22/2/2016
LÚA GẠO QUA VĂN HÓA DÂN GIAN: CA DAO, TỤC NGỮ, VÀ DÂN CA
NguyỄn Văn Ngưu, PhD
PHẦN VII: NHỮNG ĐẶC SẢN LÀM TỪ LÚA GẠO
BÁNH TỪ LÚA GẠO
Từ ngàn xưa người Việt Nam đã biết dùng gạo hay nếp để chế biến ra nhiều loại bánh để ăn hàng ngày hay trong dịp Tết và hội hè. Những trang dưới đây ghi lại các ca dao, tục ngữ và dân ca về các loại bánh làm từ gạo tẻ và gạo nếp.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Ăn chực đòi bánh chưng
Lấy đôi đũa đỏ cho thầy gãi lưng.
Bóc đồng bánh chưng cho thầy chấm mật
Dửng dưng như bánh chưng ngày tết
Lạt này gói bánh chưng xanh
Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng
Anh về bẻ trăm khuôn dừa
Gói trăm bánh nếp sang nhà hỏi em
Nhớ quê nhớ tết ngọt ngào
Nhớ thịt kho tàu, nhớ bánh tét xuân
Tết đến nhà chẳng có chi
Nấu nồi bánh tét nhâm nhi cùng người
Dẻo thơm bánh tét Cần Thơ
Mỗi năm Tết đến anh mơ thấy nàng
Khôn khéo bánh dầy, vụng dại chày cối
Bánh giầy nếp cái con gái họ Ngô
Bạc Tỉnh Tuyên, Ai có duyên thì được!
Da hơ phải lửa thì co
Bánh dầy phải lửa thì to phồng phồng
Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định, sợ dài đường đi
Muốn ăn bánh ít nhân mè,
Lấy chồng Hòa Đại đạp mè đen chân.
Muốn ăn bánh ít nhân tôm
Lấy chồng Hòa Đại ăn cơm ghế mì (Bình Định)
Em đây như chiếc bánh gai
Áo nâu phai nắng, da thời lại đen
Ai ơi ăn thử mà xem
Ăn rồi mới biết là em ngọt bùi
Bánh ít đi bánh qui lại
Bánh ít trao đi bánh chì trao lại
Bánh tráng Mỹ Lồng bánh phồng Sơn Đốc
Muốn ăn no bánh đúc; ăn bánh đúc đục mặt
Bánh đúc bẻ ba
Mắm tôm quệt ngược cả nhà tan hoang
Bánh đúc mà đổ ra sàng
Thuận anh, anh bán, thuận nàng, nàng mua
Bánh đúc làng Điền góp tiền mà mua (Hà Nội).
Rau cần kẻ Trúc, bánh đúc chợ Chay (Hà Tây cũ)
Nâu kẻ Sặt, vải kẻ Núc, bánh đúc lại Đổng (Hà Nội)
Bánh đúc ăn với cá kho, bán bò mà lo trả nợ
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng
Cỗ cưới em thật là sang
Bánh đa cả sọt, bỏng rang cả sề
Chợ trâu Quỹ nhất, bánh đa làng Vò
Muốn ăn bánh tráng cho giòn
Muốn thương cô gái cho tròn lòng trinh
Đi xa nhớ bánh tráng mè
Mùi quê phảng phất dặm hòe hương đưa
Bánh tráng Mỹ Lồng bánh phồng Sơn Đốc
Còn như bánh tráng thì để hàng trai tơ
Ai mà hảo ngọt thì ăn bánh cam
Ai được thoát thân, thì ăn bánh lọt
Trôi nước rất ngọt, để các thợ chài
Hai tay bưng quả bánh bò
Giấu cha giấu mẹ cho trò đi thi
Ăn quà cho biết mùi quà
Bánh đúc thì dẻo bánh đa thì dòn
Dầm mưa hoài hoài, thì ăn bánh ướt
Bất toại vô phước, thì sẵn bánh bò
Bánh cả mâm răng gọi là bánh ít
Trầu cả chợ răng nói trầu không (Quảng Trị)
Ai mà nhát gan thì sợ bánh tét
Chỉ mấy ả giang hồ bánh bèo đớp sạch
Ước gì ta được quần thâm
Thì ta làm cỗ mười mâm bánh dày
Bánh chưng cho lẫn bánh dày
Giò hoa chả lụa ta bầy lên trên
Buồn ăn bánh đúc, bánh đa
Buồn ăn khoai nướng cùng là ngô rang
Muốn ngon ăn chả giò
Muốn no ăn bánh đúc
Nước mắm ngon dành ăn bánh hỏi
Qua thương nàng mòn mỏi mấy năm
Ai mà hảo ngọt, thì có bánh cam
Những kẻ nhát gan, này là bánh tét
Còn như bánh ít, để mấy ông câu
Hủ lậu xưa nay, thì ưa bánh tổ
Nem chả Hòa Vang
Bánh Tổ Hội An
Khoai lang Trà Kiệu
Thơm (Cơm) rượu Tam Kỳ…
Quà đói bánh giò
Quà no bánh đúc
Tròn như mặt trăng
Đó là bánh xèo
Có cưới có cheo
