12/4/2014
192-193
B.26. Ngày thứ 26, Chùa Đá Vàng(Golden Rock Pagoda).
Hôm qua, cuộc hành trình dài gần 700km, từ Mandalay thẳng về phương Nam để đến thị trấn Kyaikto, nằm cạnh đỉnh núi Kyaikhtiyo cao 1.100m, nơi có Chùa Đá Vàng nổi tiếng.
Theo chương trình, Chùa Đá Vàng là điểm thăm viếng cuối cùng của chúng tôi trước khi trở về Yangon.
Để quảng cáo cho các tour du lịch đến Myanmar, người ta thường để cao các địa điểm mà tôi tạm ký hiệu là X, “nếu không đến X, coi như chưa đến Miến Điện” và X đó là:
Chùa Shwedagon.
Hồ Inlay.
Cố đô Bagan.
Cầu U Bein.
Golden Rock Pagoda.
Như vậy, nếu một tour đầy đủ, để không mang tiếng “coi như chưa đến Myanmar”, du khách phải cố được đặt chân đến 5 địa điểm nêu trên.
Và hôm nay, để không uổng công qua đủ cả 4 địa điểm Shwedagon, Inlay, Bagan, U Bein mà vẫn “coi như chưa tới Myanmar” , Sư H. sẽ đưa chúng tôi tới thăm 1 trong 3 địa điểm hành hương bậc nhất của tín đồ Phật giáo Miến Điện: Kyaik Htee Yoo. (2 điểm kia là Shwedagon Pagoda và Mahamuni Pagoda, chúng tôi đã thăm rồi).
Trước tiên để các bạn thuận tiện trong việc theo dỏi phần này, tôi xin phép tạm giải thích cách đọc mà tôi đã từng …bối rối. Đó là việc phát âm chữ K trong khi gặp tiếng Miến dưới dạng chữ Latin, thường là tên các địa danh: vẫn đọc như chữ k thông thường như tiếng Việt, nếu không đi liền phía sau chữ k là chữ y, ví dụ đèo Kawkareik(Co ca reik), thị trấn Kalaw(Ca lo)…, nhưng khi có thêm y như “Ky” thì ta phải đọc là “Ch” như tiếng Việt, như vậy Kyai ta đọc là Chai, Kyat (đồng tiền Miến) ta đọc là “chát” hay “chạt”.
Như vậy:
Thị trấn Kyaikto ta đọc Chai tồ.
Núi KyaikHteeYoo, Kyaikhtiyo ta đọc là Chài ti dồ.
Hôm nay, ngày 11-11-2013 trời mờ sáng, từ ngoại ô, chúng tôi chuẩn bị đến trung tâm thị trấn Kyaikto, từ đó mọi người sẽ được mua vé để xe vận chuyển lên chùa Golden Rock, nằm trên đỉnh Kyaik Htee Yoo, cao 1.100m.
Chuẩn bị rời khách sạn Sane Lei Tin để đi thăm Chùa Đá Vàng.
Theo tiếng Mon, “Kyaik” có nghĩa là Chùa, “Yoo” là ngự trên đầu và “Htee” là “nhà ẩn sĩ”. Đỉnh núi này được gọi như thế vì có ngôi chùa thật đặc biệt, chỉ cao 5,5m xây trên 1 tảng đá hình trứng cao 7,3m nằm rất cheo leo, đã trở thành kỳ quan của thế giới: KyaikHteeYoo Pagoda, “ngôi chùa trên đầu nhà ẩn sĩ”.
Chùa này còn được gọi là Golden Rock Pagoda, vì chùa và tảng đá được dát vàng từ bao đời nay, bây giờ đã “vàng hóa” từ trên xuống dưới, lúc nào cũng nổi bậc trên đỉnh núi “Chài Ti Dồ”.
