4/10/2015
Tôi sinh trưởng trong một gia đình nông dân, trong thời loạn lạc.
Quê tôi rất nghèo. Đời sống nông dân gắn bó với ruộng vườn sông nước. Họ đi chân đất, ở nhà tranh, đêm đốt đèn dầu, sống lam lũ ngày qua ngày. Hàng xóm lưa thưa, cách xa nhau qua mấy cái cầu tre xiêu vẹo. Họ sống âm thầm, quanh năm không rời xa thôn xóm.
Má tôi kể rằng lúc bé tôi rất khó nuôi, chậm lớn. Tôi không bao giờ lớn hơn con chó Mi Nô trong nhà.Tóc tôi vàng hoe, da đen thủi vì quanh năm tắm nước phèn. Tuy vậy, Cha tôi rất hảnh diện và gọi tôi là “cục cưng”của ông.
Mẹ tôi thường hay dí ngón tay vào trán tôi mà mắng:” Con gái gì mà như “mít ước”, vì tánh tôi hay hờn hay khóc. Có lẻ vì vậy tôi mang chết cái tên “mít ước”, cái tên mà tôi rất đau khổ phải nhận lảnh. Năm tôi đi học, có con bé biết tên tôi, gọi tôi là “mít ước” ở trong trường. Tôi giận và không thèm nói chuyện với nó cho đến khi nó phải năn nỉ và lo lót tôi với mấy cái hột me.
Một hôm có Bác tôi từ thành phố về thăm, dẩn theo chị Mai. Chị Mai bằng tuổi tôi, mặc áo đầm phùng, tóc thắt bính, chân đi giầy, trông đẹp làm sao! Thấy tôi lấp ló sau cánh cửa nhìn trộm bị ba tôi bắt gặp. Cha tôi bắt ngoắc tôi ra chào Bác. Bác nhìn tôi từ đầu đến chân, không tìm thấy điểm nào đáng khen, Bác chỉ vò đầu tôi không nói gì. Tôi tiu nghỉu. Ít ra Bác có thể khen tôi có đôi mắt to hơn mắt chị Mai, hoặc khen tôi dễ thương, như Mẹ tôi thường nói. Tôi giận Bác nên nhứt định không chơi với chị Mai.
Cha Mẹ tôi làm lụng vất vả lắm, suốt ngày lo trồng tỉa chăn nuôi. Tôi ở nhà một mình, đùa giỡn với con Mi Nô. Tôi không biết Mi Nô đến với gia đình tôi lúc nào. Trong tiềm thức mơ hồ của trẻ con, Mi Nô rất to lớn và rất hiền từ. Lúc nào nó cũng ở bên cạnh tôi và cho tôi cảm giác được che chở, bảo vệ. Mi Nô rất dể tánh, nó để cho tôi mặc tình đùa nghịch, phá phách mà không giận.
Mẹ tôi kể lại rằng Mi Nô đã nhiều lần cứu tôi khỏi nguy hiểm. Có lần nhờ Mi Nô sủa ầm lên báo động, mẹ tôi đã kịp thời ngăn tôi không bị té xuống sông. Lần khác nhờ Mi Nô báo động, cha tôi đang phát cỏ ngoài đồng, kịp chạy về với cái phản trên tay, chém chết con rắn hổ mang, đang phùng mang, cất cao đầu, định tấn công tôi. Con rắn bị chém làm đôi nhưng vẫn chưa chết, đầu bò một nơi, đuôi lăn một ngả. Từ đấy Mi Nô được lòng tin của Mẹ tôi, và nó được chánh thức giao phó trách nhiệm giữ em.
Mi Nô sống về đêm. Ban ngày nó khoanh tròn nằm bên ngạch cửa, mắt lim dim ngủ gà ngủ gật. Nhưng ban đêm Mi Nô không ngủ. Nó lục đục tìm bắt mấy con chuột đồng lén mén gần nhà, hoặc mấy con chồn mướp đi ăn đêm cắn nhau chí chóe sau vườn…
Rồi tôi đi học trường làng.
