nhất trong số 8 năm được ghi vào kỷ lục kể từ 1880 trong lịch sử Hoa kỳ, và hạn hán kỷ lục trong 50 năm qua. Trên phạm vi thế giới, năm 2012 đánh dấu năm thứ 8 nóng kỷ lục và liên tục trên toàn cầu, băng tuyết tan kỷ lục nhiều nhất trên vùng biển Bắc Cực (5).
Nhiệt độ nóng nhất trên thế giới là 52,2°C đo được tại Death Valley (California) vào ngày 9/8/2012. Cũng trong tháng 8, một luồng sóng nhiệt tràn qua Âu Châu, ngày 20/8 nhiệt độ tới 40,4°C tại Dobrichovice (Tiệp Khắc), 42,4°C tại Falesti (Moldova) ngày 7/8, và 44,8°C tại Danilovgrad (Montenegro) vào ngày 8/8/2012 (5).
Tại Phi Châu, vào ngày 25 và 26/8, nhiệt độ lên tới 42.5°C tại Mtunzini (South Africa), cần nên nhớ thời điểm này là mùa đông ở nam bán cầu. Cũng vào dịp này, 44°C được ghi tại Villamontes, Bolivia (Nam Mỹ) cũng thuộc nam bán cầu. Như vậy, mùa đông ở Nam Bán Cầu lại có nhiệt độ cao kỷ lục của mùa hè (5).
Khí hậu thế giới 2013
Năm 2013 là năm lạnh nhất trong mùa đông và mùa xuân, nhưng là năm thứ 9 liên tục nóng nhất trong mùa hè, với nhiều làn sóng nhiệt xảy ra khắp thế giới và có trận bão Haiyan (Hải Yến) tàn phá nhất lịch sử (6).
Tại Thượng Hải, suốt 24 ngày liên tục trong tháng 7 có nhiệt độ trên 35˚C, đôi khi lên tới 40,6˚C, nhiệt độ cao kỷ lục trong 140 năm.
Năm 2013 là năm sóng nhiệt ập vào Úc Đại Lợi mạnh nhất. tháng 1/2013 là tháng nóng nhất trên khắp Úc Châu, nhiệt độ 49,6°C ghi tại Moomba ở Nam Australia. Đêm 10/1 là đêm nóng nhất tại Sydney với nhiệt độ 34°C. Nạn cháy rừng trầm trọng.
Tại Âu Châu, vào đầu tháng 7, cơn sóng nhiệt với nhiệt độ 40°C suốt trong 6 ngày ập vào Portugal, có nơi nhiệt độ lên tới 45°C như ở Alentejo và Ribatejo. Tương tự sóng nhiệt này tràn váo Miền Nam và Miền Trung Anh quốc vào 17/7, nhiệt độ tới 33,5°C tại Heathrow. Đợt sóng nhiệt thứ 2 ập vào Anh quốc ngày 1/8, nhiệt độ tới 34,1°C tại Heathrow, tạo nhiều đám cháy rừng và đồng cỏ.
Tại Hoa Kỳ, vào cuối 6/2013, làn sóng nhiệt nóng ập vào Tây Nam Hoa Kỳ. Nhiều nơi ở Nam California có nhiệt độ tới 50°C. Vào ngày 30/6 nhiệt độ tới 54 °C tại Thung Lũng Chết (Death Valley), nhiệt độ cao nhất trên toàn cầu trong tháng 6. Cũng cần biết thêm là nhiệt độ cao nhất đo tại đây vào tháng 7/1913 là 57 °C (6).
Khí hậu năm 2014. Trên phạm vi toàn cầu, năm 2014 là năm nóng nhất trên đất liền và trên đại dương kể từ 1880 (1, 4).
Nhiệt độ trung bình toàn cầu (đất liền và đại dương) cao hơn 0,69°C nhiệt độ trung bình (đất liền và đại dương) 13,9°C (57.0°F) của thế kỷ 20, phá kỷ lục của năm 2005 và 2010 với 0,04°C cao hơn. Ngoài ra, tháng 12/2014 là tháng nóng nhất so với tháng 12 kể từ 1880 (4).
Nhiệt độ trung bình đại dương toàn cầu cũng cao hơn 0,57°C trên nhiệt độ trung bình đại dương 16,1°C của thế kỷ 20, phá kỷ lục trước đó là năm 1998 và 2003 (cao hơn 0,05°C) (4).
