19/7/2015
Trần Đăng Hồng, PhD
|
Phần II. Ảnh hưởng tới bộ óc như thế nào?
Nghiện ngập là một thứ bệnh làm đảo lộn hệ thống dây thần kinh não bộ, đặc biệt ở giới thanh niên. Sự biến đổi này không phải vĩnh viễn nếu hiểu biết sâu xa vấn đề ta có thể cải thiện và sửa chửa.
Trong các thập niên qua, mọi người tin rằng chỉ có rượu và các loại ma túy mới gây nên nghiện ngập. Kỷ thuật chụp hình thần kinh não bộ và các nghiên cứu mới đây cho biết vài hoạt động có tính cách vui thú như đam mê cờ bạc (gambling), mua sắm (shopping) và tình dục (sex) cũng ảnh hưởng làm biến đổi não bộ.
Nghiện ngập là tình trạng chung ở khắp thế giới, nước giàu cũng như nước nghèo, mọi sắc dân, người có học cũng như người ít học, vì nó là một căn bệnh của mọi thời đại vừa mang tính di truyền vừa do môi trường, hoàn cảnh tạo nên (Phần 1).
Trên toàn cầu, thống kê vào năm 2012 cho biết:
- Khoảng 1 tỷ người nghiện thuốc lá, đa số ở các quốc gia có thâu nhập thấp đến trung bình.
- Khoảng 6 triệu người chết do thuốc lá.
- 38,3% dân thế giới uống nhiều rượu, trung bình đầu người là 17 lít/năm.
- 3,3 triệu người chết liên quan đến rượu.
Riêng ở Hoa Kỳ, vào năm 2012:
- 27 triệu người có vấn đề nghiện ngập rượu và ma túy.
- 2/3 dân số lạm dụng rượu.
- 183.000 người chết liên quan đến ma túy
- Ba chất làm nghiện hàng đầu ở Hoa Kỳ là cần sa (marijuana), thuốc mê giảm đau (narcotic như morphine) và cocaine.
Tại Việt Nam, theo thống kê thì 4% dân số bị nghiện rượu, trong số này dân thành thị nghiện 4%, vùng núi 3% và vùng thôn quê 1%. Trong số người nghiện rượu thì 40% là thanh niên.
Về tệ nạn ma túy, đến cuối tháng 9/2014, Việt Nam có 204.377 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (trên thực tế số người sử dụng ma túy còn lớn hơn rất nhiều). Kết quả thống kê cho thấy số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã tăng gần 4 lần trong 20 năm kể từ năm 1994 đến nay (năm 1994 là 55.445 người, trung bình mỗi năm tăng khoảng 7.000 người), tức gia tăng hàng năm khoảng 6%.
Nghiện ngập tạo một ảnh hưởng lâu dài và mảnh liệt lên não bộ theo 3 cách sau đây: (i) tạo thèm khát chất gây nghiện, (ii) mất kiểm soát trong việc xử dụng chất nghiên, và (iii) tiếp tục xử dụng mặc dầu biết hậu quả tai hại của nó.
Ở thập niên 1930s, các nhà nghiên cứu về nghiện ngập tin tưởng rằng người nghiện là kẻ kém đạo đức và thiếu ý chí phấn đấu để vượt qua, nên biện pháp cai nghiện chỉ chú trọng vào trừng phạt, hay biện pháp khuyến khích ý chí phá vỡ thói quen đó.
Với sự tiến bộ vượt bực của khoa thần kinh học và kỷ thuật liên quan, cái nhìn về nghiện ngập nay đã thay đổi, rằng nghiện ngập là một căn bệnh mãn tính do biến đổi kiến trúc và chức năng của não bộ. Căn bệnh xảy ra do não bộ lần lượt trải qua một số biến đổi, bắt đầu bằng sự công nhận lạc thú (khoái lạc) của chất nghiện và cuối cùng là đưa đẩy đến hành vị cưỡng bách phải xử dụng chất nghiện.
Công nhận lạc thú. Bộ óc đăng ký mọi lạc thú theo cùng một cách: thức ăn ngon, thắng giải thưởng, rượu ngon, khoái lạc dục tình, thuốc sảng khoái, v.v. Khi trải qua một lạc thú, bộ óc tiết ra chất dopamine trong nhân accumbens (nucleus accumbens), cơ quan này là chùm tế bào thần kinh nằm bên dưới celebral cortex (Hình 1).
