30/4/2015
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, với diện tích là 567 km2, nằm trong Vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc có hình tam giác, cạnh đáy to ở hướng Bắc, điểm đỉnh nhỏ nằm ở phía Nam. Theo đường chim bay chiều dài lớn nhất Bắc-Nam của đảo là 49 km. Nơi rộng nhất theo hướng Đông-Tây nằm ở khu vực Bắc đảo là 25 km. Đảo có chu vi khoảng 130 km. Nằm trong vùng vị trí đặc biệt của vịnh Thái Lan nên ít bị thiên tai, mưa to bão lớn. Khí hậu trên đảo Phú Quốc thuộc loại nhiệt đới gió mùa, thường xuyên nóng ẩm với hai mùa mưa và khô rõ rệt. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình khoảng 26 – 27oC trong đó tháng 4 là tháng nóng nhất với nhiệt độ trung bình vào khoảng 28,3oC; tháng 01 hàng năm thường có nhiệt độ thấp nhất. Lượng mưa khoảng 3.000 mm/năm. Quanh năm không quá nóng và quá lạnh (Wikipedia, 2011). Cộng thêm địa hình và địa chất đã làm Phú Quốc có được một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá là rừng mưa nhiệt đới, đây là điều kiện tốt cho động, thực vật tự nhiên phát triển; đồng thời cũng là điều kiện để động, thực vật nuôi, trồng nhân tạo phát triển góp phần phát triển kinh tế-xã hội Phú Quốc.
Phú Quốc được mệnh danh là đảo ngọc, cũng là một trong những trọng điểm của Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang. Theo Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020″. Từng bước xây dựng đảo Phú Quốc thành Trung tâm du lịch (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển) tầm cỡ khu vực và quốc tế với các hình thức dịch vụ chất lượng cao, thu hút nhiều du khách quốc tế và đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong nước. Vì vậy, các sản phẩm đăc trưng của Phú Quốc cũng như các sản phẩm liên quan hỗ trợ, phát triển du lịch Phú Quốc phải được nghiên cứu và phát triển theo hướng bền vững, sản xuất “xanh”, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao nhằm phục vụ các yêu cầu trên.
1. Kết quả nghiên cứu khoa học phát triển cây trồng phục vụ du lịch ở Đảo Phú Quốc.
1.1. Hồ tiêu Phú Quốc.
Tiêu là một loại cây trồng chính và được trồng khá lâu đời ở Phú quốc. Diện tích trồng tiêu hiện nay tại Phú Quốc là 355 ha (trong đó trồng mới năm 2011 là 27 ha), sản lượng tiêu vụ mùa 2010-2011 đạt 872 tấn tiêu hạt thành phẩm vượt 2,59% kế hoạch năm. Theo quy hoạch của huyện đến năm 2015 diện tích cây hồ tiêu là 500 ha.
Là một sản phẩm đặc trưng của Phú Quốc, hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng, và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu của các vùng miền khác. Tiêu được người dân Phú Quốc thu hoạch từng đợt chín và chủ yếu là bằng thủ công, chọn lựa những quả chín phơi riêng gọi là tiêu chín (tiêu đỏ), những quả còn xanh sau khi phơi khô được gọi là tiêu cội (tiêu đen).
Do nhu cầu của thị trường, người dân đã dùng tiêu đen tẩy bỏ vỏ chỉ còn lại phần lõi hạt gọi là tiêu sọ (tiêu trắng). Hiện nay có một số sản phẩm tiêu muối chua (muối cả chùm tiêu còn xanh mới chín tới) để nấu một số món ăn.
Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Kiên Giang và được sự quan tâm của các sở, ban ngành hữu quan, địa phương và người sản xuất nên trên địa bàn huyện Phú Quốc đã tổ chức triển khai một số nghiên cứu như: So sánh năng suất và chất lượng các giống tiêu trong đó có 02 giống tiêu Hà Tiên và tiêu Phú Quốc; Điều tra tình hình dịch hại trên tiêu; Xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho vườn tiêu; Sử dụng phân hữu cơ gắn với công thức phân bón vô cơ trên từng loại đất; Biện pháp bảo vệ sâu bệnh, để cải thiện năng suất và chất lượng tiêu; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp và triển khai thí điểm mô hình du lịch sinh thái trên vườn tiêu;… Một số kết quả chính đã đạt được như đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho hồ tiêu Phú Quốc và đã có diện tích 5 ha cây hồ tiêu được tổ chức quốc tế chứng nhận sản xuất theo GlobalGAP; Hội Hồ tiêu Phú Quốc đã được thành lập và đã trở thành một trong những thành viên của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam; 03 mô hình du lịch sinh thái Homestay, Farmtour và phối hợp Homestay-Farmtour đang thử nghiệm và ghi nhận kết quả bước đầu hiệu quả. Các kết quả nghiên cứu này đã góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng tiêu Phú Quốc trong thời gian qua cũng như tạo nền tảng phát triển du lịch sinh thái vườn tiêu Phú Quốc trong thời gian tới.
1.2. Lan hoang dã Phú Quốc.
Lan hoang dã Phú Quốc có đủ các dạng như Phong lan, Địa lan, Thạch lan, Lan leo và Lan hoại sinh. Tương tự như những vùng khác, Lan hoang dã Phú Quốc cho hoa kích thước bé, nhưng lại có vẻ đẹp hoang dã, đơn giản riêng về màu sắc, hình dáng và cấu trúc, bao gồm: Lá đài gồm lá đài lưng và lá đài giữa; Cánh hoa dạng cạnh; Môi hoa gồm 2 thùy cạnh và 1 thùy giữa; Móng; Cột và Phấn khối; nhưng chính vẻ đơn giản ấy lại là nét đặc sắc của loài hoa này.
Theo kết quả nghiên cứu thực địa và tổng hợp tài liệu các tác giả trước, Lý Thọ (Tổ chức Wildlife At Risk – Việt Nam), 2009 cho biết tính đến nay đảo Phú Quốc có đến 136 loài hoa Lan hoang dã thuộc 59 chi, trong đó những chi có số loài cao là Cầu diệp (hay Lan lọng) 10 loài; Trúc lan (hay Hoàng thảo) 9 loài; Nỉ lan 6 loài; Móng rùa 5 loài; A cam, Kiều lan, Đoản kiếm, Hà biện, mỗi chi có 3 loài; Tổ yến, Vệ lan, Tiểu hồ điệp, Thạch học, Nhẵn diệp, Lụi, Ái lan, Vi túi, Chu thư, Túc thiệt, Lan củ dẹp, Mao tử mỗi chi có 2 loài; còn lại mỗi chi chỉ có 1 loài duy nhất. Một nét vô cùng độc đáo của đảo Phú Quốc là sở hữu 17 loài Lan mới cho Việt Nam mới được phát hiện bởi Tổ chức Wildlife At Risk – Việt Nam.
Tuy nhiên, trong số những loài Lan hoang dã trên đa phần ở trong tình trạng còn rất ít cá thể, không để con cháu chúng ta chỉ còn nhìn thấy Lan hoang dã này trong sách vở, hiện nay Sở KH&CN đã có Đề án số 45/SKHCN, ngày 11/4/2014 về việc Bảo tồn các nguồn gen động, thực vật phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Kiên Giang thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020, trong đó có nhiều nhiều loài lan hoang dã Phú Quốc được sưu tầm, bảo tồn và phát triển sẽ góp phần phục vụ cho du lịch.
