1-Thầy Vũ Đình Chính.
Tôi dạy ở CĐSPNLS Sài Gòn từ 1973 và bác sĩ Vũ Đình Chính cũng dạy ở đấy nhưng tôi ít tiếp xúc với thầy, chỉ thỉnh thoảng thấy thầy lái chiếc Mazda xinh xắn đi dạy. Qua năm 74 thầy được cử làm khoa trưởng phân khoa Nông Nghiệp thuộc Đại Học Canh Nông Minh Đức. Thầy mời tôi dạy thực tập môn Mô học (Histology) và từ đó thầy và tôi gần gũi nhau hơn. Đầu năm 78 khi tôi trở về ĐHSPKTTĐ thì thầy đang là trưởng khoa Nông Nghiệp. Gặp lại nhau sau cuộc đổi đời, thầy nhìn tôi với tia nhìn thăm dò, ngần ngại. Tôi hiểu ý và … sau”ván bài lật ngửa” thầy thông cảm tôi hơn...
Một buổi trưa thứ bảy tôi đang dạy thì có học trò đến nhắn là thầy khoa trưởng mời về khoa gặp thầy ngay sau khi hết giờ dạy. Tôi tưởng là có chuyện gì quan trọng ở khoa nhưng không phải. Thầy chỉ muốn mời tôi đi ăn cơm trưa. Khi biết tôi có mang lon guigoz cơm theo rồi thì thầy rủ tôi đi uống cà phê. Nói chuyện lòng vòng một hồi, thầy ngỏ ý nhờ tôi đến chữa bệnh cho một con heo của một “chức sắc” trong làng đại học. Lúc ấy tôi đang hành nghề chích dạo nên lúc nào cũng mang theo túi đồ nghề với thuốc men cần thiết. Con bệnh là một heo nái to đùng nằm lừ đừ. Nhìn con heo tôi hiểu tại sao thầy nhờ tôi. Thầy đã có tuổi, dáng người hơi nặng nề và chậm chạp thì làm sao nhảy vào chuồng trị cho con heo này được. Sau khi khám bệnh và chích thuốc ngay hôm ấy và thêm 2 lần nữa con heo khỏi hẳn.
Từ đó thầy hay trò chuyện, tâm tình với tôi bên ly cà phê đen đậm quánh. Lạ một điều là thầy uống cà phê càng đậm càng ngủ ngon! Thầy rủ tôi đến các bạn quen của thầy ở Sài Gòn và thỉnh thoảng thầy đi xích lô đến thăm tôi mỗi khi thầy có quen bà bạn nào mới. Thầy nói chuyện với các bà ngọt lắm và hấp dẫn lạ khiến tôi lúc nào cũng say mê nghe…
Vào ngày mùng một tết một năm thuộc thập niên 80 tôi đang lo cúng kiến ở bàn thờ thì nghe tiếng pháo nổ vang ở cửa. Tôi quay ra thì thấy khói pháo mù mịt và rất ngạc nhiên khi thấy thầy Chính đang đứng ngay trước cánh cửa sắt khép hờ. Tôi vội chạy ra mở cửa thì thấy ca- vát và cổ áo vest của thầy bị ám khói. Thì ra thầy đến chúc tết và muốn làm tôi ngạc nhiên nên đã mang theo phong pháo rồi treo vào cửa sắt đốt, chẳng may pháo nổ nhanh quá, thầy chạy không kịp! May là thầy không bị thương tích nào, chỉ bị hư hao ve áo.
Sau đó ít lâu thầy rủ vợ chồng tôi đi theo tour lên Đà Lạt cùng bà bạn của thầy. Chúng tôi ở chung khách sạn, ăn uống chung và cùng đi ngoạn cảnh . Khi đến Thung Lũng Tình Yêu, mới xuống dốc được một quãng trước thầy vài bước thì thầy gọi và nói tôi cứ xuống còn thầy ngồi chờ ở trên. Tôi ngước lên nhìn thầy và chợt thấy vẻ mệt mỏi ẩn tàng nỗi buồn lực bất tòng tâm.
