17/12/2015
LÚA GẠO QUA VĂN HÓA DÂN GIAN: CA DAO, TỤC NGỮ, VÀ DÂN CA
NGUYỄN VĂN NGƯU PhD
PHẦN II: RUỘNG VÀ MÙA LÚA
Trên toàn nước Việt Nam có chừng bốn triệu mẩu tây đất được dùng trong công việc sản xuất lúa. Điều kiện khí hậu ở Việt Nam cho phép nông dân trồng ba mùa hay vụ lúa một năm. Tuy nhiên trong thời đại cổ xưa lúa chỉ trồng được một mùa một năm. Với tiến bộ kỹ thuật, dần dà nông dân trồng hai mùa lúa một năm. Gần đây nông dân trồng ba mùa lúa một năm. Những trang dưới đây ghi lại các ca dao, tục ngữ và dân ca về về ruộng lúa và mùa lúa ở Việt Nam.
Ruộng Lúa
Ở Việt Nam có hai loại ruộng lúa chính: ruộng lúa khô và ruộng lúa nước. Ruộng lúa khô thường ở tại các vùng đất cao, không có nước ngập như ở các nương rẫy, ở sườn đồi,ở sườn núi. Ruộng lúa khô thường không có bờ được xây chung quanh để giữ nước. Khi lúa được trồng tại các vùng đất cao không có nước ngập được gọi là lúa rẫy, lúa nương.
Ruộng lúa nước thường được khai khẩn ở các vùng đất thấp tiếp giáp với các bờ sông, đầm lầy. Ruộng lúa nước là một khu đất có bờ được xây chung quanh ruộng để giữ nước và cũng để làm lối đi. Phần lớn ruộng lúa ở Việt Nam là ruộng lúa nước. Dù trồng trong ruộng nước hay ruộng khô thì cây lúa vẫn đòi hỏi một lượng nước lớn hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
Ruộng lúa nước có ba loại: ruộng lúa có nước tưới tiêu, ruộng lúa không có nước tưới tiêu, và ruộng lúa nổi. Ở các mảnh ruộng có nước tưới tiêu, cây lúa được tưới, hay được ngâm, với một lớp nước không sâu lắm. Ở các mảnh ruộng không có nước tưới tiêu, cây lúa tùy thuộc vào nước mưa; trong khiđó ở các mảnh ruộng lúa nổi, cây lúa thường bị ngập sâu trong thời gian sinh trưởng. Khi lúa được trồng trong khu vực có mực nước ngập sâu trên 2 mét được gọi là lúa nổi.
Ruộng lúa nước còn được gọi là đồng lúa, hoặc cánh đồng lúa hay đơn giản ruộng.Ở Việt Nam, ruộng lúa nước hay còn được gọi là ruộng đất, điền địa, thường được chia thành các khoảnh ruộng nhỏgọi là các thửa ruộng, sào ruộng, mẫu ruộng. Ở vùng trũng sâu, ruộng lúa nước được gọi là ruộng sâu. Ở vùngđất trồng lúa kém hiệu quả ruộng lúa nước được gọi là ruộng gò. Ở một vài vùng núi non, ruộng lúa nước có thể dựa vào sườn đồi dốc như ruộng bậc thang.
Thời gian từ khi gieo, cấy đến khi lúa chín là mùa lúa. Ruộng sâu phải cấy mạ. Khi lúa được cấyở ruộng lúa nước thấp ở vùng trũng sâu, lúa ở đây được gọi là lúa sâu. Khi lúa được cấy ở ruộng lúa nước nhưng thiếu nước lúa ở đây được gọi là lúa nỏ. Trong khi ruộng gò thì gieo vãi lúa, vì không có nước trong ruộng trong những ngày tháng đầu của mùa lúa. Những trang dưới đây, ghi chép những ca dao viết về ruộng lúa và mùa lúa.
Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông.
Thân em như chẹn lúa đòng đòng,
Phất phơ giữa ngọn nắng hồng ban mai.
