Trong năm 2016, tình hình sản xuất lúa gạo thế giới tương đối thuận lợi tại nhiều nước nhờ lượng mưa gió mùa đầy đủ, đặc biệt tại Ấn Độ, Bắc Triều Tiên, Cambodia, Iran, Iraq, Lào, Myanmar, Nhựt Bổn, Nepal, Philippines, Pakistan, Taiwan, và Thái lan; tuy nhiên, Indonesia, Sri Lanka, Đại Hàn và Malaysia sản xuất kém hơn do khí hậu không thuận hòa; một số quốc gia khác như Trung Quốc và Việt Nam bị hạn hán, mặn xâm nhập, sau đó lượng mưa gió mùa dồi dào phục hồi tình trạng sản xuất tại các nước này. Ngoài Á Châu, sản lượng lúa sút giảm ở Nam Mỹ và Caribbean, như tại Ecuador, Argentina, Brazil, Bolivia, Guyana, Paraguay, Uruguay và Venezuela, do khí hậu và giá cả không thuận lợi. Sản xuất lúa được phục hồi ở Hoa Kỳ do diện tích trồng tăng và năng suất cao.
Ở lục địa Africa, sản lượng và diện tích trồng lúa tăng, riêng diện tích trồng lúa tại Ai Cập được phục hồi nhờ giá lúa gạo địa phương cao và nông dân chuyển từ bông vải qua lúa. Vùng Tây Phi Châu luôn giữ mục tiêu tăng gia sản xuất lúa để giảm nhập khẩu, năm 2016 có khí hậu thuận lợi; nhưng Miền Nam Phi Châu có ít mưa và bị hạn hán do ảnh hưởng El Niño.
Theo cơ quan FAO ước đoán, sản lượng lúa thế giới đạt đến 748 triệu tấn trong 2016 hay tăng 1,1% so với năm 2015 (739,7 triệu). Diện tích trồng cũng tăng lên 163,1 triệu ha, hay tăng 1,6%. Năng suất bình quân 4,6 t/ha (Hình 1).
Riêng tại Việt Nam, tình trạng sản xuất lúa đầu mùa gặp nhiều bất lợi do hạn hán nhiều nơi, vùng ven biển, nhứt là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị hạn và nước mặn xâm nhập trầm trọng, gây thiệt hại không những cho ngành trồng lúa mà còn lãnh vực nuôi trồng thủy sản và khan hiếm nước ngọt cho người địa phương. Tuy nhiên, sau đó lượng mưa gió mùa đầy đủ và lũ về vừa phải dù hơi muộn nên ngành trồng lúa được phục hồi mau lẹ. Mùa lúa 2016, Việt Nam ước tính đạt đến 43,9 triệu tấn lúa, giảm gần 3% năm trước, trên diện tích thu hoạch 7,7 triệu ha.
Hình 1: FAO Sản lượng và diện tích lúa thế giới, 2007-16
Về thương mại thế giới, FAO tiên đoán sẽ tiếp tục giảm trong năm thứ hai, năm 2016 lượng gạo trao đổi thế giới khoảng 42 triệu tấn gạo, tức giảm bớt 800.000 tấn hay 6% thấp hơn 2015, do nhu cầu Châu Á giảm, sản xuất tại một số nước cải thiện và tiền tệ địa phương yếu kém. Nhu cầu ở Phi Châu tương đối ổn định. Sự xuất khẩu của các nước cung cấp giảm bớt như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Mỹ. Chỉ có Pakistan xuất khẩu gia tăng. Tuy nhiên, số lượng trao đổi lớn hơn ở Liên Âu, Nam Mỹ và Caribbean. Xuất khẩu của các vùng khác như Úc, Brazil, Guyana và Myanmar giảm sút, trong khi Argentina, Cambodia, Trung Quốc, Paraguay, Uruguay và Pakistan gia tăng hơn năm trước. Giá gạo thế giới sau 2 năm giảm bắt đầu tăng lên vào tháng 5 do các nước xuất khẩu không còn nhiều gạo sẵn sàng và kéo dài đến tháng 8, và các nước nhập khẩu giới hạn mua thêm gạo. Tuy nhiên, giá gạo bình quân trong 2016 thấp hơn 2015 gần 4% (Hình 2).