Ngày tháng qua nhanh, thầy được xuất ngoại xum họp với gia đình bên Mỹ. Tôi đã hẹn sẽ ra phi trường tiễn thầy nhưng trên đường từ Thủ Đức về xe tôi cán phải đinh. Lết được đến chỗ vá và về đến Sài Gòn thì trễ giờ quá rồi. Về sau tôi được biết thầy chờ tôi khá lâu, đến phút chót mới vào trong để làm thủ tục. Tôi cứ áy náy mãi về chuyện thất hẹn này.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi qua Mỹ thì thầy từ trần. Ít lâu sau tôi cũng được định cư ở xứ cờ hoa. Tôi đã bay sang San Francisco gặp người bạn cũ của thầy hỏi thăm về những ngày cuối của thầy nhưng người bạn ấy cũng không biết gì hơn.
Bác sĩ Chính ơi, bác sĩ đã cho tôi xem một số bài thơ của ai đó. Tôi thích một số câu rồi hình thành giai điệu. Qua đây có điều kiện thuận tiện hơn tôi đã hoàn chỉnh thành ca khúc nhưng bác sĩ không còn nữa để hỏi tác giả lời thơ là ai nên đành phải ghi “khuyết danh” nhưng tình cảm của tôi với bác sĩ và các bạn vẫn “Còn đó chưa quên” đâu bác sĩ Chính ạ.
2- Thầy Nguyễn Văn Hạnh.
Thầy Nguyễn văn Hạnh tốt nghiệp kỹ sư trước tôi hai khóa. Thầy đã từng làm hiệu trưởng của mấy trường trung học nông lâm súc lớn nhất Việt Nam. Khi tôi về lại khoa thì thầy đang là trưởng bộ môn Trồng Trọt. Thầy có nước da trắng trẻo, khá đẹp trai, rất năng nổ và ăn nói lúc nào cũng nhẹ nhàng, làm vui lòng mọi người .
Thầy và tôi có một điểm chung là thích văn nghệ. Thầy hay lên sân khấu còn tôi thì chỉ ngồi dưới đóng vai vỗ tay tán thưởng. Hồi ấy ở khoa nông nghiệp cứ khoảng 12 giờ trưa là các cửa sổ và cửa ra vào đều được khép lại và ai cũng… leo lên bàn nằm nghỉ(!). Tôi cũng vậy. Ngả lưng xong tôi hay nghêu ngao vài câu nhạc cũ như “Em không nghe mùa thu, lá thu rơi xào xạc..” Thường tôi chỉ hát xong câu đầu là thầy Hạnh đi bè các câu sau ngay để rồi cùng vào cõi mộng lúc nào không hay.
Thầy Hạnh có mấy cháu đều đẹp giai , đẹp gái, học giỏi và có cháu vẽ rất tài. Cháu đã vẽ trước mắt tôi cảnh hai võ sĩ đấu kiếm với dáng vóc linh hoạt trông như thật. Tôi thỉnh thoảng cũng đưa hai con nhỏ lên trường và mấy cháu chơi chung với nhau rất vui. Vì thế tôi với thầy Hạnh khá thân. Vào thời buổi khó khăn về kinh tế lúc ấy ai cũng phải bương chải để kiếm sống. Bà xã tôi thì “cắm dùi” ở khu chơ Tân Định. Thầy Hạnh đề nghị cho bà xã thầy cùng ra chợ Tân Định với bà xã tôi kiếm sống qua ngày nhưng chỉ sau vài tháng thì bà xã thầy rút lui có lẽ vì vất vả quá.
Thầy thực hiện việc trồng mía trong trường. Vườn mía phát triển tốt, cây lá xanh um trông thật mát mắt. Khi thu hoạch thì thật bất ngờ: mãi sâu trong vườn mía có nhiều bã mía. Thì ra vì vườn mía tốt tươi rậm rạp quá khiến trong đêm trăng thanh vắng chắc đã có ai đó vào sâu bên trong “thu hoạch” một phần nào trước rồi! Thầy cũng thành lập vườn lan cấy mô. Thỉnh thoảng trên đường vào khoa tôi đã thấy các nhánh lan trổ bông tím trông thật đẹp mắt.
Thầy Hạnh có tài tổ chức nên sau khi nghỉ ở trường khoảng cuối thập niên 80, thầy vẫn năng nổ hoạt động và làm giám đốc cho một công ty xuất cảng nông sản mà trụ sở gần bệnh viện Từ Dũ. Tôi thỉnh thoảng vẫn ghé thăm thầy, cùng thầy hàn huyên bên ly cà phê và đôi khi cũng tham gia họp bạn văn nghệ.