Quađồng ghé nón thăm đồng
Đồng bao nhiêu lúa thương chồng bấy nhiêu
Lúa xanh đẹp xóm đẹp đồng
Lúa gầy xấu cả người trồng xấu đi
Ruộng đồng mặc sức chim bay
Biển hồ lai láng cá bầy đua bơi (Nam Bộ)
Thân anh khó nhọc trăm phần
Sáng đi ruộng lúa, tối nằm ruộng dưa
Thân em vất vả trăm bề
Sớm đi ruộng lúa, tối về ruộng dâu
Ra đi anh có dặn dò
Ruộng sâu cấy trước ruộng gò cấy sau
Ra đi mẹ có dặn dò
Ruộng sâu thì cấy, ruộng gò thì gieo
Ruộng gò cấy
Thấy em còn nhỏ anh ve để dành
Có ai bỏ gà nuôi quạ
Đi làm nương mà bỏ ruộng mấy khi (Người Tày)
Đến mùa làm cho nhiều rẫy
Emđưa trâu đến giúp công
Làm nên gạo ta cùng ăn chung
Được bao nhiêu gánh ta cùng chia đôi (Người Tày)
Tôi nay tôi cặch tới già
Tôi chẵng dám cấy ruộng bà nữa đâu
Ruộng bà vừa xấu vừa sâu
Vừa bé hạt gạo vừa lâu đồng tiền
Vụ mùa cấy lúa cao, vụ chiêm cấy lúa trũng
Ruộng cao tưới trước,ruộng thấp tưới sau
Sao rua đứng trốc, lúa lốcđược ăn
Ruộng cao khó làm ăn
Ruộng lần thì vất vả (Người Tày)
Làm rẫy mong mưa xuống
Làm ruộng ướt râm trời (Người Tày)
Ruộng anh cấy thóc dâu thóc tám
Trong năm nay vô hạn được mùa
Gặt xong sớm rồi đưa vào bịch
Hạt thóc khô chẳng khác gì vàng (Người Tày)
Công anh làm rễ đã hai năm ròng
Nhà em lắm ruộng, lắm đồng
Bắt anh tát nước, cực lòng anh thay
Tháng Chín mưa bụi gió bay
Cất đi gầu nước, hai tay rụng rời
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợcấy, con trâu đi bừa
Hay gì để ruộng mà ngăn
Làm ruộng cấy lúa, chăn tằm lấy tơ
Tằm có lứa, ruộng có mùa
Chăm làm trời cũng đền bù có khi
Mồhôi mà đổ xuống đồng
Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương
Trênđồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa
Ruộng nhà em lúa xanh xanh ngát
Ruộng nhà anh lúa dạt ngàn bông
Lúa xanh đẹp xóm, đẹp đồng
Cho mình sớm họp thành đôi vợ chồng
Tháng tư mua nứa đan thuyền,
Tháng năm tháng sáu gặt miền ruộng chiêm
Mùa Lúa
Mùa lúa ở Việt Nam được thay đổi theo thời gian. Vào những năm cổ xưa nông dân trồng một mùa lúa một năm. Mùa lúa này kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Mười âm lịch.
Tháng giêng chân bước đi cày
Tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng
Thuận mưa lúa tốt đằng đằng
Tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà
Dần dà, với phát triển trong công việc tạo giống và kỷ thuật trồng trọt, mùa lúa đãđược rút ngắn lại từtháng Năm đến tháng Mười âm lịch, trùng với mùa mưa ở Việt Nam. Ở miền Bắc Bộ, mùa lúa này được gọi là Lúa Mùa hay Lúa Tháng Mườivì lúa gặt vào tháng Mười âm lịch.
