|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Biển và con người |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
18/6/2017
Biển và con người
Nhân ngày
QUỐC TẾ VỀ ĐẠI DƯƠNG (JOURNÉE MONDIALE DE L'OCÉAN) 8 THÁNG 6
Biển và con người
GS Thái Công Tụng
Abstracts
Following introduction in section 1 about the sea and oceans with songs and Vietnamese poetry about oceans, the various roles of ocean are mentioned in section 2: supply, ecology, society and spirituality. Oceans provide a variety of fish products, shrimps and other molluscs. Oceans regulate the earth climate with ocean currents. El Nino, earthquakes also originate from oceans. Oceans also are important for recreational use. Oceans can awaken, renew, or deepen spirituality washes over our inner selves that can lead to serenity and peace. .Section 3 deals with ocean issues: coastal resources are under constant stress from human activity with pollution, overfishing, degradation of coastline forests, destruction of coral reefs .. Climate change and rising seas go on to exacerbate existing threats .Section 4 deals about managing coastal resources which may be summarized in 4 P: to protect, to preserve, to promote and to prevent.. In concluding remarks in section 5, the author stresses the harmony in development, that is the fair allocation and use of coastal resources while managing these areas sustainably, so that they can be used by future generations
1.Dẫn nhập
Nói đến nước là phải nghĩ ngay đến biển, đến đại dương.
Biển có nhiều đặc thù : gió biển khác với gió đất, cát biển khác với cát sông, cá biển khác với cá nước ngọt v.v. .
Các vùng ven biển chỉ chiếm 20% diện tích Trái Đất nhưng có đến 50% dân cư sống tại đó .Vài ví dụ các thành phố ven biển:
Thượng Hải, Hong Kong nằm sát biển ở Trung Quốc; Marseille, Bordeaux nằm gần biển ở Pháp; Barcelone ở Espagne, NewYork ở Mỹ, Lisbonne ở Portugal đều là những thành phố quan trọng sát biển .
Đại dương quan trọng vì chứa nhiều tài nguyên (dầu hoả, hơi đốt), vì 90% hàng hoá thương mại trên thế giới là trên biển, vì nguồn lợi hải sản, vì du lịch v.v.
Đại dương thế giới được chia thành 5 đại dương, chia cắt đất liền thành các lục địa.
Trong 5 đại dương thì
Thái Bình dương lớn nhất, chiếm một diện tích 180 triệu km2, bao phủ 1/3 diện tích trái đất. Nhiều hoạt động núi lửa trên mặt (Indonesia) hoặc dưới nước
Đại Tây dương đứng hạng 2 với 106 triệu km2 , kéo dài từ bắc xuống nam với chiều rộng trung bình 5000km, tiếp nhận nhiều nguồn nước nhạt từ các cửa sông St Laurent, sông Congo, sông Amazone
Ấn độ dương với trên 73 triệu km2, nằm giữa Châu Phi và châu Úc
Hai đại dương còn lại là Bắc Băng dương và Nam Băng dương. Nếu tính theo tỷ số diện tích các đại dương thì Thái Bình dương đã chiếm gần 50%, Đại Tây dương với gần 30% và Ấn độ dương 20%
Nhưng biển cũng rất đa dạng: có biển nằm trong lục địa như biển Caspian, biển Aral, Biển Chết. Những biển này thực ra không thông thương với đại dương nhưng thực chất là những hồ nước mặn. Biển Chếtở Trung Đông là nơi thấp nhất trên bề mặt Trái Đất. Khu vực chứa nước bị hãm kín này có thể coi là một hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới.
Tỷ trọng của nước biển nằm trong khoảng 1.020 tới 1.030 nghĩa là nặng hơn nước ngọt. Nước biển có độ mặn không đồng đều trên toàn thế giới mặc dù phần lớn có độ mặn nằm trong khoảng từ 3,1% tới 3,8%.
Bờ biển cũng thay đổi vì có chỗ hình vòng cung, có chỗ cạn, chỗ sâu nên có nhiều danh từ địa mạo khác nhau như : vịnh, vũng, phá, eo v.v.