Theo tiên đoán FAO sau cùng, trong 2017 sự trao đổi thương mại thế giới sẽ tăng 2,1% đến 42,9 triệu tấn gạo. Năm 2016, gạo tồn trữ thế giới độ 170,3 triệu tấn, kém hơn năm trước 0,4% do chính quyền Thái Lan và Ấn Độ giảm tồn trữ công cộng. Gạo tồn trữ thế giới chiếm 1/3 lượng tiêu thụ toàn cầu ở mức an toàn lương thực khá tốt.
Hình 2: Chỉ số giá gạo FAO 2002-2016
Tình trạng sản xuất lúa gạo tại một số nước trồng lúa quan trọng và các vùng miền trên thế giới:
Ấn Độ: Trong tháng 6, Chính phủ tăng hỗ trợ cho giá sàng tối thiểu 4% đến 14.700-15.100 Rubi Ấn (217-223 Mỹ kim) cho mỗi tấn lúa. Lần tăng giá này không lớn như năm 2009 và 2012 đến 15-18%.
Đầu mùa năm nay, mưa đến trễ một tuần trong tháng 6, sau đó mưa nhiều hơn trong tháng 7, 8 và 9, lượng mưa đạt đến 862 mm, chỉ kém vũ lượng trung bình dài hạn 3%, trong lúc năm 2015 và 2014 thiếu 14% và 12%; cho nên khí hậu tương đối thuận hòa và diện tích trồng đạt đến 38,9 triệu ha, sản lượng ước độ 161,5 triệu tấn lúa hay tăng 3% so với với vụ thất mùa 2015.
Mặc dù sản lượng tăng nhưng xuất khẩu không vượt quá 10 triệu tấn gạo trong năm 2016. Nước này đang cố gắng dàn xếp bán gạo cho Trung Quốc để đa dạng nguồn cung cấp cũng như đang tìm thị trường ở Đông Nam Á. Trong tháng 12, gạo 5% có giá US$353/tấn so với US$351/tấn trong tháng 11. Gạo 25% tăng từ US$334/tấn lên US$338/tấn.
Trung Quốc: Vũ lượng tương đối thuận hòa, mưa nhiều và ánh sáng yếu có thể ảnh hưởng ít nhiều cho luá lỡ và muộn. Mặc dù khí hậu không tốt bằng năm rồi trúng mùa, nhưng mức sản xuất đạt đến 206,3 triệu tấn lúa, tức giảm chỉ 0,6% do năng suất giảm tại nhiều vùng bị ngập lụt. Diện tích trồng giảm nhẹ xuống còn 30,2 triệu ha. Trong Kế họach Hiện đại hóa nông nghiệp quốc gia 2016-2020, Trung Quốc tiếp tục hệ thống thu mua tối thiểu cho lúa gạo và lúa mì và giữ mức tự túc hai loại lương thực chính này.
Pakistan: Sản xuất lúa tại các tỉnh trồng lúa quan trọng có khuynh hướng khác nhau. Tại tỉnh Sindh chiếm 40% sản lượng lúa quốc gia, nông dân khai thác tối đa hệ thống tưới tiêu và sự hỗ trợ vật tư của tỉnh, trong khi tại Punjab, diện tích trồng lúa giảm 4% so với năm trước để trồng hoa màu khác có lợi tức cao hơn vì giá lúa hiện nay xuống thấp. Diện tích trồng lúa giảm phần lớn từ loại lúa thường, còn lúa Basmati vẫn còn giữ diện tích cao. Năm rồi, 3,4 triệu tấn Basmati sản xuất tại tỉnh này, chiếm đến 90% lúa Basmati toàn quốc. FAO tiên đoán Pakistan thu hoạch độ 10,3 triệu tấn hay 1% hơn năm 2015.
Giá gạo xuất khẩu tương đối ổn định, chỉ tăng 1% từ tháng 11 lên tháng 12. Năm 2016, Pakistan xuất khẩu khoảng 4,3 triệu tấn gạo, tăng 5% so với 2015. Trong tháng 12, gạo Pak 5% có giá US$356/tấn so với US$353/tấn trong tháng 11.
Thái Lan: Mùa mưa đến Thái Lan vào tuần thứ ba tháng 5, nên các hồ chứa còn cạn nước, nông dân trồng lúa tưới tiêu phải hoãn đến tháng 7 khi hồ nhận đủ nước. Trong khi lúa nước trời, chiếm đến ¾ vụ chánh, khí hậu được thuận hòa, nên vụ lúa năm 2016 được mùa. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết kho tồn trữ lúa của Thái ảnh hưởng rất nhiều đến giá lúa trong nước và thu nhập nông dân. Do giá cả lúa gạo trong nước và thế giới thay đổi bất định nên Chánh phủ Thái đang có chương trình thay thế lúa bằng các sản phẩm khác có lợi tức cao cho nông dân, đồng thời Chánh phủ điều tiết sản suất lúa tưới tiêu trong mùa nắng rất chặt chẽ. Thái Lan đặt chỉ tiêu thay thế 350.000 ha lúa trong mùa nắng bằng hoa màu khác với hỗ trợ tín dụng và vật tư cho nông dân.
