23/8/2015
Du Lịch thánh địa Indein
Mong Phước Minh
|
Thánh địa Indein thật ra chỉ là 1 điểm du lịch “ăn theo” tour chính thăm viếng hồ Inlay.
Inlay, còn gọi là Inle, là hồ nước ngọt lớn thứ 2 của Myanmar, rộng 116km2, nằm trên cao độ 880m, thuộc bang Shan, có độ sâu trung bình từ 2,1m đến 3,7m vào mùa khô, mùa mưa có thể tăng thêm 1,5m nữa.
Shan, Taungyo, Pa-Oo (Taungthu), Danu, Kayah, Danaw và Bamar là những tộc người sống rải rác trong các làng nằm trên lưu vực hồ Inlay; nhưng đông nhất là người Inthar, theo tiếng Miến, có nghĩa là “người sống trên hồ”. Họ ngụ trong những ngôi nhà sàn cao cẳng, cất ngay trên hồ, bên cạnh những vuôn rẫy nổi độc đáo.
Tạp chí du lịch Condé Nast Traveler chọn hồ Inlay là 1 trong 5 điểm đến mới của châu Á mà du khách nên khám phá, còn tôi, đã từng theo dõi qua màn ảnh nhỏ những hoạt cảnh độc đáo của hồ nước ngọt này; nhưng thật sự, điều đó chẳng thấm vào đâu so với những gì sẽ diễn ra trước mắt tôi hôm nay.
Tôi không biết cõi Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao ra sao, tôi chẳng rõ chốn Thiên thai của thi sĩ Tản Đà thế nào, nhưng 2 người nghệ sĩ ấy đã từng đưa tôi theo chân “Lưu Thần-Nguyễn Triệu”lên đến chỗ …
…Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi!
…. Đá mòn. Rêu nhạt. Nước chảy-Huê trôi.
Cái hạc bay lên vút tận trời...
Và với giọng ca cao vút của Thái Thanh, tôi cũng đã từng bay theo hạc trắng, lên đến tận mây xanh và thấy rằng Thiên thai của Tản Đà và Văn Cao, đẹp …như nhạc và thơ!
…trời cao xanh ngát, xanh ngát…ơ hờ,…hai con hạc trắng bày về …nơi đâu?
Trời cao xanh ngát, xanh ngát …ơ hờ…hai con hạc trắng…bay về …bồng lai!
Và thật bất ngờ…
Ô hay, bây giờ đang trước mắt tôi không phải là hai con hạc trắng, mà là một bầy chim trắng, giống như hải âu ở biển, đang nhởn nhơ trên sóng nước, không có vẻ gì là sợ hãi khi thuyền chúng tôi chạy ngang qua, chỉ một vài con cất cánh bay lên như vẫy tay đón chào khách đến!