|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
31 ngày P 198-199 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
23/4/2015
Phần 198-199
B.27.2. Buổi chiều cuối cùng trên đất Phật.
170km từ Kyaihto đến cựu thủ đô Miến Điện không quá dài, dù con đường NH8 và tiếp theo là Ah Myan-Lan tuy không phải xa lộ cao tốc, nhưng chẳng thấy “bắn tốc độ” nên chưa đầy 3 giờ hành trình, chúng tôi đã tới cửa ngỏ Yangon, vào đường Pyay mà hơn 10 ngày trước 2 kẻ lang bạt này đã “mòn gót giày, cắm trọ quán đêm nay”!
Trước tiên Sư H. cho mọi người vào siêu thị North Point vừa để giải quyết mấy “bầu tâm sự” vừa uống cà phê, cà pháo tránh đi cái nóng ngột ngạt của miền Nam Miến Điện.
Sau hơn 30 phút nghĩ ngơi, chúng tôi rời North Point để đến nhà hàng Golden Duck ăn trưa.
Trở lại Yangon sau hơn 10 ngày xa cách, dẫu chẳng thân quen, nhưng những ấn tượng ban đầu về một thành phố hiền hòa, hiếu khách… mà hôm mới tới tôi đã chứng kiến, vẫn còn tạo nên trong tôi một cảm tình đặc biệt, khiến giờ đây, trước ngày quay về quê cũ, bổng thấy lòng bịn rịn, thiết tha! Con đường Pyay là nơi đầu tiên tôi bở ngở bên lề khi bừng mắt dậy sau một đêm bơ phờ, ngủ muộn. Đó là buổi sáng ngày 29-10.
Hôm nay, về tới “con đường xưa” mà 2 người lang bạt đã từng rong ruỗi theo những vòng bánh xe quay, dẫu chỉ đôi ngày ngắn ngủi, nhưng cũng đủ làm lòng mình bâng khuâng khi gặp lại. Tôi chợt thấy Pyay vừa lạ vừa quen, mới hơn 10 ngày mà chợt như lâu lắm. Có lẽ vì sự đổi thay dồn dập ngoạn mục và thú vị của các cảnh quan tôi gặp trong những ngày lang bạt đã làm cho thời gian như dài đằng đẳng ra, hay đó là cảm giác của 1 người vừa trở về từ cái quá khứ hàng ngàn năm xưa cũ, phải mất ngần ấy năm để trở lại chốn này! Ôi, thời gian chẳng qua cũng chỉ là 1 phạm trù giả tạm, khi dài, lúc ngắn, tùy thuộc mỗi người, bởi vì ta đang lẫn quẫn cõi này, bởi vì ta đang cũng…vẫn là ta! Ha ha ha…
Con đường Pyay thông thoáng, sạch đẹp xuyên qua phố, xẻ qua rừng, loang loáng xe qua, xinh xinh cánh dù màu sặc sở.
Tôi cố chụp thêm những hình ảnh nửa lạ, nửa quen trên đường từ North Point đến nhà hàng Golden Duck, nằm tại giao lộ Pyay và Kabar Aye Pagoda Road, nơi góc đường có khách sạn Yangon mà chiều ngày 29-10 hai con người bụi đời đã từng đạp xe qua đó.
Ảnh nhắc lại.
Hôm nay xe phải chạy quanh vòng xoay giao lộ Pyay-Kabar Aye Pagoda, phía trước khách sạn Yangon để qua nhà hàng Golden Duck.
Tôi xin nhắc lại, ngày 02-11, trước khi rời Yangon lên Kalaw, 2 chúng tôi đã đến viếng Mahapasana Cave, là Đại Sima(Great Sima), do chính phủ Miến Điện xây dựng để tổ chức kỳ Kết tập kinh Tạng lần thứ 6(diễn ra từ 1954 đến 1956); tuy nhiên lần đó chúng tôi không vào được bên trong, do hết giờ. Tưởng đâu không còn duyên gặp lại.
Ảnh nhắc lại.
Do đoàn của Sư Thái Lan qua sau, đi thẳng lên Kalaw để dự lễ Dâng Y hôm 02-11, chưa ghé thăm Great Sima nên hôm nay, sau bửa ăn trưa, chúng tôi được đưa ngay tới chùa Kabar Aye, để mọi người được viếng thăm chùa và Động Mahapasana trọng đại này. Đó thật là điều bất ngờ với chúng tôi, là duyên lành đến vào giờ phút chót, trước lúc giã từ Myanmar, trở về quê cũ. Nếu nhớ lại rằng kể từ lần kết tập thứ I, thực hiện sau khi Đức Thích Ca nhập Niết bàn không lâu, đến gần 2500 năm sau(chính xác là năm 2498 Phật lịch, 1954 Tây lịch) tại nơi đây, lần Kết tập thứ 6 được thực hiện, ta mới thấy cái sự kiện này trọng đại biết chừng nào! Được vào thăm nơi tổ chức sự kiện đó thật là điều hiếm có với nhiều người.
