25/6/2015
PHỎNG VẤN
TS. Trần Văn Đạt
Nguyên Chánh Chuyên Gia Lúa Gạo, FAO, Rome
Trả lời phỏng vấn của cô Vũ Lan, Phóng Viên báo Đất Việt:
1- Thưa ông, Bộ Tài chính đang xem xét đề nghị bỏ quy định áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với gạo. Nếu đề nghị này được thông qua, ai sẽ là người được hưởng lợi khoản tiền 105 tỷ đồng/năm lẽ ra sẽ thu về ngân sách này? Có thể lý giải thế nào về đề xuất này, thưa ông?
Hiện có một số doanh nghiệp phân phối gạo trong nước than phiền bị áp thuế giá trị gia ăng - VAT trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu và tiểu thương được miễn loại thuế này; do đó, họ không thể cạnh tranh với các lái buôn, tiểu thương trên thị trường và dĩ nhiên điều này làm giá gạo nội địa cao hơn gạo xuất khẩu cùng chủng loại. Đề nghị bỏ áp thuế VAT cho các doanh nghiệp gạo nội địa là tránh sự thiếu công bằng nêu trên, đồng thời có thể giúp phát triển thị trường lúa gạo trong nước, đặc biệt khuyến khích giới tiêu thụ dùng gạo có chất lượng cao hơn nhờ giá rẻ. Ngoài ra, đề nghị này có thể giúp các doanh nghiệp phân phối gạo trong nước có điều kiện phát triển xây dựng thương hiệu của mình. Dù thế, thuế VAT có thể được tái lập khi đa số doanh nghiệp phát triển đủ mạnh trên thị trường.
2- Nhiều chuyên gia đã từng nhận định, với những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp mua rẻ bán rẻ, Việt Nam đang làm từ thiện cho nước ngoài, còn người nông dân không được hưởng lợi gì. Điều này có xảy ra nếu chúng ta miễn thuế VAT với gạo như đề xuất nói trên hay không? Trong bối cảnh thu ngân sách đang gặp khó khăn như hiện nay, phải hiểu sự hào phóng nói trên như thế nào?
Đúng vậy, từ trước đến nay, chính sách lúa gạo VN chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hơn là quan tâm đến lợi tức nông dân. Rõ ràng nông dân làm được nhiều tiến bộ trong kỹ thuật và kinh nghiệm trồng lúa nên đã làm tăng năng suất từ 3,20 tấn/ha 1990 lên 5,77 tấn/ha 2014, diện tích trồng tăng từ 6,0 lên 7,8 triệu Ha cùng thời kỳ; nhờ đó đất nước mới được đứng hàng thứ hai hoặc ba của những nước xuất khẩu gạo thế giới trong nhiều năm qua, nhưng mức thu thập của người trồng lúa không được đáp ứng tương xứng!
Mặc dù nhà nước hỗ trợ nhiều cho sản xuất trong cung cấp nước tưới, hạ tầng cơ sở, thuế nông nghiệp…, nhưng các doanh nghiệp, qua lái buôn-tiểu thương, luôn hạ thấp giá gạo để cạnh tranh xuất khẩu trong điều kiện quản lý xuất khẩu hiện nay; cho nên nông dân không còn hưởng nhiều sự giúp đỡ của nhà nước. Từ 1998, Ngân Hàng Thế giới khuyến cáo khi khâu xuất khẩu gạo được tư nhân hóa, lợi tức nông dân sẽ tăng thêm 30%! Thật ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã được miễn thuế VAT rồi.
3- Xét trên khía cạnh xúc tiến thương mại, việc bỏ áp thuế VAT 5% với gạo sẽ thúc đẩy ngành xuất khẩu gạo như thế nào? Đó có được coi là nhân tố quan trọng giúp gạo Việt Nam bán rẻ hơn nữa, để thắng tuyệt đối trong cuộc đua bán giá rẻ hay không? Điều này sẽ khiến nhân tố nào trong chuỗi xuất khẩu gạo Việt Nam hưởng lợi?
Hiện nay, chỉ các công ty phân phối gạo trong nước mới bị áp thuế VAT, còn các công ty giao dịch gạo với các doanh nghiệp xuất khẩu đã được miễn thuế VAT từ lâu; cho nên đề nghị bỏ áp thuế VAT sẽ không ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến ngành xuất khẩu gạo; nhưng đề nghị này có thể giúp gạo nội địa có khả năng cạnh tranh cao hơn đối với một số loại gạo nhập khẩu từ Thái Lan hoặc Campuchia nhờ giá thấp hơn từ việc bỏ áp thuế VAT. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ gạo trong nước từ lâu bị chi phối bởi các lái buôn và tiểu thương, trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và tư nhân khó tiếp cận với người sản suất một phần do vướng mắc thuế VAT này.
4- Có ý kiến cho rằng, trong mọi chính sách, người nông dân trồng lúa không được hưởng lợi mà lại còn bị đặt vào tình thế rủi ro vì bị ép giá hơn. Ông có đồng tình với nhận định này không? Nếu cứ tiếp tục tư duy theo hướng mua rẻ bán rẻ như hiện nay, liệu bao giờ chuyện nông dân sống được bằng hạt gạo sẽ trở thành hiện thực?
Đối với các lương thực chủ yếu như gạo, lúa mì…, các Chính phủ thường có chính sách giữ loại lương thực này ổn định và giá thấp để tránh các bất ổn xã hội có thể xảy ra trong đô thị. Ngoài ra, trên thế giới không có nông dân tiểu điền trồng lúa nào trở nên giàu, cũng như không có nước sản xuất lúa gạo dư thừa nào mà nông dân được giàu, nếu không có hỗ trợ thỏa đáng của nhà nước. Nếu không thực hiện hữu hiệu tái cơ cấu nông nghiệp, không điều chỉnh chính sách quản lý xuất khẩu gạo hiện nay, và không có chính sách hỗ trợ nông dân thỏa đáng thì tình trạng sản xuất vượt nhu cầu trong và ngoài nước làm cho giá gạo hạ thấp và tình trạng nông dân bị ép giá vẫn còn xảy ra để đạt được chỉ tiêu xuất khẩu hàng năm!
Tuy nhiên, nông thôn và nông dân sẽ thịnh vượng hơn khi nào Việt Nam thực hiện tốt và hiệu quả 3 yếu tố ưu tiên quan trọng nêu ra trong văn thư của Văn phòng Chính phủ tại phiên họp về tình hình xuất khẩu gạo vừa qua: “Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đối với (1) sản xuất lúa gạo phải căn cứ nhu cầu, yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước để cơ cấu lại sản xuất lúa cho phù hợp, (2) đẩy mạnh doanh nghiệp liên kết, đặt hàng với người nông dân; (3) giảm diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp; có lộ trình và chính sách phù hợp để chuyển sang sản xuất những loại nông sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.”
T.S. Trần Văn Đạt
Nguyên Chánh chuyên gia lúa gạo, FAO, Rome
14/05/2015