Vịnh (gulf) là phần biển lõm sâu vào đất liền. có kích thước khá lớn. Ví dụ: vịnh Thái Lan, vịnh Bắc Bộ
Vụng (bay) là những vịnh có kích thước không lớn, được bảo vệ chống sóng gió bởi các mõm nhô ra biển.Một số vụng ở Việt Nam: vụng Đà Nẵng, vụng Dung Quất, vụng Qui Nhơn, vụng Văn Phong...
Phá (lagoon) kéo dài dọc theo bờ biển, hoàn toàn tách biệt với biển bằng các doi đất, chỉ trừ vài cửa thông với biển. Ví dụ : phá Tam Giang ở Thừa Thiên.
Eo biển (détroit, straits) là phần biển dài và hẹp nằm ở giữa hai khoảng đất, thường là hai lục địa nối liền hai vùng biển với nhau. Ví dụ: Eo biển Bering nối liền Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương, phân cách Châu Á và Bắc Mỹ; Eo biển Gibraltar nối Địa Trung Hải với Đại Tây Dương, phân cách Châu Âu và Châu Phi; Eo biển Malacca nối Biển Đông với Ấn Độ Dương.
Sông ngòi thông ra với biển qua các cửa biển; ở Viet Nam, ta có Cửa Lò, Cửa Tùng, Cửa Việt, cửa Đại v.v.:
Biển bao la trên Trái Đất nên cũng là nguồn cảm hứng cho nhà văn, nhà thơ .
Thi bá Nguyễn Du có nói về biển ngay đầu tập thơ Kim Vân Kiều:
Trãi qua một cuộc biển dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Biển dâu, dâu biển cũng còn trong câu :
Cơ trời dâu bể đa đoan
Một nhà để chị riêng oan một mình
Dưới mắt của nhà thơ Nguyễn Khắc Hoạch, bút hiệu Trần Hồng Châu thì:
Biển là mây gió
Biển là Tự do không bờ bến
…
Biển là huynh đệ lòng người
Biển cũng có những bát ngát tư duy
................................................................................
(Ngủ Ngon Đi Nhé Biển Tuyệt Vời – Trần Hồng Châu)
Biển cũng là nguồn cảm xúc của nhiều nhạc sĩ :
Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về Gọi hồn liễu rũ lê thê Gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi biển nhớ em quay về nguồn gọi trùng dương gió ngập hồn v.v.
cũng như nỗi nhớ ray rứt:
Có kẻ nghe mưa, trạnh mối sầu
Vắt tay chờ mộng, suốt đêm thâu
Gió từ sông lại, mưa từ biển
Không biết người yêu nay ở đâu (thơ Đinh Hùng)
Lời mẹ ru con buồn xa vắng hay lời hát quan họ Bắc Ninh cũng nhắc đến biển: Đêm qua chớp bể mưa nguồn, Hởi người tri kỷ có buồn hay không, Cá buồn cá lội tung tăng, Người buồn người biết đãi đằng cùng ai, Ngày qua chung bóng chung hơi, Bây giờ kẻ ngược người xuôi mặc lòng.
Biển có một vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ sinh thái trái đất.
Biển điều hòa khí hậu và điều tiết các quy trình tái tạo các yếu tố thiết yếu của sự sống (các-bon, o-xy…), cung cấp nguồn tài nguyên và phục vụ cho cuộc sống của con người.
2.Vai trò của đại dương
2.1. cung cấp.
Đại dương cung cấp cho loài người nhiều thức ăn hải sản như cá, mực, nghêu, ngao.. , Rong biển là nguồn nhiều dược thảo.
Nhiều xứ ở Phi Châu ven biển (Mauritanie, Sénégal, Cote d’Ivoire ..) đang coi cá và hải sản là nguồn dinh dưỡng chính của họ. Đại dương tạo công ăn việc làm cho bao ngành nghề khác nhau và hải sản như tôm, cá là loại thực phẩm được buôn bán lớn nhất.
