Giới thiệu tóm tắt Đồng Bằng Sông Mekong
Sông Mekong chảy qua địa phận miền Nam Việt Nam chia ra hai nhánh là Tiền Giang và Hậu Giang, rồi xuôi dòng ra Biển Đông qua 9 cửa sông như hình tượng của chín con rồng, nên được gọi là Cửu Long. Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL-Mekong Delta) là một vùng đất nổi tiếng trù phú, bao gồm 13 tỉnh, thành gồm: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Thành Phố Cần Thơ. Dân số vùng này vào khoản 21.5 triệu người. Diện tích 40,500 km2 (15,600 sp mi). (Nguồn: Wikipedia-Mekong Delta- 2018).
Đồng bằng sông Cửu Long
Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng này rất nhiều điều kiện ưu đãi, khí hậu thật hiền hòa, với hai mùa mưa nắng, ít khi bị bảo tố, không bị lũ quét như khu vực miền Trung và phía Bắc Việt Nam. ĐBSCL có mạng lưới sông rạch chằng chịt, cùng hệ thống thủy lợi được mở rộng khắp nơi. Hàng năm, đến mùa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, người dân thường gọi là mùa nước “nổi” vì nước dâng lên từ từ, kéo dài suốt 2-3 tháng, sau đó lại từ từ rút xuống. Nguồn nước bạc đó đã mang nhiều phù sa bón cho ruộng đồng, tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loài thủy sản sinh sống. Nguồn lợi sông Mekong đem lại cho người dân năm nước vùng hạ lưu gồm Lào, Myanmar, Thailand, Cambodia và Việt Nam thật là to lớn. Đối với Việt Nam, ĐBSCL được mệnh danh là vựa lúa và thủy sản của cả nước. Sản lượng lúa hàng năm đạt trên 25 triệu tấn, thủy sản nuôi và đánh bắt ước tính là 3.5 triệu tấn. Nhờ sự cần cù lao động của người dân nơi đây đã làm cho Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất cảng gạo, với số lượng hàng năm 6,5-7 triệu tấn, trị giá trên 3,3 tỷ USD. Sản lượng thủy sản ước tính trị giá 6 tỷ USD. Riêng cá Tra có sản lượng nuôi lớn nhất thế giới, lên đến trên 1.4 triệu tấn, trị giá xuất khẩu hơn 2.2 tỷ USD. (Nguồn: Bộ Nông Nghiệp-PTNT VN- TCTS-VASEP 2018). Bài viết này xin được nói về nguồn lợi thủy sản mà dòng sông Mekong đã mang lại và bổn phận của người dân cần góp sức gìn giữ, bảo vệ và đền đáp những gì mà thiên nhiên đã ban tặng.
Hiện trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản
Thời gian qua, có khá nhiều báo cáo điều tra của nhiều tổ chức trong và ngoài nước về sự suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên lưu vực sông Mekong nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Nhiều hội thảo cấp quốc gia và quốc tế do những tổ chức như: MRC, IMF, WAR, WWF, FAO, WB, Danida…đã chỉ ra những nguyên nhân, đưa ra nhiều giải pháp để bảo tồn, ngăn chặn đà giảm sút nguồn lợi này. Ngoài nguyên nhân khách quan do thiên nhiên như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, nguyên nhân chủ yếu là do con người gây ra. Từ việc Trung Quốc ngăn đập làm thuỷ điện phía thượng nguồn, đã làm cản trở việc di cư sinh sản, phá hủy các bãi đẻ tự nhiên của nhiều loài cá kinh tế; đến việc tàn phá rừng gây lũ quét; khô hạn, mực nước sông Mekong bị giảm thấp, làm gia tăng xâm nhập mặn; do áp lực tăng sản lượng lương thực, đắp đê ngăn lũ làm lúa 3 vụ; sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trong nông nghiệp; việc khai thác bừa bãi bằng nhiều phương tiện có tính tận diệt; xã thải các hóa chất độc hại từ những nhà máy, khu công nghiệp, khu đô thị không qua xử lý ra sông…Tất cả điều đó đã làm biến đổi, ô nhiễm môi trường, phá vỡ cân bằng sinh thái, dẫn đến hậu quả đã làm sản lượng thủy sản ngày một giảm sút, không những giảm về số lượng mà còn giảm về kích thước, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều loài cá có kích thước khá lớn như cá Hô, cá Tra Dầu, cá Bông Lau, cá Leo, cá Vồ Cờ , cá Lăng…, các loài cá quí như: cá Trà Sóc, cá Sửu, cá Bống tượng và hiếm như cá Nược (cá Heo nước ngọt)… đang dần biến mất. Trước đây, người dân đã từng đánh bắt được nhiều con cá có trọng lượng “khủng”, nặng lên đến hàng trăm kilô, nhưng đến nay rất hiếm khi bắt được, hoặc chỉ bắt được những cá thể có kích thước nhỏ hơn rất nhiều mà thôi. Nhiều loài cá đã được ghi vào sách đỏ, cấm khai thác, nhưng vẫn bị đánh bắt và mua bán một cách công khai như cá Hô vàng, cá Trà Sóc, cá Tra Dầu, cá Vồ Cờ.