Giá lúa thơm tại ruộng nông dân xuống thấp do mùa lúa vừa thu hoạch đến 27% so với năm rồi của tháng Mười với THB 9 500 (267 USD) mỗi tấn, nên chính phủ đưa ra một loạt biện pháp để hỗ trợ sản xuất, gồm duyệt lại chương trình thế chấp tại trang trại cho loại lúa Hom Mali và gạo nếp, đồng thời mở rộng thêm cho loại giống lúa thơm Indica và Pathumthani. Ngoài ra, còn có Chương trình tìm cách trì hoãn sự xuất hiện của 3,0 triệu tấn lúa vào thị trường, bằng cách cấp cho nông dân THB 10 500-13 000 (295-365 USD) mỗi tấn thóc thế chấp.
Trong 2016, Thái xuất khẩu 9,6 triệu tấn gạo đối với 9,8 triệu tấn 2015. Trong tháng 12, Thai 100%B tăng đến US$376 từ US$368 tháng 11. Gạo hấp từ US$359 lên US$369. Tấm A1 giảm từ US$333 xuống US$329.
Việt Nam: Theo Bộ NN-PTNT, hiện mỗi năm Việt Nam sản xuất 45 triệu tấn lúa và xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo (tương đương với 25% tổng sản lượng). Trong 10 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo đi 140 quốc gia và vùng lãnh thổ; nhưng sau đó không có xuất khẩu thêm.
Năm 2016, VN gặp trở ngại lớn do thiếu nước tưới, tiếp theo mặn xâm nhập và kéo dài thời gian, đã làm thiệt hại 6% sản lượng lúa vụ trồng Đông-xuân và ảnh hưởng nặng nhứt ở ĐBSCL chiếm hơn 50% của vụ này cả nước, ước đoán thiệt hại đến gần một triệu tấn lúa; mùa này vùng đồng bằng sản xuất độ 10 triệu tấn lúa. Ở Miền bắc, vụ Đông-xuân cũng bị ảnh hưởng bởi rét lạnh, nhưng nhìn tổng quát vụ mùa thuận lợi.
Vụ Hè-thu quan trọng ở ĐBSCL cũng thường gặp khó khăn khi bị hạn hán và mặn nhập lúc đầu mùa, nhưng nhờ những trận mưa muộn vào cuối tháng 5 hoạt động gieo mạ lấy lại đà. Đến giữa tháng 6, độ 1,8 triệu ha đã được gieo, nhưng 4% kém hơn mùa năm trước. Hạn-mặn làm VN tổn thất khoảng 675 triệu US.
Sau vụ lúa Hè-thu được thu hoạch, vụ Đông-xuân đã bắt đầu cả hai Miền. Vào tháng 9, diện tích gieo hạt đạt đến 1,7 triệu ha, kém hơn năm trước 2%, do thiếu nước và những trân bão lũ quét qua các vùng trồng lúa phía Bắc. Chỉ trận bão Mirinae xảy ra 27 tháng 7 đã làm ngập đến 200.000 ha lúa. Năm 2016 dù gặp thiên tai hạn hán, mặn nhập và bão lũ, nhưng lượng mưa muộn thuận lợi cho vụ Hè-thu nên sản xuất lúa ước tính đến 43,9 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn so với năm 2015, mức thấp nhứt trong vòng 4 năm qua của VN.
Năm 2016, VN xuất khẩu rất khả quan vào quý 1 và 2, sau đó giảm dần do thiếu nhu cầu đòi hỏi. Xuất khẩu cả năm giảm đến 25% còn 4,9 triệu tấn so với 6,5 triệu tấn trong 2015, chủ yếu do Trung Quốc kiểm soát gạo qua biên giới chặt chẽ hơn và nhu cầu nhập khẩu của Philippines, Malaysia và Indonesia bị giới hạn. Xuất khẩu đến các nước Đông Nam Á giảm 23%, bù đắp một phần nhờ xuất khẩu tăng đến Châu Phi và Châu Âu.