Các thềm lục địa ven biển là nơi có nhiều phiêu sinh vật cả thực vật lẫn động vật; nhờ nguồn thức ăn này nên tài nguyên hải sản vừa đa dạng, vừa phong phú : gần 2 000 loài cá biển, hơn 200 loài tôm biển, vài chục loài mực, chưa kể vài loài rùa biển, rắn biển cũng như các hải sản có tiềm năng xuất cảng lớn : rong câu, sò điệp, hải sâm, tôm v.v.
2.1.1. Các loài cá biển . Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO) cho biết, tổng sản lượng đánh bắt cá toàn thế giới năm 2008 đạt hơn 141 triệu tấn, trong đó đánh bắt cá tự nhiên đạt 90 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 51,6 triệu tấn.
Cá biển rất đa dạng về chủng loại, hình thái, kích thước, điều kiện sinh thái, sinh trưởng, sinh sản và khác nhau về giá trị kinh tế:
-theo chiều dọc, có thể phân loại:
. cá nổi, cá tầng giữa như cá đé (Ilisha elongata) là một loại cá nhiều ở vịnh Bắc Bộ được liệt vào hạng cá tứ quý ở vùng biển phía bắc Việt Nam: cá chim, cá thu, cá nhụ, cá đé.
.cá tầng gần đáy và cá đáy; cá đáy cũng còn bao hàm luôn các loài cá khai thác được bằng lưới kéo đáy như cá hồng còn có tên khác là cá hanh, cá mối .
-theo chiều ngang, cá phân chia thành:
. cá cửa sông, cá ven bờ (như cá trích, cá cơm, cá đé, cá nục..)
.cá đại dương (cá thu, cá ngừ, cá chuồn, cá bạc má, cá nhám..) .
Tuy có hàng ngàn loài cá thuộc khoảng 200 họ nhưng chỉ có chừng 100 loài là có giá trị kinh tế. Cá đại dương có giá trị kinh tế ở biển Đông là cá thu, cá ngừ, cá mòi và vô số loài cá khác; nhiều loại cá chuyên sống ở đáy biển như cá hồng, cá mú, cá đuối, cá kẽm
Cá cơm (Anchoviella) là cá cỡ nhỏ chủ yếu làm nước mắm, cá dưa (Muraenesox) thuờng gặp khắp vùng bờ biển Việt Nam .
Cá hồng (Lutianus erythropterus) cũng là một loài cá kinh tế thường dùng ăn tươi
Cá khế ( thuộc họ Carangidae) gồm nhiều loài có giá trị kinh tế như cá nục (Decapterus)
Cá mòi (Clupanodon) là cá tầng trên ở các vùng nước ven bờ biển; trước kia Việt Nam có nhiều nhưng nguồn lợi này bị giảm sút nặng do đánh cá quá mức khi cá đi đẻ..Cá mòi được gợi lại trong ca dao sau đây :
Tiếng đồn con gái Phú Yên
Đồng Nai đi cưới, một thiên mắm mòi
Chẳng tin giở hộp ra coi
Rau răm ở dưới, mắm mòi ở trên
Cá mú ( thuộc họ Serranidae) gồm nhiều loài . Phần lớn các loài thuộc họ Cá Mú đều có giá trị kinh tế; các loài này thường sống trong các rạn san hô và rạn đá.
Cá ngừ ( thuộc họ Thunnidae) bề ngoài gần giống cá thu, ở Nhật Bản dùng ăn tươi với món gỏi cá ngừ sashimi . Cá ngừ ngâm dầu, đóng hộp, có khi xông khói
Cá nục (Decapterus) thuộc họ Cá Khế (Carangidae) có vài loài có giá trị kinh tế ở Việt Nam như cá nục sò (Decapterus maruadsi) và cá nục đỏ (Decapterus kurroides), phân bố chủ yếu miền Trung .