Tháng Tưđi tậu trâu bò
Để ta sắm sữa làm mùa tháng Năm
Sáng ngày đem lúa ra ngâm
Khi lúa mọc mầm ta sẽ vớt ra
Gánhđi ta ném ruộng ta
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về
Chồng cày vợ cấy trăm bề mãi mê
Cấy xong rổi mới trở về
Co lúa dọn đã sạch rổi
Nước ruộng vơi mười còn độ một hai
Ruộng thấp đóng một gàu giai
Ruộng cao thì phảiđóng hai gàu sòng
Tháng Chín lúa trổđòng đòng
Chờ khi lúa chín tháng Mười
Đem liềm đem hái ra ngoài ruộng ta
Gặt hái ta đem về nhà
Phơi khô, quạt sấy ấy là xong công
Hay
Tháng Tư đi tậu trâu bò
Để ta sắm sữa làm mùa tháng Năm
Sáng ngày đem lúa ra ngâm
Khi lúa mọc mầm ta sẽ vớt ra
Gánhđi ta ném ruộng ta
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về
Chồng cày vợ cấy trăm bề mãi mê
Cấy xong rổi mới trở về
Cỏlúa dọn đã sạch rổi
Nước ruộng vơi mười còn độ một hai
Ruộng thấp đóng một gàu giai
Ruộng cao thì phảiđóng hai gàu sòng
Tháng Chín lúa trổđòng đòng
Chờ khi lúa chín tháng Mười
Đem liềm đem hái ra ngoài ruộng ta
Gat hái ta đem về nhà
Hay
Tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
Bước sang tháng sáu nước trôi đầy đồng
Nhà nhà, vợ vợ, chồng chồng
Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
Tháng sáu, tháng bảy vun trồng giống lúa, bỏ chừa cỏ tranh
Tháng tám lúa trỗ đã đành
Tháng mười gặt hái cho nhanh kịp người
Khó khăn làm mấy tháng trời
Lại còn mưa nắng bất thời khổ trông
Cắt rồi nộp thuế nhà công
Từ rày mới được yên lòng ấm no
Hay
Tháng tư đi tậu trâu bò
Để ta sắm sửa làm mùa tháng năm
Tháng mười gặt hái đã xong
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy
Năm nong đầy em xay em giã
Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo
Sang năm lúa tốt tiền nhiều
Em đem đóng thuế đóng sưu cho chồng
Đói no có thiếp có chàng
Còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình
Vào khoảng thế kỹ thứ 10, các giống lúa Chiêm Thành được nhập vào để trồng ở các vùng trủng thấp ở đồng bằng sông Hồng vào các tháng Mười và Mười Một và gặt trong tháng Năm âm lịch. Vụ/mùa lúa này được gọi là vụ/mùa Chiêm hay lúa Chiêm. Lúa Chiêm còn được gọi là Lúa Tháng Năm.
Vụ mùa cấy lúa cao, vụ chiêm cấy lúa trũng
Chiêm xấp xới, mùa đợi nhau
Chiêm bơ bãi, mùa phải thời
Chiêm đi đơn, mùađi kép
Lúa dé là mẹ lúa chiêm
Ngoài mùa Lúa Mùa, mùa Lúa Chiêm ở miền Bắc, ở miền Trung có mùa Lúa Ba Trăng, và mùa Lúa Tháng Tám. Ngày nay ở nhiều địa phương ở Việt Nam nông dân trồng ba mùa lúa một năm: Mùa Đông Xuân, mùa Hè Thu, và mùa Mùa.
MỘT VÀI TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bánh Trái Ngày Tết http://www.cadaotucngu.com/phorum/topic.asp?TOPIC_ID=854
2. http://e-cadao.com/Cadaochude/cadaobanh.htm
3. http://poem.tkaraoke.com/14115/Dac_San_Que_Em.html
4. Nguyễn Văn Ngưu 2001 The Vietnamese Rice Farmer. Pp 97-129 in VIETNAMOLOGICA, Montreal, Quebec, Canada
5. Nguyễn Văn Ngưu 2007 Nghành Sản Xuất Lúa Việt Nam - Nhìn Qua Lịch Sử, Văn Hóa Và Kỹ Thuật. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp. TP Hồ Chí Minh. 232 pp
6. Tìm Ca Dao Theo Các Tỉnh http://e-cadao.com/cadaocactinh.asp
7. Trần Văn Đạt 2003 Tiến Trình PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LÚA GẠO TẠI VIỆT NAM Từ Thời Nguyên Thủy Đến Hiện Đại. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp. TP Hồ Chí Minh. 315 pp
8. Văn Hóa Nông Nghiệp Qua Ca Dao Tục Ngữ. VĂN HÓA VIỆT. http://e-cadao.com/tieuluan/vanhoa/vanhoanongnghiep.htm
9. Vũ Ngọc Phan 1999 Tục Ngữ, Ca Dao, Dân Ca Việt Nam. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội. Hà Nội. 832 pp