19/4/2015
196-197
Vâng, quả thật kỳ lạ, cái kỳ lạ làm Chùa Đá vàng nổi tiếng, cái kỳ lạ làm “Hòn đá thiêng” trở thành chốn hành hương của người dân Miến Điện trên khắp đất nước Myanmar.
Tảng đá là 1 hòn cuội khổng lồ thuộc nhóm hoa cương cứng chắc, hình quả trứng có chiều cao 7,3m với chu vi khoảng 15,2m. Trên đỉnh hòn đá là 1 ngôi chùa cổ cao 5,5m mà người ta cho rằng đã được xây vào năm 574 trước công nguyên, tính đến nay(2013) thì đã 2.587 năm! Thật ra, đó chỉ là 1 ngôi tháp truyền thống Miến Điện(stupa)với chiều cao khiêm tốn(5,5m), được dát vàng cùng với tảng đá hình trứng bên dưới. Nói như thế để thấy rằng, so với những ngôi tháp cổ, đồ sộ mà tôi đã có dịp tới thăm, “The Golden Rock Pagoda” chẳng có gì khiến để trở nên nổi tiếng, nếu nó không nằm trên 1 tảng đá đang cực kỳ cheo leo, nâng đở bởi 1 khối hoa cương to, gắn chặt vào sườn núi bên dưới! Cả 2 hoàn toàn độc lập.
Người trần mắt thịt, khi lần đầu nhìn thấy cái cheo leo kỳ lạ này, dù là vào hàng ngàn năm về trước hay trong thời đại kỹ thuật số hôm nay, cũng phải cảm nhận rằng tảng đá sẽ trượt ngay xuống triền nếu gặp 1 tác động nhỏ nào. Vậy mà tảng đá vẫn tồn tại nơi đó, thách thức với thiên nhiên, phải chăng tảng đá giống như là biễu tượng của chân lý cao cả Phật giáo trước những đe dọa hiểm nguy luôn hiện hữu chung quanh, trong cõi đời trần tục này? Và vào năm 574 trước Tây lịch, vị ẩn tu nào đó, vốn đã ngộ được cái lý vi diệu mà Đức Thế tôn chỉ dạy, tới đây, xây dựng ngôi bảo tháp, vừa để hình tượng hóa “chân lý”, vừa góp phần tạo niềm tin cho bá tánh toàn tâm hướng đến “bến Thiền”?
Thôi, cũng chỉ là một suy luận lang man khi tôi nhìn mọi người đang chân thành lễ bái, đang lặng lẽ dành hết tâm cang thầm nguyện cầu những điều lành đến với chúng sinh. Hương hoa, vàng bạc…và cả “hòn đá thiêng” cùng ngôi bảo tháp, chỉ là vật thể giả tạm trần đời, cái ý hướng thiện, cái tâm lành mà mọi người đang có, mới là điều cần thiết để nhờ đó tự “hoàn thiện” bản thân.
Theo qui định, phụ nữ không được vào nơi Hòn đá thiêng, giống như khu vực hạn chế trong chánh điện ở một số chùa Miến Điện. Ngoài ra, có lẽ để bảo đảm an toàn cho mọi người khi tới chân hòn đá, do diện tích nơi đây rất hẹp lại nghiêng, cũng như để duy trì sự tôn nghiêm khi mọi người cầu nguyện, du khách không được mang máy ảnh vào nơi đó, nên tôi gửi máy lại cho bà xã, một mình vào hành lễ trước Golden Rock Pagoda, đồng thời cũng muốn tường tận nhìn kỹ phần tiếp xúc bên dưới để thấy thực hư. Rõ ràng hòn đá chỉ gá 1 phần nhỏ nơi mép khối hoa cương bên dưới, tôi xô thử nhưng chẳng thấy nhút nhít chút nào!
Mặt phẳng nơi Hòn đá thiêng tiếp xúc vừa hẹp lại vừa nghiêng.
Xin chú ý khoảng hở.
Rất may mắn là bà xã cũng đã chủ ý zoom tối đa khi chụp ảnh tôi đang cầu nguyện và …tò mò quan sát, để nhìn rõ cái khoảng hở thật sự giữa hòn đá và mặt phẳng nghiêng; rõ ràng …không thể tin được!
Sau khi rời “Hòn đá thiêng”, tôi đi vòng quanh để ghi thêm 1 số hình ảnh thể hiện sự cheo leo kỳ lạ.
