11/10/2015
LÊ LỢI ĐÁNH THẮNG QUÂN MINH
|
Lam Sơn Khởi Nghĩa -Thắp Lửa Bình Ngô |
.Trận Tụy Động, Chúc Động : Vương Thông thất
thế |
. Trận Chi Lăng : Liễu Thăng tử trận |
Triều Phong Đặng Đức Bích
1- Lam Sơn khởi nghĩa :
a- Tiểu sử Lê Lợi :
Từ khi nhà Minh sang cai trị An Nam, dân ta khổ sở trăm bề, tiếng oan không dứt, chỉ mong có cơ hội đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi. Lúc ấy có một vị anh hùng nổi lên, kéo cờ khởi nghĩa chống lại giặc Minh, chinh chiến khổ cực trong 10 năm, từ 1418 đến 1427, đánh đuổi ngoại xâm, lấy lại giang sơn gấm vóc, xây đắp nền độc lập cho nước nhà.
Người anh hùng ấy là Lê Lợi, quê quán làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhà giàu có, đã mấy đời làm nghề nông, thường hay giúp đỡ người nghèo khó, nên mọi người đều mến phục. Ông Lê Lợi là người trung hậu, có chí lớn, ông thường nói : " Làm trai sinh ra trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao lại bo bo làm đầy tớ người ". Ông đón mời sĩ phu, chiêu tập anh hùng hào kiệt.
b- Bình Định Vương Lê Lợi :
Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, đời vua Thành Tổ nhà Minh bên Tàu, Lê Lợi cùng với các tướng Lê Thạch và Lê Liễu khởi binh ở núi Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, truyền hịch xa gần kể tội nhà Minh, nêu rõ mục đích khởi nghĩa đánh kẻ thù xâm lược.
Đánh đuổi giặc Minh là thuận lòng người, hợp lẽ công bằng, nhưng thế lực của Bình Định Vương lúc đầu còn yếu kém, tướng sĩ thì ít, lương thực không đủ, dù dùng kế đánh thắng đôi ba trận, nhưng không đủ sức chống giữ với kẻ địch, cho nên phải về núi Chí Linh ba lần, nguy cấp mấy phen, thật là gian truân vất vả. Sau nhờ hồng phúc nuớc Nam, Bình Định Vương lấy được đất Nghệ An, rồi từ đó vẫy vùng, đánh ra phía Bắc, lấy lại giang sơn bờ cõi.
Từ giai đoạn nầy trở đi, chiến thuật, chiến lược của quân ta thay đổi hẳn, vì lực lượng quân đội và lương thực của ta dồi dào, ngang hàng quân địch. Nhờ bóng cờ " Đại Thiên Hành Hóa ", đi tới đâu dân chúng hưởng ứng tới đó, tự ý cung đốn thực phẩm, trâu bò, rượu thịt, để đãi ngộ chiến sĩ.
Trong các trận đánh, đáng kể nhất là trận Tụy Động, Chúc Động và trận Chi Lăng. Bài nầy chúng tôi đề cập đến trận Tụy Động là trận đánh lớn nhất kể từ ngày khởi đầu cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và trận Chi Lăng là trận đánh lừng danh, quân ta chém chết Liễu Thăng, một danh tướng Minh triều phương Bắc.
Nhà thơ Khiêm Đức làm bài thơ ca ngợi Bình Định Vương Lê Lợi, đáp ứng nguyện vọng của toàn dân, quy tụ anh hùng hào kiệt, dấy binh từ đất Lam Sơn, đứng dậy đánh đuổi quân Minh phương Bắc ra khỏi bờ cõi :
LÊ LỢI
Tại đất Lam Sơn xứ bá tòng
Anh hùng xuất hiện có Lê Ông
Trần Cao vương vị dùng che mắt
Nguyễn Trãi công khanh thật hết lòng
Bày trận Chi Lăng bầm tướng Liễu
Gạt lời Minh Đế nhục chàng Trương
Mười năm đuổi giặc thâu bờ cõi
Đại cáo bình Ngô tiến bệ rồng
Bình Định Vương Lê Lợi
( Tranh Hồ Thành Đức )
2 - Trận Tụy Động : Vương Thông thất thế
Từ khi Bình Định Vương vào đánh Nghệ An đến nay, đánh đâu được đấy, thanh thế lừng lẫy, quân Minh khiếp sợ. Minh Đế liền sai Chinh di tướng quân là Vương Thông và Tham tướng là Mã Anh đem 5 vạn quân sang cứu Đông Quan. Trần Trí và Phương Chính bị cách hết chức tước, đặt dưới quyền sử dụng của các tướng mới. Đến nơi, Vương Thông tập họp cả quân cũ và mới được 10 vạn, chia làm 3 đạo :
- Vương Thông dàn quân ở bến Cổ Sở, thuộc huyện Thạch Thất. phủ Quốc Oai, Sơn Tây.
