22/3/2015
180-181
Tháp Đồng hồ nằm trên giao lộ đường 26 và 84, góc hướng Tây Bắc là chợ Zay Cho, tôi không dư thời gian để vào thăm nên đành chụp một số ảnh chung quanh. Nắng chiều đang nghiêng nên ảnh cũng khá nổi, điều quan trọng là ghi được một cái mốc để sau này may mắn trở lại, có thể làm chuẩn để không bị lạc giữa Mandalay rộng lớn này.
Bên trái là chợ Zay Cho.
Tôi quay bước trở về khách sạn để chuẩn bị chuyến thăm viếng Mandalay chiều nay. Trên đường, tôi tiếp tục ghi thêm nhiều hình ảnh khác, xin mời xem.
Mấy “cô tiểu” khất thực buổi chiều.
Vật phẩm cúng dường nhân mùa Lễ Dâng Y trước 1 công ty.
Trước ngôi nhà thời thuộc địa.
Điểm viếng thăm chính thức chiều nay của chúng tôi là khu vực phía Đông Bắc Hoàng thành, dưới chân đồi Mandalay, cách khách sạn Universal King khoảng 6km, tương đương 10 phút xe bus.
Đây là nơi tập trung mấy công trình quan trọng, gồm:
Chùa SandaMuni.
Đại học Phật giáo.
Học viện Phật giáo Atumashi.
Tu viện Shwe Nan Daw.
Chùa Kuthodaw.
Học viện và trường đại học Phật giáo dành cho các Tăng ni và sinh viên nghiên cứu Phật học, giờ này cũng đã đóng cửa, chúng tôi chỉ đi ngang qua cho biết. Điểm thăm thú vị trong chiều nay là Tu viện Shwe Nan Daw và Chùa Kuthodaw.
Thật sự, những gì chúng tôi đang chứng kiến, nếu không được biết trước đó là cơ sở Phật giáo, thì chắc sẽ nghĩ là những đền đài của vua chúa.
B.23.2.2. Shwe Nan Daw Kyaung.
Hơn 2 năm trước, tôi vẫn tin rằng danh hiệu “đất nước Chùa tháp” dành cho Cambodia là chính xác; nhưng sau chuyến đi vòng quanh 3 nước Đông Dương bằng con Daehan(xem “Daehan 120cc và cuộc rong chơi ngàn dặm của 2 kẻ thích lang thang”)thì điều này cần phải xét lại.
Nếu nói Cambodia là “đất nước Chùa Tháp”vì tại Thủ đô PhnomPenh có ngôi Chùa Tháp Wat Phnom nằm ở cuối đại lộ Norodom là biễu tượng, thì có thể đúng.
Tháp Chùa Wat Phnom ở cuối đại lộ Norodom, Phnom Penh.
Còn nếu vì lý do Cambodia có nhiều Chùa Tháp nên được gọi là nước Chùa Tháp, thì chưa chắc, vì có khi Lào lại nhiều Chùa Tháp hơn.
Còn nói về qui mô của Tháp ở các chùa, thì Pha That Luang ở Vientiane ăn đứt Cambodia bởi lối kiến trúc và qui mô của công trình.
Tháp vàng ở Pha That Luang, Vientiane, Lào.
Có thể ai đó nói danh hiệu này dành cho Cambodia là do sự hiện diện của quần thể Angkor, kỳ quan của thế giới. Điều đó cũng không đúng bởi lẽ Angkor chỉ là đền tháp chứ không phải chùa.
Cho nên, nhiều người vẫn cho rằng đây là nói về số lượng, do Cambodia có nhiều chùa tháp nên được gọi như thế. Quả thật không thể đưa ra kết luận chính xác Lào hay Cambodia, nước nào xứng đáng với danh xưng đó?
