8/5/2016
Trở lại Kalaw-(tt)
Ngày 22 tháng 10 năm 2010, Myanmar tuyên bố đổi quốc hiệu thành Cộng hòa Liên bang Myanmar, kèm theo việc thay đổi quốc kỳ.
Ngày 30 tháng 3 năm 2011, ông Thein Sein, một cựu tướng lĩnh quân đội Myanmar, được bầu làm tổng thống dân sự của Myanmar và tiến hành cải cách dân chủ bằng việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong đó có lãnh tụ đấu tranh vì dân chủ Aung San Suu Kyi và những người ủng hộ bà.
Ngày 30 tháng 3 năm 2016, ôngHtin Kyaw, một người đồng minh thân cận của bà Aung San Suu Kyi được bầu làm tổng thống dân sự (không có nguồn gốc từ quân đội) đầu tiên của Myanmar, chấm dứt gần 50 năm đất nước Myanmar nằm dưới sự cai trị của quân đội.
Myanmar hay Burma, tên chính thức: Cộng hòa Liên bang Myanmar, là một quốc gia ở Đông Nam Á, tây bắc bán đảo Trung-Ấn. Có 5.876 km đường biên giới với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Lào và Bangladesh. Đường bờ biển dài 1.930 km. Diện tích khoảng 676.500km2, thủ đô là NayPyidaw. Dân số Myanmar khoảng từ 50 đến 60 triệu người( chưa có thống kê chính xác), gồm nhiều sắc tộc, trong đó có 7 nhóm chính với tỷ lệ ước tính như sau:
68% Bamar
9% Shan
7% Karen
4% Rakhine
3% Chinese
2% Indian
2% Mon
5% là các tộc thiểu số khác như Ấn, Kachin, Chin ..v..v…
Cộng Hòa Liên Bang Myanmar gồm có 7 bang (State) và vùng hành chính (Region hay Division)
Các vùng và bang của Myanmar lại được chia thành các huyện (kayaing). Bang Shan là bang có nhiều (11) huyện nhất. Các bang Chin, bang Mon và bang Kayah chỉ có hai huyện mỗi bang.
Shan là bang lớn nhất, màu xanh lá, thủ phủ là Taunggyi, Kalaw là một thị trấn quan trọng trên bản đồ du lịch của bang Shan và của Myanmar.
Giấc ngủ thêm tuy không đầy đủ nhưng cũng xóa mất cái cảm giác “say xe” khó chịu lúc vượt đèo. Tôi thức dậy trong cái lạnh Kalaw mờ sương sáng sớm, như 1 năm trước, tôi mở bung cửa sổ để đón ánh bình minh đầu tiên trên cao nguyên Shan, với chút rung động của kẻ vừa trở lại chốn xưa.
Năm rồi tuy tôi không lưu lại đây lâu, chỉ vỏn vẹn 3 ngày, nhưng buổi chiều trekking cùng những khung cảnh tuyệt vời của miền quê cao nguyên quyến rủ, khiến tôi cảm thấy đây như “quê mình nơi đất khách”! Cảm giác này có được chắc cũng bởi vì nơi đây người bạn đồng môn đã và đang chọn làm chốn an thiền, mình nhờ vậy cũng có chỗ an thân, thơ thẩn chốn mây hồng! Lần này, chắc chắn tôi sẽ tạm thời “Miến hóa” trong 15 ngày làm cư dân bang Shan, tạm trú thân nơi miền Kalaw giá lạnh.
Vệ sinh cá nhân xong, tôi lên phòng ăn, bà bếp đã dọn sẵn bữa sáng cho tôi, thật ngon! Sau đó tôi theo các bậc cấp leo lên chỗ Stupa, nơi có thờ Phật, để từ đó ngắm lại cái toàn cảnh tuyệt đẹp phía dưới thung lũng. Khu vực này chẳng có gì thay đổi, vẫn chậm rãi qua ngày mặc cho những biến chuyển nhanh chóng phía dưới Yangon.
Khi xe lăn bánh, tôi bắt đầu mở hộp thức ăn Shwe Nan Taw, sau khi thưởng thức tách cà phê Rich không tệ lắm, nhưng chắc là “sạch”(vì công nghệ chế biến cà phê theo “phong cách Việt Nam” chắc là chưa phổ biến kịp ở Myanmar), 2 chiếc bánh bông lan có vẻ không ngon bằng “lương khô” tôi mang theo trong chiếc bị nâu dưới chân, nhưng hình thức trình bày cùng với chiếc hộp trang trọng khiến tôi tin rằng một đất nước “đàng hoàng” đang trong quá trình thoát khỏi sự “u mê” và chắc chắn sẽ phát triển nhanh bới sự “tử tế” của những con người hiền hòa, chân chất nơi đất nước chùa vàng này!
Xe êm ái băng đi trong đêm tối đen, dường như có dừng 1, 2 nơi nào đó để rước thêm khách, nhưng vì thiếu điện nên tôi chỉ thấy loáng thoáng chút quán xá bên đường! Không thể nào nhìn thấy gì, lại không thể thưởng thức chương trình giải trí đang diễn ra trên màn ảnh nhỏ, tôi cố dỗ giấc ngủ và may sao cũng chợp mắt hồi nào không hay, đến chừng nghe tiếng Miến nói lao xao thì thấy xe vừa tới trạm dừng chân 115, Yangon-Mandalay Rest Area, đặt tại cây số 115 dặm cách Yangon.
