Chú Hai Nhân giúp việc cho gia đình tôi lúc còn trai tráng. Nay tuổi đã lục tuần, chú vẫn là cánh tay phải của gia đình tôi. Người nhỏ nhắn, Hai Nhân suốt đời đi chân đất và không bao giờ mặc áo. Ở nhà quê nhiều muỗi mòng sâu bọ, nhưng hình như chúng đều tránh xa Hai Nhân, không dám quấy rầy. Hai bàn chân to, da dày như da trâu. Các ngón chân no tròn như nải chuối cao. Chú đi bộ rất nhanh, gót chân không đụng đất, nhún nhảy như muốn bay. Đi bộ ra chợ quận (3km), ăn tô hủ tiếu rồi đi bộ về là chuyện thường đối với Hai Nhân. Một hôm thấy chú Hai mặc áo, mang dép, đi ngang qua nhà tôi nhưng không ghé như thường lệ, tôi gọi chú:
-Chú Hai đi đâu mà diện bảnh quá “dậy”?
-Dạ, con đi ăn giỗ nhà Chú Út Nghiệp.
-Ừ, thì Chú đi trước đi, trưa trưa tôi qua.
Khi tôi sang nhà Út Nghiệp thì không thấy Hai Nhân, chỉ thấy thằng cháu nội của Hai Nhân đang lom khom tìm kiếm gì trước sân nhà. Tôi hỏi nó:
- Mầy kiếm cái giống gì “dậy”?
-Dạ, con kiếm đôi dép của ông Nội con.
Thì ra Hai Nhân không quen mang dép, bị ép nhậu một ly rượu đế xừng xừng nên khi về bỏ quên đôi dép ở nhà Út Nghiệp. May thay là lần nầy Chú không có cởi áo nên không quên.
Hai Nhân tuy nhỏ con nhưng gánh dừa khô rất giỏi. Đòn gánh nặng, nhún nhảy nhịp nhàng theo bước chân chắc nịch của Hai Nhân. Chú gánh cả thiên dừa mỗi ngày. Công việc rất nặng nhọc, nhứt là trong mùa mưa, mặt đất lầy lội, trơn trợt. Tôi đề nghị nên dùng xe “ bù ệt” (wheelbarrow) công việc sẽ nhẹ nhàng hơn nhưng Chú một mực từ chối vì đã quen rồi với việc gồng gánh.
Hai Nhân được biệt danh là “Đài phát thanh Xóm Đạo”. Bất cứ lúc nào rảnh rỗi, Hai Nhân thả rong khắp ngỏ trên xóm dưới, thu thập và loan truyền các tin sốt dẻo. Mọi người gặp Hai Nhân đều hỏi cùng một câu: “Hôm nay có gì lạ hôn hả chú Hai ?”.
Hai Nhân không biết chữ nghĩa gì ráo trọi, nhưng có biệt tài nhớ vanh vách số điện thoại mọi người, và chú dùng số điện thoại như là mật mã ám chỉ chủ nhà. Thí dụ: “Chú Chín biết không, hôm qua 9621 bán con heo nái gần hai tạ, hốt tiền đã quá.”. Số 9621 là 4 số chót điện thoại của cháu tôi, nhà nó ở Phước Mỹ Trung.
Hai Nhân đi tới đâu là đã nghe tiếng rổn rảng của Chú đến đó. Tính tình hiền hòa, ai nhờ gì cũng làm, ai nói gì cũng tin. Sinh trưởng trong gia đình đạo dòng, Chú không biết nói dối, không tham lam. Trong làng ai cũng thương chú Hai Nhân.
Hai Nhân không uống rượu, không hút thuốc chỉ mê uống trà. Mỗi sáng tinh sương khi gà vừa gáy canh đầu, Hai Nhân đã thức giấc pha trà cử sáng. Chú uống một mình. Vì thích một mình, việc làm thích hợp nhất cho Hai Nhân là giữ nhà, giữ vườn, giữ trái cây. Hai Nhân chỉ cần treo chiếc võng trên hai gốc cây nào đó là có thể làm chỗ ngủ qua đêm. Vì vậy vườn nào có bóng dáng Hai Nhân, ăn trộm không giám bén mảng vì không biết Hai Nhân ngủ ở góc nào..
Tuy sống lam lũ nhưng chưa bao giờ thấy Hai Nhân bị bịnh. Thỉnh thoảng bị rêm mình muốn cảm, chú tự chửa bịnh bằng bài thuốc độc đáo của Hai Nhân. Chú kể : “Chú Chín biết không, khi thấy uể oải trong người, Chú ra chợ mua 100 “cà ram” thịt ba rọi đem về luộc thịt với nước dừa. Con bảo đảm với Chú, làm láng hết mớ thịt luộc chấm với muối tiêu, uống sạch láng chén nước luộc còn nóng hổi, xuất mồ hôi hột, đả thì thôi, bịnh nào cúng hết!!! Tôi chưa thử bài thuốc nầy, nhưng nghĩ nó có lý, vì thịt ba rọi chấm muối tiêu có lẻ đúng là thuốc cho người lao động thiếu dinh dưỡng!
Chú Hai lại có có biệt tài bắt ếch. Đôi mắt lem nhem nhìn gà hóa quốc, không biết làm sao chú có thể tìm được và theo dấu chân ếch dọc theo các bờ mương, rảnh nước, cho đến nơi chúng ẩn trốn để bắt bằng tay? Có lần tôi tò mò hỏi bí quyết của chú. Chú Hai cười khì khì, híp cả mắt trả lời: “ Thì con đánh hơi mà Chú!!!”. Tôi không biết chú Hai nói thật hay lại dấu nghề, có ai “đánh hơi” ếch bao giờ!!!. Tôi lại biết chú Hai là người chất phác làm gì biết nghĩ ra trò gian dối chọc phá tôi???. Tôi nghĩ không ra nên câm luôn, bỏ tánh hay tò mò.