Nhân accumbens giữ nhiệm vụ trọng yếu trong trung-tâm-khen-thưởng (reward center). Hoạt động của nó dựa chủ yếu vào hai chất dẫn-truyền-thần-kinh (neurotransmitter) cần thiết: dopamine và serotonin. Dopamine tạo lạc thú, còn serotonin tạo cảm xúc thỏa mãn và cấm đoán (inhibition).
Hình 1. Trung tâm khen thưởng (reward center) của não bộ
Hippocampus là một cơ quan nhỏ nằm ở trung tâm não và là thành phần quan trọng trong hệ thống limbic (limbic system) tức vùng điều chỉnh bản năng và thái độ, gồm cảm xúc (sợ sệt, lo âu, khoái lạc) và động lực (đói, dục tính, tình mẫu tử). Hippocampus có liên quan chủ yếu tới bộ nhớ, là nơi tồn trữ trí nhớ, từ ký ức vừa xảy ra cho tới ký ức lâu dài và kinh nghiệm của quá khứ. Nó cũng có vai trò trong việc xác định phương hướng.
Amydalae có nhiệm vụ chính trong việc xử lý bộ nhớ, ra quyết định và phản ứng cảm xúc, là một phần trong hệ thống limbic.
Dopamine phóng thích ở nhân accumbens là chất gắn liền với lạc thú, nên vùng não bộ này được gọi là “Trung Tâm lạc thú” (pleasure center).
Khi xử dụng chất gây nghiện, như nicotine (thuốc lá), rượu, cocaine, heroin, cần sa hay methamphetamine, các chất này lưu thông rất nhanh trong dòng máu đến óc tại vùng gọi là “trung tâm khen thưởng” (reward center) là nơi điều hành cảm xúc lạc thú.
Chất gây nghiện đi tắt vào trung tâm khen thưởng lạc thú bằng cách làm tràn ngập chất dopamine trong nhân accumbens. Hippocampus đưa ra ký ức cảm giác thỏa mãn và amygdalae tạo ra phản ứng có điều kiện đối với kích thích đó.
Hình 2. Chất dẫn-truyền-thần-kinh dopamine hoạt động vào bộ phận thu nhận (receptor) của bộ não làm gia tăng lạc thú. Trong hình này, dopamine được sản xuất bởi một tế bào thần kinh khởi động bộ phận thu nhận dopamine trong tế bào óc kế cận.
Mọi sự lạm dụng chất gây nghiện, từ nicotine đến ma túy, đều tạo sinh đặc biệt nhiều dopamine trong nhân accumbens, và nghiện ngập tùy thuộc vào vận tốc tạo sinh chất dopamine và cường độ chất dopamine. Việc hút ma túy, hay chích ma túy thẳng vào mạch máu gây “phê” nhanh hơn là nuốt ma túy qua đường miệng vì nó tạo dopamine nhanh hơn, nhiều hơn và vì vậy gây nghiện ngập nặng hơn.
Ngay cả việc xử dụng liên tục các loại thuốc làm êm dịu, chống đau nhức (painkillers), thuốc đánh mê lúc giải phẫu,v.v. cũng đều đưa đến nghiện ngập chất đó.
Quá trình học tập.
Trước đây các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ cần có kinh nghiệm lạc thú về chất gây nghiện đủ làm người đó tiếp tục xử dụng chất nghiện. Ngày nay, nhiều nghiên cứu cho biết vấn đề còn phức tạp hơn nhiều. Dopamine không những chỉ góp phần vào kinh nghiệm lạc thú mà còn giữ vai trò trong học tập và trí nhớ, là hai yếu tố làm chuyển đổi từ cảm xúc thích thú đến nghiện ngập chất nào đó.
Theo thuyết nghiện ngập hiện nay, dopamine phản ứng với chất dẫn-truyền-thần-kinh glutamate để chiếm đoạt (hijack) mạch khen thưởng (reward circuit) của bộ óc liên quan đến học tập. Hệ thống này có một vai trò quan trọng trong việc duy trì cuộc sống bởi vì nó liên kết các hoạt động cần thiết cho sự sinh tồn của con người (như ăn uống và quan hệ tình dục) với lạc thú và khen thưởng.