Miến Điện vẫn còn nghèo, thậm chí rất nghèo, nên công nghệ làm đường dường như vẫn chưa phát triển lắm, nhiều nơi vẫn còn làm rất thủ công, có khi nhờ thế mà hay, giá thành không cao một cách kinh khủng như Việt Nam(nghe nói gấp 4 lần Mỹ, trung bình 20 triệu đô la / 1km!).
Miến Điện vẫn còn nghèo, thật sự là rất nghèo, nhưng cái cách thay đổi của họ có lẽ cũng không cần phải quá chậm chạp vì …thiếu thốn, nghĩa là họ đã biết phát triển ngay những cơ sở hạ tầng giao thông, yếu tố quan trong để phát triển kinh tế, không quá hiện đại nhưng đủ tiện nghi một cách dễ chịu cho khách trong và ngoài nước.
Điểm dừng chân 115 đã khiến tôi ngạc nhiên từ lần ghé trước, cách đây 1 năm, với không gian thoáng rộng, sắp xếp hợp lý nơi đổ khách và khu vực dịch vụ, không chặt chém., như những trạm “độc quyền” trên các quốc lộ Việt Nam.
Nơi đây, tôi có dịp biết đến các hãng xe khác, đi về Bagan, Mandalay…đều sử dụng các xe bus hiện đại, trang trí bắt mắt và thật …văn nghệ!
Sau 30 phút xe tiếp tục hành trình về hướng Bắc và tôi tiếp tục lắc lư nửa ngủ, nửa thức cho đến lúc vượt đèo Wetgyuye để lên cao nguyên Shan. Năm trước, tôi và bà xã đã từng qua đèo Kawkareik, vượt trường sơn Dawna, từ biên giới Myawaddy về Yangon, con đèo cực kỳ hiễm trở khiến xe bò chậm chạp nên không thấy khó chịu. Sau đó khi ngồi xe bus lên Kalaw tôi ngủ vùi cho đến khi tới nơi, nên chẳng có cảm giác gì. Bây giờ, giấc ngủ “lắc lư” khiến tôi cảm nhận “sâu sắc” về những cái ngoặc lên xuống gắt gao, trên một đoạn đường “bức phá” độ cao, kéo dài đến hàng giờ, làm cho mấy miếng bánh ngọt cùng cốc cà phê Rích muốn …trào ngược ra ngoài! May mà cuối cùng xe dừng đúng lúc tôi nhìn thấy ánh đèn sáng của khách sạn Winner, một năm về trước, tôi cũng xuống xe đúng nơi này. Bây giờ là 5 giờ kém 10 phút.
Nhanh chóng quảy mấy túi bị bụi đời, tôi rời xe bước qua phía khách sạn, nơi có mấy anh xe ôm đang chờ khách. Nhớ lời Sư dặn cứ nói với xe ôm đi tới chùa Sư Việt Nam là ai cũng biết, tôi nói:
_ I’d like to come Vietnamese Pagoda.
Một anh vui vẻ…OK, I will take you to there!
Thú thật, không lẽ tôi cứ mãi phàn nàn về những chuyện “gọi là tệ nạn” ở Việt Nam, nhưng tôi chỉ muốn nói lên cái sự thật để các bạn yên tâm khi đến thăm đất nước Miến Điện: trên đất nước hiền hòa này, các bạn cứ yên chí về những người lao động dễ thương, họ rất tốt và chẳng hề làm chuyện trấn lột hay chặt chém., dù lúc này trời vẫn còn tối và đường sá vắng tanh trên cái thị trấn heo hút này!
Đây là lần đầu tiên tôi đi xe ôm bên ngoài đất nước Việt Nam, dĩ nhiên nó chẳng khác gì, ngoại trừ con đường trước mặt và thị trấn vùng cao đang lạnh lẽo chung quanh, hoàn toàn lạ lẵm, dù tôi đã từng đến đây vào đúng 1 năm về trước.
Sau khoảng 15 phút, anh xe ôm dừng trước chiếc cổng nâu quen thuộc của Thiền Viện Shwe Oo Min Dhamadayada. Con Nickey sủa vang… và không cần đợi lâu, bóng áo nâu sòng xuất hiện thấp thoáng dưới ánh đèn mờ sương trong sân chùa. Thường ngày Sư H thức dậy lúc 3h, nên việc Sư có mặt ngay khi con Nickey báo động cũng chẳng có chi lạ! Sư hỏi có tiền Miến trả cho xe ôm hông?... Dạ, làm gì có Sư ơi. Sư cười hề hề và hướng sang chú xe ôm hỏi “bờ lế lào?” anh xe ôm trả lời bằng tiếng Miến và Sư móc tiền trả, dĩ nhiên tôi cũng chẳng biết bao nhiêu! Thôi, mang đồ vô ngủ, sáng nói chuyện. Sư dắt tôi vô dãy nhà khách mà tôi đã từng nghĩ hồi năm trước, lần này phòng khác. Tôi vào phòng bỏ đồ lên chiếc bàn nhỏ rồi nhanh chóng quấn mền…ngủ tiếp “tập 2” ,vì trời cũng sắp sáng rồi.