8/3/2015
172-173
Cách Pakokku 20km còn có một địa danh nổi tiếng, đó là Pakhan Gyi, nơi có nhiều phế tích tương tự vùng Indein ở hồ Inlay. Ngoài ra, tại đây còn có 1 bảo tàng khảo cổ và nhất là có tu viện Alair Kyaung, bằng gỗ teak lớn nhất Miến Điện.
Chúng tôi chỉ đi ngang qua chứ không ghé thăm, vì chẳng đủ thời gian, tuy vậy tôi vẫn kịp chụp 1 số ảnh …làm bằng chứng!
Phế tích ở Pakokku cũng có hàng ngàn stupa cổ như Indein.
Còn sau đây là 2 ảnh sưu tầm để các bạn đi sau có dịp tìm đến.
Tu viện gỗ teak ở Pakhan Gyi.(Ảnh sưu tầm trên internet.)
(Ảnh sưu tầm trên Internet)
Xe lại tiếp tục ra vùng ngoại ô Pakhan Gyi với những cảnh đời thường quê mùa. Đặc biệt, lần đầu tiên tôi thấy 2 chiếc máy cày được chào hàng ven quốc lộ, có lẽ rồi đây chúng sẽ thay thế những trâu, những bò trong công việc đồng áng và vận chuyển ở nông thôn, đó là qui luật phát triển của xã hội, muốn hay không cũng phải đến lúc ấy. Rồi đây, hình ảnh những chiếc xe bò bình dị, chậm rãi lăn bánh trên những lối mòn ven đường sẽ dần biến mất, tiếng cót két của trục bánh xe không còn “lặng lẽ” giữa đường quê Myanmar. Tiếc thay!
Khoảng 08h10’ xe phải dừng lại một quán ăn để hỏi thăm đường, dường như có sự lầm lẫn chi đó, con đường phía trước không dẫn đến chùa Phowin Taung. Thôi, cũng là dịp để mọi người xuống xe ‘xả hơi”! Tôi lại loanh quanh chộp ảnh.
Một bé gái đang cắt bánh bò để cho vào các bọc ny long, đặc biệt có thêm những “phụ phẩm” xanh đỏ mà tôi không biết là thứ gì; chắc chắn đây là 1 trong những loại quà vặt giống như bánh bò-bánh tiêu của bên nhà.
Anh "lơ" xe hỏi thăm đường đến Phowin Taung Pagoda.
He he, đành phải quay đầu xe trở lại thôi, theo con đường khác, băng qua 1 vùng có vẻ rất khô hạn, đất đai tương tự như vùng 3 Phan phía Nam Trung bộ nước ta.
Nhưng không có cây lá buông(Corypha lecomtei Arecaceae), mà lại rất nhiều thốt lốt(Borassus flabellifer Arecaceae), nên đôi chỗ lại giống vùng 7 Núi An Giang. (À mà hình như cây lá buông làm nên địa danh “rừng lá” một thời đã không còn ở Phan thiết, Hàm tân…bởi sự tàn phá không thương tiếc của "lâm tặc" từ sau năm 1975!)
Các bạn thân mến, Myanmar có nhiều di tích cổ xưa như chúng ta đã thấy, Myanmar có nhiều những đổi thay sau khi mở cửa: xe con đời mới, khách sạn lộng lẫy, nhà hàng sang trọng và nhiều người cực giàu…Nhưng, Myanmar vẫn còn rất nhiều những phận người cơ cực, những mảng tối trong đời thường mà các hình ảnh tôi chụp được và cố gắng đưa lên cho các bạn xem, không phải để phán xét về một xã hội chậm tiến mà đơn giản chỉ là vì sự đồng cảm của tình trạng tương đối giống nhau ở 2 đất nước, tuy gần mà xa này, tuy khác mà rất giống nhau này!
Vâng, hơn 1 lần tôi đã nói lên nhận xét này cùng các bạn, Myanmar rất giống với Việt Nam ta, giống từ những lũy tre, làng mạc, từ quán hàng, nhà cửa …đến cả những “con người nông thôn” chơn chất; dù rằng có lẽ họ chơn chất hơn rất nhiều! Tôi mong rằng sự giống nhau này là cơ bản, còn cái xô bồ hình thức, độc ác, gian tham… của 1 bộ phận cư dân trong xã hội, chỉ là hiện tượng nhất thời, rồi sẽ có ngày bị đào thải.
Cho nên, dù chỉ mới đến Myanmar hơn 1 tuần, tôi dường như trót “yêu” đất nước này, bởi những gì đã và đang trãi nghiệm. Tôi cố tìm chụp lấy những hình ảnh đẹp trên đường, dù rất tầm thường, dung dị, như vài vuông lúa chín vàng, trồng xen với hướng dương lấy hạt, nhưng ít thôi; phần lớn là rừng chồi với nhiều cây buội thấp và vì vậy dường như thích hợp cho việc chăn nuôi cừu, dê.
Người Myanmar sau khi gặt lúa(bằng tay), không đập ngay để mang về nhà, mà bó thành từng bó nhỏ rồi bỏ lại tại ruộng cho đến khi khô, sau đó mới ra đập lấy hạt.
