NHÀ TÂY SƠN
Triều Phong ĐẶNG ĐỨC BÍCH
Phần 2
5 - Nội trị và Ngoại giao:
- Thống nhất đất nước:
Năm Giáp Thìn 1784, Nhà Tây Sơn đã kiểm soát hết Nam Hà, vào tới Hà Tiên. Mạc Cửu lúc nầy đã chết, quân chúa Nguyễn bị tan rã hoàn toàn. Năm Ất Tỵ 1785, quân Nguyễn Phúc Ánh chỉ còn là một lực lượng không đáng kể, phải đào vong ra nước ngoài, lại chạy sang Xiêm La một lần nữa.
Sau chiến thắng lừng danh, đại phá quân Thanh mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, Vua Quang Trung cho quân đội đuổi quân Thanh qua khỏi cửa ải Lạng Sơn. Người Tàu bị chấn động dữ dội, từ cửa ải trở lên phía Bắc, già trẻ dìu dắt nhau chạy trốn. Hàng mấy trăm dặm tuyệt nhiên không có người và khói bếp. Vua tôi Lê Chiêu Thống bôn tẩu theo đám tàn binh sang Tàu, bị vua Càn Long Nhà Thanh giam lỏng, chết nhục nơi đất khách.
Vua Quang Trung, bốn lần bạt thành Gia Định, ba lần vào Thăng Long, thắng chúa Nguyễn, diệt chúa Trịnh, đánh bại quân Xiêm La, phá tan quân Mãn Thanh, thống nhất đất nước.
- Nội trị:
* Về quân sự:
Quân đội được chia ra thành 5 đạo như trong hồi đánh nhau với Nhà Thanh. Ngoài ra còn có 11 đội quân đặc biệt khác, tạo thành quân chủ lực của Quốc gia. Ông thường nói: “Binh lính cốt hòa thuận chứ không cốt đông, cốt tinh nhuệ chứ không cốt nhiều ”.
Theo lời các nhà truyền giáo, quân đội Tây Sơn có tinh thần chiến đấu rất cao, kỷ luật sắt thép, không xâm phạm tài sản của dân chúng. Người lính được huấn luyện thuần thục, gan dạ, một chống nổi ba bốn, nên đánh đâu thắng đấy.
* Về hành chánh:
Bộ máy triều đình trung ương có lục bộ Thượng Thư, Tả hữu đồng nghị, Tả hữu phụng nghị, Tư Vụ, Hàn Lâm, Hiệp biện Đại Học Sĩ... Tổ chức địa phương Tổng, Huyện có võ quan cai quản và thao luyện quân đội, văn quan phụ trách binh lương, thuế khóa. Dưới nữa có Xã Trưởng, Thôn Trưởng, như đời nay. Ngô Thời Nhiệm có chép bài chiếu “Khuyến Nông” của vua Quang Trung, chú ý đến hai điều: "Sao cho ruộng đất sản xuất được nhiều. Sao cho nhân khẩu gia tăng, dân chúng đông đảo".
Về ruộng đất công điền, tư điền, thuế khóa cũng được cải tổ. Năm Quang Trung thứ tư, trong nước khắp nơi đều được mùa vì mưa thuận gió hòa. Nếp sống dân chúng đầm ấm, phát đạt, do chính sách ưu ái nhân dân của Triều đình. Năm nào có thiên tai bão lụt, hạn hán, triều đình lại giảm thuế, ân xá tội cho dân chúng.
* Nhân tài và khoa cử:
Vua Quang Trung là một thiên tài về quân sự, ngoài ra ông rất chú trọng về văn hóa và chính trị. Nhà vua có nhiều sáng kiến đặc biệt, phát sinh ở một tinh thần cách mạng quốc gia rất sáng suốt và cấp tiến. Các nho sinh đỗ đạt tân, cựu đều được đãi ngộ, trọng dụng. Đáng chú ý nhất là việc sử dụng chữ Nôm.