Theo tài liệu công bố, chỗ tiếp xúc chỉ có diện tích chừng 78cm2, vừa nhỏ nhoi, vừa lỏng lẻo khiến cho khi chỏi 1 que tre vào khoảng hở bên dưới rồi tác động 1 lực thích hợp, “Hòn đá vàng” có thể nhúc nhích làm que tre lúc thẳng lúc cong; nhưng trọng tâm không hề vượt khỏi trục chính thẳng đứng của hòn đá, để có thể bị rơi xuống vực sâu.
Theo tôi, chắc có sự nhầm lẫn về đơn vị diện tích, vì 78cm2 là không tới 1 tấc vuông, chỉ bằng ¼ miếng gạch bông cạnh 2 tấc, nếu 78dm2 thì hợp lý hơn. Thật ra, với diện tích đó(72dm2), sự ổn định của “Hòn đá thiêng” vẫn là 1 điều kỳ diệu. Vì tảng đá nằm trên mặt phẳng nghiêng của khối hoa cương bên dưới theo 1 tư thế cực kỳ mong manh, chồm ra bên ngoài không gian trống như chực rơi xuống, chỉ “gá” lên 1phần rất nhỏ ở mép bìa tảng đá bên dưới, phần lớn còn lại thì nằm hổng trên không, bằng mắt thường chẳng ai nghĩ hòn đá có thể tồn tại như thế mãi từ lúc xuất hiện cho đến ngày nay, có lẽ cũng đã hàng trăm triệu năm rồi! Đúng là 1 “sắp đặt” tình cờ đến tuyệt vời của thiên nhiên khiến cho nhân loại có được 1 kỳ quan để ngưỡng mộ!
Theo truyền thuyết, ngôi tháp là nơi lưu giữ 1 sợi tóc của Đức Thích Ca, nhờ đó tảng đá mới được ổn định suốt từ gần 2.600 năm nay. Có lẽ người ta đã huyền thoại hóa một “kỳ quan” vốn có từ hàng triệu năm trước để tạo thêm niềm tin, như là 1 phương tiện nhằm hướng các Phật tử đến 1 cứu cánh cao cả hơn!
Do thuộc nhóm đá hình thành bởi sự nguội đi của magma phát sinh từ lòng quả đất, các tảng hoa cương(granit)rất cứng, khó bị phân hóa bởi các tác nhân cơ học và hóa học bên ngoài, nên sau hàng triệu năm, thiên nhiên cũng chỉ làm mòn cạnh của chúng, cho nên cái khoảng thời gian 2587 năm chẳng thấm vào đâu so với hàng triệu năm! Và vì thế hình dáng “Hòn đá thiêng” vào năm 574 trước công nguyên chắc chẳng khác mấy với “Hòn đá thiêng” năm 2013, ngoại trừ lớp vàng cứ ngày càng phủ dày hơn trên tảng đá và ngôi chùa cổ !
Dẩu sao cũng thật nể phục người Myanmar xưa, về niềm tin và lòng quyết tâm, đã tìm đến nơi thâm sơn cùng cốc, núi non hiểm trở này rồi xây dựng nên một công trình độc đáo, chẳng những có giá trị tâm linh cho các tín đồ Phật giáo mà còn tạo nên một giá trị văn hóa đáng để thế giới trân trọng!
Cuối cùng, trên đường trở lại nhà hàng Mountain View, tôi quay nhìn lần cuối hòn đá thiêng cheo leo nơi sườn núi, không thể tưởng tượng rằng 2587 năm trước có người đã dũng lược vượt rừng sâu thẳm lên đây xây dựng chùa, vui cùng gió núi mây ngàn. Bất giác tôi chợt nhớ đến Vua Trần Nhân Tông, mới ngoài 40, rời kinh đô, bỏ lại sau lưng tất cả, lên miền Yên Tử lập nên Thiền phái Trúc Lâm.
Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay,
Song song đôi bướm trắng,
Phất phới sấn hoa bay.
(Thơ Trần Nhân Tông, Ngô Tất Tố dịch)
Và tôi, lon Coca mát lạnh đủ để “nhâm nhi” khi ngồi nhìn cảnh núi rừng trùng điệp, chút sương mai còn khăn voan lụa mỏng, chưa kịp bị mặt trời nhiệt đới xua tan…KyaikHteeYoo chắc cũng sẽ theo tôi về tận Long xuyên, sau vài mươi ngày rong chơi xứ Phật.
Sau bửa ăn trưa, chúng tôi lên xe rời đỉnh núi, theo qui trình ngược lại, dừng tại các trạm, chờ những lượt xe từ dưới lên, rồi “cắm” đầu đổ dốc; tuy nhiên theo tôi chuyến xuống không cảm giác bằng chuyến lên. Dù vậy, ngồi trên xe ben lên và xuống trên con đường này thật sự là 1 trãi nghiệm thú vị khó quên.
