21/2/2020
CORONAVIRUS COVID-19 CÓ ĐÁNG LO SỢ QUÁ KHÔNG ?
Trần_Đăng Hồng, PhD
Đối diện với đại dịch ở Hoa Bắc mà Vũ Hán là tâm điểm, dân chúng toàn cầu đang lo ngại, đặc biệt là ở Việt Nam, "Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan" (Sông núi liền nhau, Lý tưởng hòa nhau, Văn hóa như nhau, Định mệnh tựa nhau) cùng đường biên giới với Trung quốc dài 1.281 km. Bất cứ nơi đâu, hể chính quyền càng không minh bạch, dân chúng càng không tin tưởng chính quyền, và đối diện với thần chết, người dân phải tự bảo vệ lấy mình, gia đình mình. Vì thiếu hiểu biết, dân chúng có thể có những hành xử phản ứng thái quá, hay có những sai lầm và hậu quả dẫn đến những cái chết oan uổng có thể tránh được.
Hiện nay, trên báo chí Việt Nam có đăng rất nhiều biện pháp y tế cho mỗi cá nhân tự phòng vệ mình, một cách chung chung.
Trong bài viết này, tác giả muốn giải thích những vấn đề khoa học căn bản, và một khi thấu hiểu, có thể tự mình cứu lấy mình và gia đình hay cộng đồng nơi mình sinh sống.
Trong môi trường vật lý nơi ta sống gồm không khí, nước, thức ăn, v.v. đều có mầm bệnh như bụi bậm, khí độc, phấn hoa, bào tử nấm (spore), vi khuẩn (bacteria), siêu vi khuẩn (virus), v.v. có thứ vô hại, có thứ độc hại, có thứ siêu độc. Hiện nay, ai ai cũng quan tâm về coronavirus covid-19, một loại virus cực mạnh đang gây đại dịch ở tỉnh Hoa Bắc, Trung Quốc, mà Vũ Hán là tâm điểm xuất phát. Virus Covid-19 đã lan nhiễm rất nhanh chóng khắp toàn cầu, hiện nay là 29 quốc gia (ngày 20/2/2020), chỉ sau một tháng kể từ khi dịch xuất hiện ở Vũ Hán (khoảng tháng 12/2019). Trong bài này, tác giả chú trọng đến yếu tố lây nhiễm virus Covid-19.
1. HỆ SỐ TRUYỀN NHIỄM (Index Case R)
Người mang mầm bệnh truyền nhiễm sang người khác gọi là “superspreader” (người-siêu-truyền-nhiễm).
Cơ Quan Y Tế Quốc Tế (WHO) tính toán Hệ số truyền nhiễm (Index Case R0) của dịch Covid-19 hiện nay là R= 2.7, biến thiên giữa 2.7 và 3, theo cách tính của Dr Amesh Adalja, thuộc Đại học Trung Tâm An Ninh Y Tế thuộc Đại học Johns Hopkins (Johns Hopkins University Center for Health Security) và cũng là hội viên cao cấp của Hiệp Hội Bệnh Truyền Nhiễm Hoa Kỳ (Infectious Disease Society of America).
Hệ số này mô tả vận tốc truyền nhiễm bệnh từ 1 người cho một số lớn người khác trong một thời gian, Chẳng hạn, trong dịch MERS tại Đại Hàn năm 2015, từ 1 người đi du lịch ở Trung Đông khi về nhà đã lây 186 ca nhiễm trong vòng 60 ngày (1). Hệ số truyền nhiễm do Coronavirus MERSCoV ở Đại Hàn được tính là R0 = 2,5 – 7, đầu tiên R0 = 4.04 tại Pyeongtaek St. Mary’s Hospital và R0 = 5 tại Samsung Medical Center (2).
Nếu người siêu-truyền-nhiễm mang virus có R0< 1 thì sự truyền nhiễm không đáng kể.
