10/5/2015
CÁCH CẢI TỔ ĐẠI HỌC Ở TRUNG QUỐC
Trần Đăng Hồng, PhD
|
Nền đại học và cao đẳng Trung quốc bị khủng hoảng trầm trọng trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976), đại học bị đóng cửa, giáo sư và sinh viên bị đưa về vùng quê hay vào xí nghiệp để học tập thực tiễn trong lao động. Nhiều giáo sư bị lao tù hay chết. Một thế hệ nhà khoa học và giáo dục bị đánh mất, hậu quả tai hại trong công cuộc đào tạo chuyên viên và nghiên cứu khoa học bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian dài sau đó.
Trong 3 thập niên qua, nhờ kinh tế phát triển vượt bực, Trung quốc tiến nhanh đến cường quốc kinh tế thứ hai sau Hoa Kỳ. Trung quốc quyết tâm phát triển đại học để bắt kịp đại học phương tây. Trung quốc hiện nay có ngân sách chi tiêu nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật (R &D, Research and Development) đứng thứ 2 trên thế giới, và đứng hạng 2 về số lượng sản xuất bài khoa học (sau Hoa Kỳ).
Năm 2012, Trung quốc dành ngân sách 161 tỷ $US (1 ngàn tỷ nhân dân tệ) cho nghiên cứu và phát triển kỹ thuật và gần 113 tỷ $US (700 tỷ nhân dân tệ) cho đại học.
Năm 2013, Trung quốc dành 189,55 tỷ $US (1184,7 tỷ nhân dân tệ) cho ngân sách nghiên cứu và phát triển khoa học, 45% ngân sách này được phân phối cho 29 đại học làm nghiên cứu. Như vậy, trong hơn 2 thập niên qua, đại học Trung quốc phát triển rất mạnh.
Để đạt được kết quả tốt đẹp như ngày nay, nền đại học ở Trung quốc được cải tổ sâu rộng giữa thập niên 1990s. Hơn 700 học viện cao đẳng có tiêu chuẩn cao được xáp nhập và nâng cấp thành 300 đại học. Đề án 211 thành lập hơn 100 đại học nồng cốt. Song song với các đại học công lập, các trường đại học tư thục cũng được thành lập từ sau 1999. Năm 2009, liên minh 9 đại học hàng đầu của Trung quốc được thành lập.
Đề án 211 (Project 211) được Bộ Giáo Dục thực thi năm 1995 mục đích cải tổ lại hệ thống đại học để nâng cao tiêu chuẩn nghiên cứu và chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chọn 119 đại học nồng cốt để ưu tiên phát triển thành các đại học có tầm cỡ hậu thuẫn cho phát triển công nghiệp và kinh tế. Để thực hiện đề án 211, khoảng 2,2 tỷ $US đã chi tiêu trong thời gian 1996-2000. Tên đề án 211 là viết tắt thế kỹ 21 và 100 (cho khoảng trên 100 đại học tham gia). Các đại học nồng cốt này đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và nhân sự của các đại học nổi tiếng của Âu Châu và Hoa Kỳ. Các đại học trong đề án có nhiệm vụ đào tạo 4/5 cấp tiến sỉ, 2/3 sinh viên tốt nghiệp đại học, một nửa số sinh viên ngoại quốc và 1/3 sinh viên học đại học trên toàn quốc. Các đại học nồng cốt này chiếm 70% ngân sách tài trợ nghiên cứu của quốc gia, cơ sở phòng thí nghiệm tân tiến chiếm 96% tổng số phòng thí nghiệm toàn quốc.
Tính vào thời điểm cuối năm 2004, Trung quốc có tổng cộng 2.236 trường Cao Đẳng và Đại học, với trên 20 triệu sinh viên. Hơn 6 triệu sinh viên tốt nghiệp năm 2008.
Năm 2009, 9 đại học uy tín lừng danh nhất Trung quốc thành lập liên minh (C9 League). Đó là Peking University, Tsinghua University, Fudan University, Shanghai Jiao Tong University, Nanjing University, University of Science and Technology of China, Zhejiang University, Xi'an Jiao Tong University và Harbin Institute of Technology. Mục đích của liên minh C9 là phối hợp giữa 9 đại học để thâu nhận sinh viên ưu tú nhất, cùng chia xẻ hữu hiệu nguồn lực tài chánh, nhân sự (giáo sư), cơ sở vật chất (campuses, phòng thí nghiệm…), v.v. và quan trọng nhất là tất cả quyết tâm nhắm tiến lên đại học tầm cở quốc tế.