- Phương Chính đóng ở Sa Thôi thuộc huyện Từ Liêm
- Mã Kỳ đóng ở Thanh Oai, bên bờ Nhuệ Giang
Các đồn ải liên tiếp nhau dái trên 10 dặm để tiện việc thống nhất hiệu lịnh và tương trợ.
Bên ta, Lý Triện và Đỗ Bí đem quân và voi đến Ninh Kiều, phục ở Cổ Lãm nhử Mã Kỳ tới. Mã Kỳ đến cầu Tam La, chỗ giáp giới huyện Thanh Oai và Từ Liêm thì bị phục binh của ta đổ ra đánh, quân Minh thua chạy, nhiều người chạy xuống đồng lầy, chạy không được, bị chém trên nghìn người. Quân ta đuổi quân Minh đến làng Nhân Mục, bắt sống hơn 500 tên, riêng Mã Kỳ một mình một ngựa trốn thoát.
Lý Triện thừa thắng đánh luôn tới cứ điểm của Phương Chính. Phương Chính thấy Mã Kỳ bại trận, không dám chống lại quân ta, rồi cùng Mã Kỳ về hợp với Vương Thông vẫn đóng quân nguyên vẹn ở bến Cổ Sở. Đại quân của Vương Thông sắp đặt kế phục binh, đợi quân ta đến sẽ tấn công. Quả nhiên Lý Triện tới, quân Minh giả thua chạy, nhử quân ta đến thế trận có cắm chông sắt của họ. Tại đây, voi bị chông không tiến được, quân mai phục của giặc đổ ra. Lý Triện thua chạy về Cao Bộ vùng Mỹ Lương và cho người về Thanh Đàm thuộc huyện Thanh Trì gọi quân Đinh Lễ và Nguyễn Xí đến giúp.
Ngay đêm hôm ấy Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 6 ngàn quân và 2 con voi đến hợp với quân Lý Triện chia quân ra mai phục ở Tụy Động thuộc huyện Mỹ Lương và Chúc Động thuộc huyện Chương Đức, phía đông sông Đáy, chỗ Ngả Ba Thá. Ở đây, ta bắt được do thám của giặc, biết Vương Thông đã chuyển lực lượng đến Ninh Kiều và có một đạo quân đang lén đánh vào mặt sau quân Lý Triện. Họ chờ có tiếng súng hiệu là hai bên đánh lối gọng kìm vào quân ta.
Biết được mưu giặc, bên ta định luôn kế hoạch và phân phối lực lượng theo chiến lược lừa giặc vào tròng. Đinh Lễ cho người bắn súng, quân giặc liền tiến vào chiến trường Tụy Động. Lúc bấy giờ phải độ trời mưa, đường lầy lội, quân ta bốn mặt đánh áp lại, chém được Thượng thư Trần Hạp và Nội quan Lý Lượng. Quân Minh chết rất nhiều, phần thì giày xéo lẫn nhau, phần thì chết đuối không kể xiết, nghẽn cả dòng nước, số tù binh bị bắt lên đến hàng vạn người, khí giới tịch thu không biết bao nhiêu mà kể. Trận Tụy Động xảy ra vào tháng muời năm Bính ngọ 1426.
3 - Trận Chi Lăng : Liễu Thăng tử trận
Tin Vương Thông thua trận Tụy Động, Trần Hiệp bỏ mạng, đại quân hao tổn rất nhiều, làm chấn động cả Minh triều. Minh Đế thất kinh, liền sai Chinh lỗ phó tướng quân An viễn hầu Liễu Thăng, Tham tướng Bảo định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ, Binh bộ Thượng thư Lý Khánh, Công bộ Thượng thư Hoàng Phúc, Thổ quan Hữu bố chính sứ Nguyễn Đức Huân, đem 10 vạn quân, 2 vạn con ngưa, theo đường Quảng Tây tiến vào nước Nam.