1.3. Rau cao cấp và rau rừng.
Phú Quốc hiện nay có khoảng 195 ha diện tích trồng rau (kế hoạch đến năm 2015 là 240 ha), chủ yếu là trồng nhỏ lẻ các rau thông thường theo quy mô hộ gia đình. Thời gian qua, Sở KH&CN đã hỗ trợ triển khai nghiên cứu đề tài “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang”. Đề tài phối hợp triển khai tại Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm Phú Quốc. Từ đây, kết quả nghiên cứu của đề tài đã được nhân rộng và sản xuất rau theo hướng an toàn đã được quan tâm. Một số nông dân đã ứng dụng tiến bộ khoa học để xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn bước đầu cho kết quả và hiệu quả khả quan. Đặc biệt Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm Phú Quốc đã mạnh dạn đầu tư trồng một số loại rau cao cấp đạt tiêu chuẩn VietGAP như cà chua bi, dưa leo bi, dưa leo mummy; dưa hấu Thanh Long 222; dưa hấu Hắc Mỹ Nhân; xà lách thủy canh; cải bẹ nhúng bán thủy canh; rau mầm các loại;… Bên cạnh đó, công ty còn đang sưu tầm và phát triển một số loài rau rừng Phú Quốc. Các mô hình trồng rau này vừa cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho du khách, vừa tạo điểm tham quan thú vị phục vụ du khách đến nghỉ dưỡng tại Phú Quốc.
1.4. Cây ăn trái.
Cây ăn trái được trồng ở Phú Quốc gồm một số loại như: Dừa, Xoài, Chôm chôm, Sầu riêng, Mít, các loại này cho năng suất khá với chất lượng tốt. Do nhu cầu nên những năm gần đây diện tích phát triển khá, ngoài phục vụ cho dân tại chỗ, đang quan tâm sản lượng và chất lượng để phục vụ cho khách du lịch. Hiện nay diện tích các loại cây ăn trái 950 ha (kế hoạch đến năm 2015 là 1.390 ha). Qua khảo nghiệm khoa học của các sở ban ngành, trong những gần đây nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi các cây giống chất lượng cao như: Xoài cát Hoà Lộc, Chôm chôm Thái, Sầu riêng Monthong, Sầu riêng Sữa hạt lép, Dừa dứa, Bơ Đà Lạt,… Đây là sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nhà hàng, khách sạn và du khách Phú Quốc trong thời gian tới.
1.5. Nấm ăn và nấm dược liệu.
Nấm Tràm Phú Quốc là một loại nấm tự nhiên đặc trưng của Phú Quốc, có vị đắng nhưng ăn vào lại có vị ngọt và mát. Sau những cơn mưa đầu mùa nấm mọc lên trên đất dưới các tán các rừng tràm. Lá và vỏ của cây tràm rơi rụng hàng năm tơi mục tạo thành lớp mùn trên mặt đất. Bào tử nấm được ấp ủ trong lớp mùn đó, sau loạt mưa đầu mùa, những chiếc nấm tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út bắt đầu vươn mình ra khỏi lớp mùn đã bảo vệ nó từ mùa trước. Giống nấm Tràm Phú Quốc mau lớn nhưng cũng chóng tàn, nên phải hái nấm trong vòng một tuần sau cơn mưa, nếu không nấm sẽ lụi tàn. Nấm sử dụng tươi, có thể được ướp lạnh trữ được vài ngày hoặc có thể phơi khô để trữ dùng lâu dài.
Do sản phẩm tự nhiên và sản lượng không nhiều nên thường có đến đâu là tiêu thụ hết đến đó. Hiện Sở KH&CN Kiên Giang đang đặt hàng để có nấm gốc, phát triển meo nấm, phôi nấm, quy trình canh tác để sản xuất nấm Tràm Phú Quốc nhân tạo phục vụ du lịch Phú Quốc khi nhu cầu ngày càng tăng.
Theo tài liệu của Phạm Hoàng Hộ và Đỗ Tất Lợi thì Phú Quốc có rất nhiều nấm dược liệu. Trong khuôn khổ Đề án số 45/SKHCN và đề tài KH&CN cấp tỉnh do Hội Đông y Kiên Giang thực hiện thì đang sưu tầm và bảo tồn phát triển 19 loài dược liệu, trong đó có nấm Tràm Phú Quốc và nhiều loài nấm quý như nấm Linh Chi, nấm Bào ngư,…
2. Kết quả nghiên cứu phát triển chăn-nuôi phục vụ du lịch ở Đảo Phú Quốc.
2.1. Chó xoáy Phú Quốc.
Chó Phú Quốc là một trong ba dòng chó trên thế giới có xoáy lông trên lưng. Hai loại chó lông xoáy ở lưng còn lại là chó lông xoáy Rhodesia (còn có tên là Ari ở Nam Phi) và chó lông xoáy Thái.
