|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
31 ngày rong chơi...174-175 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
12/3/2015
Phần 174 - 175
Dù có nhiều cố gắng chúng tôi cũng không thể nào đi hết 1 phần nhỏ chiếc núi đầy di tích này. Các hang động, các tượng Phật sa thạch cùng với những hình tượng linh thú, hoa văn… được chạm khắc tinh xảo chắc chắn luôn là những mục tiêu khám phá của nhiều người khi tới đây.
Những ngày trước, tôi đã chứng kiến sự lộng lẫy, đồ sộ của các ngôi chùa vàng Miến Điện, tôi đã lạc vào những dấu tích ngàn năm nơi thánh địa Indein, choáng ngợp trước hàng ngàn tượng Phật lớn nhỏ ở Động Phật Pindaya và vừa ra khỏi cái không gian ngàn năm cũ của cố đô Bagan bụi hồng với hơn 2000 cổ tháp vấn vương hồn thu thảo!
Cho nên, khi vào nơi này, tưởng rằng chỉ là một điểm viếng thăm nho nhỏ, “lót đường” để đi tới Mandalay lừng danh thế giới, tôi hoàn toàn không chuẩn bị tinh thần đến với Phowin Taung Pagoda bằng một nỗi háo hức như những nơi trước. Thêm nữa, tôi không thấy dồn dập du khách, tấp nập xe cộ…mà chỉ lác đác như một chốn quê mùa nào đó. Nhưng sau gần 1 giờ mõi chân leo trèo qua các vách đá đầy di tích, len lỏi vào các động Phật lặng lẽ những tượng sa thạch trầm mặc…tôi mới thấy mình bất lực trước những gì còn chưa khám phá, mà tiếc nuối. Hèn chi, sau này khi tìm kiếm thông tin trên net, tôi thật sự không bất ngờ khi rất nhiều du khách Châu Âu đã chẳng tiếc lời khen, dành cho di tích “âm thầm” tồn tại trên núi đá hoang sơ này!
Cả 1 sườn núi khá hoang vu khi chiều xuống, vậy mà có nhiều hang, tượng Phật được thếp vàng rực rỡ, không hề có biện pháp chống “đạo tặc” cạo trộm hay lấy mất, vì biết bao đời nay, chẳng người Miến nào làm chuyện đó! Thật là một dân tộc tuyệt vời, tôi tin rằng họ sẽ nhanh chóng bắt kịp các nước trong khu vực, bởi sự trong sáng của con người Miến Điện! Họ như tờ giấy trắng, sẽ không khó khăn để thay đổi, cũng như góp phần làm thay đổi một xã hội vốn đầy nhân hậu, giúp đất nước phát triển, giàu có trong tương lai không xa!
Tượng Phật dát vàng y "4 số 9"!
Hàng trăm năm qua, bao nhiêu vàng đã được dát lên tượng Phật này, vậy mà vàng cứ dày lên chứ không hề mất đi, dù chung quanh hoang vắng, không ai canh giữ! Chúng tôi cũng mua một số vàng, giá chỉ vài chục ngàn đồng tiền Việt, dát vào tượng , chỉ để bày tỏ lòng kính trọng Đức Phật cùng sự ngưỡng mộ về một dân tộc tuyệt vời!
Cuối cùng mọi người “xuống núi”, giã từ Phowin Taung Pagoda, để tiếp tục cuộc hành trình vô cùng thú vị với những bất ngờ đột xuất, không thấy có trong quảng cáo của các tour du lịch chính thống.
Và với chúng tôi, điểm đến Phowin Taung Pagoda tưởng chừng như không quan trọng này, bây giờ trở nên chẳng thể nào quên, như hình ảnh dễ thương của cậu bé Quận Yin Ma Bin mà chúng tôi chụp được khi vừa mới đến.
B.22.3. Maha Bodhi Ta Htaung, Laykyun Setkyar với tượng Phật đứng cao hàng thứ 2 thế giới.
