CHUYỆN VỀ NGƯỜI PHÁP CHO CÁ BASA ĐẺ ĐẦU TIÊN
Làng bè nuôi cá tại Thành phố Châu Đốc-Tỉnh An Giang
An Giang nổi tiếng về nghề nuôi cá trong bè. Nếu có dịp về Châu Đốc, bạn sẽ thấy những
nhà bè bằng gỗ neo đậu sát nhau, nằm dọc hai bên bờ sông. Bên trên là gia đình chủ bè sinh
sống, với đầy đủ đồ dùng sinh hoạt như bàn ghế, salon, TV, tủ lạnh, phòng ngủ, nhà bếp. Bên
dưới là bầy cá nuôi dày đặc. Làng bè tập trung nhiều nhất là ở vùng đầu vàm kinh Vĩnh Tế, đoạn
ngã ba sông gần Tp Châu Đốc, nơi có dòng nước sông Hậu cuộn chảy, thích hợp việc nuôi cá.
Vào thập niên 1990-1995, thời điểm có số bè nhiều nhất, lên tới gần 4.500 chiếc lớn nhỏ. Sản
lượng trên 100.000 tấn/năm, đối tượng chủ yếu là cá Basa.
Cá Basa (Pangasius bocourty)
Bạn dễ dàng nhận biết cá Basa có đặc điểm khác biệt so với cá Tra, cá Bông Lau, cá Vồ
đém…trong dòng họ Pangasidae là nó có cái bụng phệ, căng tròn chứa đầy mở. Thịt cá rất trắng,
thơm ngon, không có mùi rong (muddy smell). Cá Basa có nhu cầu oxy cao, sống nơi có dòng
nước chảy. Khi nước đứng, chủ bè phải dùng máy bơm quạt nước, tạo dòng chảy cung cấp oxy
cho bầy cá nuôi. Thức ăn chủ yếu là tấm, cám nấu chín, trộn với thịt ốc, cá tạp và rau muống. Là
nguồn thức ăn khá phong phú và rất dễ kiếm trong vùng. Thời gian nuôi từ 12-14 tháng, cá sẽ đạt
kích thước trung bình 1,2-1,5 kg/con. Đến vùng này, ngoài đặc sản khô cá lóc, cá Tra phồng,
mắm cá các loại, bạn sẽ được thưởng thức món canh chua cá Basa, hay cá kho lạt chấm với xoài
bằm, là món ăn phổ biến của người dân địa phương. Trước năm 1990 cá Basa chỉ bán ở thị
trường nội địa, sau đó, một số khách từ Úc, Hongkong đến tìm hiểu, thấy cá làm fillet có thịt
trắng đẹp và bắt đầu đặt hàng mua xuất khẩu.
Năm 1993, anh Lê Thanh Hùng (K14), giảng viên Khoa Thủy sản, Đại Học Nông Lâm-TP
HCM, là đàn anh của tôi, dẫn về An Giang một anh chàng thực tập sinh người Pháp, có tên
Philippe Cacot, làm việc cho Trung Tâm Hợp Tác Quốc Tế về Phát Triển Nông Nghiệp CIRAD-Pháp, để làm luận án Master về điều tra ngư loại vùng hạ du sông Mekong. Vóc dáng Philippe
nhỏ nhắn như người Việt, trông có vẻ hiền lành, vui vẻ. Tôi rất vui được đón tiếp, sắp xếp cho
anh ta về Đội nuôi cá bè của Công ty Nông-Thủy sản An Giang (AFIEX), tại Châu Đốc để thực
tập theo yêu cầu. Hằng năm tôi cũng thường đón một số sinh viên của Trường về thực tập tốt
nghiệp, như nhiệm vụ giúp đở các đàn em vậy.