Vua Quang Trung đề cao tinh thần quốc gia mãnh liệt, một ý niệm cách mạng rất thực tế. Trong khoa cử, học hành, chữ Nho vẫn được dùng, nhưng trong chiếu, biểu, sắc, dụ, thi phú, chữ Nôm đã được đặt vào một địa vị quan trọng.
* Việc đúc tiền:
Ngoài việc chỉnh đốn triều chính, Vua Quang Trung muốn độc lập về mọi mặt. Ông nghĩ ngay đến việc đúc tiền bằng đồng để tiện dùng trong nước và thuận tiện trong việc thương mại. Đồng tiền “Quang Trung Thông Bảo” được thay đồng tiền Cảnh Hưng khắp chợ cùng quê.
Năm Quang Trung thứ tư (1791), do việc cần chuẩn bị đánh Mãn Thanh, nhà vua cho đi thu mua hết các đồ bằng đồng tốt trong nước để làm binh khí và đúc tiền cho rộng tài nguyên. Nhà vua chú trọng đến việc khuếch trương kinh tế, thương mãi ra tới bên ngoài. Cử người sang điều đình với Nhà Thanh mở chợ Bình Thủy Quan ở Cao Bằng, Du Thôn Ải ở Lạng Sơn, đề nghị lập nhà hàng ở Quảng Tây, đưa dân ta sang làm ăn buôn bán với Trung Quốc, " mục đích mở rộng biên cương ".
- Đối ngoại:
* Bãi việc cống người vàng:
Một quốc hận đáng kể cho người Việt Nam từ đời Hậu Lê là việc cống người vàng, một ký ức chua cay của dân tộc.
Năm Đinh Mùi (1427), hai tướng của vua Lê Lợi là Lê Sát và Trần Lựu chém đầu An Viễn hầu Liễu Thăng của nhà Minh tại Lạng Sơn. Nhà Minh đau đớn lắm vì Liễu Thăng là một tướng tài của họ. Sau nầy giảng hòa, Minh triều bắt đền nước Việt phải đúc người vàng thế mạng Liễu Thăng. Vua Lê Lợi thấy dân tình đau khổ, chiến tranh kéo dài từ nhà Hồ đến nhà Hậu Trần, ngót 30 năm ròng rã, đành nhắm mắt chấp nhận điều kiện của Minh triều. Sau Tiền Lê đến đời Mạc và các vua Lê đời Trung hưng, cũng vẫn tiếp tục cống người vàng.
Nhà Tây Sơn chiến thắng lừng danh, phá tan 20 vạn quân Thanh không còn manh giáp, đuổi quân thù xâm lăng Tôn Sĩ Nghĩ chạy khỏi ải Nam Quan hằng mấy trăm dặm. Vua Quang Trung khi đã yên vị, không chịu lệ này, viết thư cho Phúc Khang An thông báo bãi bỏ lệ cống người vàng. Đứng trước thế mạnh của nhà Tây Sơn thời bấy giờ, vua tôi nhà Thanh phải nghe theo.
* Ngoại giao với Thanh triều:
Sau khi đánh bại quân Thanh, Vua Quang Trung đối đãi với tù binh rất tử tế, có hàng vạn người ra đầu thú, được cấp phát lương thực, cấp đất canh tác. Ngài nhờ Ngô Thời Nhiệm dùng chính sách ngoại giao khôn khéo, thuyết phục được Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An và cận thần vua Nhà Thanh là Hòa Khôn, thiết lập được mối hòa hiếu giữa hai nước, kết thúc chiến tranh, dân chúng sống an vui.
Tháng 7 năm 1789 vua Nhà Thanh mời vua Quang Trung sang triều cận, để chiêm ngưỡng người chiến thắng vẻ vang Bắc Triều. Vua Quang Trung đề cử Phạm Công Trị làm giả vương đi thế. Tại Nhiệt Hà, giả vương được vua Càn Long tiếp đãi ân cần và ban thưởng trọng hậu.