Có lần Hai Nhân được giao cho trách nhiệm canh giữ vườn sầu riêng đang mùa chín rộ. Vườn rộng nhiều cây nên tâm tối. Ăn trộm thường lẻn vào ăn cắp trái cây nên Chú Hai phải ngủ đêm ngoài vườn.
Một hôm trời mưa dầm, tầm tã cả đêm. Trời vừa hừng sáng chú Hai đã hớt hải chạy vô nhà tôi hốt hoảng:
-Chú Chín ơi, ăn trộm hái hết sầu riêng rồi, Hai Nhân mặt méo xẹo, vừa nói vừa hổn hển thở. Tôi giật mình hỏi lại:
-Vậy chú ở cái hóc nao?
-Mưa to quá, con ngủ tuốt luôn đến sáng bét!!!
Trông dáng chú rất thiểu não, người ướt mem như con chuột té mương, chân đầy bùn như vừa lội đìa bắt cá. Tôi thấy tội nghiệp, nhất là tính chân thật của chú Hai. Có ai đâu đã để mất sầu riêng của chủ mà còn thú thật là đã ngủ quên! Tôi ráng nín cười, hỏi Chú:
-Chú nói tôi nghe, mất hết là làm sao hả?
-Thì mất hết trọi, cái cây 6 trái, cây sầu riêng tơ ở góc vườn cạnh bụi tre đó.
Vườn có mấy chục cây sầu riêng đang có trái, chú Hai nhớ từng cây một và mỗi cây có bao nhiêu trái.
Tôi thở phào:
-Chú làm tôi hết hồn, tưởng mất hết cả vườn. Mất mấy trái thì thắm thía gì. Thôi vô đây uống trà với tui.
Suốt hôm ấy tôi thấy Hai Nhân bồn chồn, đăm chiêu, bức rức điều gì. Ngày hôm sau cũng vừa hừng sáng, Hai Nhân đã có mặt tại nhà tôi, trong hớn hở lắm. Chú nói:
-Chú Chín ơi, con biết thằng nào ăn trộm rồi.
Tôi mừng quá :
-Thằng nào dậy chú Hai?
-Thằng Hai Hến ở cầu Bà Mụ chứ thằng nào!
-Sao Chú biết là nó?
-Con thấy rõ ràng nó mang hai trái sầu riêng ra chợ bán, con canh me nhà nó cả đêm nay đó Chú.
Tôi đang hồ hởi bổng thấy cụt hứng:
-Tưởng chuyện “dì” lạ, người ta mang sầu riêng đi chợ bán, có ăn nhậu “dì” đến chuyện mình mất sầu riêng đâu?
Chú Hai trợn mắt cãi lại tôi, điều ít khi thấy ở Hai Nhân:
-Sao lại không? Vườn nhà nó có cây trái cái móc khô “dì” đâu mà mua với bán? Con đã nghi nó là thằng “chôm” sầu riêng vườn mình từ ngày hôm qua, nhưng không dám nói. Bây giờ có chứng cớ đàng hoàng thì còn chối cãi cái giống “dì”?
Sau đó chú Hai kể hết đầu đuôi câu chuyện tại sao chú quả quyết Hai Hến là thủ phạm. Hai hôm trước chú Hai thấy Hai Hến bén mảng sau vườn, trông rất khả nghi. Chú Hai hỏi nó làm gì ở đây, nó trả lời là nó đi câu cá bóng dừa. Chú Hai cảnh cáo rồi đuổi nó đi. Hôm sau sầu riêng lại bị mất. Chú Hai suy nghĩ nát óc mới tìm ra manh mối là Hai Hến có liên quan đến vụ ăn trộm nầy. Chú nhớ lại, Hai Hến nói với chú là nó đi câu, nhưng không thấy nó mang cần câu và giỏ cá. Hai Nhân tự hỏi” Đi câu cái giống “dì” mà không có cần câu, không có giỏ cá?”. Chú sinh nghi, suốt đêm qua không ngủ ngồi ở đầu cầu canh nhà Hai Hến, và bắt gặp nó mang 2 trái sâu riêng ra chợ để bán lúc trời hừng sáng.
Nghe xong, tôi khâm phục và đồng ý ngay sự suy đoán của Hai Nhân. Công An phường được thông báo. Họ tìm được 4 trái sầu riêng còn lại, chưa rụng đỉa, giấu dưới gầm giường tại nhà Hai Hến. Hai Hến nhận tôi, bị bắt. Từ đó “điệp viên” Hai Nhân nổi tiếng như cồn, Đám ăn trộm vặt ớn Hai Nhân như cơm nếp.
Chú Hai ngủ trong cái chòi tranh giữa vườn. Những đêm mưa to gió lớn, tôi thường kêu Hai Nhân vào nhà uống trà nói chuyện ngẫu với tôi cho vui và ngủ trên cái chỏng tre dành riêng cho chú. Có hôm tôi đùa với chú Hai:
-Chú ngủ ở đây, ăn trộm nó vào nó chôm láng cả vườn, tui trừ lương chú đó.
Hai Nhân cười hề hề trả lời rất tự tin:
-Con chấp đó, đứa nào dám giỡn mặt với Hai Nhân? Thấy cái võng treo lúc lắc, lại có cái đống ung lửa khói lập lòe trong chòi, đố ông nội thằng nào dám đến gần nói chi là chôm với chĩa.
Thì ra Hai Nhân không khờ như tôi nghĩ. Chú cũng lắm mánh mung!
Từ hôm đó Chú được mang biệt danh “007 xóm nhà thờ”
Garden Grove 07/31/2015
Chú Chín Cali