Sống cùng anh em trên mấy chiếc bè nuôi cá Basa chật hẹp, Philippe rất hòa đồng, ăn uống, sinh
hoạt khá bình dị, có gì ăn nấy, cá kho dưa mắm anh đều không chê. Hàng ngày theo ghe đi khắp
nơi xem ngư dân đánh bắt cá, lúc thì ra chợ cá ghi chép, lúc thì mình trần, mặc chiếc quần cộc,
lặng hụp bè với công nhân. Thời gian đầu chưa biết nói tiếng Việt, anh Hùng giúp thông dịch. Anh
ta cũng cố gắng tự học, dùng tự điển để nói chuyện. Anh ta học tiếng Việt khá nhanh, chỉ sau một
thời gian ngắn mà đã có thể trò chuyện bập bỏm với mấy anh em kỹ thuật trong Đội. Có những
tối chúng tôi cùng lai rai, ăn nhậu, vui vẻ với nhau, thậm chí rủ nhau đi hát Karaoke, ưống bia ôm,
anh ta cũng không từ chối. Nếu không có nước da trắng, mũi cao, tóc nâu thì không ai nghĩ anh ấy
là một người Tây cả. Thời điểm đó, bạn hình dung ở vùng biên giới xa xôi này mà có người nước
ngoài vể sinh sống, làm việc là một chuyện khá hy hữu, không ít người nghi kỵ, nhòm ngó.
Từ năm 1993, việc nuôi cá Basa ngày càng gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn giống. Con giống
hoàn toàn phụ thuộc vào việc vớt ngoài thiên nhiên theo mùa nước lũ từ Cambodia đổ về và ngày
càng hiếm, kích cở con giống thì không đồng đều, nhiều người dân phải lên tận biển hồ Tonlé
Sap để tìm kiếm mang về. Làm thế nào để có đủ lượng cá giống cung cấp cho nghề nuôi này? Cá
Basa lại đang trở thành một mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Nhiều người bắt đầu tham gia sản
xuất, nhu cầu con giống càng đòi hỏi bức thiết. Nếu không giải quyết được vấn đề này, sẽ có
nguy cơ làm suy thoái, mai một cả nghề nuôi cá Basa truyền thống của vùng sông nước An
Giang, Đồng Tháp.
Năm 1980, nhóm thầy Nguyễn Tường Anh, Phan Khắc Ngà (K16), Khoa Thủy sản ĐH Nông
Nghiệp IV, cùng Kỹ sư Lý Kế Huy (K5), Viện Nghiên Cứu Nuôi Trồng Thủy Sản II (gọi tắc là
Viện II) đã tiến hành thử nghiệm đề tài sinh sản nhân tạo cá Tra (Pangasius hypophthalmus) tại
Trung tâm Kỹ Thuật Long Định-Tiền Giang, nhưng chỉ dừng lại trong phạm vi nghiên cứu.
Trước tình hình khó khăn đó, công ty tôi bắt đầu lên kế hoạch tham gia giải quyết. Từ năm 1989-1990 đã tích cóp được 3-4 tấn cá Basa, chọn lọc những con có cở lớn, vượt trội sau mỗi kỳ thu
hoạch, sau 4-5 năm, cá đạt 5-7kg/con, gầy dựng đàn cá Basa bố mẹ tương lai. Tôi nêu vấn đề này
với anh Thanh Hùng và mời Philippe ở lại tiếp tục nghiên cứu đề tài sinh sản nhân tạo cá Basa
cùng công ty sau khi hoàn tất chương trình Master (cuối năm 1993). Chàng Philippe đã nhiệt tình
đồng ý, tiếp tục quay lại Việt Nam thực hiện luận án tiến sĩ (PhD) với để tài nghiên cứu sinh sản
nhân tạo cá Tra, cá Basa. Năm 1994, bầy cá bố mẹ được phân chia cho 3 nơi, gồm: (1) Nhóm
Trung tâm dưỡng ngư Thủ Đức- (anh Đức- K2B-75) Viện II; (2) Nhóm Philippe Cacot và (3)
Nhóm nghiên cứu của Đội bè công ty tại Châu Đốc (anh Nguyễn Văn Ngày- K2B-75). Thế là
cuộc chạy đua xem nhóm nào thành công trước bắt đầu!