Năm Nhâm Tý 1792, vua Quang Trung cử Võ Kinh Thành, Trần Ngọc Thụy, Vũ Văn Dũng sang dâng biểu cầu hôn cưới Công Chúa Thanh Triều và đòi lại 6 châu thuộc Hưng Hóa, 3 động thuộc Tuyên Quang, đã bị Nhà Thanh trước kia xâm chiếm, sát nhập vào Lưỡng Quảng. Kế hoạch chuẩn bị thuyền tàu, đúc vũ khí, rèn luyện binh sĩ đã sắp đặt từ lâu. Sứ giả qua Tàu là cái cớ để đánh lấy lại đất, nếu Thanh triều từ chối.
Nhưng tiếc thay, khi phái bộ Vũ Văn Dũng sang Trung Quốc thì được tin vua Quang Trung thăng hà, sứ giả phải quay về. Vua Quang Trung mất năm 40 tuổi vào ngày 15 tháng 9 năm 1792, miếu hiệu là Thái Tổ Võ Hoàng Đế.
* Giai đoạn cuối Nhà Tây Sơn:
Từ ngày Vua Quang Trung mất, thế lực Nhà Tây Sơn bắt đầu suy yếu. Vua Thái Đức buồn vì hai em Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã chết, lụt chí tiến thủ, chỉ giữ lấy Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Phú Yên. Trong khi đó thì Nguyễn Phúc Ánh củng cố, xây dựng và phát triển ở Nam Hà, rồi đánh lần ra phía Bắc.
Năm 1793, quân Nguyễn Phúc Ánh vây thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc cầu cứu Phú Xuân. Sau khi giải cứu, quân của vua Cảnh Thịnh chiếm luôn Quy Nhơn. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc uất hận mà chết, làm vua được 16 năm. Tại Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi, cậu ruột là Bùi Đắc Tuyên phụ chính, chuyên quyền làm triều đình bất hòa, thanh toán lẫn nhau, lòng dân ly tán. Cơ nghiệp Nhà Tây Sơn suy yếu dần, đến năm Nhâm Tuất (1802) thì mất vào tay Nguyễn Phúc Ánh.
6 – Tây Sơn trong lòng dân Việt
Sự nghiệp hiển hách, chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung đã ghi sâu vào lòng dân Việt. Trên hai trăm năm nay, biết bao người đã viết sách, làm thơ, ca tụng thành quả của những trận đánh lừng danh mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, chưa đầy một tuần lễ, tiêu diệt 20 vạn quân Thanh, làm sáng chói trang sử Việt Nam.
Mặc dù Gia Long Nguyễn Phúc Ánh đã trả thù Nhà Nguyễn Tây Sơn một cách hèn hạ, thi hành chính sách nhổ cỏ tận gốc. Muốn xóa sạch đi những công trình xây dựng, những đóng góp quý giá của Nhà Tây Sơn cho đất nước, ngay cả hào quang sáng chói thắng giặc ngoại xâm của vua Quang Trung trong lòng dân Việt. Nhưng những gì thuộc về văn hóa, thuộc về tinh thần, đã được lịch sử gạn lọc một cách tinh tế, trả về sự thật, lưu truyền mãi trong sử sách.
Tại Chùa Bồ gần Hà Nội, sau bao nhiêu năm kiểm soát nghiêm ngặt, xử trị nặng nề của Gia Long Nguyễn Phúc Ánh, những ai tưởng nhớ Vua Quang Trung, dân chúng nơi đây vẫn đúc tượng thờ Vua Quang Trung dưới hình thức tôn giáo với câu đối chữ Hán:
Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vụ
Quang Trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân
Công Chúa Ngọc Hân, con gái vua Lê Hiển Tông, là Bắc cung Hoàng Hậu vua Quang Trung đã khóc khi Ngài qua đời, trong tác phẩm “Ái Tư Văn”:
Nghe trước có đấng vua Thang, Võ
Công nghiệp nhiều tuổi thọ càng cao
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình.