Trung tâm khen thưởng trong bộ óc gồm vùng tạo động lực. bộ nhớ và lạc thú. Chất gây nghiện và các hành vi nghiện ngập kích động mạch khen thưởng và chiếm đoạt mạch này để dành riêng cho nghiện ngập. Người nghiện không còn ham mê các lạc thú khác ngoại trừ chất gây nghiện mà họ ưa thích.
Phát triển tính quen dần với thuốc gây nghiện.
Theo thời gian, bộ óc quen dần với chất nghiện, làm người nghiện cảm thấy bớt “phê” với liều lượng đang xử dụng. Chất gây nghiện có thể phóng thích từ 2 đến 10 lần chất dopamine một cách nhanh chóng. Ở người nghiện, bộ óc quen dần với chất nghiện, nên sản xuất ít dopamine hơn, hậu quả người nghiện cảm thấy ít sản khoái, vì vậy họ phải gia tăng liều lượng để có được lạc thú như trước, và vì vậy càng lậm vào đường nghiện ngập.
Cưỡng bách chiến thắng.
Đến thời điểm này, tính cưỡng bách của thuốc nghiện chiến thắng. Lạc thú gắn liền với thuốc gây nghiện giảm dần, nhưng ký ức về sức “phê” của thuốc, cũng như nhu cầu phải xử dụng thuốc nghiện vẫn tồn tại. Người nghiện không còn tự chủ nữa. Cơ quan hippocampus và amygdale tồn trữ các thông tin về vai trò môi trường gắn liền với chất gây nghiện ưa thích đó được gợi lại. Những ký ức này giúp tạo ra một đáp ứng có điều kiện – sự thèm khát cực độ về chất gây nghiện.
Sự thèm khát cực độ không những góp phần vào nghiện ngập mà còn làm tái phạm sau khi cai nghiện thành công. Chẳng hạn người đã cai nghiện được heroin sau nhiều năm nay có thể tái phạm khi chỉ thấy ống chích, hay người hết nghiện rượu nay có thể uống lại khi thấy chai rượu hay mùi rượu khi đi ngang qua một quán nhậu. Bởi vì mạch khen thưởng một khi bị chiếm đoạt bởi khao khác một chất gây nghiện trong quá khứ tồn tại rất lâu dài, nhưng không vĩnh viễn. Điều này có nghĩa là phải có thời gian thật lâu dài mới có thể cai nghiện thành công.
Nghiên cứu của bà TS Tâm Lý Học Edith Sullivan ở Stanford University California cho thấy người nghiện rượu lâu năm có một phần bộ óc bị teo lại do hư hại, nhưng sau khi cai nghiện thành công thể tích bộ óc trở lại như xưa, và chức năng của óc cũng được khôi phục. Bà dùng kỷ thuật fMRI chụp ảnh não bộ (functional magnetic resonance imaging) để nghiên cứu phần não bộ chỉ huy sự nhận thức của người nghiện vừa được cai, chú trọng vào phần ký ức liên quan đến không gian, chẳng hạn phần ký ức giúp người nghiện cố nhớ lại chiếc xe vừa đậu ở chỗ nào trong một car park. Người còn nghiện nặng không thể nhớ được, nhưng người vừa thoát bệnh nghiện có thể chỉ chính xác nhưng phải sau thời gian suy nghĩ lâu dài. Đó là một cách dễ dàng để trắc nghiệm trình độ thành công trong việc cai nghiện.
Các nghiên cứu của nhóm TS Sullivan cho biết nhận thức được thực hiện ở phần não bộ chưa bị hư hại, và tránh xử dụng phần hư hại để nó tự phục hồi.
Hình 3. Ảnh não bộ của người không xử dụng ma túy (trái), và não bộ của người ghiền methamphetamine (phải). Phần sáng là chất thần-kinh-dẫn-truyền dopamine đang hoạt động mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
Margaret Munro (25 June 2015). The hijacked brain. Nature 522, S46 – S47. http://www.nature.com/nature/journal/v522/n7557_supp/full/522S46a.html
Katherine Bourzac (25 June 2015). Neuroscience: Rewiring the brain. Nature 522, S50 – S52. http://www.nature.com/nature/journal/v522/n7557_supp/full/522S50a.html
Tài liệu của Đại học Harvard . How Addiction Hijacks the Brain. http://www.health.harvard.edu/mind-and-mood/the_addicted_brain