Mahapasana có nghĩa là “Great cave of stone”, là một “giảng đường” có kích thước 67 x 43m, là bản sao của hang động Satta Panni, nơi tôn giã Ca Diếp tổ chức Tập kết kinh Tạng lần thứ I hồi hơn 2.500 năm trước.
Giảng đường nằm trong lòng 1 núi đá nhân tạo kích thước 138 x 114 x 36 mét, có 6 cửa ra vào, bên trong được chống đở bởi 6 cây cột khổng lồ, tượng trưng cho Kỳ Kết tập Kinh Tạng lần thứ VI.
Nhân đây, tôi xin phép tóm tắt chút ít về “Kết tập kinh Tạng” theo sự hiểu biết hạn hẹp của mình, để bổ sung cho những hình ảnh ghi được.(Thú thật, hôm đầu tiên đến đây khi nghe Sư Th. nói kết tập kinh Tạng, tôi chẳng hiểu đó là gì).
Hồi 2559 năm trước, ngài Ca Diếp, trên đường trở về Kushinagar, khi hay tin Đức Thế Tôn nhập tịch, đã chứng kiến các Tỳ Kheo buồn thảm khóc than, nghe vài vị khác tỏ ra vui sướng vì không còn bị Đức Phật “trói buộc” vào các điều luật, giới pháp, nên e rằng nếu không kịp thời can thiệp để chấn chỉnh thì có thể bị những kẻ ngoại đạo quấy phá. Và Ngài đã tập hợp 500 Đại Tỳ Kheo để cùng nhau hợp sức kết tập lại giới luật nhằm bảo vệ chánh pháp, góp phần kế tục sự nghiệp hoằng hóa chúng sinh theo tôn chỉ mà Đức Thế Tôn khuyên dạy. Đó là lần Kết tập kinh Tạng đầu tiên, được tổ chức chỉ vài tháng sau khi Phật Nhập Niết Bàn. Kế tiếp là 3 lần được tổ chức trước khi có Tây lịch.
Sự kiện này tiếp tục được tái lập cho đến lần thứ thứ V cách lần IV 2015 năm, thời Vua Mindon(1871), rồi lần VI(1954), được Thủ Tướng U Nu và chính phủ Miến Điện bảo trợ. Cách thức cũng y như lần đầu thực hiện hồi 2498 năm trước nghĩa là phương pháp hỏi và đáp, rồi đúc kết ý kiến của các Tỳ Kheo tham dự. Ngài Mahasi Sayadaw được đại hội bầu là vị vấn những vấn đề Tam tạng chú giải, còn Ngài Bhadanta Vicittasàra Bhivamsa sẽ đáp những câu hỏi của Ngài Mahasi. Trong lúc hỏi đáp Tam tạng chú giải như vậy thì Ngài chủ tọa và 2500 vị Tỳ kheo lắng nghe, nếu không đồng ý thì lên tiếng. Đặc biệt Ngài chủ tọa là vị làu thông Tam tạng. Ngôn ngữ sử dụng trong đại hội gồm có 3 thứ tiếng: Pàli, Miến Ðiện, và Anh ngữ, vì lần này ngoài các nhà Sư Miến Điện còn có sự tham gia của nhiều Sư người nước khác.
Tôi có người bạn gốc Khmer, nói ở quê anh, vùng 7 Núi, những gia đình khá giả, khi có lễ lạc, thường mời các Sư đến dự Trai tăng, cầu nguyện. Tối các Sư thường tổ chức “cãi lộn”đến khuya, tuy gốc Khmer, nhưng là Khờ Me 1 nửa, lại sinh ra và lớn lên ở chợ, không biết tiếng, nên nghe các Sư hỏi đáp, anh ta nói 1 cách chân quê là cãi lộn! Có lẽ đó cũng là phương pháp mà các Sư thực hiện ở các kỳ kết tập Tạng kinh?