Kyaikto là một thị trấn nhỏ thuộc quận Thaton, bang Mon, khách sạn Sane Lei Tin nằm ở ngoại ô nên chúng tôi phải vượt 1 đoạn đường trước khi tới. Giống như mùa Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc), bắt đầu từ trước Tết, tăng dần vào tháng Giêng cho đến cao điểm là ngày 23-4 âm lịch, mùa hành hương “Chài ti dồ” bắt đầu từ tháng 11sau khi chấm dứt mưa, đến tháng 3 dương lịch năm sau, dân Miến cũng lũ lượt kéo nhau đến KyaikHteeYoo. Chúng tôi chứng kiến điều này khi vào đến thị trấn. Từ khắp nơi trên đất nước Myanmar, người Miến kéo nhau đến đây, họ đi thành từng đoàn, gồm nhiều thành viên trong gia đình giống y dân miền Nam đi chùa Bà Chúa xứ, túi bị lỉnh kỉnh, con cháu ẳm bồng… Có vẻ nhiều người trong số họ sẽ ở lại trên đỉnh núi lâu hơn 1 ngày?
Vì chưa biết gì về đường lên “Chài Ti Dồ” nên tôi cũng chẳng hình dung được cái kiễu bến xe kỳ lạ mà mình gặp hôm nay. Khi chiếc bus thả chúng tôi xuống, anh bạn Zaw Minn bảo mọi người vào bến, là một khu nhà rộng lớn có mái che với nhiều xe tải, loại xe ben chở cát đá, cùng các cầu thang để khách lên xe.Tôi cứ nghĩ đây là kiễu kinh doanh “độc quyền” của địa phương sở hữu danh thắng Golden Rock Pagoda, giống như việc “trung chuyển” khách viếng thăm Núi Cấm ở An Giang. Bấy giờ, nhìn thấy hành khách phải nhờ những cầu thang đặc biệt để lên xe, tôi vừa tức cười vừa thắc mắc, thầm nhủ: tội nghiệp, người Miến vẫn còn nghèo quá nên không thể trang bị nổi các xe bus hiện đại cho tuyến du lịch này, sử dụng toàn là xe “ben” loại chở đá cho các công trình xây dựng cầu đường, với băng ghế bắc ngang trên thùng xe phía sau, thiếu cả lưng dựa…thật đúng là tệ hơn…vợ thằng Đậu!
Vé xe có 2 hạng, 3 ghế trong cabin giá 3.000 chát(kyat), các ghế “ngoài trời” phía sau thì đồng hạng 2.500 kyats.
Dẫu sao, các chủ phương tiện cũng đã “làm mới” những chiếc xe ben này bằng việc thay lại mâm bánh sáng loáng, sơn nhiều màu sắc tươi mát …khiến xe bớt đi cái vẻ … “bắt heo” khi có cái “rọ” sắt chình ình sau đít!
Thêm nữa, he he, không biết có ý gì mà ngay trên đầu khách đứng đợi xe, 1 tấm biển chỉ đường đi “rest rooms” có vẻ rất ư là…mời gọi?! Hình như nhắc nhở ai sắp …muốn "tè" thì hãy đi ngay trước khi lên xe!
Nhìn lượng khách đang đứng chờ lên xe, tôi hình dung phần nào nhu cầu hành hương đến vùng đất thiêng này của Miến Điện. Cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa thấy người khách châu Âu nào hiện diện, hầu như tất cả những người đang chờ đợi lên xe đều là dân Miến, kể cả chúng tôi nếu mình không…tự thú. Nói như thế để muốn lưu ý các bạn là việc đến Kyaikhteeyoo với người Miến là nhu cầu tâm linh, du lịch ngắm cảnh chắc không phải là chính yếu! Vậy mà họ đi rất đông, nên để không mất thời gian, Zaw Minn bao hẳn 1 chiếc xe.
06h40’ 11-11-2013, chuyến leo núi Kyaikhteeyoo bắt đầu, xe rời thị trấn Kyaikto lúc nắng vừa lên, 1 đoàn Sư khất thực đang trên đường hành đạo, quán cà phê vẫn còn vắng khách và đường lên cao chưa vội dốc đèo, vậy mà ngồi trên chiếc xe …thổ tả này, thật chẳng hè dễ chịu bởi nhuãn cú sốc …giật mình.
