|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Chuyện gạo lứt muối mè |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
26/2/2017
CHUYỆN GẠO LỨT MUỐI MÈ
Thầy Châu Kim Lang
|
- CHUYỆN GẠO LỨT MUỐI MÈ -
- Thầy Châu Kim Lang
Vừa rồi Anh Dương Xuân Triều giới thiệu bài viết về tác dụng của gạo lứt trị thấp khớp và nhiều chứng bịnh, sau đó Anh Nguyễn Triệu Lương góp thêm ý kiến, ”phải hỏi thầy Châu Kim Lang…” Nhân đây tôi cũng muốn góp bài vàoTrang Nhà cho vui đầu năm Rồng vàng (Nhâm thìn) mong thêm nhiều sức khỏe. Chuyện gạo lứt muối mè đã cho tôi nhiều kỹ niệm thú vị . Cho phép tôi kể vài kỷ niệm ở NLS BL qua chuyện gạo lứt muối mè.
Cách nay 4-5 năm gì đó, 2 chị Ngô Anh Thuấn và Bùi Thị Lợi có đến thăm tôi với ý định viết một bài về tôi. Qua hàn huyên, Chị Thuấn muốn biết lý do nào tôi ăn gạo lứt muối mè, mục đích trị bệnh gì…v.v.. Thật ra tôi không chữa bệnh gì cả.
Trước khi đến NLS BL, tôi dạy ở Trường trung học Trần Cao Vân (Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín, nay là Quảng Nam) được 2 năm (1964-1966). Tôi đến dạy ở Tam Kỳ vào lúc quân đội Mỹ đang thành lập mở rộng căn cứ Chu Lai. Hằng ngày đại bác nã vào vùng núi xa xa, tiếng nổ ì ầm vang dội lúc chiều, thường vào những buổi dạy sắp kết thúc. Cảnh tượng nầy tác động mạnh mẽ đến tâm trạng của một thanh niên từ nhỏ đến lớn sống ở thành phố, chưa từng chạm trán cảnh chiến tranh. Tôi đã chọn nghề dạy học cũng chỉ là để khỏi đi lính. Tôi suy nghĩ miên man.. Lúc ấy ở Tam Kỳ phổ biến phương pháp Oshawa (tên của một bác sĩ Nhật) ăn gạo lứt muối mè trị nhiều chứng bệnh. Tôi không rõ người ta nói phương pháp nầy ngoài việc trị bệnh còn có ẩn ý tuyên truyền gì nữa không. Tôi ở cạnh thánh thất Cao Đài có quán cơm gạo lứt, nên tiện thử nghiệm, không phải để trị bệnh mà mục tiêu xem mình có chịu nổi khắc khổ hay không!!!. Tôi sử dụng hoàn toàn công thức số 7 (chỉ đơn thuần gạo lứt muối mè) không thêm gì nữa, ròng rã 2 năm ở Tam Kỳ. Tôi ốm yếu từ nhỏ. Chuyển đến NLS BL tôi vẫn tiếp tục gạo lứt, lúc đó tôi chưa lập gia đình. Mẹ tôi lo ngại cho sức khỏe của tôi, người anh rể là bác sĩ bèn trấn an: “Má đừng lo, nó không chết đâu”. Thỉnh thoảng mẹ tôi lên thăm, mang theo bao gạo lứt và bánh trái. Mỗi lần được tiếp tế bao gạo lứt ăn được 1-2 tháng, còn bánh trái tôi chia cho các anh học sinh ở phía sau nhà, ăn cho vui… Quý thầy ở NLS được học sinh đặt cho mỗi người một mỹ danh nào đó. Tôi được gọi “Ông thần Oshawa”! Nay nhớ lại, tôi thích thú với tên gọi ấy, thế mà sao không có anh chị nào nhắc lại cho vui! Một hôm thầy Hồ Phước Hải (dạy môn Công dân và kinh tế) đến gặp tôi bàn về việc một đứa học sinh, đúng lúc trưa tôi đang ngồi ăn. Trên bàn chỉ vỏn vẹn một cà mèn cơm gần hết, không có chén đủa gì cả (tôi chỉ dùng muỗng múc cơm mà thôi), Thầy Hải nhìn cà mèn cơm rồi nhìn thẳng tôi, ái ngại nói: “ăn như vầy làm sao anh sống nổi?”. Sau mấy mươi năm, mỗi lần họp mặt đầu năm tôi đều ngồi chung bàn với Thầy Hải, hỏi thăm sức khỏe cho nhau…: tôi vẫn khỏe, vẫn còn sống nổi (không biết cho tới lúc nào…).
