21/10/2015
Hình lấy từ Internet.
Nhà tôi ở sát nhà chú Ba, cách nhau chỉ có cái mương ranh. Nhà Chú trống trơn không có vách. Cái chổng tre với manh chiếu là chỗ ngủ của mấy đứa con. Chú thím với đứa bé mới sinh ngủ trong phòng che bằng mấy miếng lá chầm. Chú Ba làm nghề thợ mộc nên nhà đầy ấp các thứ đồ nghề lẫn lộn với cây gổ vụn, mạt cưa, dâm bào, nhiều đến nỗi không có lối đi.
Thím Ba có 4 đứa con. Đứa lớn là con Thắm 7 tuổi, Thằng Nhì 4 tuổi, thằng Tam 2 tuổi, và thằng Tứ còn bú sửa. Tôi bằng tuổi với con Thắm nhưng không có chơi với nó. Suốt ngày nó phải giữ em. Thỉnh thoảng nó cổng em sang chơi bên nhà tôi. Nó đứng nhìn chúng tôi đang vo bi làm đạn bắn chim với cặp mắt khâm phục. Anh tôi bảo: “con trai không chơi chung với con gái”, nên tôi không dám làm quen với con Thắm.
Vườn nhà tôi có cây vú sữa rất to đầy bóng mát, đối diện với cái sàn nước nhà chú Ba. Đứng bên này bờ mương, tôi thường nói chuyên với Thím Ba đang rửa chén cùng con Thắm. Thím Ba người hiền từ, ăn nói nhỏ nhẹ.
Sau ngày sinh thằng Tứ, Thím trông rất yếu, xanh xao, lúc nào cũng thấy mặc mấy lớp áo dầy, choàng khăn kín cả đầu. Tôi hỏi thăm Thím có khỏe không, Thím cố gượng cười rồi lắc đầu không nói gì.
Mấy tuần sau Thím mất.
Ngày Thím Ba mất, tôi thấy nhà chú Ba lố nhố thêm mấy người quen, nghe tiếng gõ lóc cóc của ông thầy tụng rồi không gian hoàn toàn rơi vào yên lặng, ngoài tiếng khóc của thằng Tứ đòi sữa mẹ.
Từ khi Thím Ba mất, con Thắm không còn sang chơi bên nhà tôi nữa. Nó nói nó phải giữ em cho ba nó đi làm. Chú Ba đi làm công, bỏ ba đứa nhỏ ở nhà cho con Thắm.
Con Thắm không xài được cái bếp vì nó đứng chỉ cao bằng cái bếp một cái đầu. Chú Ba kê ba cục gạch dưới đất để nó nấu cơm, chắt nước cơm cho thằng Tứ uống thế sữa. Thằng Tứ uống nước cơm không đủ no nên khóc hoài. Con Thắm đầu bù tóc rối, mặt mày lem luốc, vừa coi chừng thằng Nhì, đút ăn cho thằng Tam, vừa thổi bếp nấu cháo cho thằng Tứ vì không đủ nước cơm cho nó uống.
Thằng Tam vừa biết đi lẫm đẫm. Sợ nó té xuống mương, trước khi đi làm, chú Ba cột chân nó vào thành giường với sợi dây chuối. Nó quen rồi với sợi dây lòng thòng cột dưới chân, ăn no rồi chổng mông mà ngủ, thỉnh thoảng đưa tay đuổi mấy con ruồi cứ bâu vào mặt mũi dính đầy đồ ăn. Mới 2 tuổi nhưng tôi không bao giờ nghe nó khóc. Có lẻ nó đã quên rồi. Thằng Nhì suốt ngày lẻo đẽo theo con Thắm, kéo áo chị xin ăn. Khi thằng Tứ biết bò, sợ nó té xuống giường, con Thắm cho nó bò dưới đất cả ngày để rảnh tay làm chuyện nhà. Người nó đầy bùn đất.
