24/12/2015
LÚA GẠO QUA VĂN HÓA DÂN GIAN:
CA DAO, TỤC NGỮ, VÀ DÂN CA
NGUYỄN VĂN NGƯU, PhD
|
PHẦN III: NHỮNG CÔNG VIỆC CỦA NGÀNH TRỒNG LÚA
Sản xuất lúa là một chuổi công việc khó khăn và đòi hỏi nhiều công sức. Để cây lúa sản xuất được nhiều hạt, nông dân phải chọn giống tốt, cày bừa tốt ruộng lúa, làm mạ, cấy lúa, bón phân và tác nước cho cây lúa, chống lụt lội và làm sạch cỏ trong ruộng lúa. Những trang dưới đây ghi lại các ca dao, tục ngữ và dân ca về các công việc trồng lúa.
Chọn Giống
Bước đầu tiên của công việc trồng lúa là chọn giống lúa để trồng. Nông dân có quan niệm rằng:
Tốt giống, tốt mạ
Tốt mạ, tốt lúa
Ở Việt Nam từ ngàn xưa đã có rất nhiều giống lúa. Chọn một giống tốt trong số các giống hiện có để trồng, do đó, rất là quan trọng. Nông dân chọn giống lúa theo nhiều tiêu chuẩn như mùa trồng, ruộng lúa, năng suất của giống, phẩm chất hạt gạo, ...v...v....
Tháng Năm cho chí tháng Mười
Năm Mười hai tháng em ngồi em suy
Mùa Chiêm thì cấy lúa Di
Mùa Mùa lúa Gié, sớm thì Ba Trăng
Thú quê rau cá đã từng
Gạo thơm cơm trắng chi bằng Tám Xoan
Ruộng anh cấy thóc dâu thóc tám
Trong năm nay vô hạn được mùa
Gặt xong sớm rồi đưa vào bịch
Hạt thóc khô chẳng khác gì vàng (Người Tày)
Cày Bừa
Trong những ngày tháng đầu mùa, nông dân lo sửa soạn ruộng lúa để có điều kiện thích hợp cho cây lúa sinh sống và phát triển. Ở các ruộng lúa nước nông dân cắt cỏ, đắp và sửa bờ ruộng đề giữ nước sau đó cày đất với độ sâu từ 15-20 cm và bừa để ruộng được bằng phẳng, có hệ thống thoát nước tốt và không đọng nước. Ở trên các ruộng lúa nương đất khô có độ dốc không cao nông dân cày/làm đất khi mùa mưa bắt đầu để tạo điều kiện cho đất hấp thụ nước mưa nhanh và giử nước mưa trên lớp đất mặt để cung cấp nước cho hạt lúa nẩy mầm và phát triển. Trong khi đó, nông dân trồng lúa rẫy trên các sườn núi thông thường không cày ruộng lúa rẫy. Những ca dao dưới đây nói về các khía cạnh của công việc cày bừa đất lúa.
Cơm kể ngày cày kể buổi
Đi cày ba vụ không đủ ăn ba ngày Tết
Cày cạn khoẻ trâu, cày sâu tốt lúa
Cày sâu làm đầu lúa tốt
Cày sâu bừa kép, lúa đẹp bông sây
Cày gãi bừa chùi, lúa thui thóc lép
Nhai kĩ no lâu, cày sâu tốt lúa
Cày sâu cuốc bẫm, thóc đầy lẫm khoai đầy bồ
Cày sưa bừa mệt
Cấy sớm hơn bừa trưa (Người Mường)
Cấy sáng cấy tối, gặp phải chân bừa dối toi ăn
Bừa lai rai sai mùa vụ (Người Mường)
Muốn ăn cơm phải bừa ruộng kỹ (Người Thái)
Đi cuốc đau tay đi cày mỏi gối
Gặp về đập sảy bõ công cấy cày.