Thầy Nguyễn Văn Nhuệ (dạy Anh văn), đàn anh của tôi, thấy nếp sống của tôi quá tẻ nhạt (chỉ ăn gạo lứt, nhà không mở cửa trước, không giao tiếp, không rượu chè, không du hí, không đánh bạc…- nhiều cái không quá), một hôm lúc giải lao trong buổi họp hội đồng giáo sư, Thầy nói với tôi: “Cậu sống như thế, không hưởng lạc thú gì cả, vậy chỉ có 2 con đường: một là vào tu viện, hai là chết cho rồi”. Lúc đó tôi không biết trả lời sao cho ổn, chỉ nói: “tôi không tu mà cũng không chết”. Thật tình tôi cũng không biết mình chọn con đường nào!!! Đối với tôi, thầy Nhuệ là tấm gương tự học. Nghe nói có lần Thầy nói chuyện với người Mỹ bằng những từ ngữ mà người Mỹ còn ngớ ngẩn không hiểu hết ý sâu xa, Thầy cho biết đã sử dụng trong từ điển…Tấm gương nầy suốt mấy mươi năm giúp tôi rèn luyện khả năng tự học.
Ngay từ khi về trường NLS BL, tôi tự làm quen với môi trường nông nghiệp qua sách ở thư viện. Tôi không biết lý do nào tạo cho tôi một sức khỏe “đọc sách không biết mệt”, có phải nhờ ăn gạo lứt chăng???. Hầu hết lúc ấy là sách tiếng Pháp, còn phân nửa thư viện chuyển theo Cao đẳng về Saigon. Với căn bản kiến thức địa chất học (của ngành Sử địa), tôi tiếp cận dễ dàng thổ nhưỡng học, mê đến nổi lên Đà Lạt ghé Nha Địa dư mua toàn bộ bản đồ địa chất Đông Dương (hơn 20 tờ ráp lại) và bản đồ thổ nhưỡng VNCH của Mormann. Sau nầy, năm 1992 ? (tôi không nhớ chính xác), tôi được cử về Trường NLS BL (đổi tên là trường dạy nghề) để bồi dưỡng sư phạm cho giáo viên, tôi có biếu Trường bản đồ thổ nhưỡng học mà tôi đã lưu giữ mấy mươi năm làm kỷ niệm một thời ở NLS BL. Còn bộ bản đồ địa chất Đông Dương tôi tặng cho Trường Cao đẳng kỹ thuật Phú Yên khi tôi đến làm thông hoạt viên DACUM (DACUM facilitator) cho Hội thảo phân tích nghề Địa chất công trình (lúc đó ông hiệu trưởng là người tốt nghiệp ngành địa chất ở Trường Đại học khoa học Saigon). Nhờ gương tự học của Thầy Nhuệ và sách NLS của Trường đã tạo cho tôi vốn liếng kiến thức vững vàng để viết được :
- Dạy kĩ thuật nông nghiệp ở trường phổ thông trung học, Nxb Giáo Dục, 1987.
- Trắc nghiệm kiến thức kĩ thuật nông nghiệp ở trường phổ thông trung học, Nxb Giáo Dục , 1988.
Nhờ đó, Trường Đại học Nông Lâm thỉnh giảng tôi dạy môn “Phương pháp giảng dạy nông nghiệp” được vài năm.
Thầy Nguyễn Văn Vũ (dạy Triết và Quốc văn, trước khi Thầy Phan Quang Định đến), rất vui tính, mỗi lần gặp tôi trong trường, bao giờ cũng nở nụ cười rất tươi, chào bằng câu Kiều: “Ôi Kim Lang, hởi Kim Lang!!”… và biến thể thêm cho vui:
“Ôi Kim Lang, hởi Kim Lang,
“Muối mè gạo lứt giúp chàng cầm hơi”.
Tôi thích câu biến thể nầy, và chỉ có một mình tôi được hân hạnh đưa vào truyện Kiều ở trường NLS BL.
Năm 1968, tất cả nam giáo sư của Trường phải đi học quân sự 9 tuần ở trung tâm huấn luyện Lam Sơn (Nha Trang). Tôi ốm yếu nhất, mọi người lo ngại sức khỏe cho tôi có chịu nổi nằm bờ ngủ bụi, qua nổi “đoạn đường chiếu binh” không!! Tôi vẫn qua được, không cáo bệnh ngày nào cả. Ốm yếu nhưng không bệnh tật. Cả đời, cân nặng chưa tới 45 kg!!
Năm 1999, đúng 60 tuổi, tôi về hưu với 2 quyển sổ: sổ hưu mỗi tháng ra Phường lãnh tiền hưu (không được bao nhiêu, nhưng nhờ ốm yếu, ăn ít, vẫn sống được) và sổ khám bệnh (nhờ Trời Phật phò hộ suốt hơn 10 năm tôi không ghé thăm bệnh viện).