Cá thu (mackerel) là tên gọi chung chỉ một nhóm cá biển có nhiều loai như : cá thu ảo (Scomberomorus commersoni), cá thu sọc (Rastrelliger brachyosoma), cá thu bạc má (Rastrelliger kanagurta). Thịt cá thu ngon nên được xếp vào hàng tứ quý :chim, thu, nhụ, đé .
Cá chuồn (họ Exocoetidae) tập trung nhiều biển miền Trung; cá chuồn có thể bay trong không khí, mỗi lần bay chỉ kéo vài chục giây trên vài chục mét Tuy có hàng ngàn loài cá thuộc khoảng 200 họ nhưng chỉ có chừng 100 loài là có giá trị kinh tế như cá mú, cá chim, cá chình, cá chuồn; cá chuồn là loại cá nổi, thân nhỏ, ít thịt nhiều xương với hai vây lưng rất to. Loài cá này chỉ xuất hiện rộ vào mùa biển lặng từ tháng hai âm lịch. Cá chuồn có thể chế biến được nhiều món và dành làm thực phẩm cho mùa mưa gió. Ở xứ Quảng có câu ca:
Ai về nhắn với bạn nguồn
Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên.
Mít non nấu canh cá chuồn là món ăn dân dã, mộc mạc đã gắn bó bao đời nay với người dân xứ Quảng, như một mối tình gắn bó keo sơn giữa rừng với biển - mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên
cá trích (Clupeidae) thường được khai thác bằng kết hợp ánh sáng và lưới kéo, ban đ êm thường nổi lên mặt, ban ngày ở lớp gần đáy
cá mú (Serranidae) sống chủ yếu vùng rạn đá và rạn san hô nên cá này khó đánh bắt bằng lưới kéo đáy . Loài cá được ưa chuộng nhất trong các loài cá biển vì thịt trắng, ngon, dai
cá ngừ vây vàng (tuna) dùng làm món ăn sushi, sashimi
Ngoài cá biển, còn gặp thêm:
2.1.2. các loài thân giáp (Crustacea) như cua biển, tôm hùm (homard), tôm rồng (langouste)
Rủ nhau xuống biển mò cua
Đem về hái quả mơ chua trên rừng
Dĩ nhiên, tài nguyên biển Đông phải kể thêm tôm vì tôm là một sản phẩm được xuất cảng nhiều nhất trong các hải sản. Ngoài đánh bắt ở biển, hiện nay nghề nuôi tôm bằng giống tự nhiên và giống nhân tạo đang được phát triển.Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii ) tuy là tôm nước ngọt, nhưng vào mùa sinh sản, tôm này phải di chuyển đến vùng cửa sông, vùng nước lợ để đẻ; hiện nay, tôm càng xanh đã có trại sản xuất tôm giống và nuôi tôm thịt xuất cảng.
Cua biển (Scylla serrata) là loài cua sống ở biển cạn có thể bơi lên mặt nước hoặc bò ở đáy tìm thức ăn. Người ta khai thác cua biển bằng nơm, lờ, bẫy có mồi; hiện một vài nơi ở Việt Nam đã có thể nuôi cua biển trong các đầm nước lợ, vùng hạ triều, nuôi đơn hay ghép với cá măng (Chanos chanos). Thịt cua biển rất ngon và ngon nhất phải kể đến cua gạch.
Ngoài cua biển, còn có còng (Ocypoda), cáy (Uca), rạm (Sesarma), ghẹ. Ghẹ là tên chung chỉ một số thuộc họ Cua bơi (Portunidae) ở biển, có 10 chân. Thịt thơm ngon, các phế thải được dùng làm bột thức ăn chăn nuôi. Ở dưới biển, ghẹ lao nhanh như tên bắn nên bắt ghẹ khó.
Ngoài biển, phía gần bờ còn có con ruốc, còn gọi là tép biển Acetes, chi Tôm biển cỡ nhỏ, họSergestidae, bộ Thân giáp mười chân (Decapoda). Ruốc sống thành đàn lớn chứa nhiều protein
2.1.3 các loài thân mềm (Mollusque) có các đặc điểm như cơ thể mềm, không xương sống,có thể có vỏ đá vôi che chở và nâng đỡ như trai, sò, ốc, hến, ngao..