Cấy sớm hơn bừa trưa (Người Mường)
Cấy sáng cấy tối, gặp phải chân bừa dối toi ăn
Cày ải hơn rải phân
Một cục đất ải bằng một bãi phân
Đất không ải, rải thêm phân
ải thâm không bằng dầm ngấu
Thứ nhất cày nỏ thứ nhì bỏ phân
Muốn cho lúa nãy bông to
Cày sâu bừa kỹ phân tro cho nhiều
Văn chương phú lục chẳng hay,
Trở về làng cũ, học cày cho xong
Anh ơi rượu uống thì say
Bỏ ruộng ai cày bỏ giống ai gieo
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu
Ai ơi cùng vợ cùng chồng
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa
Gổ Kiền anh để đóng cày
Gổ Lim, gổ Sến, anh nay đóng bừa
Răng bừa tám cái còn thưa
Lưởi cày tám tấc đã vừa luống to
Thứ nhất cày ải thứ nhì rải phân
Ải bở chồng con ở,
Ải sượng chồng con đi
Bữa qua em đi cấy bữa nay anh đi cày
Trời cho cày cấy đầy đồng,
Xứ nào xứ nấy trong lòng vui ghê
Muốn cho lúa nảy bông to
Cày sâu, bừa kỷ, phân tro cho nhiều
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Cho đầy bát cơm
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần
Trời mưa cho ướt lá cau
Đôi ta be bé rủ nhau đi bừa
Trời mưa cho ướt lá dừa
Đôi ta be bé đi bừa đồng trong
Mặt trời tang tảng rạng đông
Mình ơi! Thức dậy ra đồng kéo trưa
Phận hèn bao quản nắng mưa
Cày sâu bừa kỹ, được mùa có khi
Rủ nhau đi cấy đi cày,
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu.
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.
Trời cho cày cấy đầy đồng,
Xứ nào xứ nấy trong lòng vui ghê.
Một mai gặt lúa đem về,
Thờ cha kính mẹ nhiều bề hiếu trung.
Văn chương phú lục chẳng hay,
Trở về làng cũ, học cày cho xong.
Sớm ngày vác cuốc thăm đồng,
Hết nước thì lấy gàu sòng tát lên.
Hết mạ ta lại quảy thêm,
Hết lúa ta lại mang tiền đi đong.
Nữa mai lúa chín đầy đồng,
Làm Mạ và Cấy Lúa
Ngày xưa phần lớn nông dân trồng lúa nước thường cấy lúa. Trước khi cấy lúa nông dân phải làm mạ. Những ca dao dưới đây nói về các khía cạnh của công việc làm mạ.
Khoai đất lạ mạ đất quen
Tốt giống tốt mạ
Tốt mạ tốt lúa
Mạ Mùa nương cao, mạ Chiêm ao thấp
Mùa nứt nanh, Chiêm xanh đầu
Ướp dưa phải dằn đá, vãi mạ phải soạn trưa
Rét vừa tốt mạ (Người Thái)
Làm ruộng đợi mạ thì không tốt (Người Thái)
Tháng chạp cày vỡ ruộng ra
Tháng giêng làm mạ mưa sa đầy đồng
Ruộng chờ mạ ruộng kỹ càng tốt
Mạ chờ ruộng mạ muộn chẳng được hạt nào (Người Tày)
Mạ Chiêm ba tháng chưa già
Mạ Mùa tháng rưởi ắt là chẳng non
Người ta có vợ có có chồng
Ruộng cạn mạ úa trong lòng củng vui
Nhà chàng có một mình em
Ruộng cạn mạ úa em ngồi em lo
Mạ vàng cây lúa chóng xanh
Mạ úa cây lúa chóng xanh,
Gà dòng chóng đẻ sao anh hững hờ
Lễ thánh gánh mạ đi gieo
Lễ sinh nhật giật mạ đi cấy (Hà Nam Ninh)
Sau khi cây mạ hay cây lúa non đă đúng tuổi, nông dân nhổ những cây mạ từ nương mạ và đem chúng ra đồng để cấy. Công việc này được gọi là cấy lúa. Những ca dao dưới đây nói về các khía cạnh của công việc cấy lúa.
