6/9/2015
HIỆN CÓ BAO NHIÊU CÂY RỪNG
TRÊN THẾ GIỚI
Trần-Đăng Hồng, PhD
|
Theo một nghiên cứu trong tạp chí Nature phát hành ngày 2/9/2015 thì toàn thế giới hiện nay có khoảng 3040 tỉ cây rừng (3,04 trillion). Công trình nghiên cứu do TS T. W. Crowther ở Đại Học Yale lãnh đạo hợp tác cùng với 36 nhà khoa học khắp toàn cầu thực hiện.
Đầu tiên nghiên cứu này là do một nhóm trẻ chủ trương “Plant for the Planet” đề xướng và sau đó được cơ quan United Nations Environment Programme phát động phong trào trồng rừng “Billion Tree Campaign”. Cách đây 2 năm nhóm này đến gặp TS trẻ Crowther đề nghị làm nghiên cứu tầm cỡ thế giới này để biết số lượng cây rừng, mật độ cây tại mỗi vùng để dựa vào đó thiết kế chương trình trồng rừng.
Trước đây (2012), dựa vào không ảnh do vệ tinh cung cấp, các nhà khoa học ước lượng thế giới có khoảng 400,25 tỉ cây rừng, tức trung bình mỗi người có 61 cây. Với phương pháp mới của TS Crowther, số lượng 3040 tỉ cây này nhiều 7,5 lần hơn ước lượng trước đây, bởi vì kỹ thuật không ảnh đơn thuần chỉ giúp biết nơi nào có rừng với diện tích khá chính xác, nhưng không tính được mật độ cây trong từng khu rừng, mật độ rất cách biệt tùy theo khí hậu, độ dốc sườn núi, nước và chủng loại cây rừng.
Phương pháp tính số lượng cây (cao hơn 5 m) của nhóm TS Crowther vừa dựa trên không ảnh với độ phân giãi cao do vệ tinh cung cấp vừa đếm số cây và tính mật độ tại thực địa của từng vùng.
Phương pháp ước lượng bằng cách đếm số cây và tính mật độ cây rừng tại 430.000 địa điểm tiêu biểu đại diện cho mỗi loại rừng tương ứng với màu phân giãi của không ảnh trên 50 quốc gia ở sáu lục địa toàn cầu, ngoại trừ hai cực. Đối với những vùng không thực hiện đo đếm thực địa được, như vài vùng hẻo lánh ở Liên Xô, thì dùng dữ kiện đã có của rừng tương tự ở Canada và Âu Châu để ước tính. Xử dụng hình với độ phân giải cao, các nhà khoa học có thể ước tính khá chính xác số lượng cây của từng vùng có liên quan đến các yếu khí hậu, địa hình, điều kiện đất đai, thảm thực vật, cây hoa màu và ảnh hưởng của con người.
Hình 1. Phối hợp không ảnh với độ phân giãi cao và công tác đếm cây thực địa các nhà khoa học có thể vẻ bản đồ mật độ cây từng vùng ở tỉ lệ km vuông trên toàn cầu.
Với phương pháp ước lượng tương đối khá chính xác này thì toàn thế giới có 3040 tỉ cây rừng, trung bình mỗi người có 422 cây. Trong số này, gồm 1390 tỉ cây vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới (chiếm 43%), 610 tỉ cây vùng ôn đới (chiếm 22%), 740 tỉ cây vùng lạnh gần bắc cực (chiếm 24%) và khoảng 300 tỉ cây rải rác ở nhiều vùng khác (chiếm 11% kể cả vùng rừng lạnh tundra khoảng 3% trong số này).
Mật độ cây rừng cao nhất cho mỗi ha cao nhất ở vùng lạnh gần Bắc Cực như vùng bắc Bắc Mỹ, Scandinavia và Nga. Các khu rừng này là rừng cây thông cao mọc chen chúc với tổng cộng khoảng 750 tỉ cây, khoảng 1/4 số lượng cây trên thế giới. Rừng nhiệt đới và rừng bán nhiệt đới chiếm diện tích lớn nhất của đất rừng, nơi chứa khoảng 1390 tỉ cây, tức 43% số cây toàn thế giới.
Bản đồ về khuynh hướng biến đổi mật độ cây ở Hình 2 cho thấy sự quan trọng của khí hậu, địa hình trong việc định hình mật độ cây rừng ở mỗi địa phương cũng như ảnh hưởng của con người trong việc phá rừng. Dựa trên những dữ kiện này các nhà khoa học ước tính con người đã phá hủy khoảng 15 tỉ cây rừng mỗi năm, và kể từ khi biết trồng trọt cách đây 12 ngàn năm con người đã phá hủy 46% rừng toàn thế giới.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mật độ thay đổi theo loại rừng. Khí hậu cũng giúp tiên đoán được mật độ cây của từng chủng loại cây rừng. Chẳng hạn, vùng ẩm ướt thì có nhiều cây rừng mọc. Tuy nhiên, có nhiều nơi ẩm ướt thì không có rừng bởi vì con người đã chặt phá rừng để trồng cây hoa màu.
Bảng 1. Số thực địa quan sát và số ước lượng cây của từng loại rừng. Theo: Crowther et al. (2015)
Hình 2. Bản đồ mật độ cây. Màu xanh đậm là vùng có mật độ cao, còn màu nâu thì không có cây. Theo: Crowther et al. (2015).
Thật vậy, con người là tác nhân chính phá hoại rừng. Nghiên cứu không ảnh do vệ tinh cung cấp hàng năm, cho thấy trung bình trong 10 năm qua mỗi năm diện tích rừng bị phá là 192.000 cây số vuông (km2), tức khoảng 15,3 tỉ cây/năm, đồng thời số cây rừng mọc lại tự nhiên cọng với số cây trồng lại rừng khoảng 5 tỉ cây, như vậy toàn cầu vẫn tiếp tục mất 10 tỉ cây một năm.
Con người toàn thế giới phải trồng lại 10 tỉ cây mỗi năm, tức mỗi người mỗi năm phải trồng 1,5 cây, thì mới có thể bão toàn cây rừng hiện hữu. Đó là một trong nhiều cách hữu hiệu ngăn gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Mòi xem video:
https://www.youtube.com/embed/jqdOkXQngw8
TÀI LIỆU THAM KHẢO
T. W. Crowther và 36 tác giả (2/9/2015). Mapping tree density at a global scale. Nature, 2015; DOI: 10.1038/nature14967
Reading, 4/9/2015.