Hôm nay, được đặt chân đến nơi các cao tăng thế giới làm Phật sự quan trọng trong lịch sử tôn giáo, đặc chân đến Sima có lẽ là lớn nhất hoàn cầu chúng tôi thật sự cảm thấy rất may mắn. Dù vẫn là quốc gia còn chậm tiến, chưa thoát khỏi nghèo theo tiêu chuẩn quốc tế hôm nay; nhưng Miến Điện vẫn cho thấy họ có nhiều thứ làm du khách thán phục, ấy là những công trình kiến trúc Phật giáo được xây dựng từ cổ chí kim. Người ta có thể cho đây là phí phạm trong khi nhiều người dân vẫn còn đói khổ; nhưng xét cho cùng, các phí phạm này cũng chỉ nhằm mục đích bày tỏ sự tôn kính với đấng chí tôn, với tôn giáo dạy con người lòng nhân hậu khiến xã hội trở nên an bình, tốt đẹp hơn. Dĩ nhiên, đâu đó trên đất nước này vẫn còn những xung đột đau thương, những mặt trái đen tối của xã hội loài người…một thực tế không thể nào tránh được vì đó là …cỏi hồng trần đầy …cát bụi!
Lần này …cửa Thiền rộng mở.
6 cửa ra vào Mahapasana.
Và 6 chiếc cột khổng lồ, được ốp đá cẩm thạch, tượng trưng cho kỳ Kết tập Kinh Tạng lần thứ VI.
Hôm nay, khi chúng tôi vào thăm Mahapasana, cũng có 1 đoàn Phật tử Việt Nam đến từ Sài gòn, được 2 vị Sư người Việt đang du học tại Yangon hướng dẫn.
Sau khi thăm Mahapasana, chúng tôi về khách sạn 7 Mile nhận phòng nghĩ ngơi.
16h40’, đoàn Sư Thái tiếp tục thăm viếng điểm cuối cùng, để không mang tiếng là chưa …tới Miến Điện, đó là Chùa Shwedagon.
Anh A. Sóc Trăng thì theo 2 Sư H, Sư Th. để hoàn thành nốt những công việc cần làm trên đất Miến, trước ngày trở về Sóc Trăng.
Ayunpa L. cùng 2 kẻ lang thang lại …lang thang dọc theo đường Shwedagon, nằm ngay cổng phía Nam của Chùa Vàng, để thưởng thức cái không khí vĩa hè bình dị của thành phố lớn nhất Myanmar, Yangon.
Phía Nam Chùa Shwedagon là đường U Taung Bo, đường này là “chận trên” của đường Shwedagon bắt đầu từ ngay cổng chùa đâm thẳng xuống trung tâm Yangon, cách đó vài km.
Một CS đang điều khiển giao thông ngay cổng Nam, trước mặt, phía tay trái chúng tôi, bên kia đường là 1 ngôi chùa khác, chùa Maha Wizaya.
He he, xin hẹn lại lần sau sẽ…ngồi xuống thưởng thức!
Bất ngờ, chúng tôi đi ngang qua lăng và khu lưu niệm của Ngài U Thant, vị Tổng thư ký thứ 3 của Liên Hiệp Quốc, kế nhiệm Ông Dag Hammarskjold bị tử nạm máy bay, ông cũng là người Châu Á đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này.
Tên Ông là Thant , U trong tiếng Miến tương đương với Ngài, sinh ra tại thành phố Pantanaw, vùng Hạ Myanmar, nên cũng được gọi là Pantanaw U Thant. Ông là bạn của Thủ tướng U Nu, thuở nhỏ học Trường Phổ thông quốc gia ở Pantanaw, tốt nghiệp Khoa Lịch sử tại University College, Yangon.
Trước khi được bầu vào chức vụ Tổng Thư Ký LHQ, ông là Đại biểu thường trực của Miến Điện tại cơ quan này. Sau nhiệm kỳ đầu, ông được đề cử tiếp nhiệm kỳ 2 đến năm 1971. Đặc biệt, lúc đó, trong số những người Miến Điện làm việc bên cạnh ông tại LHQ, còn có 1 cô gái xinh đẹp mà sau này rất nổi tiếng trong chính trường đất nước Myanmar, Bà Aung San Suu Kyi.
Các bạn thân mến, có lẽ đây cũng là may mắn ngoài mong đợi, vì từ trước, tôi chưa hề nghĩ đến điều này, bởi cái tên U Thant, dù rất quen thuộc với tôi khi còn nhỏ; nhưng hơn nửa thế kỷ qua, làm sao tôi nhớ đến được. Tên U Thant đã quên rồi trong tiềm thức, bổng chiều nay chợt đến bên đường, dẫu chỉ là một gặp gỡ thoảng qua, nhưng ít nhiều cũng đã dấy lên niềm “tự hào Châu Á”, thôi thì cứ “thấy người sang bắt quàng là họ”, xin cho tôi 1…chút xíu …tự hào!
