14/6/2015
Phần 2. SỰ QUAN TRỌNG CỦA ONG
SỰ LIÊN HỆ GIỮA LOÀI ONG VÀ LOÀI NGƯỜI. Các loài linh trưởng (primates) như khỉ, vượn, gorilla và chimpanzee biết tìm ổ ong để ăn mật, vì vậy con người tiền sử Homo đầu tiên, do tiến hóa từ linh trưởng, biết ăn mật. Mật vừa ngọt vừa bổ dưỡng nên có thể là thức ăn quan trọng vào thời đó. Con người tiền sử tổ chức thành toán đi tìm bắt ổ ong. Chẳng hạn hiện nay bộ lạc Hadza ở Tanzania mà mật ong chiếm 15% khẩu phần hàng ngày cũng có tổ chức đi săn tìm mật ong trong rừng như vậy. Cách đây 2,6 triệu năm người Homo sapiens có ưu thế trong việc thâu hoạch mật hơn loài linh trưởng vì biết phát minh dụng cụ bằng đá để đập chặt chẻ thân cây nơi có bọng chứa ổ ong. Dựa vào khẩu phần quan trọng hàng ngày là thức ăn giàu chất bổ dưỡng của mật ong, một thuyết tiến hóa cho rằng chính nhờ mật ong mà bộ óc người Homo phát triển càng về sau càng lớn và càng thông minh hơn.
Bức tranh vẻ cách đây 8.000 năm trên vách hang động ở Tây Ban Nha (Hình 1) cho thấy con người có kỷ thuật lấy ổ ong từ thời rất xa xưa.
Con người biết nuôi ong mật cũng rất xa xưa. Trong Hình 2, bức tranh vẻ cách đây 4.500 năm cho thấy kỷ thuật nuôi ong ở Ai Cập, theo đó ổ ong là một ống làm bằng sét dài 1 m, một đầu bít kín, một đầu để trống để ong bay vô ra làm ổ.
Hình 1. Tranh vẻ trong hang động ở Tây Ban Nha cách đây 8 ngàn năm mô tả cách lấy mật ong
Hình 2. Hình vẻ cách đây 4.500 năm ở Ai Cập
Người Tàu biết nuôi ong mật cách đây 3.000 năm với giống ong mật Á châu (Apis cerana), còn ở Trung Mỹ người Mayans nuôi giống ong Melipona là loài ong không có liên hệ gần với loài Apis, nhưng cũng cho mật và không có ngòi đốt. Người Mayans dùng khúc gỗ rỗng ruột đặt trong rừng, trong vườn hay mái nhà để ong đến làm ổ (Hình 3).
Hình 3. Ong Melipona ở Trung Mỹ làm ổ trong bọng cây
Năm 1622, di dân Âu Châu du nhập vào vùng nay là Virginia (Hoa Kỳ) giống ong mật Âu châu Apis mellifera cùng nhiều loại ngũ cốc, trái cây và gia súc.
Năm 1852, linh mục Lorenzo Lorraine Langstroth ở Philadelphia sáng chế ổ ong trong hộp gồm nhiều khung dễ tháo gỡ để lấy mật, thông dụng tới ngày nay.
SỰ QUAN TRỌNG CỦA LOÀI ONG
Ong mật cho 2 sản phẩm quan trọng là mật và sáp. Một vai trò rất quan trọng ít người biết là ong giúp sự thụ phấn ở loài cây có hoa.
Mật ong là thức ăn đầy bổ dưỡng và hữu ích cho sức khỏe. Cấu tạo của mật ong gồm đường fructose (38,2%), glucose (31,3%), maltose (7,1%), sucrose (1,3%), nước (17,2%), chất tro (ash, 0,2%), các loại đường polysaccharides (1,5%), và các chất khác (3,2%) gồm khoáng chất như sắt, calcium, phosphate, muối, potassium, magnesium. Mật hơi acid (pH 3,2 – 4,5) nên vi khuẩn không phát triển sinh sôi nẩy nở, có tính chống oxit-hóa (antioxidant).