Buổi sáng sớm, xe chạy nhanh qua vùng núi cao mát lạnh, chẳng mấy chốc thì bắt đầu đến những khúc quanh kèm với sự thay đổi độ cao. Đường có vẻ hẹp, nhưng vẫn còn đủ rộng cho 2 xe vượt mặt, tuy nhiên với tốc độ “bạt mạng cô hồn” chiếc xe ben cứ ào ào lên dốc, mọi người trên xe chỉ biết nắm chặt tay vào nơi nào nắm được và nhìn trời đất với cái vẻ vô tư! Tôi thì thắc mắc, cứ cho xe bus lên rồi đếm đầu người thu tiền 2.500 chạt, vừa khỏi phải đầu tư xe, vừa khỏe cho du khách, sao lại tạo cái chuyến đi bão táp này cho ai cũng khổ!
Chẳng mấy chốc thì đến các đoạn đường khá hẹp, nhưng vẫn chẳng có gì bất thường.
He he, cũng chẳng có gì bất thường.
Chợt xe tấp vào một trạm dừng có mái che, tôi vẫn chưa biết lý do, lúc đó là 07h, xe mới chạy được 20 phút, chẳng ai có nhu cầu gì đến phải dừng lại. Thôi thì cứ đợi. Nghe nói dọc theo đường có đến 20 điểm dừng như vậy, tất cả đều có bán đồ ăn, thức uống và cũng là chỗ dừng chân cho các khách hành hương đi bộ.
Khách hành hương đi bộ.
Bên phải có quán bán thức ăn, đồ uống.
Bên kia đường là quán nước.
Và phía sau, thêm 1 xe vừa dừng lại.
Sau một lúc chờ đợi, tôi nhìn thấy có 1 loạt xe chở khách từ trên xuống, nhìn đoạn đường tiếp theo trước mặt, tôi chợt hiểu phần nào lý do xe dừng, đây là suy luận của riêng tôi:
-Do đường dốc, xe luôn chạy ở số thấp, máy hoạt động nhiều, tạm dừng để máy nghĩ.
-Đường nhiều chỗ hẹp, lại dốc nguy hiểm, không an toàn cho các xe qua mặt nhau, nên chỉ cho xe chạy 1 chiều, lên hoặc xuống.
-Việc phải sử dụng thắng xe nhiều trên con đường dốc cao hiễm trở này, cần phải có nơi dừng nghĩ, tránh tình trạng cháy bố …dẫn tới thảm họa!
Có lẽ đó là lý do chính xác, vì sau vài đợt xe xuống, chúng tôi lại tiếp tục leo dốc, rồi lại dừng tạm tại vài trạm tiếp theo…Dường như có bộ phận điều hành đang liên lạc với nhau qua bộ đàm ở mỗi trạm, họ sẽ điều phối việc lưu thông lên xuống và dừng nghĩ của các xe.
Sau cùng, khi đến trạm cuối, chúng tôi mới thấy rằng mình vừa thực sự trãi nghiệm cái cảm giác leo núi trên con xe ben 2 cầu chuyên dùng chở cát đá này, thật là tuyệt vời! Lúc đó thấy rằng mình đã có suy nghĩ sai về việc sử dụng xe “tệ hơn vợ thằng Đậu” để chở khách của ngành giao thông địa phương.