Trong số liên minh 9 đại học này, có 7 đại học đầu được QS World University Rankings xếp hạng trong 200 đại học dẫn đầu thế giới. Theo xếp hạng của QS vào năm 2011, 7 đại học đầu của liên minh lần lượt chiếm vị trí 46, 47, 91, 124, 186, 188, và 191 trong số 200 đại học dẫn đầu thế giới. Và kể từ 2011, vị trí đại học dẫn đầu của Trung quốc là Peking University ở hạng 46 (2011), 44 (2012), 45 (2013), và Tsinghua University (47, 2014).
Liên minh 9 đại học chiếm 3% tổng số nhà nghiên cứu toàn quốc, nhận 10% ngân sách chi tiêu nghiên cứu quốc gia, sản xuất 20% bài nghiên cứu (academic publication) và 30% tổng số bài được ghi làm tài liệu tham khảo (citations).
Nhờ sự cải tổ và chấn hưng đại học, khả năng và thành phẩm nghiên cứu khoa học đã đạt kết quả tốt. Trong khoảng thời gian 2005 và 2012, tổng số nghiên cứu viên ở Trung quốc tăng 38% (tới 314.000 nhà nghiên cứu), cũng trong thời gian này số lượng bài nghiên cứu gia tăng 54% (tới 1.117.742 bài) và bản quyền phát minh (patents) tăng gấp 8 lần (tới 66.755).
Một cách tổng quát, đại học công lập cấp quốc gia được quản trị hoặc bởi Bộ Giáo Dục hay các Bộ khác trực tiếp bởi chính phủ trung ương. Đại học cấp địa phương được quản trị bởi cấp tỉnh hay thành phố. Đại học tư thục do tư nhân phụ trách.
Mặc dầu đại học ở Trung quốc không được hoàn toàn tự trị (autonomy) như hệ thống đại học ở Hoa Kỳ hay Âu Châu, mà là một loại bán-tự-trị, nhưng theo thời gian sẽ chuyển hướng dần đến tự trị trong tương lai. Hiện tại, đại học có toàn quyền xử dụng tài chánh, tuyển dụng nhân viên giảng huấn, nhân viên hành chánh, tuyển chọn sinh viên, chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, chính phủ chỉ định ban lãnh đạo đại học (Viện trưởng), kiểm soát các chương trình giáo dục chính trị nhân văn, thiết lập các đảng ủy trong đại học.
Mặc dầu bị hạn chế trong khuôn khổ bán-tự-trị, nhưng các đại học trong Liên Minh C9 được cởi mở hơn, có phương cách phát triển để đạt thành công. Sau đây là một ví dụ điển hình của Đại Học Shanghai Jiao Tong University (SJTU), một trong 9 đại học của Liên minh C9.
Để đạt được tiêu chuẩn của đại học tầm cỡ quốc tế, trong 10 năm qua đại học SJTU đã thành công nhờ hai cải cách chánh: (i) tạo một văn hóa canh tân đại học, và (ii) thúc đẩy khả năng nghiên cứu qua các cải cách chức nghiệp cho nhân viên hiện hữu và nhân viên mới tuyển dụng ở các phân khoa trong đại học. Đó là thành lập các phân khoa mới cần thiết để phát triển khoa học kỹ thuật, mướn giáo sư nổi danh của thế giới với lương cao về giảng dạy và làm nghiên cứu, cải tổ hệ thống ngạch trật và lương phạn để kích thích công tác nghiên cứu cho nhân viên.
Đại học SJTU phát triển tuần tự qua 3 bước.
Bước thứ nhất. Tuyển mộ và huấn luyện kỹ năng cho nhân viên trẻ. Để phát triển một ngành kỹ thuật quan trọng nào đó theo nhu cầu phát triển quốc gia, Đại học SJTU mướn giáo sư ngoại quốc tầm cỡ quốc tế của ngành đó với lương cao để giảng dạy, huấn luyện, hướng dẫn một nhóm nhân viên trẻ trung làm nghiên cứu. Nhân viên trẻ được tuyển mộ theo cách tranh tài để chọn người có tài năng nhất. Nhóm nghiên cứu được đại học hổ trợ tài chánh dồi dào ở những năm đầu để thực hiện một dự án cho tới khi nhóm nghiên cứu này chứng tỏ có kết quả tốt và được ngân khoản tài trợ từ chính phủ hay ngành công nghiệp để hoàn thành dự án, công bố kết quả và nhóm nghiên cứu trở nên nỗi danh. Các chuyên viên tân tuyển làm việc theo khế ước 6 năm, sau đó được tuyển dụng vào ngạch chính quy tùy theo kết quả nghiên cứu trong 6 năm này, duyệt xét kết quả do một hội đồng quốc tế quyết định. Kể từ 2008 tới nay, đại học SJTU tuyển dụng và huấn luyện kỹ năng nghiên cứu cho 1.251 nghiên cứu viên trẻ (dưới 35 tuổi) theo cách trên. Các nghiên cứu viên trẻ này được ưu đãi nhận thêm trợ cấp nghiên cứu, trợ cấp nhà ở, và trợ cấp đắc đỏ.