Trong các loài ngành Thân Mềm, ta phân biệt:
-các loài thuộc lớp Chân đầu (Cephalopoda), bao gồm phần lớn các động vật sống trong biển với đặc trưng là cơ thể đối xứng, phần đầu nổi bật, và có nhiều tua được phát triển từ chân của các động vật thân mềm nguyên thủy như mực (cuttlefish, squid, octopus) mực ống, bạch tuộc, và mực nang
-các loài thuộc lớp Chân bụng (Gasteropoda) như ốc ( ốc giấm, ốc nón, ốc gai , ốc mỡ, ốc giác, ốc bàn tay, ốc móng tay, ốc đỏ ) ngao, sò .. sống cửa sông, bãi bùn, bãi triều ..
Nghêu (tên khác : ngao) là tên gọi chung các động vật thân mềm với 2 mảnh vỏ, họ Ngao (Verenidae). Phân bố vùng triều giữa đến cuối tuyến triều thấp, nơi đáy cát hoặc cát bùn, sống vùi mình trong đáy. Ở miền Nam thì Bến Tre nhiều nghêu nhất. Ở Việt Nam, các loài ngao có giá trị hơn cả là : ngao dầu (Meretrix meretrix), ngao mật (Meretrix lusoria ).
Quê tui nước ngọt lắm dừa
Ruộng vườn mầu mỡ, biển thừa cá tôm
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày.
Ngoài Bắc, tỉnh Thái Bình ở huyện Tiền Hải, nhiều người nuôi ngao nhưng có lúc ngao chết trắng đầm vì độ mặn nước biển thay đổi nhanh do mưa lớn, ngao bị giảm sức đề kháng, cộng với thời tiết nắng nóng.
Ngao chết trắng đầm tại H.Tiền Hải - Ảnh: Hoàng Long
|
Hàu (huitre).
Hàu có chừng 25 loài, họ Hàu (Ostreidae), có 2 mảnh vỏ và sống chủ yếu ở vùng triều cửa sông, các rạn đá ven bờ, cả trong nước mặn và nước lợ .
Đầm Ô Loan giữa Qui Nhơn và Tuy Hoà có nhiều sò huyết và hàu đến nỗi Tản Đà có thơ rằng :
Lấy chi vui với thu tàn
Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu
Sò (palourde) cũng là tên gọi chung các động vật thân mềm với 2 mảnh vỏ, họ Sò (Arcidae)
Sò huyết (Arca granosa, họ Arcidae), cũng gặp ở vùng triều, có đáy bùn, thường gặp ven biển Bình Định, Ninh Thuận, Khánh Hoà. Đầm Ô Loan phía bắc Tuy Hoà, đầm Lăng Cô phía Nam Huế có nhiều sò huyết.
Sò điệp (pétoncle) cũng có 2 mảnh vỏ; ở Việt Nam, loài sò điệp có sản lượng lớn hơn cả là điệp nhật nguyệt (Amussium japonica), có nhiều ở vùng biển Quảng Ninh, Nghệ Tĩnh, Phan Thiết. Thịt điệp ngon, thường làm khô hoặc ăn tươi . Nguồn lợi điệp đã và đang bị khai thác quá mức : cần hạn chế khai hác trong mùa sinh sản, cấm khai thác điệp con, khai thác luân phiên các bãi .
Trai ngọc cũng là động vật thân mềm, 2 mảnh vỏ, gồm nhiều loài thuộc hai chi ( Pinctada
và Pteria ) sống ở các biển cạn ở độ sâu 5-60 mét, có khả năng sinh ra ngọc trai (perle). Hiện nay, nhiều nước nuôi để lấy ngọc, ngoài ra còn lấy vỏ cung cấp cho nghề khảm xà cừ
Bào ngư, có tên khác ốc chín lổ, là nhóm ốc biển,. Sống trong các khe đá dưới biển. Thịt bào ngư ngon, vỏ làm đồ mỹ nghệ
Sứa (méduse, jellly fish) là một lớp nhuyễn thể, thân mềm, sống ở môi trường nước. Có địa phương gọi là con nuốt. Một số loại sứa có thể được sử dụng làm các món ăn như bún sứa, gỏi sứa.