Chó Phú Quốc là một loại chó riêng của đảo Phú Quốc, dễ phân biệt với các loại chó khác với đặc điểm là có xoáy lông khá kỳ lạ chạy dài ở trên sống lưng và có màng dính liền các ngón chân với nhau. Kết quả từ đề tài KH&CN cấp tỉnh (2008) đã có kết luận về hình dạng, màu sắc, tuổi đời của chó Phú Quốc với 10 đặc điểm riêng biệt. Hiện đang triển khai nghiên cứu đề tài cấp tỉnh (2014) và cấp nhà nước (2015) về DNA và bảo tồn di truyền của chó Phú Quốc.
Xoáy trên lưng là một đặc tính quan trọng để đánh giá chó Phú Quốc. Xoáy lưng chó Phú Quốc rất đa dạng và đối xứng theo đường giữa, các dạng thường thấy có thể là hình kim, mũi tên, yên ngựa, cây đàn, chiếc lá… tỷ lệ chó có xoáy là khá cao. Ngoài xoáy lưng như nói trên, người Phú Quốc còn chú ý các xoáy ở hai bên cổ, sau mông.
Giờ đây, danh tiếng chó Phú Quốc không còn chỉ trong phạm vi tầm quốc gia mà lan ra cả thế giới như cuộc thi FCI World Dog Show 2011 – Cuộc thi Chó đẹp Thế giới năm 2011, do Liên đoàn các Hiệp hội Nuôi Chó giống Quốc tế (FCI) tổ chức tại Paris vừa qua. Để chó Phú Quốc mãi mà sản vật của tổ tiên để lại, chúng ta cần có trách nhiệm để duy trì và phát triển chúng, do vậy đây cũng là một trong số những loài được đưa vào bảo tồn gen trong Đề án số 45/SKHCN. Một số kiến nghị sau cần được xem xét và lưu tâm sớm để duy trì và phát triển loài này gồm: (i) Phải có biện pháp phòng trị bệnh thích hợp, kịp thời; (ii) Ngăn chặn nạn trộm chó và kiểm soát việc làm thịt chó; (iii) Kiểm soát việc bán chó con, đặc biệt bán những cho tốt mà giữ lại chó xấu giữa vai trò sinh sản; (iv) Chọn lọc phát triển chó tốt để sản xuất chó con, đặc biệt là chó có xoáy, bộ lông sát, ngoại hình đẹp,…; (v) Phát triển chó kết hợp du lịch bằng cách giới thiệu chó Phú Quốc với khách du lịch qua nhiều kênh thông tin như Internet, sách báo,…; (vi) Cần đăng ký để tên chó Phú Quốc vào Danh mục các giống chó của FCI, mới hội đủ điều kiện du đấu thế giới trong thời gian tới.
Hiện nay, tại Phú Quốc có Trường đua địa hình chó xoáy Phú Quốc Thanh Nga. Một sản phẩm du lịch khá độc đáo và hấp dẫn trên đảo Phú Quốc. Trường đua có khoảng 100 con chó giống, trong đó có 30 con chó xoáy Phú Quốc được huấn luyện đua chuyên nghiệp. Trường đua trên diện tích 1 hecta đất thiết kế 4 đường đua dài 365 m, qua 12 địa hình với nhiều chướng ngại vật khác nhau. Việc mở Trường đua chó mô hình này không chỉ tạo thêm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn để giới thiệu quảng bá đến du khách mà còn giữ gìn bảo tồn phát triển giống chó xoáy Phú Quốc một loài động vật quý của hòn đảo ngọc.