Nhiệt độ trung bình toàn cầu trên đất liền cao hơn 1,0°C nhiệt độ trung bình trên đất liền 8,5°C của thế kỷ 20, nhiệt độ cao thứ 4 trong bảng kỷ lục.
Nếu chỉ tính 10 năm có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất trong thời gian 1880 – 2014 thì thế kỷ 21 (mới trải qua 14 năm) đã chiếm 9 kỷ lục xếp hạng từ cao xuống thấp (2014, 2010, 2005, 2013, 2003, 2002, 2006, 2009, 2007), và nguyên cả thế kỷ 20 và một phần của thế kỷ 19 chỉ có 1 năm 1998 có nhiệt độ cao, đứng hạng 4 trong danh sách trên. Điều này cũng cho ta thấy là khuynh hướng gia tăng nhiệt độ toàn cầu rỏ rệt nhất kể từ 1998 (1, 4).
Khí hậu năm 2015:
Năm 2015 được xem là năm nóng nhất, cao kỷ lục trong suốt 136 năm qua (2, 3, 4). Riêng trong tháng 12/2015, nhiệt độ trung bình của tháng 12 cao hơn nhiệt độ trung bình tháng 12 của thế kỷ qua là 3,0°C.
Năm 2015 là năm ỷ lục về tổn thất do thiên tai, hơn 20.000 người chết vì sóng nhiệt, lut lội bão tố chưa tính đến thiệt hại hại thiên tai gây ra trong cuối tháng 12/2015.
Cuối tháng 12/2015, trong thời gian kế Giáng sinh, thế giới trải qua lụt lội, bão tố, cuồng phong. Mưa gây lụt lội lớn ở Nam Mỹ suốt từ Brazil, Argentina, Paraguay đến Uraguay. Tại Bắc Mỹ, cuồng phong tàn phá 7 tiểu bang phía nam, rồi tiếp là mưa lụt đưa tử vong tổng cộng tới 43. Bão tuyết cũng xảy ra ở vài tiểu bang.
Lụt cũng chưa từng thấy trong lịch sử đã xảy ra tại nhiều tỉnh ở bắc nước Anh gây tổn thất khoảng 1,5 tỉ Anh Kim chưa kể chính phủ sẽ sửa chữa lại hệ thống giao thông 0,5 tỉ Anh Kim. Vào ngày 30/12, bão Frank mang theo mưa làm gia tăng lụt làm nước lại dâng cao.
Tiên đoán thời tiết năm 2016.
Ngoài khuynh hướng gia tăng nhiệt độ toàn cầu, thấy rỏ rệt nhất trong hai thập niên qua, nguyên nhân chính của khí hậu thái quá được xác định là do El Niño. Riêng trong gần 4 năm liên tiếp vừa qua, thế giới trải qua nhiều thảm họa thời tiết thái quá, thảm họa năm 2010 cũng như 2013-2015 đều gắn liền với hiệu ứng El Niño.
Chính vùng nước ở xích đạo trung tâm Thái Bình Dương bị hâm nóng gây biến đổi khí hậu khắp thế giới. El Niño xuất hiện khi luồng gió Tây trên Thái Bình Dương yếu, và dòng hải lưu nước nóng chảy theo hướng đông hướng về Nam Mỹ mang theo mưa nhiều. Hậu quả là mưa nhiều ở Mỹ Châu, ngược lại Á Châu và Úc Châu khô hạn. El Niño cũng gây bão nhiệt đới lớn trên Thái Bình Dương, làm ảnh hưởng ở cả hai bờ Mỹ Châu và Á Châu.
Hình 2. Ba trận bão Kilo, Jimena và Ignacio, xảy ra trong ngày 2/9/2015 trên Thái Bình Dương (Hình NASA)
El Niño xảy ra theo chu kỳ, nhưng không đều đặn, khoảng cách nhau từ 2 đến 7 năm, và kéo dài tù 9 tháng đến 2 năm hay hơn.
El Niño năm 2009-2010 ngắn ngủi, kéo dài trong 9 tháng, từ tháng 8/2009 đến tháng 5/2010, điểm cực đại ở 2 tháng 1/2010 và 2/2010, với chỉ số cường độ 1,3 (3).
Ngược lại El Niño 2014-2016 kéo dài từ tháng 9/2014 và hiện tiếp tục qua 2015, tiên đoán sẽ chấm dứt vào tháng 6/2016, mảnh liệt bắt đầu từ tháng 4/2015 và cường độ tiếp tục gia tăng đến điểm cao (nhất) vào tháng 11/2015 (chỉ số cường độ 2.0) (chưa có số liệu cho 12/2015) (3).