Cá Tra, cá Basa “bố mẹ”
Qua sự giới thiệu, nhóm Philippe đã lặn lội xuống Đại Học Cần Thơ, thuê được mấy ao cá nhỏ,
bể ương, trong khu thực nghiệm của Khoa Thủy sản (anh Nguyễn Anh Tuấn, K15-Chủ nhiệm
khoa). Anh tự bỏ tiền ra cải tạo ao, trang bị dụng cụ cần thiết; tiếp nhận đàn cá “bố mẹ” từ công
ty giao. Dùng công nghệ đánh dấu đàn cá bằng cách cấy chip điện tử, thay vì làm dấu trên đầu
cá, dễ bị phai, nhầm lẫn. Tự chế tạo thức ăn hỗn hợp, tiếp tục nuôi vỗ. Dùng máy định vị, theo
dõi quá trình thành thục đàn cá bố mẹ một cách rất bài bản. Sử dụng thuốc kích dục đặc hiệu, tốt
nhất đem từ Pháp. Và rồi sau bao đêm vất vả thức trắng, vật lộn với đàn cá, kết quả đầu năm
1995, Philippe Cacot và cộng sự (anh Dân) là nhóm đầu tiên thành công, đã cho ra đời bầy cá
Basa bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Số lượng được vài ngàn con.
Lấy trứng ra thau Bầy cá Basa con
Xin nói thêm với bạn đôi nét về quá trình sinh sản nhân tạo này: đó là một quá trình phức tạp, từ
việc chọn lọc cá đực, cá cái trưởng thành, được cho ăn đủ dưỡng chất cần thiêt cho sự phát triển
buồng trứng; dùng kích dục tố (HCG) để tạo sự chín muồi, rụng trứng đồng loạt, sau đó dùng
tay để vuốt trứng chảy vào thau (chậu), đồng thời trộn ngay tinh dịch của cá đực để thụ tinh cho
trứng. Trứng thụ tinh được khử dính, đem đi ấp trong hệ thống sục khí, kiểm soát môi trường cho
đến khi nở ra ấu trùng (larvae) trong vòng 18-24h. Ấu trùng sau 2-3 ngày, hết túi noãn hoàng
được gọi là cá bột (fry). Tiếp theo là giai đoạn ương (rearing) từ 1-2 tháng đến khi đạt cở cá
giống 1.5-2cm (fingerlings) để thả nuôi thương phẩm.
Lần đầu tiên nhìn chiếc lọ chứa mấy con cá Basa nhỏ xíu, lội tung tăng như mấy con nòng nọc
do Philippe mang về, anh em trong công ty ai cũng vui mừng xúc động. Thành quả này là cả một
quá trình đầu tư, gầy dựng sau bao năm vất vả, nay có cơ hội kết hợp kỹ thuật đến từ nước Pháp
mới thành tựu. Tin thành công được lang nhanh đến người dân địa phương với niềm phấn khởi,
tràn đầy hy vọng. Vấn đề sản xuất con giống sẽ sớm được giải quyết. Tiếp theo sự thành công
của nhóm Philippe Cacot là đến tin vui từ nhóm của Viện II và rồi đến nhóm đội bè công ty tại
Châu Đốc cũng lần lượt cho đẻ thành công. Qui trình nuôi vỗ, sinh sản, ấp cá bột, ương cá giống
dần được hoàn thiện. Anh em kỹ thuật đã gặt hái được nhiều kinh nghiệm quí báu. Năm 1999,
sau 4 năm miệt mài nghiên cứu, Philippe Cacot đã trình luận án và lấy học vị tiến sĩ (PhD) về
công trình này.