Rồi lần này, kể từ lúc qua khỏi biên giới Cambodia ở cửa khẩu Poipet, bắt đầu đi sâu vào nội địa Thái Lan, tôi lại thấy danh hiệu này phải thêm một ứng viên nặng ký, đó là Thái Lan. Đất nước thì rộng, dân số lại đông và cũng sùng đạo Phật phái Nam tông như Cambodia và Lào, dĩ nhiên số lượng Chùa cùng với những ngôi tháp đặc trưng của hệ Theravada, cũng khá nhiều trên các nẻo đường xứ Thái. Khi tới thủ đô Bangkok, thăm vài Chùa nổi tiếng tại đây, cũng như đi ngang qua nhiều ngôi chùa khác, tôi lại thấy cái qui mô của tháp, sự lộng lẫy của chùa ở Thái…thì quả thật nơi đây chẳng hề thua kém 2 đất nước kể trên, nếu không nói là xứng đáng hơn. Xin xem ảnh nhắc lại.
Tháp chùa trong Hoàng cung Thái Lan.
Nhưng kể từ lúc đặt chân lên đất Miến, nhất là sau 10 ngày qua, thì tôi có thể khẳng định danh hiệu đất nước Chùa tháp nên dành cho Myanmar, vì đi đâu cũng thấy chùa, chùa nào cũng có tháp, thậm chí rất nhiều tháp và kích cở thì có lẽ 3 nước Lào, Cambodia, Thái Lan đành phải…ngước mắt nhìn …rớt nón!
Đó là những cái nhất của Miến Điện về chùa, tháp so với 2 nước còn lại. Theo dự kiến, chiều nay chúng tôi còn chứng kiến 1 cái nhất nữa, mang tầm thế giới; nhưng trước hết, xin mời các bạn cùng tôi đến thăm Tu viện gỗ teak Shwe Nan Daw.
Đây là công trình duy nhất tại cố đô Mandalay còn lại sau khi hoàng cung bị thiêu rụi trong thế chiến thứ 2 vào tháng 3 năm 1945. Công trình làm hoàn toàn bằng gỗ teak, là 1 phần của tổ hợp cung điện được di dời từ cố đô Amarapura về Mandalay và trở thành nơi ở của Vua Mindon trong Hoàng cung. Tại đây vua đã nằm dưỡng bệnh 1 thời gian dài cho đến ngày tạ thế vào 01-10-1878.
Hoàng tử Thibaw kế vị, cho tháo dở toàn bộ và dời đi nơi khác (có lẽ nhờ thế mà không bị thiêu rụi chung với Hoàng cung?), vì tin rằng vong hồn vua Mindon vẫn còn quanh quẩn trong đó, nên công trình nhằm để tưởng nhớ đến vua cha. Sau thời gian thi công 5 năm với chi phí 120.000 kyat thời đó, đến ngày 18-11-1883, công trình hoàn tất và nhà vua quyết định giao lại cho Phật giáo quản lý, từ đó Shwe Nan Daw trở thành tu viện, nằm liền kề với Học Viện Phật giáo Atumashi.
Chị H. và Anh Ayun Pa L.
Đây là 1 công trình kiến trúc truyền thống Miến Điện đồng thời là 1 tác phẩm điêu khắc gỗ độc đáo với những hoa văn tinh xảo, các hình tượng mỹ thuật phỏng theo những truyền thuyết Phật giáo, hiện diện trên nóc mái, trên tường, cột…
Sau hơn 1 thế kỷ phơi mình trong mưa nắng, tu viện vẫn tồn tại với nét đẹp mê hồn của những chạm khắc tuyệt vời trên thân gỗ teak.
130 năm dài khoát lên mình chiếc áo nhuốm phong sương , tu viện bây giờ thật cũ kỹ, dưới ánh sáng nhờ nhờ của buổi chiều tà, tôi chợt thấy như mình đang trở lại chốn liêu trai.
Thực sự, ngôi nhà gỗ này vốn đã được dát vàng , nhưng sau hơn 100 năm, lớp vàng đã chỉ còn vài nơi như ta thấy ở các ảnh phía trên. Ngoài ra, bên trong ngôi nhà, vẫn có vài chỗ hư mục, 130 năm rồi, nên chắc chắn ai cũng tự nhủ phải bước nhẹ nhàng, vừa để kính trọng vong linh Vua Mindon, vừa tránh bớt tác hại tới công trình. Cảnh sát du lịch chỉ kiểm tra, ngăn chặn khách quên bỏ giày, dép bên ngoài chứ không để ý các vi phạm nào khác, có lẽ họ tin vào lòng tự trọng của công chúng lúc đến xem.
