30/4/2015
Phần cuối
9. Nước và phát triển bền vững . Nước đóng góp rất lớn vào mọi khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là nước ngọt vì từ nông nghiệp đến kỹ nghệ đều cần loại nước này: tưới cây, chế biến trong kỹ nghệ thực phẩm, sản xuất trong hầm mỏ, kỹ nghệ giấy . Thiếu nước sẽ làm tê liệt các ngành hoạt động trên . Sự gia tăng dân số, sự phát triển kỹ nghệ sẽ ngày càng tác động mạnh đến môi trường nước (dân số tăng lên một lần, nhu cầu nước tăng lên ba lần), do đó tài nguyên nước phải cung ứng nhiều hơn cho dân số tăng không những về lượng mà còn về phẩm. Muốn thế, phải tăng sự tái chế biến nước (water reycling) và tiết kiệm tài nguyên này, nghĩa là không xài phung phí nước. Nước tái chế biến là nước thải trong các ống cống nhưng đã được xử lý vứt bỏ các chất cứng và vài chất dơ để dùng lại trong tưới cây, tưới vườn, tưới sân golf, xe chữa lửa v.v. Tiết kiệm nước có thể là theo tuần tự: rửa mặt- giặt giũ- rửa chân tay, cuối cùng mới dùng cho nhà vệ sinh. Từ đó lượng nước sử dụng đã giảm một nửa. Tiết kiệm nước tưới trong nông nghiệp như sử dụng nước nhỏ giọt (drip irrigation), tưới đúng chỗ, đúng kỳ, như tráng xi măng trên các mương dẫn nước, như vậy vừa bớt hư hao nước, vừa bớt cỏ dại ven mương Một công nghệ tái chế biến nước càng ngày càng ứng dụng (như ở thành phố Luân Đôn và Singapour ) là thẩm thấu ngược(reverse osmosis). Thẩm thấu là một hiện tượng tự nhiên: nước bao giờ cũng chuyển dịch từ nơi có nồng độ muối khoáng thấp đến nơi có nồng độ cao hơn và quá trình diễn ra đến khi nồng độ muối khoáng từ 2 nơi này cân bằng. Trong thẩm thấu ngược, người ta phải dùng một áp lực đủ để đẩy ngược nước từ nơi có hàm lượng muối cao ‘thấm’ qua một loại màng đặc biệt để đến nơi có ít muối khoáng hơn.
Ngoài ra, bảo vệ tài nguyên nước cũng bao hàm phải chú trọng các vùng núi non hiểm trở vì chính các vùng này là nguồn phát sinh ra nước của dòng sông: đó là những tháp nước đưa nước về miền hạ lưu . Bảo vệ như không phá rừng đầu nguồn mà trái lại lo làm giàu thêm như tổ chức du lịch sinh thái, bảo tồn đất đai chống xói lở, giúp phát triển kinh tế các bộ tộc sinh sống . Cũng cần lưu ý là xử lý ô nhiễm phải làm trên toàn lưu vực một dòng sông vì nếu chỉ thực hiện chống ô nhiễm nước thải các nhà máy ở hạ nguồn mà trên thượng nguồn, nước ô nhiễm vẫn chảy về thì xem như vô ích.
Để tóm lược, nước là một tài nguyên con người phải trân quý, không để các dòng sông từ từ chết mòn, chết dần với các ô nhiễm vì ô nhiễm nước sẽ gây tác hại đến tuổi thọ loài người. Ngoài an ninh lương thực, ta còn phải chú ý đến an ninh nguồn nước sinh hoạt, vì về lâu về dài, dân số đông, nhu cầu nước nhiều, nếu không kiểm soát được ô nhiễm nước thì sẽ gây gánh nặng y tế như ung thư, dịch tả v.v.
