17/8/2016
Một ngôi chùa cỗ ở Bến Tre (Hình minh họa, internet)
Thuở ấy tôi học lớp Ba (1955). Ba Má tôi ở nhà quê nên phải gởi con ăn cơm tháng nhà người bà con ở tỉnh để đi học. Nhà trọ nằm trong khuôn viên chùa Quang Minh nằm đối diện chợ thị xã Bến Tre, lúc bấy giờ chỉ là một cái chợ nhỏ. Hằng ngày đi học tôi phải đi băng qua cái sân chùa nơi được trồng rất nhiều cây hoa điệp vàng thành những hàng rào rậm rạm chung quang chùa. Trẻ con chúng tôi thường lục lạo các cây điệp tìm trái non để gở hột ăn chơi hoặc tìm bắt mấy con Cắc Ké Kỳ Nhông đổi màu theo màu hoa Điệp để ẩn náo.
Vô tình bọn trẻ khám phá ra người đàn ông rách rưới và con chó bịnh nằm co ro bất động trong bụi rậm ở góc chùa. Vì hiếu kỳ, bọn tôi lò mò lại gần để xem hư thực ra sao, xem ông ta sống hay chết. Con chó trông thảm thương không thua gì chủ, thân mình tả tơi đầy thương tích, đang run rẩy, hai mắt nhìn lắm lét khi thấy bóng nhiều con nít lạ. Chắc nó bị bạo hành bởi đám trẻ con nên khi thấy chúng tôi nó sợ sệt, chúi mỏ vào người đàn ông để tìm sự che chở, vô tình nó đánh thức ông ta thức dậy. Ông mở mắt nhìn đám trẻ đang lố nhố đứng nhìn. Chúng tôi hoảng sợ ù té bỏ chạy trối chết như gặp ma.
Tôi về nhà kể chuyện lại cho người lớn nghe nhưng không ai biết nhiều về ông nầy. Không ai biết tên tuổi gốc gác và gia thế của ông ta. Trước kia ông là người ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ. Nhà chùa từ bi đã để ông sống ở một góc chùa với hy vọng tiếng chuông mỏ kinh kệ đêm ngày sẽ giúp anh giác ngộ, sớm thoát khoải cái nghiệp chướng trầm luân.
Nhà chùa cho một Chú Tiểu hàng ngày mang thức ăn đến cho ông, đổ vào cái thau bằng nhôm móp méo, thức ăn mới lẩn lộn với thức ăn cũ. Phần thức ăn cũ thường đã thiêu nhưng họ ăn uống bình thường. Ông không phải đi lang thang kiếm ăn nữa.
Chư Tiểu gọi ông ta là “”Ông Khùng”. Người ta không gọi ông là “thằng” giống như gọi “thằng điên”, “thằng ăn cướp”, “thằng ăn trộm”, nhưng mà là “ông “vì ông ta hiền từ, vô hại đối với mọi người.
Ông ở tuổi trung niên, ốm nhom như bộ xương khô, bẩn thỉu hôi hám, râu tóc rối bù, mặc quần áo rách tã tơi bẩn thỉu. Nhìn ông nằm co bên con chó bịnh, cả hai trông không khác biệt nhau.
Ông ta ăn khi đói, uống khi khát, sống bằng bản năng sinh tồn của loài cầm thú. Gia sản của ông chỉ là cái áo rách và có cái thau móp méo để đựng thức ăn của nhà chùa cho.
Còn con chó thì lúc nào cũng nằm dưới chân ông vì nó không đi được, môt chân sau hình như bị gãy, nó đứng bằng ba chân, chân thứ tư co rút lên cao không chấm đất. Nó có dáng dấp của con chó cao lớn, gương mặt đẹp, có lẽ đã có một thời vàng son, xưng hùng xưng bá ở một vùng nào đó. Nay nó tàn tật, dương vật nó bị cắt đứt. Nó cứ liếm hoài vết thương đang rỉ máu trông đau đớn lắm. Nó bị đánh đập và bị các con chó khác cắn tả tơi khi nó không còn đủ sức để chiến đấu bảo vệ mình. Nó đã trốn vào chùa ẩn náo, ăn trộm thức ăn thừa của Ông Khùng để sống. Ông không phản đối. Hai kẻ khốn cùng ăn chung, uống chung, ngủ chung trong cái góc sân chùa, cái thế giới riêng biệt cách xa xã hội loài người. Trong thế giới nầy tất cã người, chó, cỏ cây, muôn loài đều bình đẳng như nhau. Tất cã đều là một.
Trong chùa không ai quan tâm đến sự hiện diện của ông, ngoài tôi, và Chú Tiểu người mang thức ăn đến cho ông.
Từ đấy mỗi hôm đi học về tôi thường tạt ngang để đứng nhìn ông khùng đang đứng bất động như một pho tượng đá trong bụi cây, vô tri, vô cảm. Tôi không hiểu tại sao tôi lại đến nhìn ông, vì hiếu kỳ hay vì muốn tìm hiểu điều gì đó. Không giống như con nít khác thích hành hạ, đánh đập, giết chóc thú vật, hoặc chọc phá những người mất trí, hình ảnh của những kẻ khốn cùng nhất trên đời nầy đã đánh thức lòng từ bi của đứa bé, đã khắc sâu vào tiềm thức mà cho đến ngày hôm nay, sau hơn 60 năm rồi tôi vẫn còn nhớ rõ.