Ảnh minh họa: Một số cá có trọng lượng “khủng”
Cá Hô vàng
Cá Tra dầu Cá Sửu
Cá Lóc Bông Cá Lóc (đen)
Cá bộng lau Cá vồ cờ
Cá bống tượng Tôm càng xanh
Rõ nét nhất là sự suy giảm nghiêm trọng quần thể tự nhiên của những loài cá “trắng”, tôm càng xanh, trong đó điển hình là con cá Linh, đây là một loài cá có kích thước khá nhỏ, như cá cơm, sống tập trung thành từng bầy, thường xuất hiện vào đầu mùa mưa, là mùa sinh sản của đa số các loài cá. Người dân thường đánh bắt cá rộ khi nước từ Biển Hồ- Cambodia tràn về (tháng 6-7, mùa cá Linh non) và lúc nước từ những cánh đồng ngập lũ bắt đầu rút xuống (tháng 8-9, mùa cá Linh già). Nếu đứng trên đỉnh núi Sam (Châu Đốc) trong mùa nước “nổi”, bạn sẽ thấy một biển nước mênh mông, ngập tràn các cánh đồng suốt trong 2-3 tháng, bao phủ một vùng rộng lớn. Là môi trường sống lý tưởng cho các loài cá, tôm.
Ảnh minh họa: Cánh đồng ngập nước mùa lũ ở Tịnh Biên, An Giang
Khai thác cá mùa nước “nỗi”
Thời điểm những năm 1980 trở về trước, vùng An Giang và Đồng Tháp, là hai tỉnh có nguồn nước ngọt quanh năm, nguồn lợi cá Linh rất lớn, ước khoản hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Mùa cá “chạy” là lúc từng đàn cá theo luồng nước từ những cánh đồng ngập lũ tuôn ra các sông rạch. Mỗi ngày một giang đáy có thể đánh bắt được hàng chục đến hàng trăm tấn, có khi đàn cá quá nhiều, người dân phải tháo bỏ “đục” (túi rọ gom cá), hoặc cắt lưới cho cá tuông ra bớt vì không đủ sức chứa, có thể cuốn trôi cả giang đáy. Thời kỳ đó cá.Linh, cá Lòng Tong, cá Chốt, cá Sặc… là những loài cá cở nhỏ, nhiều vảy và xương, có giá rẽ mạt, thường dùng làm mắm, nước mắm, phơi khô, làm mồi nuôi cá Lóc bông, thậm chí làm phân bón. Cá Linh trước đây là một món ăn bình dân, dành cho người nghèo, thì giờ đây, đã trở thành một món như là “đặc sản” cho du khách, ghi trên thực đơn nhà hàng với các món dân dã ngày nào như cá Linh kho mía, cá Linh tẩm bột chiên, canh chua cá Linh.
Đánh bắt cá Linh
Tập tính sinh sản và nguồn giống thiên nhiên cá Tra, cá Basa
Nguồn giống thiên nhiên cá Tra, cá Basa cũng tập trung xuất hiện vào đầu mùa mưa. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về, dâng lên ngập Biển hồ (Tonlé Sap- Cambodia), bao phủ các cánh đồng, bãi cồn đầy lau sậy, lùm cây, trải rộng diện tích gấp 2-3 lần so với mùa khô, tạo thành các bãi đẻ thiên nhiên cho cá.
Ảnh minh họa: Biển hồ Tolé Sap
Tập tính sinh sản của cá Basa là ưa thích dòng nước chảy mạnh, sẽ bơi từ vùng hạ lưu, đi ngược dòng lên Kratie, Tungsten đến Champasak- Hạ Lào, dừng chân nơi có nhiều ghềnh thác lớn như dãy thác hùng vĩ Khone Phapheng, nước chảy xiết, có nhiều bụi lùm, rể cây dọc ven sông, là điều kiện thiên nhiên thích hợp cho cá Basa sinh sản.