Tại làng Tây Sơn, Bình Định, ngay trong thời Gia Long Nguyễn Phúc Ánh, sau khi ngôi từ đường Nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn phá hủy, ngôi đình làng được thay thế vào, dân chúng âm thầm thờ ba vua Tây Sơn bên trong.
Năm 1958, dưới thời chính quyền VNCH, dân chúng địa phương góp công sức xây dựng Điện Tây Sơn trên nền cũ của ba Vua làm nơi thờ tự. Cờ Quang Trung cũng được Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu chuẩn y bay phất phới lần đầu tiên vào năm Ất Tỵ ngày 6 tháng 2 năm 1965, sau 176 năm vắng bóng.
Hằng năm vào tháng Mười Một Âm Lịch là ngày giỗ ba Vua Tây Sơn, có nhạc võ Tây Sơn theo cổ lệ.
Ngày Mồng Năm tháng Giêng mỗi năm, dân chúng Bình Định tổ chức ngày Lễ Đống Đa rất trọng thể. Người dân các tỉnh, tề tựu về đây xem lễ hội Đống Đa, có đến hàng trăm ngàn người.
Ngày nầy còn có ý nghĩa là Ngày Tây Sơn. Đầu năm mọi người đi trẩy hội, là dịp rủ nhau vui Xuân trong những ngày Tết, cũng là cơ hội cho Nam thanh, Nữ tú, lòng đầy nhiệt huyết, tưởng nhớ vua Quang Trung trong ý chí quật cường, cùng toàn dân dẹp tan quân xâm lược Mãn Thanh, đem lại an bình cho đất nước.
Tại Hoa Kỳ, các Tiểu bang, thành phố có đông người Việt Nam như Nam California, Bắc California, Dallas, Houston, Washington DC, Seattle, Orlando, Colorado..., hằng năm đều tổ chức Ngày Tây Sơn, được đồng hương Việt Nam hưởng ứng nhiệt liệt, nhằm mục đích nhớ lại công đức của tiền nhân và nhắc nhở giới trẻ quay về cội nguồn, yêu thương Quê hương Dân tộc.
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã làm “Bài Ca Bình Bắc”, ca ngợi Vua Quang Trung chí lớn dọc ngang, mộng lớn huy hoàng, một phút oai thần dậy sóng, gươm thiêng cựa vỏ, tan vía cường bang, voi thiêng chuyển vó, giặc nát lũy tan hàng:
Kể từ đấy
Mặt trời mọc ở phương đông ngút lửa
Mặt trời lặn ở phương đoài máu chứa chan
Đã sáu mươi ngàn lần
Và từ đấy cũng sáu mươi ngàn lần
Trăng tỏ bóng nơi rừng cây đất Bắc
Trăng mờ gương nơi đồng lúa miền Nam
Ruộng dâu kia bao độ sóng dâng tràn
Hãy dừng lại thời gian
Trả lời ta – Có phải
Dưới vầng nguyệt lạnh lùng quan ải
Dưới vầng dương thiêu đốt quan san
Lớp phế hưng xô nghiêng từng triều đại
Mà chí lớn dọc ngang
Mà nghiệp lớn huy hoàng
Vẫn ngàn thu còn mãi
Vẫn ngàn thu người áo vải đất Quy Nhơn.