10 . Tuyên ngôn về nước
Như trên đã viết, nước ngọt đóng nhiều vai trò cực kỳ quan trọng trong sinh hoạt, trong an ninh lương thực, trong sản xuất kinh tế . Tuy nhiên nhiều dấu hiệu cho thấy nước ngọt càng ngày càng hiếm có thể vì nhiều nguyên nhân: dân só tăng, thất thoát nước trong đường chuyển vận, ô nhiễm nước, hạn hán và sa mạc hoá, nước mặn xâm nhập, phá rừng, nước ngầm tụt sâu do khai thác nước giếng quá mức .Thực vậy, vài con số cho thấy vài vấn nạn của tài nguyên nước trên thế giới ngày nay:
* Hơn 1/6 dân số toàn cầu thiếu nước sinh hoạt. Phụ nữ nhất là ở Châu Phi phải đội các bình nước đi bộ hàng cây số lấy nước nên không thể tham gia vào công việc nông nghiệp, kéo thêm nạn nghèo đói .
* 2,5 tỉ người, gồm gần 1 tỉ trẻ em, sống mà không có những điều kiện vệ sinh cơ bản, cứ 20 giây thì có một trẻ chết vì vệ sinh kém, nhất là do bệnh dịch tả.
* Ở các nước đang phát triển, 70% chất thải công nghiệp đổ thẳng vào nguồn nước không qua xử lý.
* Mỗi ngày, một người cần 2-4 lít nước để uống nhưng cần 2.000-5.000 lít nước để sản xuất ra thực phẩm hằng ngày cho một người.
* Vào năm 2025, 1,8 tỉ người sẽ sống ở các quốc gia và các khu vực hoàn toàn thiếu nước, 2/3 dân số thế giới sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng vì thiếu nước.
* Tiêu thụ nước không đồng đều tùy theo mức phát triển: 3000 m3/dân/năm ở các xứ Âu Ch âu; 10 000m3/dân/năm ở Hoa Kỳ; 200m3/dân/năm ở các xứ đang mở mang như Ethiopie, Angola
Riccardo Petrella, một nhà xã hội học người Ý cùng với một số thức giả khác thường được nhiều người gọi là nhóm Lisbonne (Portugal) đã ra một Tuyên Ngôn về Nước (water manifesto) trong đó minh xác nước không phải là món hàng trao đổi được mà là một di sản chung của nhân loại. Tuyên ngôn cho rằng quyền tiếp cận với nước ngọt và sạch là một quyền cơ bản của con người . Không phải người giàu có tiền mà có thể hưởng thụ tài nguyên nước nhiều hơn người nghèo. Nông nghiệp, kỹ nghệ, sinh hoạt hàng ngày đều dựa vào nước . Tuyên ngôn minh xác nước là một chất không thể thay thế được nên mọi người và mỗi người đều có quyền cơ bản có nước uống cả phẩm lẫn lượng cần thiết cho cuộc sống và mọi công dân trên thế giới đều có nghĩa vụ hợp táctrong quản lý tài nguyên nước, tôn trọng quyền các thế hệ tiếp nối giữ gìn di sản chung.
11. Vài đại lượng cần biết trong thủy lợi
Tài nguyên nước bao gồm cả nước mặt do mưa rơi xuống sông, suối, ao hồ và nước ngầm. Nước ngầm cũng phụ thuộc vào lượng nước mưa rơi và tính chất thấm nước của đất đá .
Thủy lợi là khoa học tổng hợp nhằm đánh giá, khai thác sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước và bao gồm đánh giá và quy hoạch nguồn nước; khảo sát và thiết kế, xây dựng công trình; quản lý lưu vực; chỉnh trị sông, bờ biển.
Thủy văn (hydrologie ) là lĩnh vực nghiên cứu khoa học về nước thông qua quan trắc, phân tích và công thức hoá . Cũng là khoa học ứng dụng nhằm điều khiển và sử dụng nước. Chế độ thủy văn dao động theo mùa về mực nước, về dòng chảy, về thành phần và nồng độ các chất hoà tan, sự thay đổi lòng sông.