Thác Khone Phapheng-Hạ Lào
Trứng cá Tra, cá Basa có đặc tính dính, sẽ bám vào các gía thể thủy sinh, sau khi nở, cá bột, cá con theo dòng nước lũ, xuôi về hạ lưu. Cá Basa do đẻ tận vùng thượng nguồn, qua chặng đường di chuyển dài, khi trôi về đến ĐBSCL thì cá con đã lớn cở bằng ngón tay cái, trong lúc cá Tra chủ yếu đẻ ở vùng Biển hồ, phía hạ lưu, khi trôi về có kích thước rất nhỏ, chỉ bằng cọng chân nhang (gọi là cá bột). Những giang đáy vùng đầu nguồn, giáp biên giới Cambodia như Tân Châu, Hồng Ngự, Bắc Đai, Vĩnh Trường, Vĩnh Hội Đông đã từng bắt được hàng tỷ cá Tra bột, hàng trăm ngàn cá Basa giống mỗi năm. Nhưng giờ đây, nguồn cá này hầu như bị cạn kiệt, cho dù nghề đóng đáy, vớt cá “bột” trên sông đã bị cấm khai thác từ lâu (1994). Các cơ quan chức năng Việt Nam đã có qui định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, như cấm các phương tiện khai thác cá hủy diệt; cấm đóng đáy bắt cá giống; qui định cở mắt lưới đánh bắt, mùa vụ được phép khai thác ở một số thủy vực nhất định; qui định về xử lý chất thải; bảo vệ môi trường sinh thái, nhưng nhìn chung vẫn chưa có hiệu quả, việc thực thi pháp luật khá lỏng lẻo, người vi phạm không bị xử phạt thích đáng, môi trường vẫn tiếp tục bị xâm hại. Do đó không đủ sức ngăn chặn đà suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản thiên nhiên.
Nuôi cá Tra, cá Basa: cơ hội và thách thức
Từ năm 1995 đến nay, nhờ cho đẻ con giống cá Tra, cá Basa bằng sinh sản nhân tạo, số lượng lớn, đã giúp cho nghề nuôi cá Tra, cá Basa phát triển rộng khắp vùng ĐBSCL, góp phần tăng sản lượng thủy sản đáng kể, cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Do cá Basa chỉ nuôi trong bè nước chảy, diện tích hẹp, thời gian nuôi dài đến 12-14 tháng, con giống nhân tạo sinh ra ít (80,000- 100,000 trứng), có giá thành cao, bụng chứa nhiều mở, tỷ lệ thịt thấp nên bất lợi khi chế biến fillet. Ngược lại, cá Tra cho đẻ dễ dàng hơn, có sức sinh sản cao, từ 500,000 đến một triệu trứng/cá mẹ, nên giá cá giống khá rẽ, cá được nuôi trong điều kiện ao hồ với mật độ cao, năng suất đạt trên 300 tấn/ha, thời gian nuôi ngắn, chỉ 7-8 tháng. Do đó, từ năm 2000, người dân đã chuyển sang nuôi chủ yếu cá Tra để xuất khẩu. Sản lượng mỗi năm đạt trên 1.4 triệu tấn. Nghề nuôi cá Tra đã trở thành một ngành sản xuất có qui mô công nghiệp, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Nhiều doanh nghiệp lớn, do yêu cầu truy xuất nguồn gốc cá nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu khắc khe về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, nên đã khép kín sản xuất, từ việc nhân giống, có vùng nuôi riêng rộng hàng trăm hecta, có nhà máy tự sản xuất thức ăn, nhà máy đông lạnh chế biến cá xuất khẩu. Kể cả chế biến phụ phẩm như đầu, xương, mở cá, tạo thành chuổi sản xuất khép kín. Các ngành hậu cần, dịch vụ đi kèm như cung cấp thuốc thú y, phương tiện vận chuyển cá sống, giao nhận hàng xuất khẩu … cũng phát triển, đã thu hút hàng chục ngàn lao động. Kim ngạch xuất khẩu cá Tra hàng năm đạt trên 2.2 tỷ USD. Nhưng bên cạnh đó, các vùng nuôi cá Tra qui mô công nghiệp đã thải ra môi trường một khối lượng không nhỏ các chất có hại từ cặn bã đáy ao, phân cá (H2S, NH3, NH4…), đã tăng thêm phần gây ô nhiễm dòng sông. Các trại sản xuất cá giống, do chạy theo lợi nhuận, có lúc đã thúc ép, kích thích cho đẻ những cá bố mẹ chưa đủ tuổi thành thục, cá mẹ chỉ 3-4 tuổi, trọng lượng nhỏ 3-4 kg, nên chất lượng đàn cá giống thấp, tỷ lệ sống trung bình chỉ còn 10%, hao hụt đến 90%. Nguy cơ cận huyết, cá con bị dị tật, thoái hóa gia tăng. Sau đó, cá còn tiếp tục bị hao hụt trong quá trình nuôi thương phẩm, có lúc lên đến 40%. Đồng thời, việc sử dụng thuốc kháng sinh cấm (như chloramphenicol, nitrofuran, green malachite, cypro, enrofloxacin..) để phòng trị bênh cá nuôi chưa được kiểm soát chặt chẻ, nhiều lô hàng đã bị cơ quan kiểm dịch của nước nhập cảng phát hiện, cấm nhập khẩu hoặc phải tiêu hủy đã gây thiệt hại cho không nhỏ doanh nghiệp và người nuôi. Ngoài ra, do cạnh tranh thị trường, việc phát triển ồ ạt vùng nuôi đã làm mất cân đối cung cầu, giá thường bị biến động. Một số thị trường như Âu Châu, Bắc Mỹ, có những qui định nghiêm ngặc về chất lượng, đánh thuế chống bán phá giá, đã làm cho doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, người nuôi thường đối mặt nhiều rủi ro. Nhiều người đã bị phá sản, tù tội, bỏ nghề. Đây là một thách thức lớn của ngành sản xuất cá Tra.