Lễ trung thu 2011, Thầy Trần Ngọc Xuân đến thăm tôi, biếu tôi 2 bánh trung thu chay (có lẽ tưởng tôi còn ăn gạo lứt muối mè), lúc đó tôi đang dạy ở tỉnh (3 ngày). Thầy Xuân rất ngạc nhiên, tôi đã nghỉ hưu hơn 10 năm mà còn sức khỏe đi dạy xa các tỉnh vài ngày. Cách đây một tháng, Thầy lại đến thăm tôi và tặng tôi quyển sách quý của Ba Thầy để lại: Histoire d’une paix manquée – Indochine 1945-1947 của tác giả Jean Sainteny (cựu ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc bộ). Quyển nầy thuộc loại sách hiếm, hình như không tái bản. Thầy lật cho tôi xem lướt qua vài bức ảnh : - ảnh chụp buổi họp hội đồng chính phủ VNDCCH (1945) có mặt Bảo Đại (cố vấn chính phủ) bên mặt BĐ là Hồ Chí Minh, bên trái là Võ Nguyên Giáp; ảnh chụp Võ Nguyên Giáp với phái đoàn Mỹ; ảnh Hồ Chí Minh, Nguyễn Tường Tam chụp chung với phái đoàn Pháp trong ngày ký thỏa ước 6-3-1946; ảnh Hồ Chí Minh đội nón cối, tay cầm ba ton, ngồi liếc nhìn Jean Sainteny bên cạnh đang hút phì phà xi gà trong chiếc phi cơ đáp nước (hydroavion) bay đến vịnh Hạ Long ngày 24-3-1946 … (bên dưới các ảnh có chú thích tên từng nhân vật, quan điểm viết sử chỉ ghi tên nhân vật, đừng trách tác giả tài liệu là vô lễ không biết kính trọng). Quyển sách nầy gợi tôi nhớ lại lúc theo học cao học sử ở đại học văn khoa Saigon (1970) tìm mua quyển À la barre de l’Indochine (1940-1945) của toàn quyền Decoux với giá sách hiếm tương đương một tháng lương thời đó.
Thầy Xuân thấy tôi còn nhanh nhẹn, còn sức khỏe đi dạy xa. Thầy hỏi bí quyết gạo lứt muối mè. Thật tình tôi không có bí quyết gì cả, chỉ thực hành theo cách người ta trình bày thôi. Từ lâu tôi cũng hết ăn rồi. Tết năm rồi cùng Chị Thuấn, Chị Lợi đến thăm thầy Xuân ở bên kia cầu Tân Thuận, chạy xe vòng vèo, tôi không biết đường. Tết năm nay hẹn Chị Lợi đến thăm Thầy.
Tôi bị cận thị từ nhỏ, càng già thị giác càng kém. Cách nay 3 năm, tôi đi mổ mắt, nay không còn đeo kính mà vẫn thấy được xa rất rõ. Khi làm thủ tục khám sức khỏe trước khi mổ mắt, tất cả xét nghiệm tim mạch, huyết áp, máu… đều tốt, bác sĩ rất ngạc nhiên: Bác đã 70 tuổi mà sức khỏe còn rất tốt!!
Sức khỏe của tôi như thế đó, tôi không dám khẳng định là nhờ gạo lứt muối mè, tôi chỉ nói được rằng có lẽ gạo lứt muối mè cũng có đóng góp một phần nào đó cho sức khỏe. Tôi không có bệnh, nên tôi không biết nó có trị được bệnh không!!! Còn việc tôi học, làm việc “không biết mệt”, tôi không rõ nhờ đâu! Thôi thì cứ gán cho gạo lứt muối mè. Hoan hô gạo lứt muối mè!!! Tết năm ngoái, lớp chữ Nho nghỉ ăn tết, định sau tết sẽ học lại, nhưng lúc đó anh Văn Công Bông (lớp trưởng) bị bệnh, hẹn khi nào mạnh thì học lại, nhưng nay anh ấy đã bỏ lớp đi luôn. Cả năm nay không dạy chữ Nho, tôi thấy nhớ lớp, nhớ học trò… Hiện giờ tôi vẫn còn “mê” dạy học. Vậy cái gì giúp tôi như vậy!!! Tôi không biết, thôi cứ cho là nhờ gạo lứt muối mè. Ngày họp mặt NLS BL đầu năm 1-1-2012, tôi có nhờ anh Phạm Đình Long ra tết mở lớp chữ Nho.
Về tình cảm, chính gạo lứt muối mè đã kết nối tôi với đồng nghiệp, với học trò NLS BL tình thân ái thiêng liêng, những kỷ niệm êm đềm gắn liền với cuộc đời dạy học của tôi.
Châu Kim Lang
(những kỷ niệm thời NLS BL)
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1062453 visitors (3176376 hits) |