Bốc thoát hơi nước là lượng nước bốc hơi từ mặt đất và thoát hơi từ câỵ Do giá trị thực tế của lượng hơi nước bốc ra từ đất và từ cây rất khác nhau, tùy theo tính chất đất, hàm lượng nước, thảm cây che phủ đất nên các nhà khoa học đề nghị một lượng bốc thoát hơi nước tiềm tàng (évapotranspiration potentielle) để dễ so sánh. Bốc thoát hơi nước tiềm tàng là lượng nước tối đa thoát ra từ một thảm thực vật thấp và dày đặc đồng đều không bị hạn chế và bốc hơi từ đất lên, khi lượng nước cung cấp hoàn toàn bảo đảm trong những điều kiện khí hậu thổ nhưỡng nhất định.
Lưu vực sông (bassin versant; watershed) là vùng lãnh thổ mà sông nhận được nước nuôi dưỡng. Có vài sông lưu vực lớn ở Viet Nam như sông Mekong, sông Hồng v.v. Trong thủy lợi, diện tích lưu vực sông được tính từ nguồn đến vị trí công trình tính toán.. Ví dụ: sông Đà có diện tích lưu vực là 52 900 km2, nhưng sông Đà ở Hoà Bình thì lưu vực là 51 800 km2.
Đoạt giang (river piracy). Đầu nguồn một dòng sông có thể do xói mòn lùi ngược và đoạt nước thượng nguồn của một dòng sông thuộc lưu vực khác. Một vài sông miền Trung đã do xói mòn vào đường phân nước nên đã ăn vào phần thượng nguồn dòng sông lưu vực bên Lào .
Lưu lượng dòng sông (débit )
Lưu lượng nước là lượng nước chảy qua một mặt cắt ngang của lòng dẫn hoặc ống dẫn trong một đơn vị thời gian một giây. Đơn vị tính thường là m3/sec hay lit/sec.
Lưu lượng biến thiên theo thời gian:
Mùa lủ muộn dần từ Thanh Hoá đến Phan Thiết.
Mùa lũ ở Sông Chu : tháng 6- 10; sông Cả: tháng 8 -11; sông Gianh : tháng 9- 11. Từ Thừa Thiên đến Khánh Hoà: từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau. Từ Phan Rang đến Hàm Tân (Bình Tuy/Bình Thuận), mùa lũ xuất hiện tháng 7- 12
Lưu lượng lớn nhất của con lũ phụ thuộc chủ yếu vào cường độ, thời gian mưa và đặc tính lưu vực.
Mùa cạn là lúc lưu lượng dòng chảy thấp, giảm đến đáng kể. Nhiều dòng sông nhỏ có thể lội qua được. Sông Chu có mùa cạn từ tháng 11 đến tháng 5; sông Cả từ tháng 12 đến tháng 7; sông Gianh từ tháng 12 đến tháng 8. Từ Huế vào, mùa cạn từ tháng 2 đến tháng 8.
Nhiều tỉnh miền bắc Trung Việt như Thanh, Nghệ, Tỉnh, Bình, Trị bị thêm gió Lào nóng thổi từng cơn ác liệt vì hiện tượng foehn , sự bốc thoát hơi của đất và của cây rất mạnh; có khi hạn hán kéo dài không trồng hoa màu được ; nhiều hồ thủy điện bị khô nước.
Mật độ lưới sông là tỉ số giữa tổng số độ dài của tất cả sông suối trong hệ thống sông trên diện tích lưu vực. Trong khi miền Châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, kinh rạch sông ngòi chằng chịt, mật độ lưới sông rất dày (2 -4 km/km2) thì miền Trung, mật độ lưới sông thấp hơn (1.5 - 2 km/km2). Riêng các vùng có đá vôi như Phong Nha, Kẻ Bàng ở Quảng Bình thì mật độ rất thưa (0.3- 0.5 km /km2) vì đá vôi dễ thấm nưóc. Mật độ lưới sông vùng Phan Rang, Phan Thiết cũng thưa thớt vì lưu vực mưa ít và bốc hơi nhiều.