Nuôi và thu hoạch cá Tra
Thả cá ra sông
Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, các hội đoàn địa phương một số tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long…đã phát động những đợt thả cá về thiên nhiên nhân ngày truyền thống nghề cá 01/4 hàng năm. Hàng chục tấn cá, hàng trăm ngàn con giống các loại đã được thả ra sông. Nhiều hội đoàn tôn giáo, tổ chức từ thiện, cá nhân thiện nguyện như nhóm Lưu Long Giang (Thanh Bình, Đồng Tháp), đã nhiều lần phóng sanh cá vào các ngày rằm, dịp lễ, Tết. Anh Tống Minh Chánh, chủ trại giống cá Hai Chánh (Phú Tân, An Giang), hàng năm cũng đã tự nguyện dành 10% lượng cá Tra, cá Basa sinh sản để thả về thiên nhiên. Những việc làm này là rất đáng khuyến khích, cần nhân rộng, thể hiện lòng nhân ái đối với thiên nhiên.
Ảnh minh họa: Thả cá ra sông
Việc phục hồi lại nguồn lợi thủy sản là một việc làm lâu dài, là trách nhiệm và bổn phận của mọi người, nhất là những người đang tham gia vào chuỗi sản xuất, khai thác, kinh doanh thủy sản, hưỏng lợi từ nguồn lợi sông Mekong, thì cần phải có bổn phận gìn gữi, bảo vệ, tái tạo để nguồn lợi này được phát triển bền vững.
Làm sao cho đúng?
Những lễ “Hội thả cá” không nên chỉ tập trung vào những ngày nhất định (01, tháng 4), mà cần phải làm thường xuyên, từ số lượng nhỏ, đơn lẽ, tự phát, dần trở thành một nghĩa vụ, thói quen của người dân. Nên thả cá trong mùa mưa, có nhiều thức ăn tự nhiên cho cá, không nhất thiết chỉ tập trung vào thời điềm tháng 4 vì đang là mùa khô, thời tiết nắng nóng, có nơi bị nhiễm phèn, không thuận lợi. Việc tuyền truyền rộng rãi để nâng cáo ý thức bảo vệ thiên nhiên cho người dân là một việc làm cần thiết, nhưng không nên hô hào phát động mang tính phong trào, chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất thời. Tại buổi thả cá, cũng không nên nặng về hình thức, phô trương, long trọng hóa, mà xem đó là một việc làm bình thường, thậm chí có phần kín đáo. Nơi thả nên xa khu dân cư để ít người chú ý, vì có thể sau đoàn ghe thả cá với băng, cờ, khẩu hiệu rình rang thì sẽ có những chiếc ghe khác âm thầm, vô tư thả lưới bắt lại cá sau khi mới thả. Cần xác định mục đích thả ra sông là để đàn cá được bơi lội tự do, sinh sôi nẩy nở trong tự nhiên, chứ không phải làm để lấy thành tích. Các hội đoàn tôn giáo thả cá phóng sanh, tạo công đức cho tín đồ là rất đáng hoan nghênh, nhưng nên lưu ý cách thức thả cá, chọn lúc trời mát, cần thả từ từ, nhẹ nhàng, nên có máng cho cá trượt xuống nước, tránh quẳng mạnh cả rổ cá xuống sông, vì cá sẽ dễ bị sốc môi trường, nhất là cá còn nhỏ, có thể vô tình làm sát hại cá, mất đi ý nghĩa tâm linh.. Về đối tượng, nên chọn cá phù hợp, dễ thích nghi môi trường, không thả những cá bị dịch bệnh, còi cọc, yếu đuối, không thả cá kiểng có màu sắc sặc sỡ, vì sẽ dễ làm mồi cho cá khác và cá được thả sẽ không thể tồn tại lâu dài trong môi trường thiên nhiên. Phóng sinh thiếu hiểu hiết sẽ có tội nhiều hơn được phước.
