Sức khỏe và tuổi già
TS Trần Đăng Hồng & KimThu
|
SỨC KHỎE VÀ TUỔI GIÀ
Trần Đăng Hông & Kim Thu
Phần 2 – Chống chọi với cao huyết áp
Tôi bị sốc bất ngờ, khi khám sức khỏe hàng năm vào đầu niên học tháng 10/2002, bác sĩ của phòng Y tế Đại học Reading báo cho biết tôi có thể bị chứng cao huyết áp, vì vượt ngưởng khá cao, 165/80, trong lúc ngưởng nguy hiểm là 140/90, và khuyến cáo tôi phải hẹn gặp bác sĩ gia đình càng sớm càng tốt.
Tôi bị sốc bất ngờ, bởi vì năm trước huyết áp tôi thấp dưới 130/75, và lúc đó tôi cảm thấy rất khỏe mạnh, không có một triệu chứng gì cả, chẳng hạn như nhức đầu hay bị cảm cúm.
Vì có ý thức về duy trì sức khỏe, từ lúc nhỏ tôi đã không hút thuốc, không uống rượu (chỉ thỉnh thoảng một ly rượu vang hay 1 lon bia khi có tiệc tùng), tôi tập thể dục đều đặn hàng ngày khi bắt đầu vào tuổi 40. Về mặt thực phẩm, gia đình tôi ăn uống rất lành mạnh, vì Kim Thu làm nhiệm vụ của một dietitian trong bệnh viện, ra công thức thực phẩm cho nhà bếp nấu cho từng loại bệnh nhân đặc biệt như tiểu đường, ung thư. Gia đình tôi cũng không có thói quen ăn mặn, ngay cả nước mắm cũng không ăn (mà chỉ ăn maggi), không ăn bột ngọt hay hóa chất tương cận như oxo, không ăn thực phẩm do người Tàu biến chế (vỉ nhiều muối, dầu và hóa chất độc hại), mà chỉ ăn thực phẩm sạch của châu Âu. Vì vậy, tôi không ngờ lại bị chứng áp huyết cao.
Nghe lời bác sĩ của đại học, ba ngày sau tôi gặp bác sĩ gia đình, và cho kết quả áp huyết 150/90. Bác sĩ bảo áp huyết cao có thể do cảm xúc, nên phải đo trong nhiều lần cách nhau mỗi tuần. Tuần thứ nhì, với 3 lần đo cách nhau 5-7 phút, sau khi hít thở mạnh và thư giãn. Kết quả trung bình của 3 lần đo là 185/85. Tuần thứ 3 với kết quả trung bình 150/80. Bác sĩ cho tôi biết số diastolic (số sau) chưa vượt ngưỡng nguy hiểm, nên cho tôi một cơ hội là tự tập luyện và điều chỉnh lề lối sống để tự hạ huyết áp. Nếu biết chắc chắn huyết áp vẫn trên ngưỡng nguy hiểm 140/90, bác sĩ mới cho uống thuốc (medication), bởi vì một khi uống thuốc phải tiếp tục uống suốt đời, và có thể bị nhiều biến chứng xấu nhất là cho thận (kidney). Bác sĩ khuyến cáo y như những điều tôi đã thực hiện từ trước là: (i) Cử ăn (nhiều) muối; (ii) Không hút thuốc và kiên rượu; (iii) Tập thể dục; (iv) Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, như ăn nhiều rau, đậu, nhiều cá, giảm ăn thịt đỏ (như bò, cừu), tránh chất béo động vật, tránh fast foods, tránh đồ ăn thức uống đóng hộp. Bác sĩ bảo tôi hàng tháng phải đến để tái khám coi có giảm bớt gì không.
Ngoài việc thực hành đúng theo khuyến cáo của bác sĩ, tôi mua một máy đo áp huyết hiệu OMRON tân tiến nhất lúc bấy giờ để theo dõi áp huyết hàng tuần. Vì là vào mùa đông, không thể cởi xe đạp ngoài đường như trong mùa hè, tôi mua một máy (xe) đạp trong nhà hiệu Bremshey với nhiều chương trình điện tử gài sẳn về vận tốc, lực đạp thay đổi như leo dốc, hay đường phẳng, đo đoạn đường dài xe chạy, số năng lượng calories được cơ thể đốt, đo nhịp tim, thời gian đạp xe. Trung bình, mỗi ngày tôi đạp 30 phút, vận tốc 28 km/giờ, lên dốc 15km/giờ. Khi nhịp tim quá 130/phút, thì máy báo động để đổi vận tốc thấp cho nhịp tim tụt xuống còn 90/phút. Như vậy, trong 30 phút đạp xe tôi chạy đoạn đường dài 10 – 14 km, đốt khoảng 250 - 300 calories tùy theo chương trình gài sẳn.