Từ thời xa xưa, mật ong được dùng như thần dược (trị lở bao tử, lở môi, mau liền da vì đặc tính kháng trùng, nhuận trường, tăng cường sức khỏe, giảm ho, giúp ngủ ngon giấc, trị gàu trên tóc, v.v.), xử dụng làm thức uống bổ dưỡng, bánh mức, kỹ nghệ trang điểm, v.v.
Hiện nay, ong mật được nuôi khắp thế giới. Tàu và Âu Châu sản xuất nhiều mật nhất vào năm 2009 (Hình 4).
Hình 4. Quốc gia sản xuất mật quan trọng năm 2009
10 quốc gia xuất cảng (xuất khẩu) mật nhiều nhất thế giới là Tàu (11,8% thị trường toàn cầu), Đức (8,9%), Mexico (6,9%), Brazil (5,6%), New Zealand (4,9%), Spain (4,9%), Hungary (4,8%), India (3,7%), Canada (3,4%), Việt Nam (3,1%).
Mặc dầu Hoa Kỳ đứng hàng thứ 6 sản xuất mật ong trên thế giới (Hình 4, 9,9%, 29 triệu US$).4), Hoa Kỳ phải nhập cảng thêm mới đủ cung ứng thị trường tiêu thụ. Năm 2010, Hoa Kỳ nhập cảng mật nhiều nhất từ Argentina (19% tổng lượng mật nhập cảng, trị giá 54 triệu US$), kế tiếp là Việt Nam (16%, 47 triệu US$), Ấn Độ (15,8%, 46,4 triệu US$), Canada (13,6%, 40 triệu US$), Brazil (9,9%, 29 triệu US$).
Tại Việt Nam, năm 2008, Việt Nam có khoảng 1 triệu ổ ong nuôi theo lề lối kỹ nghệ (công nghiệp), trong số này khoảng 650 ngàn ổ ong giống Ý, và 350 ngàn giống địa phương, sản xuất khoảng 20 ngàn tấn, xuất cảng 16 ngàn tấn. Vào năm 2013, Việt Nam sản xuất 48 ngàn tấn, và xuất cảng 37 ngàn tấn. Vùng sản xuất mật ong nhiều nhất ở Việt Nam là các tỉnh Tây nguyên, nhất là Dalak, nhờ 1,7 triệu ha rừng tự nhiên, cây kỹ nghệ và cây ăn trái là nguồn hoa cho ong mật.
Công dụng của sáp. Sáp được xử dụng làm đèn sáp từ thời xa xưa, cho ánh sáng mạnh, không khói và có mùi thơm. Sáp được xử dụng trong công nghiệp làm đánh bóng (vật dụng bằng da, xe hơi, nền nhà, đồ gỗ, v.v.), chống rỉ sét ở kim loại, phấn son, v.v.
ONG VÀ THỤ PHẤN HOA.
Vai trò quan trọng nhất của loài ong mà ít người để ý tới là nhờ có ong mới có sản phẩm nông nghiệp cho loài người sinh sống.