Thăm Chùa Đá Vàng mà không qua trãi nghiệm này là mất đi 50% giá trị!
Đỉnh Kyaikhtiyo cao 1.100m, thấp hơn Bà Nà(1487m), nhưng đường đi lên hiểm trở hơn rất nhiều, lượng du khách thì đông không hề kém và xét về giá trị văn hóa, có lẽ hơn xa Bà Nà do sự hiện diện của kỳ quan “The Golden Rock”. Sau khi đất nước Myanmar mở cửa, điểm du lịch này lại càng thu hút khách 5 châu, là 1 trong 5 địa danh dẫn đầu danh sách mà mọi người phải ghé khi đến đất nước Phật giáo này.
Dù là 1 nước kém phát triển và còn nghèo, nhưng cách làm du lịch của Myanmar vẫn còn giữ được bản sắc truyền thống của họ, không chạy theo doanh thu để phá vở cảnh quan và môi trường, không đưa những phương tiện hiện đại để làm mất đi cái đặc thù dân dã, cạnh tranh nguồn sống của người dân địa phương, do đó vẫn còn rất nhiều cuốn hút khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Cho tới bây giờ, tôi chưa nghe nói gì về 1 dự án cáp treo lên Kyaikhtiyo và hy vọng rằng điều đó sẽ không thực hiện trong tương lai.
Năm 2012 tôi và bà xã theo 1 đoàn du lịch “hai lúa”, trong đoàn có nhiều người quê miền Tây, ghé thăm Bà Nà. Đoàn 50 người nhưng chỉ có 6 người mua vé cáp treo lên thăm, vì giá vé đến 400.000đ/người, 44 người còn lại không kham nổi, phải chờ lại ở chân núi. Được biết trước khi cáp treo hoạt động, người dân có thể lên đến đỉnh bằng xe 16 chỗ hoặc bằng xe gắn máy; nhưng nay thì tất cả đều bị cấm, người dân Việt Nam, nếu muốn lên thăm một danh thắng thiên nhiên của đất nước mình, cũng không thể được ngoại trừ phải bỏ ra số tiền khá lớn so với thu nhập thông thường để …đi cáp treo. Theo thông tin tôi vừa cập nhật thì giá cáp treo đã tăng thêm 100.000đ!
Giá vé cáp treo Bà Nà
Áp dụng từ 01/01/2014
ĐVT: VNĐ
Đối tượng khách Người ngoại tỉnh Người Đà Nẵng
Người lớn, trẻ em cao trên 1m3: 500.000 350.000
Trẻ em cao từ 1m – 1m3: 400.000 250.000
Trẻ em cao dưới 1m: Miễn phí
Ghi chú:
– Khách là người Đà Nẵng phải xuất trình CMND hoặc Giấy khai sinh đối với trẻ em để được hưởng giá vé dành cho người Đà Nẵng.
Tôi không biết bây giờ người ta có qui định nào mới không, để mọi người dân đều có thể lên thăm được Bà Nà với khả năng cho phép? Hay vẫn duy trì cái cách làm du lịch thiếu lòng nhân hậu kể trên???
Khi ngang qua thị trấn Waw, xe bị tạm dừng tại ngã rẻ đi Yangon bởi một “đám rước”, mà tôi không biết là lễ gì. Có các quân nhân đang tới lui điều động trật tự. Rất đông học sinh dưới sự dẫn dắt của Thầy, Cô giáo đang di chuyển thành hàng dài qua các phố. Họ chia ra nhiều toán nối tiếp nhau, dẫn đầu mỗi toán là 1 tay chơi keyboard có 1 loa kèn to hướng ra phía trước, kế tiếp là 1 giàn treo hình tháp, trên có dù hay lộng che, bên dưới treo nhiều quà và tiền kyat. Ngoài ra còn có 1 số xe con, xe tải, …chở nhiều thanh niên đang múa hát rất vui nhộn. Có cả 1 chú trâu đen bằng vải, được diều khiển bởi 2 thanh niên, đầu trâu lúc lắc đôi sừng treo tòn teng mấy tờ tiền và tua ren màu sắc.
Học sinh thì đồng phục áo trắng, longyi xanh lá đậm còn các Thầy Cô giáo thì dường như ăn mặc đẹp hơn ngày thường, với dù màu sặc sở…
Tôi còn thấy có nhiều người dân ăn mặc đẹp đẻ, dẫn con cháu đi chơi trong đám đông vui nhộn này.
Có lẽ họ cũng sẽ đi đến lễ Phật tại chùa vào hôm nay.
Tôi nghĩ đám rước này có liên quan đến 1 lễ trong Phật giáo.