Chiều Yangon chấm dứt với niềm vui nhỏ đó, ngày cuối cùng cũng chấm dứt hành trình đến với Myanmar.
B.28. Ngày thứ 28, 13-11-2013: Yangon-Bangkok.
Hôm nay, mọi người có thể nói lời tạm biệt trong buổi sáng, khi thuận tiện. Tất cả sẽ chia tay và nhiều người chưa chắc còn gặp lại.
Tôi tản bộ trên con đường Kone MyintYeiktha, phía trước khách sạn 7 Mile, trở lại thăm Highland Lodge Hotel lần cuối, trước giờ ra phi trường. Dẫu sao, với tôi Highland Lodge là chỗ “dung thân” đầu tiên khi mệt nhoài đến với Yangon lúc nửa đêm về sáng, lúc mọi sức lực gần như cạn kiệt sau 1 hành trình dài qua 2 quốc gia suốt 30 giờ không lúc nào ngon giấc. Rồi kế tiếp là những ngày thú vị, êm đềm trôi qua cùng những vòng bánh xe lăn trên con đường nhựa vắng nơi góc nhỏ của Yangon, khiến giờ đây, trước khi lên đường trở về quê cũ, tôi cảm thấy có chút gì lưu luyến! Việc ghi thêm vài hình ảnh nơi đây, như cái siết tay từ giã!
Những người bay về Bangkok hôm nay gồm 2 vợ chồng tôi và nhóm Sư Thái. Xe bus sẽ trở về Kalaw vào buổi trưa nên tất cả sẽ được đưa vào phi trường Yangon lúc 10 giờ.
Sư H. và Ayunpa L. có 1 số việc cần làm tại Yangon trước khi trở về Kalaw nên tôi không gặp được để chào từ giã.
Sư Th. và anh A. Sóc Trăng sẽ về Sài gòn vào ngày mai, chúng tôi tới chào và hẹn sẽ thăm Sư khi có dịp xuống huyện Trần Đề.
Sư Th. gặp lại bạn.
10h30’ chúng tôi cùng đoàn khách của Sư Thái ra tới phi trường, nhóm này sẽ bay về Bangkok trong 2 chuyến bay vào 12h30’ và 14h30’, còn chúng tôi sẽ rời Myanmar lúc 18h trên chuyến bay Y5-237 của hảng hàng không GMA (Golden Myanmar Airlines).
Phi trường quốc tế Yangon nhỏ hơn rất nhiều so với Tân Sơn Nhất, ấy cũng bởi đất nước này vừa mới mở cửa không lâu.
Và thế là một cuộc chờ đợi dài dằn dặc làm cho buổi “chia tay” Myanmar thêm phần…thê thảm!
3 cô Thái Lan này bay về Bangkok trước trên chuyến 12h30’, đang lạy chào Sư Thái.
Trong văn chương và âm nhạc, người ta hay lấy bối cảnh sân ga, bến tàu…để diễn tả những phút chia ly và đoàn tụ, vì dễ tạo nên các xúc động cần thiết bởi yếu tố chờ đợi kéo dài trong 1 khoảng thời gian nào đó. Đôi khi, còn có những cuộc chia tay đẫm nước mắt, những cuộc trùng phùng nhiều cảm động, diễn ra chung quanh, góp phần làm cho cuộc tiễn đưa hay chờ đón thêm phần hấp dẫn.
Còn 2 kẻ lang thang này, phải chờ đợi trong 1 thời gian dài 8 tiếng thì chẳng thú vị gì, dù thật sự, 2 con người “quê mùa đồng bằng Nam bộ” cũng rất cần cái thời gian dài “thườn thượt” …480 phút đó, để học cách tự mình làm thủ tục lên tàu. Lâu nay, chúng tôi “bay” đều có người hướng dẫn, cứ theo chân họ mà đi. Lần này, 1 mình …tự biên tự diễn, nên vào sớm, để lặng lẽ nhìn thiên hạ làm thủ tục check out mà bắt chước làm theo. Bởi nếu vì “dốt” mà sơ sẩy điều gì đó, lở chuyến bay thì …rối việc!
Chẳng hạn như ướm thử xem hành lý của mình có vượt định mức về trọng lượng, về kích thước không? Có hảng hàng không còn đặt hẳn 1 cái “cở” nơi đầu đường dẫn vào bàn check out…Nói chung nhờ thời gian chờ đợi kéo dài, tôi sẽ kịp thời hỏi thăm và chuẩn bị mọi việc cho …xuôi chèo mát mái!