Một đạo quân khác do Chinh nam tướng quân kiêm Quốc công Mộc Thạnh, Tham tướng Hưng an bá Từ Hạnh, Tân ninh bá Đàm Trung, điều động 5 vạn binh lính và 1 vạn con ngựa sang tiếp viện cho lực lượng Vương Thông đang bị vây hãm tại Đông Đô.
Tin viện binh đến đã được mang ra thảo luận rất sôi nổi. Trái với ý kiến của nhiều tướng lãnh, Bình Định Vương cho rằng nhân dịp nầy đem hết sức mạnh để lấy Đông Đô là hạ sách, quan trọng là đánh tan quân tiếp viện thì tất nhiên Đông Đô không đánh cũng phải hàng, một mũi tên bắn 2 con nhạn.
Việc nầy được mọi người hoan nghênh, Bình Định Vương liền hạ lịnh cho dân chúng các vùng Lại Giang, Bắc Giang, Tam Đái, Tuyên Quang, Qúi Hóa tản cư, áp dụng kế thanh dã ( vườn không nhà trống ).
Các cứ điểm được sắp đặt kỹ càng để đợi viện binh của đối phương và quân giặc đến thì quân ta đánh ngay, vì chúng vượt ngàn dặm ( di dật đãi lao ), khi tới nơi phải mệt nhọc, quân ta được dưỡng quân sung sức, tất có hy vọng chiến thắng dễ dàng.
Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Thụ lãnh một vạn tinh binh và 5 con voi, mai phục tại ải Chi Lăng chờ quân giặc Liễu Thăng. Phạm Văn Xảo, Lê Khả, Lê Trung, Lê Lý chia quân sĩ các nơi chận giặc.
Tướng giữ ải Nam Quan là Trần Lựu thấy quân Minh đến, lui về giữ Ai Lưu, giặc tiến đến Ai Lưu, Trần Lựu lui về Chi Lăng. Giặc tiến đánh Chi Lăng thì gặp phục binh của ta, Trần Lựu ra khiêu chiến, nhử giăc đuổi theo. Khi Liễu Thăng và quân bản bộ đã vào đúng thế trận, nghe tiếng pháo lệnh, các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú hô quân mai phục bổ vây chặt chẽ. Giặc hoảng hốt chen nhau, dày xéo nhau mà chết.
Liễu Thăng cùng 100 quân kỵ mã chạy đến chỗ bùn lầy thì không tiến được nữa, bị chém ở núi Mã Yên.
Trận nầy khởi đầu từ 18 tháng 9 đến ngày 20 thì kết thúc, tướng giặc cùng binh sĩ chết gần cả vạn người. Lúc bấy giờ đạo quân tiếp viện của ta do tướng Lê Lý cũng vừa đến, hợp lại tiến đánh quân Minh, giết đựợc Lương Minh ngày 25 tháng 9, tướng giặc Lý Khánh chống không nổi, tự sát ngày 28 tháng 9 năm Bính Ngọ 1427. Còn lại có Hoàng Phúc, Thôi Tụ đem tàn quân chạy về thành Xương Giang thuộc phủ Lạng Giang, nửa đường bị quân Lê Sát đuổi kịp đánh cho tơi bời. Thôi Tụ liều chết chạy đến thành Xương Giang, thì thành nầy đã bị tướng Trần Nguyên Hãn chiếm đóng, treo cờ Việt quân. Thôi Tụ đành phải rút lui ra ngoài đồng lập trại và đắp lũy để chống giữ.
Bình Định Vương sai quân thủy bộ vây đánh quân giặc, sai Trần Nguyên Hãn chận đường tải lương của quân Minh, sai Lê Vấn, Lê Khôi, Nguyễn Xí, đem quân thiết đội đánh quân Minh, bắt sống được Thôi Tụ và Hoàng Phúc, cùng rất nhiều tù binh. Thôi Tụ không chịu hàng phải giết. Thế là đạo quân Liễu Thăng chưa vào tới đồng bằng Bắc Việt đã bị cái cảnh trúc chẻ ngói tan vô cùng bi đát.
Mộc Thạnh đem quân đến cửa Lê Hoa thì gặp quân ta do các tướng Phạm Văn Xảo, Lê Khả cầm giữ. Theo mật lệnh của Vương, các tướng bố trí mai phục, nhưng không được vội giao chiến vì Mộc Thạnh là một lão tướng có kinh nghiệm chiến trường, tất nhiên chờ quân Liễu Thăng thắng bại thế nào rồi mới hành động. Khi tiêu diệt đạo quân Liễu Thăng, Vương cho dẫn độ một viên chỉ huy, ba viên Thiên hộ trong số tù binh, cùng sắc thư, ấn tín của Liễu Thăng đưa đến hoành doanh của Mộc Thạnh.