Rồi tôi được định cư bên Mỹ. Sau đó mấy năm thầy cũng có dịp sang Hoa Kỳ. Chúng tôi đã liên lạc để gặp nhau nhưng thầy kẹt chuyện bất ngờ và không thể đến tôi được. Bẵng đi một thời gian khá lâu tôi không có tin tức gì về thầy. Thì ra thầy bị bạo bệnh và sau đó đã ra đi để lại bao luyến tiếc cho bạn bè và các môn sinh cũ.
3- Thầy Nguyễn Thanh Vân.
Thầy Nguyễn Thanh Vân học cùng khóa với thầy Hạnh ở trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài gòn. Thầy cũng đã làm hiệu trưởng hoặc giám học ở một số trường trung học nông lâm súc, rồi trưởng ban CĐSPNLS trước khi về làm chủ nhiệm bộ môn thú y & chăn nuôi thuộc khoa nông nghiệp ĐHSPKTTĐ. Thầy chịu khó viết sách và đã có những đầu sách được xuất bản để dùng cho các trường trung học.
Hàng năm tôi và thầy đều cùng ngồi gần nhau chấm thi tuyển sinh môn sinh vật và đôi khi cả môn hóa khi thiếu người. Thầy đã làm ở các hội đồng thi nhiều lần và chấm thi lâu năm với nhiều kinh nghiệm nên thầy chấm bài thi rất nhanh. Mỗi khi lãnh tiền chấm thi tôi thường cùng thầy ra quán trước cổng trường ăn uống, cà phê thuốc lá…
Thầy Vân tính tình xuề xòa, ít nói, ít cười và dường như có nỗi buồn sâu lắng bên trong nhưng tôi không đủ thân để thầy tâm sự. Hình như thầy thân với các sinh viên hơn là các đồng nghiệp. Có lần ngồi cùng băng ghế trên xe từ trường về Sài Gòn tôi thấy thầy lừ đừ mệt mỏi quá nên đã xuống xe cùng trạm với thầy để đưa thầy về nhà ở khu nhà thờ Tân Dịnh. Tôi dìu thầy lên cầu thang vào nhà thì thầy xua tay từ chối và nói nhỏ nhẹ: “Đừng để bả thấy, bả rầy!” Tôi trông chừng tấm thân gầy guộc, xiêu vẹo lên hết cầu thang mới dám quay đi. Tôi bỗng thấy xót xa và tội nghiệp thầy quá.
Có lần thầy bị bệnh. Tôi phải đem tiền lương đến cho thầy lúc đó đã chuyển sang khu cư xá Thanh Đa. Đến thật sớm nhưng thầy không có nhà. Bà xã thầy chỉ xuống cái quán ở dưới tầng trệt. Tôi xuống thì thấy thầy đang ngồi bất động, mắt nhìn xa xăm và trên bàn chỉ có cái ly nước nhỏ và vài quả cóc. Tôi định ngồi lâu để có dịp nghe thầy tâm sự nhưng sau khi nhận lương, thầy nói cám ơn và bắt tay giã từ. Thế là tôi lên xe về và chẳng có dịp nào để thầy thổ lộ tâm tình nữa.
Sau đó tôi định cư bên Mỹ và không được tin tức gì về thầy. Cuối cùng được tin thầy đã mất, không rõ năm nào. Cầu mong thầy đang được an vui ở một cõi lành.
4- Cô Võ Thị Thúy Lan.
Cuối năm 1967 tôi cầm sự vụ lệnh lên trường trung học NLS Bảo Lộc để nhận việc. Lúc ấy cô Võ Thị Thúy Lan đã dạy ở đó rồi. Chưa được thu xếp giờ dạy thì xẩy ra biến cố Tết Mậu Thân, tôi phải nhập ngũ và năm 1969 mới trở lại trường.
Cô Lan ra trường trước tôi hai khóa và chuyên dạy môn Côn Trùng Học. Cô có dáng người thanh thoát, dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ và am hiểu đạo Phật. Cô cùng cô Tuấn Ngọc ở chung trong một villa xinh xắn trong trường. Thỉnh thoảng tôi ghé thăm hai cô và thường được đãi món chè nóng. Ở xứ lạnh Bảo Lộc mà được thưởng thức ly chè nóng thì thật là tuyệt…
Sau khi rời Bảo Lộc cô về Sài Gòn dạy ở CĐSPNLS và sau đó là khoa Nông Nghiệp ở Thủ Đức. Điểm đặc biệt là học trò của cô từ trung học lên đến cao đẳng hay đại học đều rất kính trọng, quí mến cô vô cùng do cô rất dịu dàng và tận tụy với học trò. Về sau một bạn thân của tôi lập gia đình với em gái của cô nên không những tôi gặp cô tại trường mà còn gặp cô thêm tại nhà thành thử tôi ngày một thân với cô hơn. Tôi rất hợp với cô khi đàm đạo về Phật pháp.
