CÓ NHỮNG GIẤC MƠ - ƯỚC GÌ …
Trần Đăng Hồng, PhD
Trong vòng 10 năm nay, kể từ khi về hưu (2006), nhiều đêm tôi thường có những giấc mơ mà nội dung chỉ trùng lập lại những ao ước mà tôi chưa hoàn thành được trong đời. Những giấc mơ thường rất ngắn ngủi, thấy mình đang làm việc trong phòng thí nghiệm ở Đại học Reading, nơi mà tôi đã gắn bó cuộc đời mình liên tục trên 30 năm, cặm cụi trong một góc phòng, mà chung quanh toàn là máy móc làm nghiên cứu đang chạy một cách êm ả. Trong giấc mơ nào tôi cũng thấy là nhận được các lô hạt giống, hạt cây rừng gởi đến từ các châu lục khác, đó là chuyện thường xảy ra trong thời gian tôi làm việc ở đây. Tôi vô cùng mừng rỡ, nhưng bỗng sực nhớ là tôi đã về hưu từ lâu, đâu còn làm nghiên cứu nữa. Rồi cũng trong giấc mơ, tôi hối tiếc là mình đã già, ước gì còn ở tuổi 50-55, ở cái tuổi đam mê làm việc và hăng say với bao khám phá mới. Thức dậy cảm thấy lòng buồn man mác, nuối tiếc một điều gì chưa toại nguyện.
Tối qua tôi lại có một giấc mơ tương tự. Thức dậy, khó ngủ lại vì đầu óc cứ tưởng nhớ đến một thời xa xưa, với ước ao được trở lại thời xuân xanh để thực hiện điều mơ ước mà chưa hoàn thành. Số là cách đây 2 ngày, anh bạn cũng là đồng nghiệp vong niên trên 40 năm, GS Richard Ellis, hiện là Khoa Trưởng (Dean) của Phân Khoa (Faculty) of Life Science của Đại học Reading chuyển đến tôi một lá thơ của chị bạn đồng nghiệp từ thời 1980, hiện là Head của Ngân Hàng Hạt Giống Đồng Cỏ (Forage Diversity) của Cơ Quan ILRI (International Livestock Research Institute) đặt tại Addis Ababa, Ethiopia. Trong thơ này, chị bạn kêu cứu Richard tìm dùm cho bà ta một chuyên viên giàu kinh nghiệm làm mô hình toán học (mathematic modelling) về tuổi thọ hạt giống (seed longevity) trong ngân hàng hạt giống (seed bank). Nhiệm vụ của chuyên viên này là phân tích dữ kiện tồn trữ trong ngân hàng hạt giống từ trên 30 năm nay của trên 65 loài (genera) cỏ v.v. để đưa ra một phương trình toán học, dựa vào đó để tiên đoán tuổi thọ và quản lý hạt giống tồn trữ trong mọi điều kiện môi trường. Richard không tìm ra được một chuyên viên mới tốt nghiệp PhD nào có đủ khả năng trong lãnh vực này để giới thiệu cho bà, và trả lời rằng chỉ có Tran (tức tôi) là người duy nhất có thể làm chuyện này, nhưng Tran đã về hưu từ lâu. Richard cũng có nói rằng trước đây vài năm, Richard đã mời tôi trở lại Reading University làm việc (1) bán thì, và Richard nghĩ rằng rất khó để mời tôi trở lại làm việc lần thứ hai cho dự án của bà. Tuy nhiên, bà yêu cầu Richard liên lạc với tôi xem sao, vì bà ta muốn có một mô hình toán học để quản lý ngân hàng hạt giống đồng cỏ trước khi bà về hưu. Cơ quan ILRI chấp nhận trả tiền nhiều cho Đại học Reading, để Đại Học làm sub contract với tôi nếu tôi đồng ý. Đó là lý do Richard chuyển cái thơ của chị bạn đó đến tôi.
Đây đúng là ngành chuyên môn của nhóm “Gang of Three” gồm ba người là Professor E.H Roberts, Professor R.H. Ellis và TD Hong mà tôi có dịp đề cập trước đây (2).