Cấy sớm hơn bừa trưa (Người Mường)
Cấy sáng cấy tối, gặp phải chân bừa dối toi ăn
Cấy sớm hơn bừa trưa (Người Mường)
Cấy sáng cấy tối, gặp phải chân bừa dối toi ăn
Chẳng cấy lấy đâu có thóc, chẳng học lấy đâu có chữ
Cấy bằng mặt, gặt bằng đầu
Cấy cạn đẻ nhiều là điều nhà nông
Gié thừa cấy nỏ, chiêm thừa bỏ đi
Vụ mùa cấy lúa cao, vụ chiêm cấy lúa trũng
Cấy bằng mắt gặt bằng đầu
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu
Ai ơi cùng vợ cùng chồng
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa
Trời cho cày cấy đầy đồng,
Xứ nào xứ nấy trong lòng vui ghê
Bắc trước sương giống một thì
Cấy trước Đông Chí vội gì mà lo (Nghệ An)
Xay lúa lấy gạo ăn mai
Bữa qua em đi cấy bữa nay anh đi cày
Lòng em đã quyết thi hành
Đi cấy đi gặt cùng anh một mùa
Tháng sáu gọi cấy rào rào
Tháng mười lúa chín mõ rao cấm đồng
Cấy tháng Chạp chân đạp không ra
Tháng chạp thì cấy cho sâu
Tháng sáu cấy nhảy mau mau mà về
Lúa Chiêm đào sâu chôn chặt
Lúa Mùa vừa đặt vừa ăn
Lúa Chiêm thì cấy cho sâu
Lúa Mùa thì gẩy cành dâu là vừa
Thợ cấy bạn với thợ cày
Để cho thợ mạ khóc ngày khóc đêm
Thợ cấy mà lấy thợ cày
Để cho thợ mạ khóc ngày khóc đêm
Ruộng người cày cấy xôn xao
Ruộng em bỏ cỏ mọc cao ngoài đồng
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa
Lòng em đã quyết thi hành
Đi cấy đi gặt cùng anh một mùa
Người ta đi cấy lấy công
Riêng tôi đi cấy, còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
Trông sao chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng, mới yên tấm lòng
Trời cho cày cấy đầy đồng
Xứ nào xứ nấy trong lòng vui ghê
Một mai gặt lúa đem về
Thờ cha kính mẹ nhiều bề hiếu trung
Sáng trời chàng mới tập binh
Em ngồi vò vỏ một mình em lo
Ruộng nương không ai cấy cho
Trâu bò hèn mọn em lo đường nào
Ngày xưa nông dân ngày xưa bỏ nhiều tâm sức để chọn ngày để cấy lúa. Nông dân theo giỏi trăng sao và thời tiết và có nhận xét rằng lúa Mùa phải được cấy trước tiết Lập Thu để khỏi bị mất mùa. Nông dân ngày xưa củng có kinh nghiệm rằng lúa Mùa có thể cấy vào thời gian giữa khi sao Tua Rua xuất hiện ra lần đầu và lần sao Tua Rua xuất hiện ra lần cuối.
Lập Thu mới cấy lúa Mùa
Khác gì hương khói lên chùa cầu con
Tua Rua thì mặc Tua Rua
Mạ già, ruộng ngấu, không thua bạn điền
Tua Rua một tháng mười ngày
Cấy tróc vũng cày củng được lúa xơi
Bao giờ nắng rữa bàng trôi
Tua Rua quật lại thì thôi cấy Mùa
Đất cát thì không giữ nước được lâu và trở nên khô cứng sau khi bừa. Do đó ở những ruộng lúa này cần cấy ngay sau khi bừa.
Trâu ra mạ vào
Ngày xa xưa phần lớn các giống lúa có thân cao, lá dài và dể đổ ngã. Khi cấy dày các giống lúa này đổ ngã trước khi lúa chín làm cho các hạt lúa, hạt thóc bị hư hại dẩn đến mất mùa. Do đó người nông dân nên cấy thưa
Cấy thưa thừa thóc
Cấy dày cóc được ăn
Thừa mạ thì bán, chớ có cấy dày ăn rơm
Sau khi có giống lúa thân thấp và kháng đổ ngã cao, nông dân cấy dày để có nhiều bông lúa và thóc.