Mi Nô hằng ngày đưa đón tôi đến tận Cầu Kinh, ranh giới cuối cùng mà nó được phép đến. Nó đứng ở đầu cầu, vẩy đuôi, nhìn tôi lần mò đi qua cái cầu tre trơn trợt. Khi qua được bên kia sông, tôi thở phào, quay lại nhìn Mi Nô và vẫy tay chào nó, nó mới lững thững quay về. Buổi chiều khi tan học, Mi Nô đã đợi tôi ở đầu cầu từ lúc nào. Nó mừng rở chạy nhảy lăn xăn, như chúng tôi lâu ngày không gặp. Hai đứa tung tăng đi về nhà.
Chiến tranh càng lúc càng thêm khốc liệt. Làng tôi đắm chìm trong khói lửa. Hằng đêm chó sủa rang, khi dọc theo bờ sông, khi ở Bờ Lộ Tẻ. Mỗi lần như vậy, lo lắng hiện trên nét mặt, cha tôi gài lại chốt cửa và tắt hết đèn trong nhà. Mọi người im thin thít trong bóng tối. Tôi hai tay ôm lấy cổ Mi Nô đang gầm gừ trong cổ họng. Có tiếng người nói thì thào, tiếng bước chân lào xào dậm trên đám lao sậy bên bờ sông. Cha tôi rỉ vào tai Mẹ tôi: “mấy ổng lại về”.
Có đêm, khi nghe tiếng súng nổ đì đùng, hỏa châu bung sáng chói, và có chiếc máy bay “bà già” rì rì bay lượn trên đầu, là lúc cả nhà tôi đứng tim, nín thở, theo dõi từng tiếng đạn pháo rít qua đầu và những tiến nổ ì ầm nối tiếp.. Tôi nghe tiếng cha tôi trấn an Mẹ tôi, lúc ấy đang ngồi co rúm trên cái chỏng tre: “sống chết có số, pháo kích như là cò ĩa miệng chai, hơi đâu mà mình sợ!”
Rồi bên kia Cầu Kinh lại mọc lên cái đồn lính. Kẽm gai giăng kéo chằng chịt. Ngày đêm nghe tiếng súng “cắc bùm” của mấy ông dân vệ gác đồn, bắn bừa mấy đám lục bình trôi, sợ mấy ông đặc công ẩn núp.
“Mấy ổng” về càng thường xuyên, xóm làng càng thêm tơi tả. Ban ngày tàu đến, súng nổ như pháo rang. Ban đêm đạn pháo binh rơi từng chập, cày tan nát ruộng vườn. Mỗi khi “mấy ổng về” bắn sẻ, chọc phá mấy cái đồn lính, máy bay “bò rống” lại đến, xả súng như mưa. Xóm làng bị xẻ ngang, cắt dọc, đã tơi tả lại càng tả tơi! Thỉnh thỏang có xác thú lẩn xác người thả trôi sông, không ai thừa nhận. Đêm đêm nghe tiếng trống, tiếng đờn đám ma văng vẳng bên kia sông. Làng xóm tiêu điều. Mọi người sống trong phập phồng lo sợ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Sống trong một vùng trái độn, những người dân vô tội là con mồi bị giằng co, xâu xé bởi hai con thú dữ. Mạng sống con người còn không đáng kể, nói chi đến mạng sống của loài súc vật.
Rồi một hôm cả làng nhận được lịnh giết chó. Tất cả chó trong làng phải bị giết chết trong 24 giờ, để giữ bí mật sự di chuyển về đêm.
Cha mẹ tôi thức suốt đêm bàn tính vẫn không tìm cho Mi Nô một con đường sống. Thật đau lòng, Cha tôi phải chọn cho Mi Nô một con đường chết, cái chết bình yên, trong tình thương và danh dự, và là một cái chết có ý nghĩa.
Buổi sáng hôm sau, cũng như hằng ngày, Mi Nô đưa tôi đi học đến tận Cầu Kinh. Buổi chiều tan học về, tôi nhìn mãi vẫn không thấy Mi Nô đứng ở đầu cầu, vẩy đuôi đón tôi như thường lệ. Tôi cố nhìn thật xa, hy vọng Mi Nô đang trên đường chạy đến. Vẩn không thấy bóng Mi Nô.
Rồi một ý tưởng thoáng qua đầu, tôi bổng òa lên khóc, vừa gọi tên Mi Nô vừa chạy vội qua cây cầu tre xiêu vẹo mà hằng ngày tôi phải lần mò từng bước để đi qua.