2.2. Cá trê suối Phú Quốc.
Trong khuôn khổ đề tài KH&CN do ThS. Đặng Khánh Hồng làm chủ nhiệm, một sản phẩm giao nộp độc đáo đó là định danh loài cá mới cho Việt Nam và thế giới có tên cá trê suối Phú Quốc, với tên khoa học Clarias gracilentus Ng, Dang & Nguyen, 2011, vì trước đó chuyên gia Ng (chuyên gia phân loại cá trê) cùng cộng tác viên thuộc Viện Bảo tàng nghiên cứu sinh học Raffles thuộc Trường Đại học Singapore cá còn được tìm thấy ở Campuchia, nên không thể đặt tên loài đặc hữu phuquocchinensis cho loài cá này, mà đặt tên là loài gracilentus vì tiếng Latin là mảnh mai. Như vậy, cá trê suối Phú Quốc đã bổ sung vào Danh mục “cá trê” Việt Nam, đưa lên con số là 8 loài và bổ sung vào Danh mục “Clarias” thế giới, lên con số 114 loài.
Cá trê suối Phú Quốc có miệng rộng với nhiều răng nhỏ và nhọn. Tấm răng tiền hàm và xương lá mía hình vòng cung liên tục. Phân tích mẫu thức ăn trong dạ dày tìm thấy các loại thức ăn phổ biến là cá (tần số xuất hiện 88,33%); cua (43,33%); côn trùng (kiến, mối, nhện,…) (35%) và một ít thực vật (5%). Chỉ số độ no có từ cấp 3 trở lên chiếm 80% và chỉ số no đầy chung là 148,2. Điều này cho thấy cá trê suối Phú Quốc là loài ưa thích ăn động vật và cường độ ăn rất lớn.
Cá trê suối Phú Quốc dễ dàng phân biệt giới tính. Đối với cá đực, gai sinh dục dài hình tam giác, phía đầu mút nhọn. Đối với cá cái, không có gai sinh dục, lỗ sinh dục tròn, khi thành thục sinh dục có bụng to, mềm đều, lỗ sinh dục phồng to và có màu ửng hồng. Cá đực thường có kích thước và trọng lượng lớn hơn cá cái. Với đặc điểm thịt cá trê suối Phú Quốc thơm ngon, béo, dai,… nên giá hiện nay 250.000-300.000 đồng/kg (11-13 USD/kg) mở ra hướng nuôi thương phẩm giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đồng thời phục vụ du khách khi đến Phú Quốc, hòn đảo xinh đẹp và lớn nhất Việt Nam.
2.3. Kỳ tôm Phú Quốc.
Kỳ tôm (Physignathus cocincinus Cuvier) còn gọi là Rồng đất, thuộc nhóm động vật sẽ nguy cấp (theo Sách đỏ VN). Vì vậy, Sở KH&CN đã hỗ trợ triển khai một mô hình KH&CN cấp cơ sở “Sinh sản nhân tạo và nhân nuôi Kỳ tôm Phú Quốc” do Phòng Kinh tế huyện Phú Quốc chủ trì thực hiện.
Kỳ tôm có tập tính của loài lưỡng cư, đây chính là điểm xung yếu dẫn đến nguy cơ diệt vong vì ban đêm chúng thường bám trên những cành cây de ra mặt nước để ngủ, khi có kẻ thù tấn công thì nhảy ngay xuống nước lặn trốn, nhưng gặp phải xung điện của bình ăcquy do kẻ săn cài đặt, nên khi đã dính chưởng, ngay đơ.
Trong tự nhiên, Kỳ tôm rất thích ăn trùn, dế, sâu bọ, một năm tuổi có thể đạt trọng lượng tới gần 1kg, con trưởng thành có thể dài tới 1m. Bởi hương vị thịt thơm, ngọt và có tác dụng bồi bổ cơ thể nên giá tới 500.000 đồng/kg vẫn không đủ cung ứng. Thợ săn mỗi đêm bắt được chừng 3-4 con, bỏ túi cả triệu đồng.
Kỳ tôm (rồng đất) vừa là vật nuôi làm kiểng, vừa là món ăn ngon, giàu dinh dưỡng. Ngoài giá trị kinh tế, việc nhân nuôi kỳ tôm còn góp phần ngăn chặn nạn săn bắt mang tính lạm sát con vật ngoài tự nhiên, bảo tồn giống loài có nguy cơ tuyệt chủng.