Kinh nghiệm cá nước về bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thiên nhiên
Những nước phát triển như Nhật Bản, EU, Bắc Mỹ, họ có thói quen khi thu hoạch nông sản, chủ trang trại còn chừa lại một phần nhỏ diện tích cánh đồng để cho chim, thú đến ăn. Các nước như Mỹ, Canada, Úc… đều có có những qui định rất nghiêm ngặt về khu vực, thời vụ, kích thước, số lượng thủy hải sản được phép khai thác. Ngay cả người câu cá giải trí cũng phải mua giấy phép (fishing license, từ 10-100 USD tùy thời gian câu), nếu câu được cá cái, cá nhỏ hơn qui định, hoặc cá lớn đã được đánh dấu bảo tồn thì phải thả lại, nếu không họ sẽ bị cảnh sát môi trường phạt rất nặng đến cà nghìn USD, thậm chí phải ra tòa và còn bị ghi “vết nhơ”vào lý lịch. Những nước trên thế giới, nơi có cá Hồi (Salmon) sinh sống, đều có hành động thả cá Hồi con về lại môi trường. Viêc thả cá của họ được làm một cách tự nguyện, thường xuyên, xem như là một việc làm bình thường để tái tạo nguồn lợi thiên nhiên và khá chuyên nghiệp. Tại các Bang như Alaska, California-Hoa Kỳ, có những trung tâm sinh sản cá giống qui mô khá lớn, nằm gần bãi cá đẻ cá Hồi, ở thượng nguồn, chuyên lấy trứng, cho thụ tinh nhân tạo, sản xuất cá giống chỉ dành để thả về thiên nhiên. Hàng năm, các trung tâm dưỡng ngư này đã thả số lượng 30-40 triệu cá Hồi con về lại biển. Cá Hồi là loài cá sống ở biển, có loại hoàn toàn ở nước ngọt, hàng năm, khi tới mùa sinh sản, cá từ biển sẽ trở về sông, suối, tìm đến chính bãi đẻ nơi mà chúng đã sinh ra. Trên đường di cư trở về, có khi xa cả mấy ngàn dặm, nếu có các đoạn gềnh thác cao, hay đập chắn, chúng vẫn tìm mọi cách để vượt qua, về đúng bãi đẻ của chúng. Sau khi đẻ xong, cá Hồi bố mẹ bị kiệt sức rồi chết vì không ăn gì suốt quảng đường đi. Cá con sau khi nở, sống ở môi trường nước ngọt vài năm, sau đó chúng quay trở lại môi trường biển để sinh sống. Trên đường trở ra biển cũng lắm chông gai, bị địch hại, hao hụt rất nhiều. Chu trình di cư, sinh sản cá Hồi rất vất vả, thật là “đau thương”, nên tỷ lệ cá sống sót rất thấp, chỉ 3-5%. Vì thế, nhiều nước có nguồn cá Hồi sinh sống, đều thực hiện việc việc thả cá con về thiên nhiên nằm tránh sự cạn kiệt, tái tạo đàn cá cho thế hệ sau. Ngay cả nước lân cận Cambodia, từ lâu đời, họ cũng đã có qui định cấm khai thác cá ở Biển hồ trong mùa sinh sản. Nay đã trở thành thói quen của người dân, ý thức bào vệ nguồn lợi thiên nhiên rất đáng để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm.