Tuy nhiên, R0 > 5 (như ở Đại Hàn) sự truyền nhiễm rất nhanh. Trong trường hợp này, chỉ cần 10 phút đứng gần bệnh nhân, hay 2 phút nói chuyện với bệnh nhân cũng đủ bị lây nhiễm coronavirus MERS-CoV (tài liệu 2).
Hệ số truyền nhiễm của đại dịch SARS tại Trung quốc năm 2003 là R0 = 2.75, và đại dịch Covid-19 hiện nay R0 = 2.7 (biến thiên 2,7 và 3). Như vậy, coronavirus Covid-19 có cường độ lan nhiễm bằng SARS 2003 tại Trung quốc, nhưng kém hơn MERS 2015 ở Đại Hàn. Trong trường hợp với Covid-19, chỉ khoảng 15 phút tiếp xúc với bệnh nhân siêu-truyền-nhiễm, hay mặt đối mặt với bệnh nhân có bệnh chưa trầm trọng trong 2 giờ cũng đủ bị nhiễm bệnh (tài liệu 4).
2. AI LÀ NGƯỜI DỄ THÀNH “SIÊU-TRUYỀN-NHIỄM”
Có người khó nhiễm bệnh, có người dễ nhiễm bệnh, hay trở thành “người siêu-truyền-nhiễm” do nhiều yếu tố. Thứ nhất là do bản chất sinh học: người có khả năng để virus sinh sôi nẩy nở nhanh chóng, hay do dòng virus mãnh liệt có bản chất sinh sôi nẩy nở dễ dàng và nhanh chóng nên dễ dàng lây bệnh cho người khác, hay người với hệ miễn nhiễm có vấn đề, sức đề kháng yếu, lâu bình phục, nên có thời gian dài để virus phát tán rộng dễ lây bệnh cho nhiều người từng tiếp xúc. Một yếu tố khác là bệnh nhân tiếp xúc cùng lúc với đám đông (như ở chợ, hội thảo, hội hè, v.v.) nên có cơ hội phát tán virus cho đám đông chung quanh (tài liệu 3).
Tuổi thọ của virus lâu hay ngắn tùy vào yêu tố môi trường, quan trọng nhất là ẩm độ không khí, kế là nhiệt độ không khí (chi tiết ở phần 3). Độc tính (Virulence) mạnh nhất là từ lúc mới được sinh sản và giảm dần, đến một lúc không còn khả năng gây bệnh. Ngoài ra, phải có một số lượng virus tối thiểu dính vào mới có thể, hay phải có một thời gian sinh sôi nẩy nở để có một số lượng virus mới có thể làm người bị bệnh. Nếu là người có sức đề kháng yếu với virus có độc tính cao, có thể làm bệnh nhân có triệu chứng sau 3 ngày. Nếu bệnh nhân có sức đề kháng mạnh, virus có độc tính yếu, hay cần thời gian để sinh sôi tới một số lượng tối thiểu để gây bệnh, người bệnh có thể 14 hay 24 ngày mới có triệu chứng.
Như vậy, để tránh bệnh, điều kiện trước nhất là con người phải có sức khỏe với sức đề kháng cao, phải tránh tiếp xúc với người có tiềm năng bệnh
3, VIRUS SỐNG BAO LÂU TRONG MÔI TRƯỜNG ?
Hiện giờ, chưa ai rõ chính xác là virus có tuổi thọ bao lâu. Cơ quan y tế chỉ nói chung chung là virus có thể sống sót trên mặt cứng ít nhất là 48 giờ hay hơn và tùy theo môi trường.