Tôi thực hành đúng như bác sĩ khuyến cáo, nhưng sau 3 tháng, tuy huyết áp có giảm chút đỉnh (158/79) nhưng vẫn còn cao trên ngưỡng nguy hiểm 140/90. Bác sĩ quyết định cho tôi uống thuốc hàng ngày (medication).
Theo tứng bước một, bắt đầu thử nghiệm với thuốc loại nhẹ, Bendroflumethiazide 2,5 mg, một ngày uống 1 viên, và bảo tôi một tháng sau tái khám. Tháng sau, áp huyết có giảm (150/70), bác sĩ hỏi có triệu chứng phụ (side effect) gì không, và ông cho thêm thuốc Atenolol 50 mg. Như vậy, mỗi ngày uống hai viên. Tháng sau, áp huyết đã đình đậu, 135/65. Bác sĩ khuyến cáo là tiếp tục uống hai thuốc này, nhất là thể dục, và 3 tháng sau gặp lại ông để tái khám Đồng thời, ông gởi tôi đến bệnh viện thử máu xem hoạt động của thận (kidney) và gan (liver) có bị ảnh hưởng bởi thuốc không. Kết quả cho biết thận và gan không có vấn đề gì, và cũng không có phản ứng phụ nào cả.
Để tăng cường thể dục, tôi thực hành thêm taichi đều đặn mỗi ngày 30 phút trong 15 năm nay. Sáng tập taichi, xế đạp xe. Vào mùa hè, đi bộ thêm 1 giờ.
Mỗi hai tuần tôi tự đo áp huyết một lần vào giờ cố định. Kể từ lúc phát giác bệnh cao huyết áp năm 2002 đến nay, định kỳ cứ mỗi 6 tháng tôi phải đến gặp bác sĩ một lần để tái khám huyết áp và xét lại thuốc cần phải tăng thêm thuốc mạnh hơn hay liều lượng mạnh hơn hay không. Mỗi năm, bác sĩ gởi tôi đến bệnh viện để đo độ đường, cholesterol, các enzymes phản ảnh hoạt động của thận, của gan, nồng độ urê trong máu v.v.
Với máy đo, áp huyết của tôi thấy biến đổi hàng giờ, hàng ngày, tùy theo đêm trước có mất ngủ hay không, ăn mặn lạc thế nào, có uống rượu hay cà phê không, thân thể có hoạt động hay không, tâm tư có bị kích động, buồn rầu, giận dữ hay vui thái quá cũng gia tăng áp huyết, ngồi ì trước computer hơn tiếng đồng hồ là tăng áp huyết ngay, đầu óc suy nghỉ hay làm việc căng thẳng áp huyết gia tăng cả chục bậc, mùa đông áp huyết cao hơn mùa hè, khi trời giảm áp suất không khí thì thân thể tôi gia tăng áp huyết, v.v.
Lý do cao áp huyết của tôi là do căng thẳng tinh thần khi làm việc nghiên cứu quá nhiều năm, ngồi một chỗ trước màn hình computer quá lâu để viết bài vì sợ dòng tư tưởng bị đứt đoạn khi nghỉ ngơi giữa chừng.
Sau đây là vài số liệu của tôi đo qua máy áp huyết.
Lợi ích của thể dục: Tôi so sánh áp huyết trước và sau khi tập thể dục (sau khi thư giãn để nhịp tim trở lại bình thường 65 -75/phút) thì tai chi giảm áp huyết nhiều hơn đạp xe. Chẳng hạn trước khi thể dục áp huyết 130/65, sau 30 phút taichi áp huyết 120/60, còn 30 phút đạp xe thì 123/63. Sáu giờ sau, áp huyết tăng lên lại mức cũ 130/65.
Làm việc căng thẳng tinh thần, hay phiền muộn áp huyết từ 130/65 tăng lên 145/8 hay hơn nữa. Lúc giận dữ, áp huyết tăng lên 175/95. Tôi biết có nhiều người bị stroke ngay sau khi cãi lộn. Nếu có cách chấm dứt phiền muộn (như thiền, yoga) phải một hai ngày sau áp huyết mới trở lại bình thường.
Sau khi đi ăn tiệc về (có uống tí rượu, cà phê, thức ăn không kiểm soát độ muối và hóa chất gia vị), áp huyết gia tăng 140/80, phải mất 8 - 24 giờ sau mới trở lại bình thường (do tiểu, đi tiêu thải hết chất độc).
Lờn thuốc: Bình thường, sau khi uống thuốc một giờ, áp huyết giảm rất nhanh, rồi đứng yên một thời gian dài 8-12 giờ, sau đó từ từ gia tăng chầm chậm đến mức áp suất của ngày hôm trước. Tuy nhiên một khi thuốc bị lờn, sau khi uống thuốc, áp huyết giảm chậm, sau đó tăng nhanh vượt quá ngưỡng nguy hiểm (Hình 2 và 3).