Hình 1. Gang of Three: Richard H Ellis, Tran D Hong & Eric H Roberts (1982)
Kể từ 1962, Prof. Roberts đưa ra công thức tính tuổi thọ hạt giống lúa mì, nhưng tới năm 1980 Richard Ellis mới hoàn chỉnh phương trình Viability Equation để tính tuổi thọ của hạt giống tồn trữ trong mọi điều kiện về nhiệt độ và ẩm độ. Sau đó, chúng tôi (Ellis, Hong & Roberts) đã phát triển công thức để áp dụng tiên đoán tuổi thọ cho hơn 50 loại hạt hoa màu chính và hạt cây rừng, v.v. Trong thập niên 1990, tôi phát triển phương trình tính tuổi thọ của hạt phấn (pollen), và bào tử (spores, conidia) của 10 loài nấm xử dụng diệt côn trùng bảo vệ mùa màng (entomopathogenic fungi). Với kinh nghiệm 30 năm trong lãnh vực này, nếu tôi còn trẻ chắc chắn là tôi chấp nhận ngay làm dự án này. Tôi đã từ chối với bao tiếc nuối, không phải tiếc nuối vì tiền, mà vì mất cơ hội để thực hiện thêm một mô hình toán học cho loại hạt đồng cỏ, cho đủ bộ các loại hạt nuôi sống loài người.
Một nuối tiếc khác lớn của tôi là một công trình nghiên cứu còn dang dở thì đã tới tuổi về hưu, đó là dự án biến hạt recalcitrant seeds không tồn trữ được để thành hạt orthodox seeds tồn trữ được. Tôi đã tốn 10 năm để tìm hiểu lý do tại sao hạt không tồn trữ được, và tôi hy vọng nếu tiếp tục, cho tôi thêm 10 năm làm việc, có thể tìm được giải pháp. Năm 2015, một cưu sinh viên của tôi cách đây 20 năm, nay là Giáo Sư ngành Seed Science của Đại Học Manaus ở Brazil, và là Giám Đốc Chương Trình Nghiên Cứu Hạt Cây Rừng Amazon, đi công tác ở Anh, có đến Reading thăm tôi. Tôi đã đề nghị anh ta thực hiện dự án còn bỏ dở của tôi, và anh ta mời tôi đến Manaus để huấn luyện một số chuyên viên dưới quyền của anh trong 2 đến 3 tháng. Dĩ nhiên, tôi không thể đi được, cũng như cách đây 6 năm, tôi cũng đã từ chối đến Colombia để huấn luyện một khóa về Seed Science do một cựu sinh viên của tôi, nay là khoa trưởng của National University of Colombia tại thủ đô Bogotá mời (1).
Cuộn chỉ cuộc đời không biết còn bao nhiêu vòng nữa thì chấm dứt. Chỉ nội trong mấy ngày Tết vừa qua, cả hàng chục cáo phó của những người quen biết, nhỏ hay lớn tuổi hơn tôi chút ít, đã ra đi vĩnh viễn. Và cách đây vài ngày, GS Nguyễn Ngọc Bích, 79 tuổi, đã ra đi ngay trên chuyến máy bay đưa ông đi hội thảo. Đời đầy bất ngờ.
Hảy an vui tuổi già, bên vợ và bên con cháu.
Hình 2. GS Manuel Lima (University of Manaus, Brazil) đến thăm tôi (October 2015)
Hình 3. Tôi dạy ở Đại Học Manaus, Brazil cách đây trên 20 năm
1. Trở lại làm việc ở Đại học Reading (25/9/2012). http://thnlscantho-3.page.tl/Tr%26%237903%3B-l%26%237841%3Bi-l%E0m-vi%26%237879%3Bc-%26%237903%3B--.--.--.--.-.htm
2. Gang-of-three, nhóm 3 tên (16/11/2009).http://thnlscantho.page.tl/Gang-of-three.htm
Reading, 5/3/2016