Hệ số dòng chảy là tỉ số giữa lớp dòng chảy (mm) và lớp nước mưa rơi trên lưu vực (mm) tạo nên lượng dòng chảy đó.
Hệ số sử dụng nước là tỉ số giữa lượng nưóc thực sự sử dụng và lượng nước được cung cấp. Hệ số này phản ánh tình hình mất nước trong qúa trình sủ dụng. Trong một hệ thống tưới ruộng thì hệ số này cho thấy tình hình mất nước từ nguồn tới ruộng như tổn thất do ngấm, bốc hơi, rò rỉ qua các bờ kênh. Thường hệ số này từ 0.5 đến 0.8. Muốn tránh rò rĩ trên kinh tưới, nhiều nơi dùng giải pháp bê tông hoá hoặc plastic hoá các kinh
Hệ số thấm là tốc độ thấm nưóc vào đất
Hệ số tưới là lượng nước tưới cho một đơn vị diện tích cây trồng trong một đơn vị thời gian. Tính bằng l/sec/ha. Ví dụ trên lúa là 1 lit/sec/ha, nhưng trên bắp thì chỉ 0. 7 l/sec/ha.
Hệ số nhám. Trong kinh dẫn nước có thể có thực vật phát triển, tăng độ gồ ghề của bề mặt, ảnh hưởng đến dòng chảy.
Mođun dòng chảy là lưu lượng nước sinh ra trung bình trên một đơn vị diện tích lưu vực trong một giâỵ. Tính ra là lít/sec/km2.
Mođun dòng chảy năm lớn nhất đạt tới 70- 80lít/sec/km2 tại lưu vực sông Tả Trạch (sông Hương) và nhỏ nhất chỉ có 5-10 lít/sec/km2 tại lưu vực song Lủy Phan Thiết. Môđun dòng chảy đỉnh lũ có thể đạt 20-30 m3/sec/km2.
Dòng chảy bùn cát, còn gọi là dòng chảy rắn là lượng bùn cát do dòng nước vận chuyển trong lòng sông qua một mặt cắt nào đó, trong một khoảng thời gian nhất định như ngày, tháng, năm.. Sông Hồng và sông Cửu Long có dòng chảy bùn cát nhiều phù sa lơ lửng rất lớn.
Kênh dẫn nước đưa nước từ công trình đầu mối (đập, hồ, nhánh sông v.v.) về phân phối cho hệ thống kênh điều tiết nước mặt ruộng, còn kênh tiêu (canal de drainage) dẫn nước thừa trên ruộng ra sông hoặc ra khu chứa nước tiêu.
Tưới nước có nhiều phương pháp:
Tưới ngập (submersion irrigation) tạo một lớp nước trên ruộng như trồng lúa . Đòi hỏi phải san bằng đất và đắp nhiều bờ để giữ nước
Tưới rãnh (furrow irrigation) hoặc tưới thấm: đưa nước chảy theo rãnh để nước thấm vào đất theo chiều ngang, giữ được đất thông khí và xốp. Ứng dụng cho bắp đậu trồng theo hàng
Tưới nhỏ giọt (drip irrigation): cung cấp nước từng giọt trực tiếp vào gốc cây . Nước tưới được lọc sạch cặn nếu không lỗ bị bít. Lưu lượng tưới rất nhỏ (thường chỉ vài lít trong một giờ) vừa đủ thấm vào đất
Tưới phun (Sprinkler irrgation): dùng máy bơm hút nước và phun lên thành hạt nhỏ như mưa . Ưu điểm là không cần đắp bờ, san bằng đất khi tưới nhưng khuyết điểm là tăng bốc hơi, tăng ẩm độ không khí có thể tạo điều kiện cho bệnh thảo mộc và ngoài ra, thiết bị bơm đắt tiền
12. Các vấn nạn những dòng sông
Dòng sông vốn là một tài nguyên qúy giá nhưng gặp các vấn nạn sau đây :
12.1 Lũ lụt
Vì các dòng sông miền Trung không dài, độ dốc núi non rất lớn, đồi núi trọc, không cây che phủ nên nước mưa, vốn tập trung vào vài tháng trong năm, dễ gây ra lụt, nhất là từ Thanh Hoá đến Quảng Nam. Rừng bị phá hại đã làm các qúa trình địa mạo tiêu cực như xói mòn, rửa trôi, trượt lở đất xảy ra nhanh chóng .