Trong 6 tháng đầu, VN tăng xuất khẩu gạo thơm ở Châu Á và châu Phi, gạo japonica, nếp ở Trung Quốc. Lúa thơm chiếm đến 15%, nhưng có hiện tượng bị phàn nàn là chất lượng xuống thấp do pha trộn. Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm, gạo xuất khẩu đến Mỹ bị trả về 1.700 tấn gạo vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Trong tháng 12, gạo Viet 5% có giá US$338/tấn so với US$345/tấn trong tháng 11. Gạo Việt 25% giảm xuống US$324/tấn so với US$330/tấn tháng trước.
Châu Phi: FAO dự đoán lục địa này sản xuất đến 30,2 triệu tấn vào năm 2016, tăng 520 000 tấn so với ước đoán tháng Mười. Phần lớn sự tăng trưởng do xuất phát từ vùng Tây Phi và Tanzania. Ở Ai Cập, yếu tố nước và giá cả thị trường quyết định diện tích trồng hoa màu, nhứt là lúa và bông vải cạnh tranh với nhau. Do đó, năm 2016, diện tích trồng bông vải chỉ đến 420.000 ha, trong khi sản xuất lúa đến 6,3 triệu tấn, hay tăng 7% do giá hấp dẫn và sự chuyển hướng từ bông sang canh tác lúa. Tuy nhiên, trong 2017 theo dự đoán diện tích trồng lúa sẽ giảm bớt. Ở Tây và Đông Phi Châu, sản xuất lúa được báo cáo thuận mùa tại Guinea, Mali, Nigeria và Cộng hòa Tanzania. Sự tăng sản xuất của các nước này bù đắp cho thất mùa tại Côte d'Ivoire, Malawi, Mauritania, Mozambique và Zambia, do lượng mưa kém và đến muộn.
Vùng Châu Phi nam Sahara mặc dù tăng sản xuất lúa, nhưng nhập khẩu vẫn tăng 2% trong 2016. Nhập khẩu ít hơn ở các nước Nigeria, Côte d’Ivoire và Senegal, trong khi Nam Phi và Madagascar nhập khẩu vẫn còn cao.
Châu Mỹ: Ở Bắc Mỹ, mưa lớn vào trung tuần tháng 8-2016 gây ngập lụt nhiều ruộng lúa ở phía Nam, như Louisiana và Arkansas làm giảm năng suất và lượng lúa; do đó, USDA ước lượng sản xuất lúa tại Hoa Kỳ đạt đến 10,6 triệu tấn, nhưng vẫn cao hơn sản xuất yếu kém của 2015 đến 22%. Năng suất bình quân là 8,4 t/ha. Trong mùa lúa này, lúa hạt dài chiếm đến 8,0 triệu tấn và lúa hạt tròn (Japonica) bị giảm sút ở miền Nam Hoa Kỳ, trong khi lúa ở California (hạt tròn) vẫn còn chiếm 2,6 triệu tấn. Năm 2016, xuất khẩu độ 3,2 triệu tấn gạo, thấp hơn năm 2015 (3,5 triệu tấn). Giá gạo hạt dài 2/4 là US$454/tấn.
Ở Trung và Nam Mỹ, sản xuất lúa gạo giảm sút thấp nhứt trong 6 năm qua với 26,1 triệu tấn, chủ yếu do thất mùa ở Argentina, Bolivia, Brazil, Ecuador, Guyana, Paraguay, Uruguay và Venezuela vì khí hậu bất lợi với hạn hán đầu mùa và bão tố ở vùng Trung Mỹ; trong khi Colombia, Peru và Chile sản xuất lúa thuận hòa hơn. Bazil là nước sản xuất lúa lớn nhứt trong vùng, ước đoán 10,6 triệu tấn lúa hay 15% thấp hơn 2015, do mưa quá nhiều và gây ngập lụt.
Trong khối Mercosur, giá gạo tiếp tục giảm 1,6%. Tại Brazil, xuất khẩu yếu, giảm 25% so với năm trước. Trong tháng 12, giá gạo là US$294/tấn. Tháng giêng 2017, giá gạo tăng US$304.