Tôi xông vào nhà, xà vào lòng Mẹ tôi, hình như đang ngồi đợi sẵn. Mẹ tôi ôm lấy tôi, lặng thinh, đôi vai rung động. Ba tôi đang ngồi bất động, không nói gì cũng không ngẫng đầu lên nhìn tôi, tay vo ve điếu thuốc rê đã cháy hết tự lúc nào. Tôi quay nhìn lại cha tôi, rồi nhìn Mẹ tôi đang rung rưng nước mắt. Trong ánh mắt của họ có điều gì uẩn khúc, không nói được nên lời.
Tôi mệt nhoài sau khi được khóc. Cha tôi đến bồng tôi lên, vuốt tóc và chùi hai giòng nước mắt trên má tôi. Bây giờ ông mới nhìn tôi rồi nói:
- Đã qua rồi. Thôi nín đi con, đừng khóc nửa.
Ba tôi bế tôi ra vườn sau và đặt tôi trước cái mộ đất vừa đấp, với tấm bia làm bằng miếng gạch tàu, dùng để đậy cái hủ gạo trong nhà bếp. Tôi bập bẹ đọc: “ Nơi an nghỉ của Mi Nô - đã hy sinh cho chủ. “
Từ đó, hằng ngày tôi lững thững đi học một mình, miệng lầm bầm như đang nói chuyện với ai. Buổi chiều tan học, về đến Cầu Kinh, tôi ngóng mắt nhìn bên kia bờ sông với hy vọng thấy bóng Mi Nô đang đứng đợi, dẩu tôi biết rằng Mi Nô đã chết.
Và cũng từ ngày ấy, tôi không còn hí hửng được Mẹ sai đem cơm ra đồng cho Cha tôi. Tôi không đòi đựơc ngồi trong lòng ông, được nhổ mấy mấy sợi râu lún phún trên càm. Tôi không thiết tha gì con bù rầy, con cánh cam ông mang về cho tôi chơi. Tôi giận Cha tôi.
Thời gian trôi nhanh, mới hôm nào mà đã mấy chục năm …………………
Hôm nay gia đình tôi về thăm quê ngoại để làm lễ đại thọ cho Mẹ tôi. Tôi ra mộ cha tôi đốt nén hương tưởng niệm. Mỗi lần đốt hương cho cha tôi, tôi đều lâm râm khấn vái: “Ba ơi, con không giận Ba đâu. Con đã hiểu sự hy sinh của Ba cho Mi Nô. Vì muốn giải kiếp cho Mi Nô, Ba phải làm một việc làm đau lòng mình, chấp nhận sự trừng phạt cũa lương tâm, và sự dày vò vì bị loại trừ bởi đứa con yêu quí. Con và Mi Nô cám ơn Ba”.
Trong khi quét dọn mộ, tôi khám phá ra một miếng gạch tàu cũ kĩ quen quen. Khi lớp bụi phủ được lau chùi, hàng chữ khắc sâu hiện lên rất rỏ “Nơi an nghỉ của Mi Nô - đã hy sinh cho chủ “.
“Đúng là cái mộ bia của Mi Nô rồi”, tôi vui mừng la lớn! Mẹ tôi xác nhận: “Chính Má đã cất tấm bia của Mi Nô ở mộ, cho nó được gần gủi với Ba con, rồi Má quên bẵng mất đi .”
Thì ra Mi Nô vẫn còn đó, sống chết đều theo bên chủ.
Qua bao vật đổi sao dời, căn nhà lá ngày xưa nay là nhà Hương Quả của gia đình. Con đường chạy ngoằn nghèo trong lao sậy trước nhà, bây giờ là một bờ đê thẳng tấp. Những thửa ruộng ngập nước phèn mà tôi thường bắt cua, bắt ốc với Mi Nô, bây giờ là những mảnh vườn đầy cây trái. Ngày xưa đây là nơi của tang thương, chết chóc, hận thù, bây giờ là nơi của hạnh phúc sum vầy. Thời gian đã xóa đi dĩ vãng, nhưng ba chứng nhân lịch sử, Cha tôi, Mẹ tôi và Mi Nô, vẫn còn đây, gắn bó với quê hương, ruộng vườn, sông nước.
Garden Grove 08/05/2015
Văn Ni