Khi bị lờn thuốc, tôi cảm thấy hơi khó chịu trong người, nhất là ban đêm, khi gối đầu lên cánh tay, tôi cảm thấy mạch máu nhảy bừng bực. Vội vàng lấy máy đo áp huyết. Nếu áp huyết vượt quá 150, có lúc tới 175, để tránh bị stroke, tôi bèn uống 2 viên aspirin 300 mg hòa tan sũi bọt trong nước, rồi tập taichi 30 phút. Sau đó thư giản (bằng thiền). Để giúp mau giảm áp huyết, trong các trường hợp này, Kim Thu thường xoa bóp tôi (massage) khắp thân thể, đặc biệt dọc xương sống, mặt và đỉnh đầu để máu dễ lưu thông, nhất là đưa máu và oxy lên đỉnh đầu, theo như khuyến cáo trong bệnh viện.
Nếu ngày hôm sau áp huyết tiếp tục cao như vậy, tôi bèn gặp bác sĩ để tường trình và thường là bác sĩ cho sửa đổi thuốc (thay thuốc mạnh hơn, hay lượng thuốc mạnh hơn).
Hiện giờ, áp huyết của tôi được kiểm soát ở dưới xa ngưởng nguy hiểm, biến thiên giữa 115 và 130.
Tóm lại, người lớn tuổi phải cố gắng kiểm soát áp huyết của mình dưới ngưỡng 140/90, còn ai có độ đường trong máu cao phải kiểm soát dưới 130/80 mm Hg.
Nếu để tình trạng cao áp huyết lâu năm, người già, nhất là các bạn già hút thuốc và xay xỉn “dzô, dzô, dzô” thì dễ bị:
-Đột quỵ (stroke), đột tử, hoặc toàn thân bị liệt, hoặc liệt bán thân, nhẹ thì méo miệng, ngọng nghịu, v.v.
-Đột tử vì đứng tim (heart failure; ngày xưa cho là “trúng gió”)
-Bịnh thận mãn tính (chronic kidney disease) với triệu chứng nôn mữa, ăn không ngon miệng, mệt mõi, mất ngũ, đái nhiều nhất là đái đêm, trí nhớ hết bén nhạy, thân thể đau nhức.
-Bịnh mạch máu ngoại vi (peripheral vascular disease) với chứng đau nhức hán, đùi, bắp chân nhất là khi đi bộ hay leo thang lầu; chân bị yếu và mất cảm giác, bàn chân lạnh.
-Bịnh động mạch vành (coronary artery disease) với triệu chứng đau thắt lồng ngực như có ai đứng trên lồng ngực, hơi thở ngắn, đưa tới đột tử vì đứng tim.
-Mắt yếu có thể đưa đến mù lòa.
Để duy trì sức khỏe, nhất là bệnh “giết người thầm lặng” như cao áp huyết, tôi khuyến cáo là mọi người, già trên 60 hay trung niên 40-60 tuổi, nên có máy đo áp huyết trong nhà, để tránh trường hợp đột quỵ, đột tử không thể nào biết trước được.
Hình 1. Biểu đồ áp huyết systolic của tôi trong 6 tháng, từ tháng 9/2015 đến tháng 3/2016, biến thiên từ 108 đến 134, khá ổn định, dưới ngưởng nguy hiểm 140 mm Hg (Thủy ngân).
Hình 2. Biểu đồ áp huyết systolic của tôi trong 6 tháng, từ tháng 8/2016 đến tháng 2/2017, trong đó áp huyết không ổn định, có lúc gia tăng lên trên 140 đến 155 trong thời gian tháng 12/2016 - 1/2017. Tôi phải gặp bác sĩ ngay để hạ áp huyết xuống dưới ngưỡng nguy hiểm.
Hình 3. Biến thiên áp huyết systolic theo giờ trong 3 ngày 25/1/2017, 26/1/2017 và 4/2/2017, cho thấy áp huyết không ổn định, lúc vừa thức dậy (5 giờ sáng) áp huyết 140 - 155 (trên ngưỡng nguy hiểm), uống thuốc và tập taichi lúc 5,30 giờ sáng, đạp xe lúc 2 giờ trưa, áp huyết đo lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, và 4 giờ chiều cho thấy áp huyết giảm xuống dưới ngưỡng nguy hiểm (112 – 133), nhưng vào 8 giờ tối thì áp huyết gia tăng vượt ngưởng nguy hiểm (140 – 148). Tôi quyết định gặp bác sĩ ngay.
Hình 4. Biến thiên áp huyết trong ngày 25/2/2017, cho thấy áp huyết của tôi đã ổn định trở lại, biến thiên từ 111 đến 121, dưới xa ngưỡng nguy hiểm 140.
Reading, 15/3/2017
Đọc tiếp Phần 3. Chống chọi với độ đường glucose cao trong máu