Liên Âu và Nga: Sản xuất lúa ở Liên Âu tăng chút ít so với năm trước, đạt đến 3,0 triệu tấn hay 1% nhiều hơn 2015. Riêng Italy, nước trồng lúa lớn nhứt của vùng đạt đến 230.000 ha, 3% cao hơn 2015, trong đó lúa Japonica chiếm khá cao 201.000 ha. Sản lượng lúa ước tính đến 1,6 triệu tấn, cao hơn 2015 khoảng 60.000 tấn. Tây Ban Nha, nước sản xuất lúa lớn thứ hai của EU sản xuất 850.000 tấn cao hơn một ít so với 2015 dù lượng mưa không điều hòa. Sản xuất kém hơn ở những xứ trồng lúa khác như Pháp Quốc, Hungary, Romania và Bulgaria.
Ở Liên Bang Nga, nhờ khí hậu tốt và lượng nước cung cấp đầy đủ, diện tích trồng lúa tăng 4% so với 2015 đến 206.000 ha và sản lượng đến 1,2 triệu tấn lúa.
Ở Úc Châu, sản xuất lúa năm nay rất thấp, do nước tưới là đầu vào rất tốn kém được cung cấp ít hơn đến 64%, nên diện tích trồng chỉ có 23.000 ha và sản lượng chỉ 440.000 tấn. Theo tiên đoán, nước tưới sẽ được cấp nhiều hơn trong 2017 và diện tích trồng lúa sẽ tăng lên 90.000 ha hay 4 lần nhiều hơn năm 2016 và năng suất sẽ là 10,4 t/ha.
Tóm lại, sản xuất lúa gạo thế giới vẫn tiếp tục cải thiện trong năm 2016 và 2017, trong khi thương mại dao động tùy thuộc vào nguồn cung cấp, chất lượng, khí hậu, chương trình sản xuất tiêu thụ của các nước liên hệ và sự cạnh tranh mạnh mẽ thị trường thế giới. Theo tiên đoán FAO, sự xuất khẩu của Ấn Độ, Việt Nam và Úc Châu sẽ phục hồi ở mức độ nào đó, của Pakistan và Hoa Kỳ có thể tăng thêm; trong khi Cambodia, Myanmar giảm sút do khó khăn xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới. Sự xuất khẩu của các nước khác như Argentina, Brazil, Guyana, Paraguay, và Uruguay có thể giảm sút trong 2017. Sản xuất lúa gạo Việt Nam đã và đang gặp khó khăn đầu vào do biến đổi khí hậu, nông dân nghèo và đầu ra do thị trường tiêu thụ luôn biến đổi và chất lượng không đạt tại các nước có yêu cầu khó tính. Đất nước đã hội nhập thế giới và dấn thân vào nền kinh tế thị trường nên cần phải thay đổi tư duy quản lý, cơ chế kinh tế để có thể cạnh tranh với các nước khác. Vấn đề hạn điền hiện nay là một lực cản lớn cho phát triển nông nghiệp, nhứt là trong khâu sản xuất lúa làm giá thành phẩm cao, kém năng lực cạnh tranh trong khi các hợp tác xã còn quản lý yếu kém. Những nông dân nhỏ sản xuất manh mún không thể cạnh tranh với các nông trại lớn, và khó có thể xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Việt Nam không nhất thiết sản xuất và xuất khẩu lúa gạo nhiều để có vị thế hạng nhì hoặc hạng ba thế giới mà nông dân vẫn còn nghèo, chỉ cần sản xuất ít hơn, vừa phải nhưng có chất lượng cao giúp nông dân có thu nhập nhiều hơn, đồng thời để dành đất đai cho phát triển công nghiệp, đô thị, các hoa màu có lợi tức lớn, đặc biệt ưu tiên lúc này cho thức ăn gia súc và rau quả để tiết kiệm ngoại tệ.
|
|
|
Trần Văn Đạt, Ph. D.
Tài liệu tham khảo:
1) FAO Rice Market Monitor, December 2016, Volume XIX - Issue No. 4 (www.fao.org/economic/est/publications/rice-publications/rice-market-monitor-rmm/en/).
2) InterRice. 2016. Monthly report of the world market of rice, December 2016, No. 154.
3) Công Phiên. 2016. Xuất khẩu gạo thơm, Japonica và nếp tăng mạnh.
(http://www.sggp.org.vn/thitruongkt/2016/7/426656/)
4) Công Phiên. 2016. Nguy cơ Hoa Kỳ đóng cửa thị trường gạo nhập khẩu từ Việt Nam. (http://www.sggp.org.vn/thitruongkt/2016/10/435502/)
5) Cẩm Nhi. 2016. Chọn gạo sạch ngon cơm. (http://thanhnien.vn/kinh-doanh/chon-gao-sach-ngon-com-731949.html)