Hôm nào chú Ba được đi làm có chút tiền, chú về nhà với mấy lon gạo, mấy con khô hoặc vài ba cái trứng vịt. Đôi khi chú mua thêm ít đường cát để pha trong nước cơm, hoặc một lon sữa bò cho thằng Tứ. Ăn cháo quanh năm, thằng Tứ được uống sữa bò, nó sung sướng vô cùng, liếm môi, liếm mép, không để mất đi một giọt nào.
Nhờ Thắm giỏi giang thay thế mẹ nuôi em, Chú Ba đỡ vất vả phần nào. Những hôm không phải đi làm, Chú làm việc ở nhà đồng thời trông chừng mấy đứa nhỏ cho con Thắm được rảnh tay làm chuyện khác. Hàng ngày chú Ba thức dậy rất sớm, lúc các con còn ngủ say, thổi cơm cho 4 cha con. Gặp ngày phải đi làm, chú Ba mang cơm theo, vắt bằng cái mo cau. Thằng Nhì chỉ cần một tô cơm nguội, vắt ngang một con khô là đủ cho nó một bữa ăn. Nó ngồi dựa cột nhà, thủng thẳng mà ăn, bao giờ hết thì vất bát nằm lăn ra ngủ. Khi khát nước nó chạy ra sàn nước, múc một gáo nước sông trong lu uống ừng ực. Ăn no, nó đi chơi một mình với mấy con trùn, con dế bắt được ngoài sân. Thằng Tam cũng biết tự ăn, nhưng phải nhờ con Thắm đút cho thì mới xong bửa. Thắm còn bao chuyện phải làm: giặt giũ, quét dọn, chẻ củi, nấu cơm, xách nước. Thắm làm việc không ngừng tay từ sáng cho đến tối. Chú Ba đi làm về còn sớm, giúp Thắm lo cơm chiều rồi tắm rửa mấy đứa nhỏ mình mẩy mặt mũi lem luốc như đám heo con nuôi thả ngoài vườn.
Cứ thế, ngày qua ngày. Bốn đứa bé lớn lên như cỏ dại mọc hoang. Con Thắm gầy nhom như cọng cỏ khô, còn 3 thằng em thì tròn vo, đen thui, chạy lon ton khắp nhà như đàn chó con mới lớn.
Thỉnh thoảng mẹ tôi sang cho chú Ba mấy ổ bánh mì hoặc buồng chuối chín bói. Chú Ba vô tư, cười hì hì bảo mẹ tôi: “Con mồ côi mà chị, má chúng nó nuôi tụi nó đó”. Mà thật là như vậy. Mấy đứa nhỏ mập ù, ăn khỏe, ngủ ngon, không bao giờ thấy bịnh. Làm sao một đứa bé 7 tuổi nuôi được 3 đứa em, có đứa còn bú sữa?
Năm lên lớp 5, tôi đi học trường tỉnh, chỉ được gặp Thắm trong dịp hè. Thắm càng lớn càng xinh. Suốt ngày tôi cứ canh chừng lúc Thắm rửa chén ở cái sàn nước sau nhà, là mon men đến chơi. Đứng bên nầy bờ mương, chúng tôi nói chuyện với nhau, lần lần trở thành thân mật. Thắm biết tôi trông gặp cô, nên thỉnh thoảng ra sau sàn nước, lén nhìn sang bên nhà tôi. Tôi không để mất cơ hội, chạy ù ra cây vú sửa. Đến mùa trái cây, tôi gởi sang cô mấy chùm lôm chôm chín đỏ, một mớ dâu xanh hay túi bòn bon rụng, lượm mót trong vườn nhà. Thắm hiền từ, nhỏ nhẹ giống như Thím Ba, người mà tôi rất mến.