Philippe Cacot tại một buổi thuyết trình khoa học
Những năm sau đó, Philippe cùng một số đồng sự từ Trung tâm CIRAD, thường xuyên đến Việt
Nam, cùng các nhóm tiếp tục cho đẻ thành công cá Tra, là cá có sức sinh sản lớn hơn rất nhiều so
với cá Basa (từ 0,5-1 triệu trứng/cá mẹ, trong lúc cá Basa chỉ có khoản 100.000 trứng). Nhiều
người dân trong vùng thích thú đến Đội bè công ty tham quan, học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật sinh
sản nhân tạo lạ lùng này. Họ sẳn sàng chiêu mộ anh em kỹ sư các nhóm về cộng tác. Các hộ ngư
dân như anh em xx Thọ, xx Phu, xx Bưởi (Châu Đốc), xx Mừng, xx Nghĩa…(Thường Phước,
Hồng Ngự), đã đi tiên phong, góp phần phát triển nghề “chích dạo” cá Tra, cá Basa. Đó là một
nghề rất mới. Người nông dân chỉ cần nuôi được bầy cá bố mẹ đạt tuổi thành thục, rồi mời anh
em kỹ thuật đến kích thích cho đẻ và sau cùng là ăn chia sản phẩm với họ. Nhiều người đã làm
giàu nhanh chóng nhờ nghề này. Các Viện nghiên cứu, Trung tâm kỹ thuật, Trường ĐH cũng mở
nhiều lớp huấn luyện về cách thức sinh sản nhân tạo, chuyển giao cho người dân. Từ năm 2000,
sự dịch chuyển từ cá Basa sang nuôi cá Tra ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Từ việc nuôi trong bè
chật hẹp, sang nuôi trong ao hồ rộng hàng ngàn mét vuông. Năng suất đạt rất cao, 250-300
tấn/ha, thời gian nuôi lại ngắn, chỉ 6-7 tháng là thu hoạch, giá thành sản xuất ngày càng hạ (chỉ
20.000-23.000 đ/kg, trong khi cá Basa là 35.000-40.000 đ/kg). Những cồn, bãi bồi hoang vu
ngày nào nay trở nên đắt giá. Hình thành các vùng nuôi cá Tra qui mô lớn. Tới vụ sinh sản, hàng
tỷ con giống cá Tra được cho ra đời, đáp ứng nhu cầu nuôi theo hướng công nghiệp. Bạn đừng
hiểu lầm cá Tra nuôi công nghiệp hiện nay cũng giống với cá Tra nuôi trong ao hầm sau vườn
nhà, có bắt cầu dơ bẩn như cách nay 35-40 về năm trước.
Sản phẩm cá Tra xuất khẩu Ao nuôi cá Tra công nghiệp
Ngày nay, cá Tra được nuôi trong hệ thống ao lớn 0.5-1ha, kế bên những dòng sông, có bơm
nước ra vào thay mỗi ngày, môi trường phải được kiểm soát sạch sẽ và phải xin giấy phép, có ghi
mã số ao để truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Cá được cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp do
nhiều nhà máy sản xuất thức ăn nổi tiếng trong và ngoài nước cung cấp như Cargill (Mỹ),
Proconco (Pháp), CP (Thailand), Uni-President (Taiwan), Việt Thắng (Việt Nam)…Hằng năm,
các trại nuôi phải mời những tổ chức quốc tế như SGS (Thụy Sĩ), ASC (EU), BAP (Mỹ)…đến
kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận đạt an toàn vệ sinh vùng nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế.
Sản phẩm cá Tra nơi đó mới được thu hoạch đưa vào chế biến xuất khẩu. Năm 2018, một phái
đoàn của cơ quan FSIS (Food Safety & Inspection Service), thuộc Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ
(USDA) đã qua Việt Nam thanh tra toàn diện hệ thống sản xuất, chế biến cá Tra và đã công nhận
điều kiện sản xuất cá Tra tương đồng với cá Catfish nuôi tại Mỹ để cho phép tiếp tục nhập vào
thị trường này.
Giờ đây, phương pháp sinh sản nhân tạo không còn là việc gì quá khó đối với người dân nuôi cá
Tra, cá Basa. Các trại sản xuất cá giống tư nhân mọc lên khắp nơi trong vùng sông Mekong.
Nhiều nhất ở vùng Hồng Ngự, tỉnh Đống Tháp. Số lượng giống ra đời bằng phương pháp nhân
tạo mỗi năm có thể lên đến 30 tỷ cá bột. Một con số thật đáng kinh ngạc so với vài triệu bột thời
kỳ đầu. Mặc dù tỷ lệ sống đến giai đoạn cá giống chỉ có 10-20% (hao hụt đến 80-90%). Nhưng
với khoản 3-4 tỷ cá giống thu được hàng năm cũng đủ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất với giá khá
rẽ, mở ra cánh cửa cho thời kỳ phát triển mạnh mẽ nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá Tra tại Việt
Nam ngày nay. Xin thông tin thêm với bạn là từ những năm 2000 trở về sau, do cá Basa có số
lượng nuôi ít hơn cá Tra, giá thành nuôi cao $1,5-2/kg, trong khi giá cá Tra chỉ $0,8-1/kg, nên
chỉ bán nội địa, không còn xuất khẩu nữa, nhường lại vị trí thống lĩnh cho cá Tra..