Cho nhất hàng song
Cho đông hàng con
Cho tròn bụi lúa
Cấy dày thì tốn công và mất thì giờ. Các thợ cấy thường mặc cả tiền công cấy.
Trả ta đủ gao đủ tiền
Thì ta sẽ cấy cho vừa hàng song
Ví dù bớt gạo, bớt công
Thì ta cấy rộng cho xong ta về
Ngó lên đám cấy ông cai
Cấy thưa ông ghét cấy dày ông thương
Tôi về cấy ruộng quan điền
Bát gạo đã lớn quan tiền trao tay
Bón Phân
Cây lúa cũng như những cây hoa màu khác cần phân tro để tăng trưởng và sản xuất. Bón phân cho cây lúa do đó là một công việc của nông dân trồng lúa. Những ca dao dưới đây nói về tính quan trọng của công việc bón phân cho cây lúa.
Ruộng không phân như thân không của
Người đẹp nhờ lụa, lúa đẹp nhờ phân
Không nước không phân chuyên cần vô ích
Ruộng có phân như đụm có lúa (Người Mường)
Thứ nhất cày ải thứ nhì rải phân
Không nước không phân chuyên cần vô ích
Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống
Lúa xanh lúa đẹp bởi vì
Bón phân làm cỏ tôi thì gia tăng
Trước khi phân bón hóa học được quảng bá, nông dân bón phân chuồng, phân xanh cho cây lúa.
Thứ nhất phân ngấu, thứ nhì ngấu tươi
Mạ Chiêm không có bèo dâu
Khác nào như thề ăn trầu không vôi
Tưới Nước
Cây lúa cũng như những cây hoa màu khác cần nước để tăng trưởng và sản xuất. Ngày xưa khi chưa có nhiều hệ thống nước tưới tiêu, người nông dân tùy thuộc vào nước mưa để trồng lúa. Khi trời không mưa đều, nông dân tác nước cho cây lúa. Những ca dao dưới đây nói về các khía cạnh của công việc tác nước cho cây lúa.
Không nước không phân chuyên cần vô ích
Phân tro không bằng no nước
Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống
Một lượt tát một bát cơm
Mây kéo ngược chẳng có nước mà uống
Mây kéo xuống chẳng có ruộng mà cấy (Người Mường)
Lúa khô cạn nước ai ơi
Rủ nhau tát nước, chờ trời còn lâu
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Cho đầy bát cơm
Ngày xưa, nông dân chế tạo những chiếc gàu giai, gàu sòng, xe đạp nước, và bánh xe lấy nước để tưới nước cho ruộng lúa.
Ngày ngày vác cuốc thăm đồng
Nước hết thì lấy gàu sòng tác lên
Cao bờ thì tát gàu dai,
Gàu sòng chỉ tác được nơi thấp bờ
Hỡi cô tác nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Hôm qua trăng sáng tờ mờ
Em đi tác nước tình cờ gặp anh
Sớm ngày vác cuốc thăm đồng,
Hết nước thì lấy gàu sòng tác lên
Hôm qua tác nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em lượm thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy sang khâu cho dùm
Khâu rồi anh sẽ trả công
Mai mốt lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo
Nắng lâu khô cả ruộng đồng
Toàn dân chống hạn một lòng thi đua
Rủ nhau đắp đập be bờ
Đào mương tác nước cho mùa tốt tươi
Đừng nên trông đợi ở trời
Hãy tin vào sức con người lớn lao
Ùm ùm tác nước gàu gai
Ruộng cao ta lại tác hai gàu sòng
Bà con trong xóm đổi công
Đêm đêm tác nước ngoài đồng vui ghê
Hôm qua cây lúa còn se
Ngày mai nước chảy tràn về lúa tươi
Cho hay muôn sự tại người
Người mà quyết chí thì trời củng thua
Cánh ruộng tơ chớ cho râm cỏ
Ngày cùng đêm nước đổ cho đều
Giữ mực nước chớ cao hơn lúa
Nếp cùng tẻ thừa mức thóc ăn (Người Tày)
Công anh làm rễ đã hai năm ròng
Nhà em lắm ruộng, lắm đồng
Bắt anh tác nước, cực lòng anh thay
Tháng Chín mưa bụi gió bay
Cất đi gầu nước, hai tay rụng rời
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai giãi nắng dầm sương
Nhớ ai tác nước bên đường hôm nao
Cấy xong rồi mới trở về nghĩ ngơi
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi
Nước ruộng vơi mười còn độ một hai
Ruộng thấp đóng một gàu giai
Ruộng cao thì phai đóng hai gàu sòng
Chống Lụt
Lụt lội là một hạn chế lớn của công việc sản xuất lúa. Lụt lội phá hoại cây lúa, nhất là sau khi cây lúa đã trổ bông. Nông dân, do đó cọng tác để chống lụt.