Rồi từ đấy, mỗi lần hè đến, khi tôi chuẩn bị lên đường về quê nghỉ hè, tôi lại thấy nôn nao muốn gặp lại con Thắm. Chắc cô ấy sẽ vui với mấy món quà nhỏ mà tôi sẻ tặng cô. Chắc nay cô ấy đã cao thêm một tí.
Cho đến năm tôi học lớp đệ tam (lớp 11), Thắm 17 tuổi. Tôi về quê và lần nầy có ý định từ giả Thắm vì tôi phải đi học xa.
Tôi ra cây vú sữa như thường lệ tìm Thắm. Sàn nước vắng hoe. Bóng cô Thấm thập thò sau rèm cửa. Tôi kiên nhẫn đứng chờ vì biết cô cũng đang mong gặp lại tôi.
Và sau cùng Thắm cũng bước ra sàn nước gặp tôi, tay vân vê trôn áo. Tôi ngạc nhiên thấy Thắm năm nay lớn nhiều so với năm qua. Cô mặc bộ đồ mới còn nguyên lằn gấp, mái tóc dài chấm lưng chải gở gọn gàng, lại có thắt 2 cái bính kết hoa vàng, thả dài trước ngực, có cả cái kẹp trên mái tóc đen tuyền mà năm trước tôi đã tặng cô. Thì ra cô đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ ngày hôm nay.
Trông cô rất xinh đẹp, không phải cái đẹp đài các của các tiểu thơ, mà là cái đẹp khỏe mạnh của cô gái dậy thì. Thắm như cây xương rồng đã đến mùa nở hoa. Tôi thấy ở cô một sức sống mãnh liệt, nhựa sống căng đầy như sắp vở tung. Nếu không cách biệt bởi cái mương ranh, có lẻ vòng tay tôi đã mở rộng để đón nhận nàng.
Hai năm sau, trước khi vào đại học tôi lại về quê.
Tôi nôn nao ra cây vú sữa ngày nào để tìm gặp người xưa. Thằng Tứ, nay đã lớn, ra chào tôi và cho tôi biết là chị hai Thắm đã đi lấy chồng.
Tuy chưa bao giờ gọi nhau là tình nhân, chưa một lần nắm tay hẹn ước, tin Thắm lấy chồng làm tôi xao xuyến!
Tuy chưa một lời tâm sự cùng nhau, nhưng Thắm đã hiểu thấu tình tôi, một thứ tình ngây thơ, trong suốt như pha lê. Thắm biết là tôi không có một ý niệm gì về chuyện xây dựng gia đình lâu dài.Thắm đã trưởng thành trước tôi rất xa.
Tôi ngưỡng mộ Thắm vì cô can đảm và thông minh. Cô đã can đảm vượt qua sự ủy mị thường tình của tình yêu nhi nữ, quyết chấm dứt mối tình đầu e ấp bao nhiêu năm, để sống với thực tế. Thắm thông minh vì cô biết chọn cho mình một lối thoát cho mối tình vô vọng, chỉ chuốc lấy phiền muộn về sau. Cô đã biết tô điểm cho hành trình đầy chông gai của đời mình, bằng những đóa hoa chỉ biết nở và không bao giờ tàn.
Sự thông minh, thực tế và can cường đã giúp Thắm đương đầu và chiến thắng bao nghiệt ngã của cuộc đời, đã giúp Thắm vươn lên từ nơi tuyệt vọng, như đóa hoa sen vươn lên giữa đầm lầy.
Tôi mừng cho Thắm đã làm tròn bổn phận của người chị cả, đã trả xong chữ hiếu với mẹ cha. Tôi mừng cô đã mở rộng cho mình một lối đi.
Tuy mừng cho Thắm nhưng sao tôi vẫn thấy buồn, một nổi buồn da diết? Tôi không thích ra cây vú sửa nữa. Mỗi năm đến hè, tôi không còn hao hức về quê. Thì ra tôi đã biết yêu!
Garden Grove 08/23/2015
Văn Ni/Nguyễn