Nhiệt độ trung bình mặt nước Thái Bình Dương trong tháng 5/2015 cao hơn 0,72°C trung bình của 136 năm (16,30°C) và sẽ kéo dài tới tháng 6/2016, thay vì tháng 1/2016 như tiên đoán trước đây.
El Niño mảnh liệt nhất kể từ 1951 là El Niño 1997-1998, xảy ra trong thời gian từ tháng 6/1997 đến tháng 6/1998, với chỉ số cường độ tối đa 2,3 xảy vào tháng 12/1997 và 1/1998 (3).
Như vậy còn quá sớm để biết El Niño 2014-2016 (chỉ số cường độ 2,0 vào tháng 11/2015) mạnh hơn hay yếu hơn El Niño 1997-1998 (chỉ số cường độ 2,3) vì còn đang tiếp tục cho tới tháng 6/2016.
Giản đồ nhiệt độ (Hình 3) so sánh theo từng tháng của năm 2015 (đường đen trên cùng) với 6 năm nóng kỷ lục là 2014, 2010, 2013, 2005, 2009 và 1998 thì thấy năm 2015 là năm nóng kỷ lục kể từ cuối thế kỷ 19 đến nay, và khuynh hướng nhiệt độ sẽ tiếp tục cao vào năm 2016 (4).
Hình 3. Ba năm 2013, 2014 và 2015 đánh dấu 3 năm nóng kỷ lục liên tục kể từ 1998 (4).
Với dữ kiện cung cấp (3, 4), các nhà khoa học khí tượng tiên đoán là thảm họa thời tiết bất thưởng sẽ tiếp tục trong những tháng tới trong năm 2016. Mưa lũ lụt tiếp tục ở Mỹ Châu, sóng nhiệt sẽ xảy ra khắp thế giới, bão nhiệt đới xảy ra ở Thái Bình Dương tác hại ở hai bờ đại dương, trong lúc các nước Đông Nam Á và Úc châu sẽ bị hạn hán và nạn cháy rừng.
Phi Châu là châu lục nghèo đói nhất thường bị thiên tai hạn hán và lũ lụt tàn phá. Cơ quan Hồng Thập Tự Thế Giới đã kêu gọi viện trợ khẩn cấp chuẩn bị cho vùng dân cư phía nam Sahara vì tiên đoán sẽ có lũ lụt gây nạn đói trong năm 2016 (2). Vào tháng 11/2015, chính phủ Kenya ban bố tình trạng cảnh báo mưa lũ và ra lệnh khai thông hệ thống thoát lũ. Các quốc gia Chile và Peru cũng chuẩn bị đương đầu với bão và lũ lụt cho năm 2016 (2).
Cơ quan khí tượng của Úc cảnh báo là bão nhiệt đới đe dọa trong đầu năm 2016, có lẻ cao điểm của El Niño sẽ là tháng 2/2016.
Còn các nhà bảo tồn san hô đang lo ngại là san hô sẽ bị chết rụi kể từ tháng 12/2015 vì nước biển đang nóng ấm hơn quá nhiệt độ giới hạn sinh tồn của san hô.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. New Scientist (2014). El Niño may make 2014 the hottest year on record.
https://www.newscientist.com/article/dn25028-el-nino-may-make-2014-the-hottest-year-on-record
2. New Scientist (7/10/2015). As monster El Niño looms, the world rushes to get ready. https://www.newscientist.com/article/dn28296-as-monster-el-nino-looms-countries-around-the-world-rush-to-get-ready .
3. Jan Null (4/12/2015). El Niño and La Niña Years and Intensities since 1951-1952. http://ggweather.com/enso/oni.htm .
4. NCDC-NOAA (2015). Global Analysis - September 2015. 2015 year-to-date temperatures versus previous years. https://www.ncdc.noaa.gov/sotc/global/2015/9/supplemental/page-2
5. Trần-Đăng Hồng (2012). Khí hậu thế giới năm 2012. Khoa học net
6. Trần-Đăng Hồng (2013). Hhí hậu thế giới năm 2013. Khoa học net
7. Trần-Đăng Hồng (2015). Thời tiết bất thường sáu tháng đầu năm 2015. Khoa học net.
Reading, cuối năm 2015
Trần Đăng Hồng, PhD