2.4. Cá lồng bè.
Với lợi thế vùng biển rộng hơn 63.200 km², ít sóng gió và trên 140 hòn đảo, trong chiến lược phát triển kinh tế biển, Kiên Giang tiếp tục đầu tư nuôi cá lồng bè trở thành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước quanh các đảo. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.500 lồng nuôi, với đối tượng nuôi chủ yếu là cá mú sao, mú đen, mú cọp, cá bóp, cá hường bạc,… sản lượng trên 2.000 tấn.
Ngành KH&CN cùng các sở ban ngành chức năng đã nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến tận ngư dân, chọn lọc và khuyến cáo nuôi những loài cá có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển, hải đảo. Những mô hình thực hiện thí điểm, người dân được hỗ trợ 30% con giống và vật tư thiết yếu kết hợp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nên ít xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ cá sống cao và tăng trọng nhanh, an toàn môi trường sinh thái. Hiệu quả của các mô hình thí điểm này đã giúp bà con ngư dân mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển đạt hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng ven biển và hải đảo. Mô hình nuôi cá bớp lồng bè, cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, cá khỏe mạnh. Trọng lượng trung bình là 6 kg/con, tỷ lệ sống trung bình trên 90%, lợi nhuận bình quân đạt 25.000.000/50m3/150 con. Cá mú lồng bè trên biển đạt trọng lượng là 900g/con, lợi nhuận bình quân đạt 30.000.000đ/50m3/750 con, sau 10 tháng nuôi.
Phú Quốc có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng bè, vì vậy Sở KH&CN đã đầu tư, hỗ trợ triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi cá bóp bằng lồng chìm hiện đại có khả năng chịu sóng cấp 7, cấp 8; sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi cá để vừa giảm sử dụng nguồn cá tạp khai thác từ biển, vừa giảm ô nhiễm môi trường nước trong quá trình nuôi. Sự thành công của mô hình đã góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thực phẩm và cũng là điểm du lịch trên biển thú vị cho du khách muốn tham quan.
2.5. Heo rừng.
Nhằm góp phần hạn chế sự săn bắt cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng, đồng thời phát triển nghề nuôi heo rừng lai đáp ứng nhu cầu cho du khách, được sự khuyến khích và hỗ trợ từ các sở ban ngành chuyên môn, nhiều hộ ở Phú Quốc đã đầu tư nuôi heo rừng lai F3. Qua 8 tháng nuôi, heo rừng lai tăng trưởng và phát triển rất tốt, ít hao hụt, trọng lượng bình quân 45-60 kg. Nhiều hộ đầu tư mua thêm heo rừng thuần chủng F4 đạt chuẩn để lai. Đến nay tổng đàn heo rừng có hộ (như của ông Trần Văn Năm) lên đến 300 con, trong đó có 55 con heo nái đẻ, 100 con heo nái dự bị, 10 con heo đực giống thuần chủng. Heo thả lan trong rừng vây, có cho ăn thêm chủ yếu là khoai mì, khoai lang, chuối cây, rau muống và ít cám gạo,… nên thịt heo rừng rất thơm và ngon. Ứớc lãi hàng năm trên 437 triệu đồng.
Có thể nói mô hình nuôi heo rừng lai ở Phú Quốc phù hợp với hộ chăn nuôi và gia đình, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, giống cây trồng, đồng thời giảm áp lực săn bắt động vật hoang dã làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên quốc gia. Mặt khác còn tạo ra các món ăn hấp dẫn cho khách du lịch khi đến với huyện đảo Phú Quốc.
Tóm lại, với định hướng phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong thời gian tới thì địa phương cần tiếp tục quan tâm, đầu tư nghiên cứu phát triển các loài cây-con đặc hữu cũng như các sản phẩm du lịch liên quan hỗ trợ phát triển du lịch Phú Quốc nêu trên. Bên cạnh đó, cần định hướng thêm một số loài cây-con khác để phát triển góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng tại Phú Quốc góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.
TS. Nguyễn Xuân Niệm
ThS. Huỳnh Chánh Khoa
ThS. Lã Ánh Nguyệt