Hình 5. Ong hút mật ở hoa
Trong thế giới loài cây có hoa (hiển hoa), việc truyền giống là nhờ sự thụ phấn, tức sự phối hợp giữa nhị đực (phấn hoa) và nhị cái (bầu noãn) để tạo ra hột, hột nẩy mầm thành cây con. Bộ phận đực (cho phấn hoa), và bộ phận cái (chứa một hay nhiều tiểu noãn tức hạt) ở hai vị trí khác nhau, có thể ở cùng trong một hoa (hoa lưỡng tính), hay riêng biệt (hoa đơn tính) gồm hoa đực và hoa cái. Hoa đực và hoa cái có thể ở trên cùng một cây (cây đơn tính, monoecious, như cây bắp, dưa leo), hay trên hai cây (cây lưỡng tính, dioeciuos) gồm cây đực và cây cái (như chà là, đu đủ). Như vậy, tất cả loài cây có hoa đơn tính cần có thụ-phấn-chéo. (outcrossing, cross pollination), tức phấn hoa của hoa đực phải được mang đến bầu noãn của hoa cái để thụ tinh. Và ngay trong hoa lưỡng tính, tự-thụ-phấn cũng ít xảy ra, vì có thể bộ phận đực ở dưới bộ phận cái, hai bộ phận đực và cái không trưởng thành cùng lúc, hay về mặt di truyền do tự-bất-thụ (self-incompatibility).Việc thụ-phấn-chéo coi như bắt buộc ở loại cây này. Vì vậy, khoảng 55% loài cây hiển hoa cần thụ-phấn-chéo để tạo hạt duy trì nòi giống.
Việc thụ phấn cần phải có tác nhân đưa hạt phấn đến bầu noãn, đó là nhờ gió (như ở thông), nước chảy (ở vài loại thủy thảo), nhưng quan trọng nhất, khoảng 90% là nhờ động vật như chim (chim hút mật), dơi, ruồi, bướm, nhất là loài ong. Không có những tác nhân này, hoa không thụ phấn được, cây sẽ không cho hạt. Chính loài ong là tác nhân gián tiếp quan trọng nhất trong việc cung cấp lương thực cho loài người. Khoảng 30% lương thực của loài người là do sự trợ giúp miễn phí của loài ong, đóng góp khoảng 16 tỷ đô la/năm cho kinh tế Hoa Kỳ, khoảng 1 tỷ GB pounds/năm cho nền kinh tế nước Anh..
Hãy tưởng tượng, nếu không có loài ong, để có 10 trái dưa tốt cho mỗi cây dưa leo, ta phải lấy cây viết lông thật nhỏ và thật mịn, nhẹ nhàng chấm vào nhị đực của hoa đực để lấy hạt phấn rồi lại chấm vào đầu nhị cái ở hoa cái cho thụ tinh, công tác sẽ mất rất nhiều thì giờ. Nếu phải tính việc trả tiền lương cho nhân công làm công tác sản xuất trái dưa leo như vậy, thì giá sản xuất của một trái dưa sẽ cao thế nào và người tiêu thụ sẽ mua với giá bao nhiêu. Nhưng loài ong làm giúp ta điều đó mà không phải trả tiền công. Một ổ ong với 50.000 ong thợ trong một ngày sẽ thụ phấn giúp ta khoảng 5 triệu cây dưa, hay nửa triệu cây ăn trái lớn như cây táo.
Không có loài ong, chúng ta không có trái cây để ăn, không có nhiều sửa để uống (vì bò sửa ăn cỏ alfalfa cần có ong tiếp tay), không có nhiều dầu để ăn (dầu hướng dương, dầu mè, dầu cải đều nhờ có ong), mọi thứ sẽ rất đắc đỏ.
Trong ngành trồng rau hoa và cây ăn trái, nhà nông quản lý số lượng ong đủ để bảo đảm năng xuất hoa màu cao cho nông trại của mình. Chẳng hạn, cho vùng nông trại sản xuất hạt almond ở California cứ vào đầu mùa Xuân hàng triệu ổ ong mật được chuyên chở tới để giúp thụ phấn, còn vùng New York trồng táo (apple) cần khoảng 30 ngàn ổ ong, nông trại trồng blueberry ở Maine cần 50 ngàn ổ ong. Ong cũng được chuyên chở tới những nông trại canh tác dưa leo, bí, dưa melon, dưa hấu, dâu tây, v.v. Ngoài ong mật, các loài ong khác cũng được làm tác nhân thụ phấn như ong alfalfa leaf-cutter cho các đồn điền sản xuất hạt giống cỏ alfalfa ở Canada và Miền Tây Hoa Kỳ, và ong vò vẽ cho cà chua và các loại cà khác trồng trong nhà kiến.