Rừng có ảnh hưởng đến các yếu tố thủy văn trong lưu vực: rừng hạn chế dòng chảy mặt, chuyển nước mặt thành nước ngầm, nhờ vậy có tác dụng điều tiết nguồn nước sông suối Rừng bảo vệ đất trên các triền lưu vực, giúp chống xói mòn. Những lưu vực có rừng che phủ thì độ ẩm không khí tăng cao, làm tăng lượng nước rơi địa hình. Chính nhờ các khả năng điều tiết to lớn như vậy của rừng nên sự phá rừng bừa bãi trên lưu vực đã dẫn đến những kết qủa tai hại như lũ lụt xảy ra, hạn hạn tiếp diễn, xói mòn triền dốc, đem theo cả sỏi đá lẫn cát bùn làm nhiều hồ chứa nước dễ bị bít và cạn, phải nạo vét định kỳ.
12.2 Hạn hán. Cũng vì phá rừng nên lượng mưa chảy tràn trên mặt (runoff) nhiều hơn lượng nước mưa thấm vào đất. Gặp mùa nắng kéo dài hoặc khi mùa mưa kết thúc sớm, lưu lượng trên sông giảm dần nên nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt.
12.3 Mặn hoá
Do bùng nổ dân số, sinh đẻ búa xua không kiểm soát, các đồng bằng miền Trung có diện tích đất trồng trọt được càng ngày càng nhỏ nên phải tận dụng thâm canh vào mùa khô, do đó phải bơm nước tưới ruộng, làm nước nhiễm mặn càng xâm nhập sâu. Do bơm nước, mực nước hạ thấp, cường độ thấm nước từ các sông tăng lên, làm nước mặn ngoài biển lấn vào.Vào cuối mùa nắng, khi dòng chảy của sông ngòi nhỏ nhất thì độ mặn lên xa trên mọi dòng sông miền Trung, gây khó khăn cho dân chúng về nước uống cũng như về tưới hoa màu. Cũng có chỗ hệ thống đê ngăn mặn bị vỡ khiến nhiều ruộng bị mặn, không trồng trọt được.
12.4 Sạt lở bờ sông . Sự khai thác bừa bãi càng ngày càng nhiều các tài nguyên như cát, sỏi, vật liệu xây dựng trên các dòng sông để xây cất trong qúa trình đô thị hoá cũng như xây kè lấn ra bờ sông làm thay đổi dòng chảy hiện có, thay đổi cấu trúc/kết cấu/ địa mạo dòng sông, gây nhiều vực sâu, đưa đến tình trạng sạt lở về lâu dài, như tình trạng các dòng sông như Thu Bồn, Trà Khúc v.v. khiến nhiều gia đình sống mấp mé bên các triền sông phải di dời hàng năm.
12.5 Bùn cát lơ lửng : nếu nhiều trong dòng nước thì các hồ chứa bị bồi đầy nhanh chóng. Sự phá rừng trên thượng nguồn làm bào mòn lưu vực và do đó, lượng phù sa lắng đọng sẽ tăng cao lòng sông và làm giảm sự thoát lũ. Sông Hương chảy qua thành phố Huế là một ví dụ điển hình: bùn cát làm dòng sông đục ngàu, không còn xanh trong như xưa.