Được tin ấy, Mộc Thạnh cả kinh bỏ chạy, bị các tướng Phạm Văn Xảo, Lê Khả đuổi đánh, phá tan nốt đạo quân nầy tại ngòi Lĩnh Thủy. Hơn một vạn quân Minh bị giết, người ngựa bị bắt không sao kể xiết. Mộc Thạnh một người một ngựa trốn thoát.
4 - Quân Nam toàn thắng : Quân Minh xin hòa
Bình Định Vương sai người đưa tướng giặc Hoàng Phúc và 2 cái hổ phù, 2 dấu đài ngân của quan Chinh lỗ phó tướng quân Liễu Thăng, đưa về Đông Quan cho Vương Thông biết. Vương Thông cả kinh, biết rằng viện binh do Liễu Thăng đưa sang đã bị thua rồi, sợ hãi viết thư xin hòa.
Bình Định Vương thuận cho, rồi cùng với Vương Thông lập đàn thề ở phía nam thành Đông Quan, hẹn đến tháng chạp Vương Thông đưa quân Tàu về nước.
Nhà thơ Lê Bính ca ngợi Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi, làm bài " Bình Ngô Đại Cáo " , một áng văn chính trị hay, được ghi vào văn học sử nước nhà.
NGUYỄN TRÃI
Sách lược bình Ngô nắm sẵn rồi
Tôn phò Lê Lợi trọn bề tôi
Văn từ tiến sĩ đầy gang thép
Dòng giống đại khoa đẹp nhánh chồi
Khóc nổi cha hiền nhơn giặc bắt
Căm thù nước bỏng tợ dầu sôi
Duyên già vướng phải cô hầu trẻ
Biết tội mình oan chỉ có trời
Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi
Tướng sĩ và nhân dân tỏ ý không tán thành cuộc giải hòa, vì lòng người còn căm giận sư tàn bạo trước đây của giặc Minh. Dư luận còn đang phân vân, Nguyễn Trãi bàn rằng :
- Giặc Minh tàn bạo, nhân dịp nầy giết hết chúng đi là phải. nhưng nghĩ nước mình nhỏ, nước chúng lớn gấp mấy chục lần, xung đột với chúng chỉ là sự bất đắc dĩ. Nếu mối thù ngày một thêm sâu, giặc mất thể diện lại kéo binh sang một lần nữa, thì cuộc chiến tranh biết bao giờ mới dứt được, chi bằng chấp thuận cuộc hòa hiếu để tạo phúc cho sinh linh hai nước. Bình Định Vương gật đầu khen phải, nói :
- Phục thù báo oán là cái thường tình của mọi người, nhưng bản tâm người nhân không muốn có việc giết người bao giờ. Vả lại người ta đã hàng mà giết thì không hay, thỏa cơn giận một lúc mà mang tiếng muôn đời giết kẻ đầu hàng, sao bằng cho muôn vạn người sống, tránh cuộc chiến tranh cho đời sau, lại còn được tiếng thơm lưu truyền sử xanh mãi mãi.
Bình Định Vương không giết quân Minh, cấp thủy quân 500 chiếc thuyền giao cho Phương Chính, Mã Kỳ quản lãnh; lại cấp lương thảo giao cho lục quân Sơn Thọ, Hoàng Phúc; còn 2 vạn người đã ra hàng và bị bắt, giao cho Mã Anh quản lãnh đem về Tàu. Vương Thông thì quản trị bộ binh giặc Minh lục tục kéo về Bắc.
Bình Định Vương dẹp xong giặc Minh rồi, cử ông Nguyễn Trãi làm bài tuyên cáo quốc dân tức là bài " Bình Ngô Đại Cáo ", là một áng văn hay, được ghi vào văn học sử nước nhà. Bấy giờ mới thật là " Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư ", nước ta lại được tự chủ như cũ.
Triều Phong Đặng Đức Bích
Tài liệu tham khảo :
- Việt Nam Sử lược Trần Trọng Kim
- Việt Sử Toàn Thư Phạm Văn Sơn
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Ngô Sỹ Liên
- Đại Nam Nhất Thống Chí Nguyễn Tạo
- Hoàng Lê Nhất Thống Chí Ngô Thời Chí
- Việt Sử Cương Mục Tiết yếu Đặng Xuân Bảng