Trong suốt cuộc đời nghiên cứu trên 30 năm, tác giả được cơ may phát triển mô hình toán học để tiên đoán tuổi thọ của hạt giống (để tồn trữ, kể cả tồn trữ cho ngân hàng hột giống), hạt phấn của cây, bào tử (conidia, gây bệnh côn trùng diệt nạn cào cào châu chấu ở Phi châu). Tuy chưa có nghiên cứu về tuổi thọ của vi khuẩn và virus, nhưng dựa theo các định luật chung của tạo hóa dành cho các sinh vật sống không cần nước (anhydrous) như hạt giống, hạt phấn, bào tử, vi khuẩn, và virus. Mỗi loài đều có tuổi thọ dài, ngắn khác nhau, nhưng chúng cùng san sẻ những đặc tính chung, theo một qui luật có thể định lượng qua các mô hình toán học. Tác động của nhiệt độ (temperature, ºC) và ẩm độ hạt (moisture content), hay ẩm độ không khí (atmospheric relative humidity) lên tuổi thọ đều giống nhau:
- Càng lạnh, tuổi thọ càng lớn, theo một qui luật y hệt nhau, tỉ lệ theo cấp parabole bậc 2 (CHT2 + CQT), CH và CQ là hằng số riêng biệt của mỗi loài
- Ẩm độ (moisture, %, theo chất tươi) càng khô, tuổi thọ càng lớn, gia tăng theo cấp độ logarithm (log10).
- Ẩm độ tương đối của không khí (Relative humidity, %) càng thấp thì tuổi thọ càng gia tăng.
- Tuổi thọ cao nhất khi hạt giống, hạt phấn, bào tử có ẩm độ tương đương với 10% ẩm độ tương đối của không khí (RH).
- Tất cả các sinh vật sống không cần nước nói trên đều có cùng chung công thức toán học:
Log10s = KE – CW*m – CH*t – CQ*t2 Công thức (1)
V= Ki – P/s Công thức (2)
Theo đó, KE, CW, CH và CQ là hằng số của mỗi loài, m là ẩm độ của hạt, hạt phấn, hay bào tử (%, theo trọng lượng chất tươi, fresh weight), t là nhiệt độ bách phân (ºC), R là ẩm độ tương đối của không khí (%), Ki là trị số của KE ở thời điểm 0, P là thời gian (ngày), V là tuổi (đơn vị probit).
Đối với hạt giống, CH =0.0329; CQ= 0.000478
Đối với bào tử Beauveria bassiana, công thức tính (tài liệu 5).
V (probit) = 6.3965 – 3.05*log10m – 0.0295*t – 0.00081*t2 Công thức (3)
m là ẩm độ bào tử (%, chất tươi) được tính theo công thức (4) (tài liệu số 6):
m = 2.426 + 0.338*R – 0.035*t – 0.007*R2 – 0.00081*R*t + 0.000077*R3 +0.000013*R2*t Công thức (4)
Ẩm độ không khí (R%) và nhiệt độ t (ºC) trung bình tháng của các thành phố trên thế giới (Vũ Hán, Tokyo, Seoul, London, Cairo, Hà nội, Nha Trang, Sài Gòn và Singapore) tìm từ Google Search vào thời điểm tháng 2/2020.
Bảng 1: Tính tuổi thọ của bào tử Beauveria bassiana theo công thức (3)
Thành phố
|
t (ºC)
|
R (%)
|
M (%)
|
Log10s
|
P50 (ngày
|
P84 (ngày)
|
Vũ Hán
|
6
|
76
|
20.8
|
2.1713
|
950
|
800
|
Tokyo
|
11
|
66
|
15.6
|
2.336
|
1385
|
1170
|
Seoul
|
7
|
62
|
14.2
|
2.636
|
2769
|
2338
|
London
|
6
|
82
|
24.8
|
1.9387
|
555
|
470
|
Cairo
|
23
|
46
|
9.4
|
2.319
|
1334
|
1120
|
Hà Nội
|
20
|
82
|
24.6
|
1.2414
|
111
|
94
|
Nha Trang
|
26
|
73
|
18.6
|
1.2119
|
104
|
86
|
Sài Gòn
|
35
|
75
|
19.5
|
0.43504
|
17.4
|
14.7
|
Singapore
|
29
|
84
|
26
|
0.54257
|
22.3
|
18.8
|
Phòng lạnh
|
25
|
60
|
12.9
|
1.7698
|
376
|
318
|
Giải thích: Dựa vào công thức (4) để tính ẩm độ m (%) từ nhiệt đô t (ºC) và ẩm độ R (%) của mỗi thành phố. Thay thế trị số m và nhiệt độ t vào công thức (3) để tính log10s, và từ đó tính trị số s, rồi P50 và P84. P50 là thời gian (ngày) kể từ lúc tuổi thọ ban đầu (100%, tức Ki= 6.3965) tụt xuống 50%, và P84 là thời gian (ngày), từ tuổi thọ ban đầu tụt xuống 84%. Sở dĩ không tính tuổi thọ đến ngày bào tử chết, vì lúc này bào tử chỉ là bụi, không gây bệnh được. Độ độc hay độc tính (virulence) mạnh nhất là từ 100% đến 84%, sau đó độ độc giảm nhanh, và khi dưới <50% thì khả năng gây bệnh rất thấp.