Cải thiện nguồn giống nhân tạo và hành động tái tạo nguồn lợi
Hiện nay, đối tượng nuôi phổ biến và có số lượng lớn nhất trong vùng ĐBSCL là cá Tra. Hầu như tất cả các địa phương đều có nuôi loại cá này. Từ ao vườn nhỏ gia đình đến các vùng nuôi qui mô công nghiệp rộng lớn. Cá Tra là một trong những loài cá bản địa, dễ cho đẻ nhân tạo, số lượng giống khá nhiều, là loài ăn tạp thiên về thực vật, có thể thích nghi môi trường nước lợ (0.3-0.5%) như ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Mỗi năm các trại giống cá Tra trong vùng cho ra đời khoản 30 tỷ cá bột, tỷ lệ sống trung bình là 10%, số cá giống thu được khoản 3 tỷ con, (cở 0.5-1 cm, 60-80 con/kg). Nếu chỉ cần dành một tỷ lệ nhỏ, ít nhất là 1% để thả ra môi trường, thì sẽ có được số lượng 30 triệu con, trọng lượng vào khoản 500 tấn. Do tình trạng đánh bắt bừa bãi, lưới giăng khắp nơi, chỉ hy vọng tỷ lệ sống sót là 3-4% đến lúc trưởng thành. Sau một năm, cá có trọng lượng trung bình 1-2kg/con, thì thiên nhiên sẽ có thêm được khoản 4-500 tấn cá. Với giá con giống là 23,000 đồng VN/kg (tương đương 1USD/kg), thì trị gíá cá thả vào khoản 500,000 USD.
Thiết nghĩ con số ước tính trên là không lớn so với những gì mà sông Mekong đã đem lại cho người dân. Các chủ trại ép cá nhân tạo, ương cá giống, chỉ cần chọn cá bố mẹ khỏe mạnh, đủ tuổi thành thục, trọng lượng 8-10kg/con, áp dụng kỹ thuật nuôi vỗ, chăm sóc tốt, có thể nâng được tỷ lệ sống của cá từ 10% lên 15-20% hoặc hơn, thì việc dành lại một vài phần trăm cá giống để thả ra sông là một chuyện không quá khó, thừa khả năng để làm. Các chủ doanh nghiệp chế biến thủy sản chỉ cần trích lại một tỷ lệ nhỏ lợi nhuận (0.5-1%) từ hàng tỷ USD xuất khẩu cá Tra, để hưởng ứng, tham gia đóng góp tài chính cho các tổ chức, đơn vị thiện nguyện, các hội đoàn tôn giáo đang hoạt động thả cá, phóng sanh, thì sẽ có đủ nguồn kinh phí, giúp họ thực hiện được ý nguyện của mình.
Ca Tra giống
Ca Tra (nuôi)
Ngoài cá Tra, một số đối tượng khác như cá Mè Vinh, cá Sặc Rằn, cá Trê (lai), Rô Phi…cũng là loài cá dễ cho sinh sản, dễ nuôi và dễ thích nghi điều kiện môi trường. Khi được thả về thiên nhiên, có thể góp phần bổ sung vào quần thể cá, cân bằng hệ sinh thái trong khu vực.
Cá mè vinh
Cá sặc rằn
Cá Trê (lai)
Đề xuất:
Nên chăng, cần thành lập một quỹ có tên “Quỹ Thả Cá Về Thiên Nhiên” (Tiếng Anh: Fish Release Fund for Nature, viết tắt: FRF), tương tự như Quỹ bảo vệ động vật hoang dã-WWF, để các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ trong và ngoài nước có thể đóng góp một cách thuận tiện, công khai, rõ ràng. Quỹ này sẽ được huy động từ nhiều nguồn, bằng nhiều hình thức như: hiện vật: là các loại cá giống do các chủ trại tham gia cung cấp; hiện kim: do các doanh nghiệp đóng góp. Ngoài ra còn huy động công sức, tri tuệ, từ các tổ chức thiện nguyện, tình nguyện viên khắp nơi, để giúp đỡ, tài trợ cho các hội đoàn, các tổ chức đang hoạt động thả cá về thiên nhiên đạt được kết quả thiết thực hơn. Liên kết với các trại cá giống hiện có trong khu vực, cung cấp nguồn giống cần thiết cho việc thả cá, hoặc thành lập Trung tâm chuyên sản xuất cá giống để thả về tự nhiên như một số nước đã làm. Trang bị đầy đủ các phương tiện vận chuyển, thả cá phù hợp, hoạt động thường xuyên, mang tính chuyên nghiệp, tạo điều kiện sống cho đàn cá được thả một cách hiệu quả nhất. Lời kết: Những gì thiên nhiên đã ban cho chúng ta thì chúng ta cần phải trân trọng và có bổn phận đền đáp lại như câu nói: “Uống nước, nhớ nguồn”. Dòng sông Mekong đã bao năm đem đến nguồn