Điểm đến kế tiếp sẽ là Bồ đề Đạo Tràng(Maha Bodhi Ta Htaung) và đồi Laykyun Setkyar, nằm cách thành phố Monywa khoảng 20km, về phía Đông Nam(xem lại sơ đồ), như vậy chúng tôi sẽ vượt qua thành phố Monywa.
Bác tài Ấn Độ cùng anh phụ xế điều khiển chiếc xe 29 chỗ, đưa chúng tôi vượt qua 1 nhánh nhỏ của sông Chindwin khá đẹp nhưng thiếu nước, lòng sông phơi đáy bùn hơn phân nửa.
Sau đó tiếp tục vượt sông Chindwin trên chiếc cầu cùng tên. Cầu này khá dài, kết cấu thép tương tự như cầu Pakokku, khiến tôi cứ tưởng mình trở lại cầu cũ, thực tế bây giờ đã nằm cách hơn 100km về phía Nam!
Giống như cầu Ayeyarwady ở Pakokku, cầu Chindwin cũng chính là cửa ngỏ 1 thành phố, Monywa, ngay khi nó vừa vượt qua bờ Đông. Tôi chưa rõ bộ mặt thật của thành phố này, cho nên hình ảnh mua bán cá trên lề trái con đường đã làm tôi chú ý, nó có vẻ dân dã, báo hiệu cho một thành phố không hiện đại lắm.
Nhưng đó chỉ là ngoại ô, khi tới nhà ga Monywa thì mới thực sự bắt đầu vào nội thị.
Năm nay, 2013 Myanmar là nước chủ nhà của SEA GAME 27, hình ảnh và biển cổ vũ cho sự kiện thể thao này được phổ biến khắp nơi trên đất nước Myanmar.
Quả thật, không biết các con đường khác của Monywa ra sao, nhưng hình ảnh trên quốc lộ xuyên qua thành phố này cho thấy 1 góc nhếch nhác rất…Myawaddy(thành phố biên giới giáp Thái Lan).
Lễ Dâng y được tổ chức khắp nơi trong suốt tháng sau ngày ra Hạ, người Miến làm những đám rước rất long trọng, đầy màu sắc trên những chiếc xe, chiếc kiệu được trang hoàng lộng lẫy với hình tượng lịch sử tôn giáo, cùng những vật phẩm cúng dường cho chùa.
Chợt tôi bắt gặp 1 hình ảnh dễ thương của chú sadi đang quảy ba-lô trên đường. Có lẽ chú phải học chữ ở trường “dân sự” bên ngoài?
Xe đưa chúng tôi về hướng Đông Nam thành phố, cách 20km là đồi Lakyun Setkya, nơi có tượng Phật đứng cao hạng 2 thế giới, mà từ xa chúng tôi có thể nhìn thấy.
Nhưng trước tiên, xe dừng lại dưới chân đồi để chúng tôi bước vào thăm khu vườn tượng Phật độc đáo với hàng ngàn tượng ngồi dưới hàng ngàn cội bồ đề, nơi đây là Maha Boddhi Ta Htaung.
Từ Vườn Phật, chúng tôi có thể thấy phía xa là đồi Po Khaung Taung với những tượng Phật khổng lồ thấp thoáng dưới nắng chiều.
Maha Bodhi Ta Taung, do Hòa thượng Bodhi Ta Taung Sayadaw xây dựng từ năm 1960, ngoài vườn Phật kể trên, nơi đây còn có 2 tượng Phật khổng lồ nằm trên dãy đồi Po Khaung Taung lân cận, thuộc hàng những tượng Phật lớn nhất thế giới:
1/ Tượng Phật nằm nghiêng dài 91 mét, cao 20 mét, xây dựng năm 1991, là hình ảnh Đức Thích Ca trước ngày nhập Niết Bàn.
2/ Phía sau đó, nổi bậc trên bầu trời xanh thẳm là tượng Phật đứng, 129m(kể cả bệ), cao xếp vào hàng thứ 2 thế giới, hoàn thành sau 11 năm xây dựng.
Cả 2 đều là những tượng rỗng, có nhiều phòng trưng bày các tượng Phật, những hình ảnh liên quan đến Phật giáo và cuộc đời Đức Thích Ca.