Bởi vì, không có nghiên cứu bằng mô hình toán học cho virus, nên không tính được tuổi thọ của virus qua các công thức toán học. Vì vậy. chỉ suy đoán qua tính tương đối, dựa theo định luật chung của tạo hóa cho các vi sinh vật sống trong điều kiện sinh học thiếu nước (anhydrous biology) như hạt, phấn hoa, bào tử.
Theo bảng 1, yếu tố ẩm độ không khí ảnh hưởng đến tuổi thọ nhiều hơn yếu tố nhiệt độ. Và, nếu các trị số P50 và P84 trong bảng này rất cao, có nghĩa là bào tử không chết trong các điều kiện môi trường đó, như vậy bệnh vẫn tiếp tục truyền nhiễm cho tới khi gặp môi trường không thích hợp cho sự sống. Vào tháng 7, nhiệt đô trung bình ở Vũ Hán là 26ºC, ẩm độ 80%, thì P50= 54 ngày, và P84= 45 ngày, lúc đó chắc chắn độ lây nhiễm giảm nhưng chưa biết là dịch chấm dứt chưa.
Nếu lấy P50 của Vũ Hán (P50 = 950 ngày) làm chuẩn môi trường dễ nhiễm bệnh để so sánh, thì Seoul (2798), Tokyo (1385) và Cairo (1334) có môi trường dễ gây nhiễm bệnh hơn Vũ Hán lần lượt 2.9, 1.45, 1.4 lần.
London có môi trường lây nhiễm chỉ bằng 60% của Vũ Hán.
Nếu so sánh Hà Nội (P50= 111) với Vũ Hán, thì môi trường ở Hà Nội chỉ bằng 11% độ lây nhiễm của Vũ Hán. Vùng Vĩnh Phúc biết có bị lây nhiễm, nhưng không rõ ở mức độ thực sự như thế nào (vì yếu tố thiếu minh bạch).
So với Hà Nội, thì Nha Trang có độ lây nhiễm (P50=104) ngang ngữa với Hà Nội, nghĩa là vùng Hà Nội (Vĩnh Phúc) đã có lây nhiễm thì vùng Nha Trang cũng có khả năng lây nhiễm tương tự.
So sánh Sài Gòn (P50= 17.4) với Hà Nội (P50=111), khả năng lây nhiễm bệnh ở Sài Gòn chỉ bằng 15% của Hà Nội.
Độ lây nhiễm ở Sài Gòn (P50= 17.4) ngang ngữa với Singapore (P50=22.3). Vào ngày 20/2/2020, tổng số người lây nhiễm bệnh ở Singapore là 81. Hàng năm có khoảng 3.62 triệu người Tàu từ Trung quốc du lịch Singapore, và là nguồn lây nhiễm chính ở Singapore.
Ở trong phòng lạnh có an toàn không? Tại Sài Gòn, nhiệt độ trong phòng điều hòa không khí thường là 25 ºC, và ẩm độ không khí khoảng R= 60% trong khi bên ngoài ẩm độ 80%. So với ngoài trời vùng Sài Gòn, phòng lạnh (P50 = 376) có nguy cơ truyền nhiễm 22 lần nhiều hơn.
BẠN CÓ NÊN QUÁ LO SỢ?
