23/7/2015
Bệnh Ho Gà
Y học thường thức – Bác Sĩ Trần Văn Diên
|
Tại sao có danh từ bệnh ho gà? Bởi vì khi mắc bệnh này thì khi ho nhiều không đủ thời giờ hít hơi vào, nên bệnh nhân là trẻ em thường cố sức hít mạnh sau cơn ho kéo không khí vào nhanh qua đường hô hấp có nhiều chất nhầy tạo nên một âm thanh rít lên như tiếng gà gáy nên quen gọi là bệnh ho gà.
Bệnh ho gà, tiếng Anh: Whooping cough, là một trong các bệnh rất hay lây kéo theo số người đến cõi thiên thai. Hiện nay có thuốc chủng ngừa cho bệnh này. Mỗi năm có khoảng 30-50 triệu bệnh nhân ho gà và 300 ngàn phải ngủm cù nèo, theo thống kê WHO: Đa số theo ông bà ở trẻ dưới 1 tuổi. Hơn 90% căn bệnh xảy ra tại các nước chậm phát triển.
Bệnh do vi trùng Bordetella pertussis gây ra; một chứng ho tương tự nhưng nhẹ hơn là do vi trùng Bordetella parapertussis. Từ thời thế kỷ 12, y khoa đã mô tả chứng bệnh ho gà nầy rồi, năm 1578 vị bác sĩ Guillaume De Baillou tại trường đại học Paris nước Pháp đã ghi nhận tường tận về triệu chứng bệnh ho gà rõ ràng hơn.
Vi trùng Bordetella pertussis được hai nhà vi trùng học là Jules Bordet và Octave Gengou làm việc tại viện Pasteur ở Paris nước Pháp tìm ra năm 1906 và sau đó họ bào chế được thuốc chủng ngừa cho bệnh ho gà. Mãi đến năm 2002, toàn bộ gene của siêu vi khuẩn Bordetella pertussis gồm 4.086.186 cặp base mới được những nhà vi trùng học xác định được trong phòng thí nghiệm.
Sau 7-10 ngày ủ bệnh, trẻ em bị bệnh ho gà thường nhảy mũi, ho nhẹ rồi nước mũi chảy ra nhiều. Một hai tuần sau, ho nhiều, dài hơn, và đến thành từng cơn ho sặc sụa. Vì ho nhiều không đủ thời giờ hít hơi vào, trẻ thường ráng hít mạnh sau cơn ho, không khí vào nhanh, qua đường hô hấp có nhiều chất nhấy tạo âm thanh rít như tiếng rú cổ của gà. Cơn ho dữ dội và lâu sẽ làm trẻ nôn ói, mệt và dần dần khó thở có khi làm nghẹt thở. Sau khi nôn ói nhiều quá khiến trẻ dễ bị thiếu dinh dưỡng. Cơn ho có thể tự phát hay do cười, nói, ngáp. Sau 1-2 tháng, cơn ho bớt dần và sức khoẻ được hồi phục lành bệnh.
Bệnh ho gà có thể làm bệnh nhân suy yếu và dễ bị biến chứng như thiếu dinh dưỡng, viêm phổi, viêm não, tăng áp huyết máu cấp thời trong hai buồng phổi, là dịp cho vi trùng khác xâm nhập gây nên nhiều bệnh khác nguy hiếm cho cơ thể. Kháng thể chống bệnh ho gà thiếu hiệu lực vĩnh viễn, nên nhiều khi lại bị bệnh ho gà thêm lần nữa sau đó. Thuốc chủng ngừa cho bệnh ho gà cũng không có hiệu lực lâu dài. Phần lớn những người lớn bị bệnh ho gà đã từng có tiêm chủng phòng ngừa bệnh này khi còn bé. Tuy những người này có thể triệu chứng không nặng, họ vẫn lây truyền bệnh cho người thiếu miễn nhiễm chung quanh. Vi trùng gây bệnh ho gà có nhiều trong nước mũi hay miệng của bệnh nhân, tung ra ngoài khi ho hay nhảy mũi và theo không khí bay vào hệ hô hấp của người khác. Vì trong thời gian đầu triệu chứng bệnh ho gà không khác với những chứng bệnh cảm thông thường, bệnh ho gà tiếp tục lây bệnh trong sinh hoạt thường ngày.
Bệnh nhân đến khám bệnh khi ho nhiều tuần lễ không khỏi. Ở trẻ em, cha mẹ lo ngại vì trẻ ho lâu, khó thở kèm theo hiện tượng sụt cân. Một số trẻ bị bệnh ho gà liên tục đến độ mệt xỉu, thiếu dinh dưỡng, thiếu nước, nên cần đến bệnh viện cấp cứu để truyền dung dịch đường vào máu cung cấp năng lượng ngay cho cơ thể.
Phương pháp chẩn đoán dựa vào phương pháp xét nghiệm PCR nước dãi hút lấy từ sau mũi họng. Vì vi trùng ho gà chỉ có trong cơ thể trong 3 tuần lễ đầu tiên của bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân ho lâu ngày, cần xét nghiệm máu để xem sự hiện diện kháng thể chống chọi với bệnh ho gà đã hiện diện trong máu.
Bệnh nhân ho gà được tị bằng thuốc kháng sinh erythromycin, azithromycin, co-trimoxazole từ 3-4 tuần sau khi nhiễm bệnh. Những người gần gũi với người bệnh trong gia đình, làm việc chung... cần uống thuốc kháng sinh ngay để phòng ngừa hiệu quả nhất trong một hai tuần khi mới nhiễm bệnh có thể tránh được các triệu chứng nặng của bệnh ho gà lây truyền sang.
Thuốc chủng ngừa cho vi trùng Bordetella pertussis được bào chế lần đầu tiên vào năm 1926 do bác sĩ Louis W. Sauer, người Hoa Kỳ ở Chicago thuộc tiểu bang Illinois thuộc miền trung tâm USA. Tuy nhiên, miễn nhiễm bệnh ho gà không được lâu dài như những thuốc chủng ngừa của những bệnh khác. Do đó các cơ quan chủng ngừa đề nghị tiêm chủng trẻ em càng sớm càng tốt, và tiêm nhiều đợt từ 2 tháng đến 15 tuổi.
BS Trần Văn Diên, Texas USA ngày 18/07/2015
Học sinh Công Thôn 1970-73 NLS Cần Thơ