Sau đây là một số cây hoa màu cần phải có ong mật và các loài ong khác giúp thụ phấn mới có năng xuất cao.
Cây hoa màu và cây kỹ nghệ: cải dầu (oil seed rape), bông vải, hướng dương, alfalfa, mè,
Rau cà: các loại Brassica; mustard, rapeseed, cải bắp, broccoli, Chinese leaf, turnip, cà chua, cà tím, đậu bắp (okra), các loại dưa leo, dưa hấu, bầu, bí v.v.
Đậu: Tất cả các loại đậu ăn trái và ăn hạt, kể cả đậu phộng và đậu nành, các đậu làm thức ăn gia súc và làm phân xanh.
Cây ăn trái/hạt: Kiwi, cây điều (cashew), dâu tây, khế, Brazil nut, đu đủ, chestnut, cam quít, cà phê, dừa, nhản, hồng, chôm chôm, trái vải, macadamia, táo, xoài, thanh long, avocado, plum, cherry, pear, almond, ổi, lựu, me, nho. cây cóc, v.v.
Ong mật lấy phấn và mật từ hầu hết các loại cây có hoa nên là nguồn ong thụ phấn quan trọng. Ngoài ra, ong vò vẽ tuy không cho nhiều mật như ong mật nên không ai nuôi, nhưng là tác nhân thụ phấn quan trọng cho cà chua và các loại cà và ớt trong nhà kính, và dâu tây cũng như blueberry ở ngoài đồng. Ong vò vẽ thụ phấn hữu hiệu hơn ong mật, nhờ cánh bay kêu vo vo làm phấn hoa rơi nhiều vào nhị cái, ngoài ra ong vò vẽ có vòi dài nên lấy được phấn hoa ở vài loại hoa có phấn hoa nằm ở sâu trong lòng hoa mà ong mật có vòi ngắn không thể lấy được. Các loài ong không có ngòi đốt (stingless bees), và ong gỗ (carpenter bees), ong cắt lá (leaf-cutter bees), ong tường (mason bees) cũng là những loài ong giúp thụ phấn hoa quan trọng. Mỗi loài cây đều có một số loài ong thích hợp riêng để thụ phấn hữu hiệu. Chẳng hạn để cải mù tạt (mustard) có năng xuất hạt cao, ngoài ong mật, phải có 2 loại ong sống đơn độc là Osmia cornifrons và Osmia lignaria. Chẳng hạn muốn du nhập cây Brazil nut vào trồng ở Việt Nam thì phải du nhập luôn giống ong hoa lan orchid bees (Euglossini) và các giống hoa lan orchid của Nam Mỹ bởi vì chỉ có loài ong Euglossini mới có đủ sức mạnh và vòi dài để mở cánh hoa Brazil nut để ăn mật, và loài ong Euglossini này cũng cần phấn hoa lan để sinh sống. Vì vậy, nếu không có các loài hoa lan thì không có loài ong Euglossini, và Brazil nut có hoa nhưng không có hạt, ba loại này sống cộng sinh với nhau. Đó là lý do thất bại du nhập Brazil nut vào nơi khác, mà ngay cả ở Brazil cũng thất bại khi trồng thành đồn điền.
Hình 6. Ong Euglossini hút mật ở hoa lan và hoa Brazil nut
Cũng chính nhờ loài ong mang phấn hoa từ cây này đến cây khác, cây cùng loài hay khác loài, mà nẩy sinh ra cây lai cùng loài hay cây lai giữa các loài, tạo ra phong phú các loài các giống và đa dạng thực vật trên thế giới.
Reading, 6/2015
Trần Đăng Hồng, PhD
Tài liệu tham khảo
2. Tạp chí Nature số 521, ngày 20/5/2015.