Tuy lây nhiễm rất nhanh, nhưng coronavirus Covid-19 chỉ làm chết người dưới 3%. Người chết đa số là người có sức đề kháng yếu như người già, người đang có bệnh khác (như ung thư, ho lao, tiểu đường, v.v.) hay người trẻ bị bệnh không được chửa trị sớm.
Virus truyền từ người-qua-người do dính phải đồm, nước mũi, chất thải của bệnh nhân, mặc dầu người này chưa có triệu chứng bệnh rõ rệt (trong thời gian ủ bệnh). Tốt nhất là tránh tiếp xúc trực tiếp với người nghi có bệnh. Nếu cần phải tiếp xúc, không nên bắt tay, ôm hôn, v.v. và đứng cách xa hơn 2 m, để tránh đàm, nước mũi văng phải khi họ ho, nhảy mũi hay khạc nhổ.
Nếu bạn khỏe mạnh, mang khẩu trang sẽ làm bạn dễ bị lây nhiễm nhiều bệnh truyền nhiễm khác hơn, vì virus rất nhỏ, dễ dàng chui qua khẩu trang. Bạn chỉ mang khẩu trang nếu bạn bị bệnh, và khẩu trang có mục đích là làm giảm việc lây nhiễm cho người khác (đàm nước mũi nước miếng không văng xa vào người khác). Dầu là người khỏe mạnh, mỗi khi ho, nhảy mũi, phải dùng khăn hay giấy lau mặt che mũi và miệng để tránh văng đàm, nước mũi vào người khác.
Virus có thể sống lâu hơn nếu nó dính ở mặt cứng như sàn nhà, tường, cửa kính, đặc biệt là vật liệu làm bằng kim loại (có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ không khí khi ở trong bóng mát), như núm cửa, lan can, thang lầu, v.v. Trong trường hợp này, đeo găng tay có ich hơn khẩu trang.
Rữa tay, tắm, thay quần áo thường xuyên là rất cần thiết. Rữa tay bằng nước với xà phòng hay với chất rữa có chứa 60% alcohol.
Bạn nên hạn chế việc giao tiếp không cần thiết ở chỗ đông người như ở chợ, hội hè, đặc biệt là những nơi có máy điều hòa không khí như siêu thị, rạp hát, phòng hội thảo, nhà thương cao cấp, v.v. Khả năng bị nhiễm bệnh rất cao nếu tiếp xúc với người có bệnh trong nơi có môi trường kín với máy điều hòa không khí.
Khả năng bị nhiễm bệnh ít hơn nếu ở trong môi trường thoáng, ở ngoài công viên, hơn trong nhà đóng kín có bệnh nhân.
Mong rằng những kiến thức căn bản trên sẽ hữu dụng cho quý vị.
Reading (UK), 21/02/2020.
TÀI LIỆU
1. 2015 Middle East respiratory syndrome outbreak in South Korea. Wikipedia (14/02/2020). https://en.wikipedia.org/wiki/2015_Middle_East_respiratory_syndrome_outbreak_in_South_Korea
2. Myoung-don Oh et al (2018). Middle East respiratory syndrome: what we learned from the 2015 outbreak in the Republic of Korea. Korean J Intern Med. 2018 Mar; 33(2): 233–246. Published online 2018 Feb 27. doi: 10.3904/kjim.2018.031. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5840604/
3. Cory Stieg (2020). A coronavirus ‘super spreader’ was identified—what that means and what you need to know. https://www.cnbc.com/2020/02/11/what-is-a-coronavirus-covid-19-super-spreader-infections-explained.html
4. Novel coronavirus (COVID-19) - Frequently asked questions. https://www.health.nsw.gov.au/Infectious/alerts/Pages/coronavirus-faqs.aspx#1-3
5. Hong, T.D. et al. (2001). The effect of storage environment on the longevity of conidia of Beauveria bassiana. Mycology Reasearch 105, 597-602.
6. Hong T.D. et al. (2002). Relative humidity, temperature, and the equilibrium moisture content of conidia of Beauveria bassianqa (Balsamo) Vuillemin: a quantitative approach, Journal of Stored Products Research 38, 33-41.