Đó là bánh hỏi
Đi đứng mệt mỏi
Đó là bánh bò
Ăn không đặng no
Đó là bánh ít
Giống nhau như hệt
Đó là bánh in…
Thơm nồng cốm dẹp miền Tây
Bánh Phồng Sơn Đốc béo ngây mùi dừa
Châu Đốc cũng khéo không vừa
Bánh Phồng nếp rặt em chừa cho anh (Châu Đốc)
Mỹ Lồng bánh Tráng chọn qùa Bến Tre (Bến Tre)
RƯỢU TỪ LÚA GẠO
Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái, trong thời buổi mới dựng nước Văn Lang, cho dù đồ ăn của dân chưa đủ, người Việt đã lấy gạo làm rượu. Uống rượu đã đi vào văn hóa Việt Nam và là một truyền thống của dân tộc. Uống rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng trong những ngày Tết, các lễ hội cúng đình, cúng miễu, hội hè đình đám, lễ hội mừng lúa mới, cơm mới, đám cưới, đám hỏi. Người Việt Nam có tính hiếu khách. Mỗi khi có khách ở xa đến chơi chủ nhà làm một mâm rượu để đải khách. Những trang dưới đây ghi lại các ca dao, tục ngữ và dân ca về rượu và tập quán uống rượu ở Việt Nam.
Ngày xuân nâng chén, tôi chúc muôn nơi
Mừng anh nông dân cấy lúa thấm tươi
Người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
Chợ Thơm rượu đế một sành
Nếp Hương chưng cất ai đành làm ngơ
Rượu lưu li chân quỳ tay rót
Cha mẹ uống rồi nối gót theo anh
Đốt than nướng cá cho vàng
Lấy tiến mua rượu cho chàng uống chơi
Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người phương xa
Chén vui nhớ buổi hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau (Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phai không tiền không mua
Câu thơ viết đắng đo mới viết
Viết đưa ai ai biết mà đưa (Nguyễn Khuyến)
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Dưới đây là ca dao và dân ca về một số rượu nổi tiếng ở Việt Nam
Rạch Giá men rượu Đường Xuồng
Chuột nướng, cháo rắn cũng thường lai rai (Rạch Giá)
Rượu nào mà uống chẳng say
Cần Thơ đong rượu Cái Trâm trong ngần (Cần Thơ)
Mật ong, than đước Cà Mau
Rượu đế Chương Thiện đậm màu nếp than (Cà Mau)
Rượu ngon Bầu Đá mê li
Gặp nem chợ Huyện bỏ đi chang danh (Bình Định )
Em đem cất rượu hương quê
Gửi tình Bàu Đá đi về muôn nơi (Bình Định )
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhắm đà say (Quảng Nam)
MỘT VÀI TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bánh Trái Ngày Tết http://www.cadaotucngu.com/phorum/topic.asp?TOPIC_ID=854
2. http://e-cadao.com/Cadaochude/cadaobanh.htm
3. http://poem.tkaraoke.com/14115/Dac_San_Que_Em.html
4. Nguyễn Văn Ngưu 2001 The Vietnamese Rice Farmer. Pp 97-129 in VIETNAMOLOGICA, Montreal, Quebec, Canada
5. Nguyễn Văn Ngưu 2007 Nghành Sản Xuất Lúa Việt Nam - Nhìn Qua Lịch Sử, Văn Hóa Và Kỹ Thuật. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp. TP Hồ Chí Minh. 232 pp
6. Tìm Ca Dao Theo Các Tỉnh http://e-cadao.com/cadaocactinh.asp
7. Trần Văn Đạt 2003 Tiến Trình PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LÚA GẠO TẠI VIỆT NAM Từ Thời Nguyên Thủy Đến Hiện Đại. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp. TP Hồ Chí Minh. 315 pp
8. Văn Hóa Nông Nghiệp Qua Ca Dao Tục Ngữ. VĂN HÓA VIỆT. http://e-cadao.com/tieuluan/vanhoa/vanhoanongnghiep.htm
9. Vũ Ngọc Phan 1999 Tục Ngữ, Ca Dao, Dân Ca Việt Nam. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội. Hà Nội. 832 pp