Đầu thập niên 90 cô qua Hoa Kỳ và định cư ở tiểu bang Colorado. Thỉnh thoảng tôi vẫn điện thoại cho cô để nói chuyện về Phật pháp. Cô tu tập nghiêm chỉnh lắm chứ không …lè phè như tôi! Về sau cô không được khỏe có lẽ do bệnh suyễn kinh niên nên phải vào nhà dưỡng lão để việc chăm sóc được đầy đủ hơn. Từ đó tôi ít liên lạc với cô. Khi được biết nhóm cựu học sinh NLS Bảo Lộc rất mong gặp lại cô, tôi đã cho số phone để liên lạc. Cuối cùng thầy trò đã gặp nhau sau 40 năm xa cách.
Cô Lan cứ yếu dần vì bệnh suyễn và đã từ giã cõi đời vào năm 2010. Có lẽ cô đang vui sống và tu tập ở cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.
5- Thầy Trần Hiệp Nam.
Khi tôi bắt đầu dạy ở CĐSPNLS Sài Gòn thì thầy Trần Hiệp Nam cũng dạy ở đấy đồng thời kiêm nhiệm chức Chánh sự vụ của Nha Học Vụ NLS. Trong thời gian này tôi ít gặp thầy, khi trở lại khoa Nông Nghiệp tôi mới tiếp xúc với thầy nhiều hơn.
Thầy Nam tốt nghiệp PhD. ở Hoa Kỳ, người tầm thước, dáng đẫy đà, đeo kính cận và trông rất nghiêm nghị. Thầy đón xe lên trường cùng một trạm với tôi nên mỗi khi chờ xe tôi thường nói chuyện vãn với thầy, toàn là những chuyện nghiêm chỉnh vì dường như thầy không thích nói đùa. Thầy chỉ dạy ở khoa Nông Nghiệp khoảng 4 năm thì thầy và gia đình tìm đường vượt biên. Thầy không thoát. Tôi được khoa giao nhiệm vụ dạy môn Sinh lý Động Vật thay cho thầy ở khoa Nữ Công.
Một thời gian sau thầy được về nhưng mất hộ khẩu. Một hôm tôi đang ở khoa thì con gái thầy tới tìm ngỏ ý nhờ tôi hướng dẫn xin giấy chứng nhận thầy đã dạy ở trường . Tôi lên văn phòng trường và đã xin được giấy ấy để bổ túc hồ sơ xin hộ khẩu cho thầy và gia đình. Chắc cuộc sống lúc bấy giờ khó khăn quá nên ít lâu sau thầy lại đi và lần này thì thoát được sang Mỹ.
Tôi mất liên lạc với thầy từ đấy. Sau này khi qua Mỹ tôi được biết thầy đã từ trần vì đau yếu và cũng không biết thầy mất năm nào, gia đình thầy bây giờ ra rao.
****
Có người cho rằng cõi trần này là cõi tạm, là nơi thử thách, là nơi thực tập để mỗi người có những thăng tiến về tâm linh. Cũng có người cho rằng cuộc đời là một tấn tuồng mà mỗi chúng ta là một diễn viên với các vai khác nhau. Khi màn nhung kéo khép lại, vở tuồng đã hết thì vai trò của diễn viên cũng hết, chấm dứt cuộc đời. Người khác lại so sánh cõi trần này với một chuyến xe lửa: luôn có người lên và kẻ xuống ở mỗi trạm. Chuyến xe lửa cuộc đời này mang nhiều niềm vui và nỗi buồn, chia ly và đoàn tụ.
Có lẽ ai cũng đúng cả! Chúng ta đã có duyên gặp một số người trong một khoảng thời gian nào đó trong cuộc sống và rồi bỗng chia tay. Tôi đã dạy ở khoa Nông Nghiệp khoảng 14 năm, đã quen biết nhiều đồng nghiệp và đến nay một số đã vĩnh viễn ra đi. Các vị ấy đều để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp, khó phai. Tôi không tin chết là hết mà chỉ là khởi đầu của một cuộc sống mới. Cầu mong tất cả những đồng nghiệp đã khuất đều đang có cuộc sống mới tốt đẹp hơn ở một cõi an lành.
Nguyễn Tuấn