2 Cảnh sát du lịch tại Shwe Nan Daw Kyaung.
Chúng tôi vòng ra ngoài, rời nhà cổ để viếng điểm kế tiếp, chùa Kuthodaw.
B.23.2.3. Chùa Kuthodaw và kỳ kết tập Kinh Tạng lần thứ 5.
Bây giờ xin mời các bạn cùng tôi đên viếng một công trình tầm cở thế giới.
Vua Mindon khi dời đô về Mandalay, đã thực hiện một sự kiện lịch sử quan trọng của Phật giáo Miến Điện và thế giới: tổ chức Kỳ kết tập Kinh Tạng lần thứ 5, sau đúng 2015 năm kể từ lần Kết tập thứ 4 và trước lần kết tập thứ 6 đúng 83 năm, tại Yangon mà chúng tôi đã có nhắc khi ghé thăm động Maha Pasana, phía sau chùa Kabar Aye hôm 31-10-2013.
Trong khi quân Anh đang gây hấn ở miền Nam Miến Điện,Vua Mindon vốn là một Phật tử mộ đạo, ý thức rằng Phật giáo và sự tồn vong của quốc gia luôn gắn liền nhau, kẻ ngoại xâm có thể sẽ đốt phá kinh sách, nên tìm phương pháp lưu giữ bộ kinh Tạng tốt nhất có thể vào thời đó: khắc lên đá.
Năm 1871, nhà Vua đứng ra làm Hộ pháp, tổ chức kỳ Kết tập kinh Tạng lần thứ 5. Ngài cung thỉnh 2400 Cao tăng, chủ trì là Hòa thượng Pong Yi, làm việc suốt 5 tháng, bộ Kinh Tạng được khảo đính, đối chiếu…bằng cách nghiên cứu rồi hỏi đáp để làm sáng tỏ thêm những lời Phật dạy trong 3 bộ kinh Tạng để lại.
Rồi sau đó được các nghệ nhân khắc tạc vào các phiến đá cẩm thạch, lưu giữ trong 45 tòa tháp Phật, trong khuôn viên chùa Kuthodaw mà chúng tôi sắp sửa viếng thăm chiều nay. Thế là bộ sách lớn nhất thế giới ra đời, trở thành 1 kỷ lục tới ngày nay chưa bị phá. Thời gian thực hiện bộ kinh bằng đá này kéo dài đến 11 năm, bộ sách hoàn thành có tổng số 729 tấm, gồm:
Luật Tạng 111 tấm.
Kinh Tạng 410 tấm.
Vi diệu pháp Tạng 208 tấm.
Bia giới thiệu Bộ kinh Tạng bằng cẩm thạch tại chùa Kuthodaw.
Cổng chùa Kuthodaw.
Đường dẫn ngay phía sau cổng.
Chánh điện chùa Kuthodaw.
Các tòa tháp Phật chứa kinh Tạng cẩm thạch.
Mỗi một “trang sách” có kích thước 1x1,5m, người ta khó thể đọc trong tư thế nằm thông thường, cũng như không thể ngồi một chỗ để đọc sách, thật là một cuốn sách kỳ lạ chỉ…bậc đế vương như Vua Mindon mới có sáng kiến và khả năng thực hiện sáng kiến này!
Công trình kéo dài trong 11 năm ròng rã, từ 2404 đến 2415 theo Phật lịch, để lại cho đời một kiệt tác có 1 không 2!
Ngoài 729 trang sách đá này, còn có 1.774 phiến đá khác khắc lại những chú giải, vấn đáp của chư Tăng trong lần Kết tập Kinh Tạng 5 này, tất cả được lưu giữ tại Chùa Sandamuni , chúng tôi không có dịp đến thăm vì không còn thười gian. Chỉ kịp ghi hình vài vị Sư người Việt đang chụp ảnh kỹ niệm bên cạnh cây Star Flower 121 năm tuổi.
Ngày thứ 23 của cuộc rong chơi kết thúc, khi chúng tôi rời chùa Kuthodaw lúc mặt trời cũng vừa khuất sau ngôi tháp .