Nước lụt thì lụt cả làng
Đắp đê chống lụt thiếp chàng cùng lo
Hai thôn chung một con sông
Mổi thôn có một cánh đồng phì nhiêu
Phòng khi nước lũ mưa nhiều
Hỏi thăm thôn ấy đê điều ra sao
Bờ thấp cho chí bờ cao
Cổng cừ sửa chửa khi nào thì xong
Phạt Bờ, Cuốc Góc, Làm Cỏ
Cỏ dại cạnh tranh với cây lúa và làm giảm năng suất của cây lúa. Nông dân do đó làm cỏ ruộng lúa. Họ cũng làm các công việc khác như bê đấp bờ ruộng. Những ca dao dưới đây nói về các khía cạnh của công việc làm cỏ và các công việc khác.
Thóc gạo đầy bồ cũng nhờ anh phạt bờ cuốc góc
Cày cấy, bón phân phải kể anh phạt bờ cuốc gốc
Gánh phân làm cỏ, chẳng bỏ đi đâu
Một búi cỏ, một giỏ thóc
Một lượt cỏ, một giỏ thóc
Công cấy thì bỏ, công làm cỏ thì ăn (Quảng Trị)
Lúa xanh lúa đẹp bởi vì
Bón phân làm cỏ tôi thì gia tăng
Bao giờ cho đến tháng Hai
Con gái làm cỏ con trai be bờ
Làm ruộng thì phải đắp đìa/ bờ
Vừa dễ giữ nước, khi về dễ đi
MỘT VÀI TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bánh Trái Ngày Tết http://www.cadaotucngu.com/phorum/topic.asp?TOPIC_ID=854
2. http://e-cadao.com/Cadaochude/cadaobanh.htm
3. http://poem.tkaraoke.com/14115/Dac_San_Que_Em.html
4. Nguyễn Văn Ngưu 2001 The Vietnamese Rice Farmer. Pp 97-129 in VIETNAMOLOGICA, Montreal, Quebec, Canada
5. Nguyễn Văn Ngưu 2007 Nghành Sản Xuất Lúa Việt Nam - Nhìn Qua Lịch Sử, Văn Hóa Và Kỹ Thuật. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp. TP Hồ Chí Minh. 232 pp
6. Tìm Ca Dao Theo Các Tỉnh http://e-cadao.com/cadaocactinh.asp
7. Trần Văn Đạt 2003 Tiến Trình PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LÚA GẠO TẠI VIỆT NAM Từ Thời Nguyên Thủy Đến Hiện Đại. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp. TP Hồ Chí Minh. 315 pp
8. Văn Hóa Nông Nghiệp Qua Ca Dao Tục Ngữ. VĂN HÓA VIỆT. http://e-cadao.com/tieuluan/vanhoa/vanhoanongnghiep.htm
9. Vũ Ngọc Phan 1999 Tục Ngữ, Ca Dao, Dân Ca Việt Nam. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội. Hà Nội. 832 pp