lợi cho người dân ĐBSCL, mang lại sự thịnh vượng cho vùng đất này, nhưng chúng ta đã khai thác gần như cạn kiệt, không đền đáp tương xứng mà trái lại, đã hủy hoại không thương tiếc môi trường thì hậu quả sẽ rất khốc liệt cho các thế hệ mai sau. Đó là qui luật của sự “Nhân, Quả”. Nhiều tổ chức Quốc tế, Viện nghiên cứu, Trường Đại học, giới chuyên môn đã lên tiếng và người dân sống trong vùng này đều đã nhận biết rất rõ tình trạng suy giảm đáng quan ngại nguồn thủy sản thiên nhiên. Ủy Ban Sông Mekong đã dự báo còn nhiều vấn đề đang diễn ra, sẽ ảnh hưởng xấu đến hạ lưu sông Mekong và ĐBSCL trong tương lai không xa do Trung Quốc xây quá nhiều đập thủy điện phía thượng nguồn. Tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn phía hạ lưu sẽ hiện hữu. Mùa nước lũ sẽ không còn về đồng bằng và nguồn lợi thủy sản thiên nhiên sẽ cạn kiệt. Người dân trong vùng cũng đã có những hành động tích cực để khôi phục lại nguồn lợi thủy sản nhưng cần sự nổ lực nhiều hơn nữa, tổ chức bài bản, khoa học hơn, kêu gọi cả cộng đồng trong và ngoài nước cùng tham gia. “Quỹ thá cá” không mong sẽ khôi phục lại được nguồn lợi như ngày xưa, nhưng hy vọng sẽ góp phần làm chậm lại đà suy giảm nguồn lợi. Đó là một việc làm thiết thực đề tái tạo và đền đáp lại duyên lành của sông Mekong đã hào phóng ban cho chúng ta./.
California, August 16, 2019 Nguyễn Phước Bửu Huy (TS K1-75) Email:npbh57@gmail.com
Ghi chú: DANH MỤC MỘT SỐ LOÀI THỦY SẢN NƯỚC NGỌT TIÊU BIỂU
Số TT -Tên Địa Phương VN- Tên Khoa Học - Tên Tiếng Anh - Mã số
01 Tra Vồ Đém Pangasianodon hypophthalmus P. larnaudii Swai 001A 001B 02 Basa Pangasius bocourti Bocourty 002 03 Rô Phi Oreochromis niloticus Tilapia 003 04 Mè Vinh Barbonimus gonionotus Silver Barb 004 05 He Puntius altus Puntius 005 06 Chép Cyprinus carpio Carp 006 07 Chài Leptobarbus hoevenii Lepto Carp 007 08 Lóc Oplicephalus striatus Snake Head fish 008 09 Trê Clarias macrocephalus Broadhead fish 009 10 Ngát Plotosus anguillaris Catfish 010 11 Mè Hypophthalmichthys harmandi Silver Carp 011 12 Trắm cỏ Ctenopharyngodon idella Grass Carp 012 13 Bống tượng Oxyeleotris marmorata Marble Goby 013 14 Thát Lát Notopterus notopterus Featherback 014 15 Nàng hai Chitala ornata Clown featherback 015 16 Duồng (Trôi) Cirrhinus microlepis Small-scale River Carp 016 17 Linh (ống) Linh (thủy) Henicorhynchus siamensis Corrinius lobatus Siamese Mud Carp 017A 017B 18 Lăng Nha Mystus wyckioides Red Tail Catfish 018 19 Leo Wallago attu Giant sheatfish 019 20 Dãnh Puntioplites falcifer Silver Barb 020 21 Sặc rằn (Bổi) Sặc bướm (Điệp) Trichogaster pectoralis T. trichopterus 021A 021B 22 Tai Tượng Osphronemus goramy Giant gorami 022 23 Rô đồng Anabas testudineus Walking fish 023 24 Chốt sọc Chốt giấy Mystus mysticetus M. alboloneatus Small catfish 024A 024B 25 Cá Ét mọi Morulius chrysophekadion Black sharkminnow 029 26 Cá Sửu Boesemania microlepis Giant Silver Croaker 026 27 Cá Chạch Lấu Mastacembelus favus Tire Track Eel 027 28 Cá Hô đất Catlocarpio siamensis Giant Mekong Barb 028 29 Tôm càng xanh Macrobrachium rosenbergii Scampi 029 Nguồn tham khảo: 1. https://khohoc.tv/han-han-nang-my-cho-30-trieu-con-ca-hoi-ra-bien-52525 2. https://baomoi.com/an-giang-tha-hon-15-tan-ca-ban-dia-ve-moi-truong-thiennhien/c/31792558.epi 3. https://kenhthoitiet.vn/can-canh-danh-bat-ca-linh-mua-lu-o-mien-tay-114457/ 4. http://www.mrcmekong.org/assets/Publication/technical/Tech-10-VN.pdf 5. https://tepcac.com/document/full/639/so-tay-tra-cuu-danh-muc-va-hinh-anhcac-loai-ca-nuoc-ngot-o-dbscl.htm 6. https:/images.app.goo.gl/JNxkENkpFndRHDYW8 7. https:www.facebook.com/16151732068712/posts/.1632438807008871/. 