12.6 Thủy triều và sóng lớn . Các rừng ngập mặn bị phá để làm đìa nuôi tôm, nên các làng duyên hải càng bị gió ngoài khơi thổi mạnh, không có hàng rào thực vật thiên nhiên chống đỡ, nên triều cường và sóng lớn lấn sâu vào đất liền; nhiều đìa nuôi tôm, nhièu ao nuôi cá cuốn trôi ra biển. Triều cường làm nhiều vùng thấp bị ngập hư hại và làm các đê bao, đê ngăn mặn bị phá hủy . Khi thủy triều vào trong sông, độ mặn lan truyền, khuyếch tán. Dưới tác dụng của dòng triều, nước biển xâm nhập vào sông, đi về hướng thượng nguồn. Chiều dài xâm nhập phụ thuộc vào cường độ của dòng triều và lượng nước trên thượng lưu đổ về.
12.7 Ô nhiễm nước
Nếu xưa kia, nước quan trọng thì ngày nay, nước lại càng quan trọng hơn. Lý do chính là do áp lực dân số, tạo nên nhu cầu nước. Kỹ nghệ phát triển, đô thị phát triển, dân số phát triển kéo theo nhiều phế thải và nhiều ô nhiễm; nhưng vì mọi ô nhiễm dù là từ đất (bãi rác rò rĩ, thuốc sát trùng, phân bón ), dù là từ không khí (từ các khu kỹ nghệ, từ khói xe) nhưng cuối cùng rồi cũng phải chảy về chỗ thấp, nghĩa là vào nước.Tóm lại, nước không những phải nhiều cho một dân số càng ngày càng tăng (Việt Nam nay đã 80 triệu dân) mà còn phải sạch để bảo đảm sức khoẻ. Nước mà dơ bẩn thì vô hình gây ra một gánh nặng cho nền y tế. Đặc biệt, trên các dòng sông miền Trung, có nhiều vạn đò sống trên sông và sử dụng trực tiếp nước sông nên dịch bệnh là một ám ảnh thường xuyên .Thực vậy, phần lớn phân người từ các đô thị đi thẳng vào sông ngòi mà không được xử lý. Rác rến đổ thẳng vào sông, nhiều dòng sông trở nên dơ bẩn, hôi hám và lại lấy nước đó để giặt giũ !
13. Quản trị các lưu vực
Mọi vấn nạn trên đều có tương quan với nhau. Mùa mưa, nước lụt cuốn trôi nhà cửa ruộng vườn vì mưa lũ nhiều do rừng đầu nguồn bị phá; mùa nắng thì do bơm nước nhiều qúa sự luân lưu của dòng chảy (nước mặt và nước ngầm ) nên nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa.
Muốn giải quyết các vấn nạn trên, sự quản trị đồng bộ của lưu vực đòi hỏi những biện pháp tổng hợp :
-trồng rừng ở đầu nguồn để chuyển một phần nước mặt thành nước ngầm nhằm hạn chế nưóc lũ dồn về hạ lưu qúa nhanh, kéo dài thời gian truyền lũ. Rừng cây giúp giảm tốc độ dòng chảy, giảm lượng nước chảy tràn bề mặt và lượng đất bị xói mòn.
Sự phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên rừng không loại trừ lẫn nhau; đúng hơn, chúng phụ thuộc và hỗ trợ cho nhau . Tài nguyên rừng bảo vệ tài nguyên nước và nhờ tài nguyên nước, mới có những đập thủy điện nhỏ trên các vùng núi non, giúp nông dân thôn bản có thể giải trí nhờ truyền hình, giúp xay lúa, chà gạo, giải phóng phụ nữ khỏi các việc nặng nhọc lam lũ.