Cá Basa giống nhân tạo Cá Tra giống nhân tạo
Ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận An Giang là tỉnh có nhiều công lao đi đầu trong sự nghiệp
phát triển con cá Tra, cá Basa. Tổng sản lượng cá nuôi toàn vùng ĐBSCL hàng năm đạt 1,2-1,5
triệu tấn, nhiều nhất thế giới. Tất cả đều từ nguồn giống nhân tạo. Sản phẩm cá Tra đang được
xuất khẩu đến trên 140 nước khắp các Châu Lục.
Trên đường vào trung tâm TP Châu Đốc, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy một tượng đài lớn, cao 14m,
vinh danh hai con cá Tra và cá Basa, đặt tại vị trí trang trọng trong công viên bên ngã ba sông
Châu Đốc. Tượng đài được khánh thành vào đầu năm 2004, để đánh dấu thành quả tuyệt vời với
sự chung sức, chung lòng của bao người dân, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, chỉ
trong vòng 20 năm, đã tạo nên kỳ tích lịch sử từ con cá Tra, cá Basa này.
Tượng đài cá Tra và cá Basa tại TP Châu Đốc-An Giang
Vẫn còn nhiều vấn đề về con giống, kỹ thuật nuôi, phòng trị bênh đối với cá Tra, cá Basa cần
tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện như: nâng cao tỷ lệ sống (lên 30% hoặc hơn); cải thiện chất
lượng đàn cá bố mẹ, tránh sự cận huyết; nâng tỷ lệ nạt của fillet cá Tra tiêu chuẩn (từ 35% lên
40-45%); bảo tồn dòng gene thuần; kể cả chọn lọc ưu thế lai trong gia đình họ cá Pangasidae để
tạo ra dòng cá mới, hiệu quả hơn; việc bảo vệ môi trường nuôi, nguồn lợi thiên nhiên… Điều này
đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, trí tuệ của rất nhiều người.
Đến đây, bạn đã hiểu thêm phần nào câu chuyện về một người bạn Pháp- Philippe Cacot, anh đã
cống hiến một cách thầm lặng, góp phần đặt những viên gạch đầu tiên xây nên nền móng cho kỳ
tích phát triển con cá Basa, cá Tra sau này.
Lời kết:
Tôi tình cờ gặp lại Philippe trong một dịp về Long Xuyên vào cuối năm 2018, với chòm râu quai nón rậm rạp trên gương mặt gầy, tóc hoa râm, trông anh già đi rất nhiều, anh nói tiếng Việt rành rọt như người bản xứ, dắt bên cạnh chiếc xe đạp đơn sơ, thật khó nhận ra chàng Philippe Cacot trẻ tuổi ngày nào mới đặt chân về An Giang. Anh đã dành phần lớn cuộc đời minh để sống, làm việc cho nghề cá ở đất nước này. Được biết, vợ anh cũng là một người Pháp, sang Việt Nam cùng sống và làm việc giảng dạy tiếng Pháp tại ĐH Cần Thơ. Là một nhà khoa học, có lẽ anh cũng không đòi hỏi sự kể công, khoe thành tích hay tấm bằng khen gì cả, miễn là được cống hiến cho sự nghiệp chung và cho đời. Thời gian trôi đi thật nhanh, thấm thoát mà đã qua 25 năm, tôi viết bài này để xin chia sẻ thêm thông tin với các bạn và để nhớ đến Philippe nhân dịp sinh nhật lần thứ 50 của anh như câu nói: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vậy, (anh sinh ngày 10/9/1969). Dù ở đâu, tôi vẫn luôn xem anh là một đồng nghiệp đáng quí, là bậc thầy về cá Tra, cá Basa và là một nhà khoa học đáng ngưỡng mộ. “Happy birthday to Philippe Cacot. Joyeux anniversaire à vous”/.
Garden Grove, Aug 03, 2019
Nguyễn Phước Bửu Huy (K1-75)
(npbh57@gmail.com)
(Bài viết có sử dụng một số hình ảnh tư liệu của CIRAD-EMVT và Viện TS2 )
|