Các nhà nghiên cứu trẻ với sáng chế robot tại đại học SJTU
Bước thứ 2. Ngạch trật cho 3 chức nghiệp. Việc tăng ngạch trật và lương phạn được cứu xét mỗi 3 năm tùy theo các tiêu chỉ của mỗi phân khoa hay trường. Ba chức nghiệp đó là: giảng dạy, nghiên cứu và nhiệm kỳ. Chúc nghiệp giảng dạy (teaching) không nghiên cứu, chức nghiệp làm nghiên cứu nhưng không có giảng dạy thì có nhận thêm một phần lương từ ngân sách nghiên cứu của dự án. Còn các giáo sư nhiệm kỳ (tenure-track professor, Giáo Sư Thực Thụ) có chức nghiệp giảng dạy và nghiên cứu thì lương được ấn định theo tổng hợp của cả hai chức nghiệp. Trong 4 năm qua, lương tăng 60%, và sẽ tăng nữa trong các năm tới
Đại học được tự trị trong vấn đề tuyển mộ, đánh giá để tăng lương cho nhân viên.
Bước thứ 3. Hệ thống giáo chức nhiệm kỳ (tenure system) được áp dụng cho các giảng viên trẻ trung. Kể từ 2013, 6 trường và phân khoa của SJTU áp dụng hệ thông ngạch giáo chức nhiệm kỳ tương tự như các đại học của Hoa Kỳ và Canada. Dựa trên kết quả tốt đẹp, kể từ 2015 hệ thống ngạch giáo chức nhiệm kỳ, gồm giảng sư và giáo sư, được áp dụng rộng rải.
Theo quy chế ngạch trật áp dụng ở Hoa Kỳ và Canada Giáo sư hay Giảng Viên trong ngạch nhiệm kỳ - Giáo Sư Thực Thụ - được bảo vệ không phải bị sa thải hay chấm dứt ngạch trật nếu không có lý do chính đáng. Muốn được lên ngạch nhiệm kỳ (hay Thực Thụ), giảng viên phải trải qua một thời gian thử thách khoảng 5-7 năm dựa qua số lượng và phẩm chất bài tường trình nghiên cứu (publication), khả năng thành đạt ngân sách tài trợ nghiên cứu, khả năng giảng dạy, khả năng quản trị và phục vụ cộng đồng. Một số đại học đòi hỏi trước khi thành Giáo Sư Nhiệm Kỳ phải trải qua một thời gian làm Associate Professor. Một số đại học ở Hoa Kỳ còn có ngạch Lecturer, Adjunct Professor hay Research Professor cũng có thời gian phục vụ vô hạn, nhưng không được hưởng chế độ ưu đãi như Giáo Sư Thực Thụ. Một hội đồng độc lập của Trường hay Đại học cứu xét việc thăng thưởng này.
Nhân viên giảng huấn hay nghiên cứu nào không đủ tiêu chuẩn vào ngạch thực thụ thì hoặc từ bỏ nhiệm sở hoặc nếu ở lại phải tiếp tục làm khế ước (contract), không bảo đảm tương lai. Vì vậy, ai cũng phải cố gắng làm việc.
Nhờ việc cải tổ chính sách, kể từ 2007, Đại học SJTU có 450 giáo sư thuộc đẳng cấp quốc tế, hơn 250 nhân viên giảng huấn trẻ vào ngạch thực thụ, 85% nhân viên giảng huấn có bằng PhD (gia tăng 50% năm 2006). Ngân sách đại học gia tăng gấp đôi kể từ 2007, trên 7 tỷ nhân dân tệ, ngân khoản tài trợ nghiên cứu gia tăng gấp 3 lần, đạt 2,5 tỷ nhân dân tệ.
Theo xếp hạng QS World University Rankings, Đại học SJTU đứng trong danh sách 200 đại học hàng đầu thế giới, thứ 124 năm 2011, 125 năm 2012, 123 năm 2013 và 104 năm 2014.
Reading, 5/2015
Trần-Đăng Hồng, PhD
Tài liệu tham khảo chánh
Jie Zhang (2014). Developing excellence: Chinese university reform in three steps. Nature 514, 7522, 295-296 (16 October 2014)