-xây dựng các hồ chứa đầu nguồn để tích nước nhằm giảm mức độ của lũ. Các công trình giữ nước trên núi hay vùng gò đồi giúp điều tiết lượng nước. Có thể nuôi cá trên các hồ được đào theo hệ thống hồ bậc thang có phun nước, nhận nước và xả nước. Trên các suối, xây đập , làm hệ thống nước chảy tự động từ suối vào vườn để tưới cây trồng.
-xây dựng các đập tức là những công trình chắn ngang dòng chảy, ngăn nước hoặc tạo thành hồ chứa để điều tiết lưu lượng, bớt được lũ lụt ở hạ lưu vào mùa mưa, bổ sung nguồn nước vào mùa nắng để tưới ruộng, cấp nước sinh hoạt, cải tạo môi trường đầm phá, tạo đầu nước phát thủy điện.
-phân một phần lưu lượng lũ của sông chính vào sông nhánh.
Và lồng ghép vào chương trình trên phải là một chuơng trình điều hoà dân số,- chú trọng vào chất lượng hơn là số lượng dân-, cũng giúp cải thiện môi trường sống, vì có sự liên hệ chặt chẽ giữa dân số và môi trường .
14 .Kết luận.
Xưa kia, không ai đặt nặng vấn nạn nước vì nước trong sạch, dồi dào. Nhưng ngày nay, dân số tăng lên kéo theo một loạt nhu cầu về năng lượng, về thực phẩm, về nhà cửa, về vật tiêu dùng nên nhu cầu về nước, từ nước sinh hoạt, nước nông nghiệp, nước kỹ nghệ càng ngày càng tăng, huống hồ với sự biến đổi khí hậu vì khí nhà kính, sự phá rừng, sự ô nhiễm lại làm nguồn cung cấp nước bị giảm đi, cả lượng lẫn phẩm . Con người phải nhận thức rằng nước là một tài nguyên hữu hạn nên càng phải trân quý, nghĩa là không phá rừng vì rừng làm tăng nguồn nước, không phung phí nước mà gắng tái chế biến.
Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:
một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
một thời dể phá đổ, một thời để xây dựng;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;
một thời để than van, một thời để múa nhảy;
một thời để xé rách, một thời để vá khâu;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng (Giảng Viên 3:1-4, 7-8).
Ngày nay, chính là thời để lên tiếng, kêu gọi mọi người phải có tình thương Trái Đất, tình yêu thiên nhiên. Yêu thiên nhiên là không làm tổn hại đến thiên nhiên, núi rừng, cây cỏ . Yêu thiên nhiên là không làm nguồn nước bị ô nhiễm bởi các chất độc hại khiến cho con người cũng như các động vật không bị chết dần chết mòn . Niềm yêu thiên nhiên đưa ta đến khái niệm đạo đức sinh thái, không làm tổn thương đến các hệ sinh thái vốn nuôi nấng loài người từ thưở hàng trăm ngàn năm trước, lúc loài người từ vùng Đông Phi châu bắt đầu tản mác bốn phương. Phong trào ăn chay hiện nay cũng đóng góp rất nhiều cho môi trường thiên nhiên. Thực vậy, ăn chay giúp tiết kiệm rất nhiều đất vì không cần đồng cỏ, không cần có thực phẩm nuôi gia súc, tiết kiệm luôn cả nước tưới . Con người đã huỷ hoại môi trường thì chính con người phải đóng góp cải tạo môi trường sống, nghĩa là bớt tiêu thụ, bảo vệ các hệ sinh thái từ rừng đến san hô biển, tạo ra một nếp sống hài hoà, sống an lạc cả Thân lẫn Tâm. Hiện nay, xu thế chung của thời đại là theo chiều hướng đó; nếu ta tiếp tay với các nhà sinh thái học bốn phương để dấy lên một phong trào yêu thiên nhiên,-màu xanh của rừng, của biển, của mây, của nước- thì có lẽ trái đất này mới thoát hiểm nghèo vậy .
Thái Công Tụng