*
Ôi người xưa Bắc Bình Vương
Đống Đa một trận trăm đường giáp công
Đạn vèo năm cửa Thăng Long
Trắng gò xương chất, đỏ sông máu màng
Chừ đây lại đã xuân sang
Giữa cố quận một mùa xuân nghịch lữ
Ai kia lòng có chợt mang mang
Đầy vơi sầu xứ
Hãy cùng ta ngẩng lên, hướng về đây tâm sự
Nghe từng trang sử thét từng trang
*
Một phút oai thần dậy sấm
Tan vía cường bang
Cho bóng kẻ ngồi trên lưng bạch tượng
Cao chót vót năm màu mây chiêm ngưỡng
Dài mênh mông vượt khỏi lũy Nam Quan
Và khoảng khắc đổ xuôi chiều vươn ngược hướng
Bao trùm lên đầu cuối thời gian
Bóng ấy đã ghi sâu vào tâm tưởng
Khắc sâu vào trí nhớ dân gian
Một bành voi che lấp mấy ngai vàng
*
Ôi Nguyễn Huệ người anh hùng áo vải
Muôn chiến công một chiến công dồn lại
Một tấm lòng muôn vạn tấm lòng mang
Ngọn kiếm trỏ bao cánh tay hăng hái
Ngọn cờ vung bao tính mệnh sẵn sàng
Người cất bước cả non sông một giải
Vươn mình theo dãy Hoành Sơn mê mãi
Chạy dọc lên thông cảm ý ngang tàng
Cũng chồm dậy đáp lời hô vĩ đại
Chín con rồng bơi ngược Cửu Long giang
*
Người ra Bắc oai thanh mờ nhật nguyệt
Khí thế kia làm rung động càn khôn
Lệnh ban xuống lời lời tâm huyết
Nẻo trường chinh ai dám bước chân chồn
Gươm thiêng cựa vỏ
Giặc không mồ chôn
Voi thiêng chuyển vó
Nát lũy tan đồn
Ôi một khúc hành ca hề gào mây thét gió
Mà ý tưởng lòng quân hề bền sắt tươi son
Hưởng ứng sông hồ giục núi non
“Thắt vòng vây lại” tiếng hô ròn
Tơi bời máu giặc trăng liềm múa
Tan tác xương thu ngựa đá bon
*
Sim rừng ruộng lúa tre thôn
Lòng say phá địch khúc dồn tiến quân
Vinh quang hẹn với phong trần
Đống Đa gò ấy mùa xuân năm nào
Nhớ trận Đống Đa hề thương mùa xuân tới
Sầu xuân vời vợi
Xuân tứ nao nao
Nghe đêm trừ tịch hề máu nở hoa đào
Ngập giấc xuân tiêu hề lửa trùm quan tái
Trời đất vô cùng hề một khúc hát ngao
Chí khí cũ gồm trong da thịt mới
Vẳng đáy sâu tiềm thức tiếng mài dao
Đèo Tam Điệp hề lệnh truyền vang dội
Sóng sông Mã hề ngựa hí xôn xao
Mặt nước Lô giang hề lò trầm biếc khói
Mây núi Tản Viên hề lọng tía giương cao
Rằng: “đây bóng kẻ anh hào
Đã về ngự trị trên ngã ba thời đại”
Gấm vóc giang sơn hề còn đây một giải
Thì nghiệp lớn vẻ vang
Thì mộng lớn huy hoàng
Vẫn ngàn thu còn mãi
Ôi ngàn thu người áo vải đất Quy Nhơn.
*
Nay cuộc thế sao nhòa bụi vẩn
Chúng ta trên ngả ba đường
Ghi ngày Giỗ Trận
Mơ Bắc Bình Vương
Lòng đấy thôn trang hề lòng đây thị trấn
Mười ngả tâm tư hề một nén tâm hương
Đồng thanh rằng: “Quyết noi gương!”
*
Để một mai bông thắm cỏ xanh rờn
Ca trống trận thôi lay bóng nguyệt
Mừng đất trời gió bụi tan cơn
Chúng ta sẽ không hổ với người xưa một trận
Đống Đa nghìn thu oanh liệt
Vì ta sau trước lòng kiên quyết
Vàng chẳng hề phai đá chẳng sờn.
Triều Phong ĐẶNG ĐỨC BÍCH
Tài liệu tham khảo :
· Đại Nam Nhất Thống Chí - Nguyễn Tạo
· Hoàng Lê Nhất Thống Chí - Ngô Thời Chí
· Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Ngô Sĩ Liên
· Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim
· Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu - Đặng Xuân Bảng
· Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn
· Trí Thức VN cuối thế kỷ 18 - Hồ Văn Quang
· L'histoire du Việt Nam - Philippe Devillers
· L'impire d'Annam - Gosselin