He he, người Myanmar không phải chẳng đủ tiền để dùng xe bus tốt cho khách du lịch được êm ái lên thăm Chùa Đá Vàng, mà thật ra, chỉ có loại phương tiện chở cát đá 2 hoặc 3 cầu này mới có thể leo những con dốc kinh hoàng có độ nghiêng trên 30 độ, với những cua ngoặc tay áo, nằm cheo leo bên bờ vực thẳm. Nhiều đoạn nhỏ hẹp chỉ đủ 1 xe qua, dốc lại “quá đứng” khiến phải tạo những lằn ngang trên nền xi măng nhám để gia tăng độ bám. Tôi là người thích mạo hiễm và khoái cảm giác mạnh, nên đoạn đường đã làm tôi thật sự thú vị, dù đôi lúc cũng hơi thót tim khi xe chợt như muốn…tắt máy lúc đang leo…lên trời! Dĩ nhiên, không thể nào sánh bằng cái cảm giác của các chuyến tàu lượn cao tốc ở Suối Tiên(Thủ Đức) hay Vinpearl(Nha Trang), vốn có thể làm “đái trong quần”(xin lỗi) những người yếu bóng vía. Nhưng cảm giác tột cùng làm “té đái” ấy chỉ diễn ra trong 1 vài phút cuối lúc con tàu lao dốc, uốn lượn ngã nghiêng như muốn quăng ta rơi khỏi đường ray, trước khi về tới ga. Còn hôm nay, đoạn đường lên “Chài Ti Dồ” kéo dài đến mấy mươi phút, liên tục với những cua ngoặc, liên tục với những đoạn ngắn dốc cao khiến xe không thể giảm tốc nhiều làm mất trớn và điều đó với khá nhiều người … “yếu ớt con tim” sẽ rất dễ bị…ướt quần, bây giờ tôi chợt nghĩ rằng có lẽ tấm biển “To Rest-rooms” ở bến xe chính là lời nhắc nhở khéo dành cho họ! Vâng, đi thăm “Chài Ti Dồ” với tôi, cũng như nhiều du khách khác, vào lúc này, dù chưa biết Ất Giáp gì về Golden Rock, nhưng cũng cảm thấy con đường đi lên đã “ăn tiền một cách xứng đáng”! 2.500 kyats để mua lấy cái cảm giác thú vị vừa qua, thật sự đã quá đủ, việc viếng Chùa và thăm Hòn Đá thiêng là quà “bonus” dành cho cuộc hành trình !
Sau đây là những hình ảnh trên đường lên KyaikHteeYoo.
Thì ra cái “rọ” bắt heo phía sau dùng để chứa hành lý.
Dừng tại các trạm dọc đường để chờ xe phía trên chạy xuống.
Một xe đang chở khách xuống.
Trong khi chờ tôi đi loanh quanh chộp ảnh.
Khách hành hương tại trạm dừng.
Trạm dừng chân này là 1 khu dân cư, có nhiều học sinh phải đến trường học trên đỉnh núi, vì xe còn nhiều chỗ trống, chúng tôi cho các em quá giang.
Các xe đi lên cùng chờ tại trạm dừng và các cháu học sinh quá giang.
Đường quá dốc, xe thiếu giảm sốc, chạy khá nhanh để giữ trớn…nên ai cũng nắm chặt chỗ nào nắm được, đồng thời nương tựa vào nhau cho bớt …ngã nghiêng. Nhưng chính cái sự ngã nghiêng ấy cùng cảm giác …bất an đã làm nên thú vị!
Nhờ chen chúc, hành khách “nương tựa” nhau cho vững hơn!
Đoạn đường dốc hẹp có rào bê tông che chắn.
Phía dưới…và
…phía trên.
Nhìn lên trên thấy dốc tiếp theo nghiêng phát ớn! Anh A. Sóc Trăng (góc phải) nói lần sau nếu lên chùa này, tui sẽ …đi bộ!
Cuối cùng cũng sắp đến nơi khi xe tới đoạn đường tương đối phẳng và rộng, chúng tôi thảnh thơi chụp được một cành cổ thụ khá đẹp trên cao!
Ngay sau đó là bến cuối, cách cổng chùa chừng 10 phút đi bộ, cuộc leo núi bằng xe ben kéo dài 1 giờ 10 phút, kể cả thời gian tạm dừng ở các trạm!