Ngoài các loài Thân Giáp và Thân Mềm nói trên, có thể kể Rùa biển thuộc loài Bò Sát hầu như suốt đời sống ở biển, chỉ lên bờ để đẻ trứng.Việt Nam có nhiều loài rùa biển.
Hải sâm, tên gọi dân gian là đỉa biển, còn gọi là dưa biển do thân hình loài vật này giống quả dưa. Tên tiếng Anh của loài này là Sea cucumber . Hải sâm là loài vật chuyên ăn xác chết của động vật dưới biển, Thức ăn của chúng là loài phù du và các chất hữu cơ tìm thấy dưới biển. Hải sâm được khai thác nhiều nhất ở Phú Yên, Khánh Hoà cũng như Vủng Tàu Côn Sơn. Người ta phát hiện gần đây trong hải sâm chất holothurine có tác dụng ức chế sự phân bào, có khả năng sử dụng trị ung thư.
Nhiều nguồn động vật biển được tái chế thành bột cá, dầu cá..Bột cá sử dụng như phân bón hoặc dùng làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản. Dầu cá nhiều Omega 3 cũng là nguồn cung cấp năng lượng rất tốt trong thức ăn
2.1.4 Ngoài hải sản còn có thực vật nằm dưới biển như các loại rong biển, cỏ biển.
Rong biển là những loài thực vật sinh sống ở biển, thuộc nhóm tảo biển. Rong biển có thế sống ở cả hai môi trường nước mặn và nước lợ. Chúng mọc trên các rạn san hô hoặc trên các vách đá, hoặc có thể mọc dưới tầng nước sâu với điều kiện có ánh sáng mặt trời chiếu tới để quang hợp.
Rong biển đã được sử dụng trong bữa ăn của con người từ thời tiền sử.Và sau đó trở nên phổ biến trên các quốc gia như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Rong câu (Gracilaria) là một loài tảo. Ở Việt Nam, có nhiều loài, đặc biệt có rong câu chỉ vàng (Gracilaria asiatica) có giá trị kinh tế lớn, sống ở môi trường nước lợ, thích mặt nước lặng, không có sóng gió. Đầm Ô Loan ở Phú Yên có nhiều rong câu . Rong câu cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất aga và các chế phẩm khác. Việt Nam có nhiều tiềm năng sản xuất rong câu, tuy nhiên còn thua xa Đài Loan về mặt năng xuất (8-10 tấn rong câu khô/ ha / năm ở Đài Loan, 1-1.2 tấn/ ha/ năm ở Việt Nam)
Vì biển Đông nhiều cá nên một trong những hình thức dự trữ là dưới dạng chế biến thành nước mắm (nước mắm Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc ..) hoặc mắm. Mắm cá được gợi lại trong nhiều câu thơ; các thuyền ghe ở Nghệ An chuyên chở mắm trong thuyền, rất hôi nên Cao Bá Quát đã có câu sau đây, ám chỉ chê thơ của vài thi sĩ cùng thời với ông :
Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An
Tản Đà khen mắm Long Xuyên như sau :
Hà tươi cửa bể Tourane
Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà
Các hải đảo biển Đông như các cù lao ngoài khơi Nha Trang, Đà Nẳng thì phong phú yến sào, món đứng đầu bát trân của người Trung Hoa.
Nước biển cho vào ruộng muối, để bốc hơi , còn lại là muối
Nước biển có thể chế biến thành nước nhạt để uống qua hệ thống thẩm thấu ngược . Nhiều thành phố lớn ven biển như London, Barcelone ..hay hải đảo (St Martin) đều có nhà máy chế nước biển thành nước uống ..
Thềm lục địa chứa dầu hoả và hơi đốt .
(xem tiếp P2)
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1062400 visitors (3176210 hits) |