Tượng Phật nằm và phần xây thô của tượng Phật đứng trên đồi Po Khaung Taung.(Ảnh sưu tầm trên internet).
Sau khi rời vườn Phật, xe đưa chúng tôi leo lên đồi Po Khaung Taung theo con đường uốn lượn, các tượng Phật khi gần, khi xa, thấp thoáng qua những tán cây xanh, cuối cùng xe thẳng lên bãi đổ phía sau tượng Phật đứng, lúc bấy giờ gần như đã hoàn chỉnh, riêng hệ thống thang máy vẫn chưa hoạt động.
Tại đây, chúng tôi mới thật sự cảm thấy choáng ngợp trước hình tượng Đức Thế tôn cao vòi vọi trên trời xanh trong vắt. Theo đánh giá của các chuyên gia, Miến Điện là một trong những quốc gia nghèo, vậy mà các công trình xây dựng của Phật giáo đều thuộc hàng khổng lồ, kể từ xưa tới nay, điều đó cho thấy người dân Miến có lẽ là những người mộ đạo Phật nhất thế giới! Đặc biệt các công trình này đều có giá trị tinh thần và vật chất rất cao, lại không thuộc chủ quyền của 1 tổ chức hay cá nhân nào. Ngày nay, tất cả đang là điểm thu hút sự quan tâm của du khách khắp thế giới, một nguồn thu ngoại tệ không nhỏ đóng góp cho sự phát triển kinh tế thời hội nhập của Myanmar.
Vì thang máy chưa hoạt động, không thể lên nổi đến tầng 31, nên chúng tôi chỉ có thể theo cầu thang bộ leo vài tầng trên cao. Chúng tôi chứng kiến những hành lang rộng rãi, chạy ngang qua các phòng và các bệ thờ, tất cả đều rực rỡ màu sắc!
Tượng người xây dựng nên Maha Bodhi Ta Taung.
Sau đó tôi trở xuống, đi loanh quanh chân tượng, chụp thêm 1 số hình ảnh.
Khi vào trong ta mới thực sự chứng kiến công trình đầy màu sắc, theo một cách thật đặc trưng, rất dễ khiến du khách có nhiều ý kiến trái chiều. Trong cái sắc nóng chủ đạo của nhủ vàng và đỏ, vài công trình phụ lại hồng dịu hoặc xanh nhẹ da trời…
Thật là một phối trộn kỳ lạ!
Dù thích hay không với mảng màu sắc rực rỡ này, chắc chắn du khách khi đến với Thambuddhei Paya, thảy đều công nhận vẻ đồ sộ, nét tỉ mỉ cực kỳ của công trình có chứa tới 500.000 hình tượng Phật này. Phật ở khắp nơi, từ nhỏ xíu tới to lớn, từ hình ảnh trên bích họa đến phù điêu và tượng tròn, nhiều cái nhỏ đến độ chợt nhìn không thể thấy, vì tưởng chừng như đó là những đường chỉ hoa văn! Rất tiếc, khi chúng tôi đến thì đền đã đóng cửa, chỉ được loanh quanh trên lối đi giữa các công trình mà không vào thăm các phòng.
Chúng tôi chỉ loanh quanh theo các lối nhỏ giữa những công trình, ngắm nhìn “mỏi cổ” khu đền tháp nhiều sắc màu của Mohnyin Thambuddhei Paya Temple dưới ánh nắng chiều dần tắt, thầm thán phục kỳ công của người thiết kế lẫn những nghệ nhân. Với tôi, đây là một công trình đẹp từ trong ra ngoài! Dù cái đẹp này có thể làm rối mắt một số người.
Xe đưa chúng tôi về tới thành phố Monywa rất muộn, bây giờ mới thấy cái ngột ngạt của 1 vùng kinh tế quan trọng tại đồng bằng sông Chindwin, khi len lỏi qua dòng xe cộ náo nhiệt để tìm đường đến khách sạn, ngủ qua đêm. Tôi còn kịp thấy thoáng qua tượng Anh hùng Aung Sang rực sáng trên lưng ngựa.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1062664 visitors (3177144 hits) |