8. htpps://mobile.coviet.vn/detail.aspx?key=song+Cửu+Long&type+A0 9. https:sie-vast.vn/posts/297-tha-ca-ve-thien-nhien-lam-sao-cho-dung/vi 10. http://baoangiang.com.vn/tha-ca-ve-tu-nhien-hanh-dong-can-nhan-ronga133808.html 11. http://thuysanvietnam.com.vn/dong-thap-tha-hon-500-kg-ca-ve-thien-nhienarticle-21246.tsvn 12. https://baocantho.com.vn/hop-tac-bao-ton-nguon-loi-thuy-san-luu-vuv-songmekong-a17484.html 13. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/.Sea_and_freshwater_resources_inMe kongDelta_facing_danger_TVan-20061104.html 14. https://images.app.goo.gl/8wxs3dTSrJJBWP7A 15. https://images.aoo.goo.gl/dxycDFWm9CKeG2Gh6 16. https://vi.wikipedia.org/wiki/Đồng_bằng_sông_Cửu_Long 17. https://m.nongnghiep.vn/ca-tra-basa-tu-cho-que-di-ra-the-gioi-post233236.html 18. https://en.wikipedia.org/wili/Mekong_Delta 19. https://soha.vn/ten-tieng-anh-cua-ca-ho.html 20. htpps://en.wikipedia.org/wiki/Tonle1-Sap 21. htpps://vnexpress.net/the-gioi/di-cau-o-my-2206195.html 22. https://vi.wikipedia.org/wili/Thác_Khone 23. https://en.wikipedia.org/wiki/Tonle_Sap 24. www.pnas.org/cgi/doi/10.1073/pnas.1201423109. 25. Vietnam Fisheries and Aquaculture Sector Study. Final Report.Ministry of Fisheries and the World Bank. Feb. 16, 2005. 26. www.redlist.org 27. David Coates. Jan.2001. Biodiversity and Fisheries Management Opportunities in the Mekong River Basin. 28. Philippe Cacot. Induced ovulation of Pangasius bocourti (Sauvage, 1880) with a progressive HCG treatment. 2002. 29. Philippe Cacot, Le Thanh Hung. Overviwe of the Catfishes Aquaculture. Fisheries and aquaculture –Vol III. 30. Philippe Cacot. 1999-Etude du cycle sexuel et maitrise de la reproduction de Pangasius bocourti (sauvage, 1880) et P.hypophthalmus (sauvage,1878) dans le delta du Mékong au Viet-Nam. (http://www.theses.fr/1999INAP0024. 31. Martin van Brakel, John Hambrery and Stuart Bunting. Mekong-Inland fisheries and aquaculture.2011.(Foresight Project on Global Food and Farming Futures-Regional case study:R6) 32. Brooke Peterson and Carl Middleton, Internatinal Rivers. “Feeding Southest Asia: Mekong River Fisheries and Regianal Food Security”. 2010 33. N.A.Tuan, N.T.Phuong, H.P.Hung and J.Y.Weigel. Marine Fishing Industry in the Mekong Delta, Vietnam: Present status and recommendations for future development. 34. Tuan N.A and N.T.Phuong.1994.Aquaculture in Mekong Delta: Present status and Potential. 35. Trương Thị Nga, Nguyễn Công Thuận và Nguyễn Minh Thư- Hiện Trạng khai thác và nhận thức của người dân về chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Ấp Bình an-Thạnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Tạp chí khoa học. Trường Đại Học cần Thơ. 2007:7 112-120 36. Bernama. Mekong Newsfriday, April 03/2015. Mekong Delta releases fish and shrimp on fishery day. 37. Wikipedia. Mekong Delta 38. Ủy Ban sông Mekong-MRC. 2004. Phân bố và sinh thái một số loài cá sông quan trọng ở hạ lưu sông Mekong. 39. MRC-No 6. May, 2002. Fisheries in the Lower Mekong Basin: Status and Perspectives. 40. Mekong River Commission. Status of the Mekong. Pangasisnodon hypophthalmus resources, with special reference to the stock shared between Cambodia and Vietnam. April 2002. 41. Như Anh, Trần Lĩnh. Hệ sinh thái lưu vực sông Mekong đối mặt với những thách thức lớn. 08:53 25/03/2018 42. Nơi cá Tra-cá Basa sinh sản- Youtube. Mekongculture.com nh bắt Ca 1Linh
|