Hình ảnh này cho thấy Myanmar quá nhiều phế tích, đến độ “bỏ hoang”, không ai ngó tới! Nhiều như viẹc làm đất bằng trâu, bò phổ biến khắp nơi!
Cũng giống như Phan rang, Phan Thiết... đất đai khô hạn, dê, cừu là vật nuôi thích hợp được thả rong trên các vùng đất hoang hóa với những loài cây dại gai gốc!
Trên đây là những hình ảnh dung dị mà…khá đẹp của một nông thôn Myanmar còn nghèo!
Trước khi tiếp tục, tôi xin phép được đính chính lại lộ trình của ngày hôm nay. Trong khi xem lại hình ảnh để viết, tôi phát hiện ra là ngày 07-11, chúng tôi dừng chân nghĩ đêm tại thành phố Monywa, chứ không tới được Mandalay như tiêu đề đã ghi, cụ thể câu chuyện được tiếp tục như sau đây.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi muốn đến, quận Yin Ma Bin, nằm bên bờ Tây sông Chindwin, ngoại ô thành phố Monywa, chùa Phowin Taung nằm trên địa phận quận này.
Bấy giờ đã quá 11 giờ, chỉ còn vài mươi phút nữa là các Sư không thể ăn trưa, cho nên việc trước tiên là tìm cho được 1 quán ăn.
Đó là quán nhỏ, bình dân, nằm gần chùa, nơi bìa 1 xóm(hay làng?), mà các nhà dân được rào kín bằng cây gỗ hoặc phênh tre rất đặc trưng. Các chị túa vào bếp tiếp tay chủ quán làm nhanh những phần ăn thích hợp để kịp phục vụ cho quí Sư trước 12 giờ.
Bản đồ vẽ lại lộ trình 2 ngày 07-11 và 08-11-2013.
Theo bản đồ này thì lộ trình thay đổi tại ngả 3 trước khi tới Lingadaw(nhánh kia đi Ma Au), đường dài thêm 19km.
Quán ăn bên tay phải.
Chờ cơm.
Ăn cơm.
Sau bửa ăn, chúng tôi vòng ra sau quán, lang thang vào xóm nhà lân cận, thấy nhà cửa nơi đây được rào kín bằng cây hoặc phênh tre rất đặc trưng.
Có vài gia đình rất nghèo, nhà vừa nhỏ lại rách nát, chỉ có 1 cái giường và chiếc bàn ăn xệu xạo!
B.22.2. Chùa Phowin Taung.
Nằm trên bờ Tây sông Chindwin, thuộc địa phận quận Yin Ma Bin, giáp ranh với quận Salin Gyi, chùa Phowin Taung là một quần thể gồm chùa, tháp và các hang động Phật thật phức tạp trên sườn 1 núi thấp.
Khu vực chùa Phowin Taung nằm phía bên trái đường ranh.
Đây là ngôi chùa duy nhất tới giờ này không yêu cầu khách viếng thăm phải bỏ giày dép trước khi bước lên đường dẫn. Về sau tôi mới biết có lẽ bởi vì sau khi lên chùa, du khách còn phải tiếp tục leo theo các lối đi trên sườn núi để thăm các khám thờ Phật khoét sâu trong vách đá.
Người Miến thật mộ đạo, khi chúng tôi đến chân núi, đã thấy có nhiều du khách địa phương đi hành hương chùa Phowin Taung bằng các phương tiện bình dân như xe tuk-tuk, xe “tải khách”…bên cạnh một nhóm nhỏ người dân địa phương đang bán buôn.
Đặc biệt, không thấy có ở những chùa tôi đã viếng, các cháu bé rao bán một mặt hàng là các vòng hoa được tếch lại thật ngộ nghỉnh, để du khách đội đầu khi thăm chùa, chắc cũng chỉ cho …vui mắt !?
Nhưng “lộn xộn” nhất là mấy chú khỉ hoang, lẩn quẩn bên chân du khách để xin chuối hoặc đậu phộng…bọn này có vẻ hiền hơn đám “du côn” ở rừng sát Cần giờ, chỉ thừa cơ khách mất cảnh giác, cuỗm lấy dép, điện thoại hay đồ ăn… trên tay.
Theo tài liệu, chùa Phowin Taung có 900 hang động, hốc đá chứa đến gần 500.000 tượng và hình ảnh Phật, tạc trong đá, đặt trong các khám thờ hoặc vẽ trên các bích họa, có niên đại từ thế kỷ 14 đến 18. Theo các nhà khảo cổ, đây là bộ sưu tập tượng Phật và bích họa cổ phong phú nhất khu vực Đông Nam Á.
Nhiều cái hốc trống rổng, tôi thử chui vào vì nghe nói, thời thế chiến, người dân trong vùng đã lên đây lánh nạn, bởi các hang động đã giúp họ ẩn náu khi phi cơ oanh tạc, ném bom!
Quả thật những hốc đá, những hang cạn…thật vững chắc, nấp vào đó thật an toàn trước đạn bom. Có lẽ đó là một “cứu khổ, cứu nạn” cụ thể nhất trong lịch sử mà người dân địa phương được hưởng nơi đất Phật!