13h30’ phân nửa đoàn Sư Thái còn lại làm xong thủ tục check out, ngồi “xe lăn” (người cao tuổi)để đến thang máy lên phòng chờ lên tàu, bay chuyến 14h30’.
Nhưng, bài học thì đơn giản, sân bay thì nhỏ bé lại chẳng có gì hấp dẫn nên chúng tôi đành phải tiếp tục ngồi chờ đợi thêm 4 giờ còn lại với nỗi cô đơn của kẻ lỡ đường!
Các bạn thân mến, hơn 10 ngày theo đoàn đi thăm các điểm quan trọng nhất của Miến Điện thật là lý thú, mọi thứ đều đã có người lo, hoàn toàn không phải bận tâm gì. Và đúng là một hành trình tuyệt vời!
Nhưng với chúng tôi, vẫn còn thấy thiếu cái gì đó, mà đến bây giờ, sau khi những người “thân” nhất(đoàn Sư Thái) vừa khuất sau cánh cửa thang máy, tôi lại chợt nhận ra: đó là nỗi cô đơn của những kẻ giang hồ nơi đất khách!
Vâng, không phải tôi nói lên điều này để làm tăng phần lãng mạn cho câu chuyện, mà bởi sự thật, với tôi nỗi cô đơn trên bước đường lang bạt thường chen vào những trãi nghiệm tuyệt vời nơi xứ lạ quê người. Thông thường, đi chơi chung trong 1 đoàn đông người thì vừa an toàn, vừa vui vẻ, tôi đồng ý điều đó. Nhưng sau những chuyến “độc hành 2 đứa”, nhất là cuộc rong chơi xuyên Đông Dương bằng Daehan 100 phân khối hồi năm 2012, tôi thấy đi “một mình”thú vị hơn nhiều. Tự mình khám phá những cung đường chưa biết, tự mình lang thang qua những chốn hoang sơ mà lần đầu mới gặp…chúng tôi thật sự thấy được cái giá trị tuyệt vời của những chuyến lãng du. Ấy là những trãi nghiệm không thể nào nói hết bằng lời, vì mình chỉ có được vào đúng giờ phút đó, tại một chốn xa xôi thăm thẳm cách quê nhà. Lúc ấy, nỗi cô đơn lạc lỏng mới âm thầm len lỏi trong tim, khi nhìn lại chỉ còn người bạn đồng hành thân thiết và các phương tiện đã cùng mình rong ruỗi dặm trường!
Buổi trưa Paksong đụt mưa nơi quán vắng, buổi chiều Hạ Lào lênh đênh vượt giòng Mekong mênh mông nước…,nhìn trước, ngó sau chỉ có tôi và người bạn đời đồng hành không mệt mõi giữa bao quanh đất lạ người dưng, là những phút giây tôi không thể nào quên được vì một nỗi cô đơn xúc động tuyệt vời!
Đụt mưa trong quán nước bỏ hoang tại Paksong, 2012.
Vượt sông Mekong ở vùng Siphandon, Hạ Lào.
Bây giờ, mọi người quen biết đã rời khỏi nơi đây, nhìn đống hành lý nặng đầy trên xe đẩy, đôi giày mọi đã mòn lẳng đế tuy vẫn nằm cạnh đôi dép nhựa mềm bền bĩ bước phong sương, tôi chợt thấy nỗi cô đơn tuyệt vời vừa trở lại, như hôm nào trên chuyến xe đêm rời Bangkok, nghĩ dọc đường chờ sáng lúc trời đêm.
Vâng, đó cũng là những ngày rong chơi “một mình” đáng nhớ.
16h quầy chuyến bay Y5 237 bắt đầu làm việc, tôi nhanh chóng làm thủ tục check out, có một rắc rối nhỏ buộc tôi phải mở các túi đựng 2 con bike: mở valve xả hết hơi trong bánh xe ra theo yêu cầu của nhân viên kiểm soát.
Sau đó chúng tôi theo cầu thang bộ lên tầng trên ngồi chờ đợi chuyến bay.
Cầu thang bộ dẫn lên khu chờ lên tàu.
Và bây giờ, cái thú vị trong những ngày phiêu bạt vừa bắt đầu quay lại, đó là nỗi nhớ nhà đang dậy lên trong lòng tôi khi chiều dần rơi xuống phi trường.
Phi cơ đáp xuống Bangkok lúc 19h30, chúng tôi ngồi taxi về tới hẽm Trokkaichae gần 10h tối
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1049652 visitors (3138754 hits) |