Ông thường nhìn tôi mà hình như không để ý hoặc không thấy. Chỉ thấy ông như người thoát tục, thân xác tuy ở đây, nhưng tâm trí chìm sâu trong cỏi thiên không, huyền bí. Thời gian còn lại trong ngày ông cuộn tròn nằm ngủ vùi trong bụi cây, được che nắng mưa bằng mấy miếng carton và vải nylon, trông như cái chòi trẻ con chơi.
Khi lớn khôn tôi được đọc một ít sách về Phật giáo. Tuy kiến thức về Phật pháp còn nông cạn, hiểu biết mơ hồ, nhưng nhờ hình ảnh người ăn xin và con chó làm thí dụ điển hình đã giúp tôi hiểu được ít nhiều về giáo lý Phật. ( Như khái niệm về cái ngã, về sinh lảo bịnh tử, hỉ nộ ái ố, về tánh có và không về nhân quả luân hồi..). Ngươc lại nhờ đọc giáo lý Phật trong kinh sách bây giờ tôi có thể hiểu được nhiều điều mà ngày xưa tôi chỉ đứng trố mắt nhìn, không biết tại sao phải là như vậy. Cái duyên đã mang đến chi tôi hai vị sư phụ, Ông Khùng và con chó bịnh đã giúp tôi thấy được ít nhiều. Lúc còn trẻ con tôi nhìn mà không thấy.
Con chó chỉ sống với ông Khùng một thời gian ngắn. Một hôm nó bỏ ăn rồi chết lần mòn vì kiệt sức. Cái chết thầm lặng đến với nó, vô tư, không hối hả. Nhà chùa không muốn con chó chết trong khuôn viên chùa nên đã nhờ người ta mang nó đi trước khi nó chết. Hai người đàn ông, một già một trẻ đến, đã bỏ nó vào cái bao bố rồi gát cái bao trên đòn dông chiếc xe đạp rồi đẩy đị. Họ cười nói vui vẻ. Ông già hối thắng bé đang còng lưng đẩy xe: “Lẹ lên mầy, để nó chết thịt mất ngon đó”.
Cái nhục thể của con vật bất hạnh mà sự đớn đau nó chịu đựng bấy lâu nay đã thấm sâu vào trong xương tủy, từng sớ thịt, từng tế bào, sẽ trở thành món ăn của người khác, vô tình họ chuốc lấy nghiệp chướng vào mình!
Mùa đông sang năm. Gió chướng thổi lao xao hàng cây điệp trong sân chùa. Đêm qua gió bắc lại về, mọi người co ro vì không khí giá lạnh. Ông Khùng không bao giờ thức dậy.
Chưa đến giờ đi học mà thằng bạn đã chạy sang nhà kéo tôi chạy vội ra góc sân chùa, vừa chạy nó vừa cho tôi biết là ông Khùng chết tối hôm qua. Khi đến hiện trường thì đã có đông người tụ tập bàn tán chỉ chỏ. Mấy ông Cảnh Sát vẹt đám đông, mang cái băng ca trên có xác của Ông Khùng ra xe hồng thập tự để chở vào nhà xác. Ông nằm nghiêng, cong queo, cái tư thế đau khổ mà lúc nào ông cũng nằm khi ngủ. Ông như đang ngủ yên, thanh thản, tự tại như không có việc gì xẩy ra. Không ai quan tâm chuyện ông đã đến trên đời nầy, lại càng không ai quan tâm chuyện ông rời bỏ cỏi đời nầy ta đi. Họ chỉ làm bổn phận của họ, thanh toán một vật thể vô dụng , không cảm xúc, không nghĩ suy.
Tôi đứng nhìn ông cũng như những lần trước tôi vẫn đến để nhìn ông. Chỉ khác là ngày hôm nay ông không mở mắt nhìn lại tôi như mọi hôm. Tuy không nhìn nhưng tôi biết ông thấy được tôi, một đứa bé đang muốn nói với ông lời giả biệt và là người duy nhất trên thế giới nầy quan tâm đến sự hiện diện của ông và thấy mất mát khi ông ra đi.
Ông ra đi để lại phía sau cái xác phàm, như con bướm bay bổng vào bầu trời bao la đầy đầy hương sắc, để lại phía sau cái kén xấu xí. Tâm hồn ông nhẹ nhàng, không chút vấn vương, không mảy may luyến tiếc. Ông thanh thản ra đi, tâm thanh tịnh như mặt nước hồ thu không một gợn sống.
Có ai biết thần thức của ông sẽ đi về đâu, về thiên đàng, về cỏi cực lạc hay về một cỏi vĩnh hằng, nhưng chắc chắn rằng ông sẽ không bao giờ trở lại cái cỏi đời ô trọc ở thế giới ta bà nầy. Ông không có gì liên hệ đến nó.
Tôi đứng nhìn theo ông trong lòng có chút gì xao xuyến. Đó là lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến một người chết. Không giống những cảnh tử biệt đầy bi thảm mà tôi đã chứng kiến ở các đám ma, cái chết của Ông Khùng lại làm tôi thấy trong lòng thơ thới. Có lẽ tuy chỉ là một đứa trẻ con tôi đã cảm nhận được thế nào là giải thoát.
Cái ngã của Ông Khùng vốn không còn nữa nên cá nhân ông không màng đến chuyện tử sinh. Ông sống như cây cỏ gió mây. Cái duyên đã mang ông từ vũ trụ đến thế giới nầy. Ông ra đi để trở về với vủ trụ, với cội nguồn, là một nơi thanh tịnh mà ông không còn có tên. Trước sau, muôn đời và vĩnh cữu, ông là cỏi hư vô, nơi mà tham sân si không còn nữa. Có phải chăng đó là niết bàn mà bao người đang tìm cách đến?
Garden Grove 08/01/2016
Chú Chín Cali